Sống chung với… vi khuẩn

(Ngày Nay) - Vượt qua mặc cảm và nỗi sợ lây nhiễm, kỹ thuật viên xét nghiệm lao gắn bó trọn đời với công việc nguy hiểm này.
Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Kim Loan đang thống kê những lọ chứa đàm của người bệnh.
Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Kim Loan đang thống kê những lọ chứa đàm của người bệnh.

Trước khi chúng tôi bước vào khoa Vi sinh của BV Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), TS-BS Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc bệnh viện, đưa hai khẩu trang và nói: “Khoa đó đầy vi trùng, anh nên mang hai cái cho an toàn”.

Quả thật, vừa bước vào khoa chúng tôi muốn dội ngược khi thấy hàng trăm lọ nhựa chứa đàm nhầy nhụa của bệnh nhân để trên bàn. Một kỹ thuật viên (KTV) quần áo kín mít, mang găng tay và khẩu trang đang ghi mã số trên từng lọ chứa đàm. Gần đó, hai KTV trong trang phục bảo hộ đang soi đàm để tìm vi khuẩn.

Vượt qua buồn tủi

Bà Trần Thị Kim Quy (43 tuổi, KTV trưởng thuộc khoa Vi sinh) nhìn chúng tôi rồi nói: “Lúc mới vô nhận việc, về tới nhà tôi ăn cơm không vô vì hình ảnh đàm mủ xanh, đỏ của bệnh nhân cứ lởn vởn trước mặt”.

“Đâu chỉ vậy. Do bệnh nhân lao vẫn còn bị kỳ thị nên KTV xét nghiệm lao như tôi cũng bị vạ lây. Nhiều người hỏi tôi làm gì, tôi nói xét nghiệm lao là họ đánh trống lảng rồi quay lưng đi. Chưa hết, dự tiệc tùng thấy tôi ngồi bàn nào là vài bạn bè thân thiết trước đây ngó lơ và tìm chỗ khác. Còn nữa, có người bạn nói thẳng với tôi rằng bao nhiêu chỗ không làm mà sao lại chui đầu vô chỗ đầy vi trùng lao. Nói thật, nhiều lúc tôi buồn tủi lắm!” - bà Quy trải lòng.

Thời gian đầu vừa sợ vừa bị người khác coi thường công việc nên bà Quy nhiều lần muốn nghỉ việc. Bà tự nhủ cố gắng làm hai năm cho có kinh nghiệm rồi tìm việc làm ở bệnh viện khác.

“Thế nhưng sau hai năm, công việc của một KTV xét nghiệm đã giúp phát hiện ra vi khuẩn lao để bác sĩ nhanh chóng điều trị cho bệnh nhân khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Tôi không còn buồn tủi khi thấy có người tỏ thái độ không thân thiện. Tôi đã thực sự yêu công việc đang làm trong hơn 20 năm qua rồi” - bà Quy nói.

Kiếp sau vẫn chọn công việc này

Làm việc tại khoa Vi sinh 20 năm, bà Nguyễn Thị Kim Loan (55 tuổi) chứng kiến khá nhiều KTV xét nghiệm xin nghỉ việc do mặc cảm, không chịu nổi công việc quá vất vả lại luôn tiếp xúc vi khuẩn lây nhiễm.

“Bệnh nhân rất cần kết quả xét nghiệm để có phác đồ điều trị thích hợp mới mau khỏi bệnh. Do vậy phải có người làm công việc mà chẳng ai muốn làm này. Vì thế, tôi và 50 KTV của khoa lặng lẽ làm bạn với hàng triệu con vi khuẩn lao mỗi ngày. Nhiều lúc tôi nghĩ công việc này đã dành cho mình thì mình phải làm tròn” - bà Loan chia sẻ.

“Tôi có một kỷ niệm rất vui. Một bệnh nhân sau khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính đã ôm chầm lấy tôi mừng rỡ. Bệnh nhân này cho biết trước đây một số người ở khu phố nghĩ chị bệnh lao nên ngại tiếp xúc khiến chị tự ti. Nay kết quả xét nghiệm khẳng định không bị lao nên chị rất vui và không sợ bị kỳ thị nữa. Không chỉ tôi, nhiều KTV tự nhủ nếu có kiếp sau thì vẫn chọn công việc của một KTV xét nghiệm lao” - bà Loan bộc bạch.

Sống chung với… vi khuẩn ảnh 1Kỹ thuật viên Trần Thị Kim Quy đang quan sát mẫu bệnh phẩm. 

Từ “lầm lũi làm lao” đến “lóng lánh làm lao”

BS Phạm Thu Hằng, Trưởng khoa Vi sinh BV Phạm Ngọc Thạch, cho biết bệnh nhân lao hầu như chỉ biết đến bác sĩ khám bệnh, điều dưỡng chăm sóc chứ không quan tâm tới KTV xét nghiệm. Vì thế, công việc của KTV xét nghiệm hết sức lặng lẽ, âm thầm. “Do vậy mọi người có câu nói “lầm lũi làm lao”, hàm ý đề cập đến công việc thầm lặng của KTV xét nghiệm lao” - BS Hằng trải lòng.

Theo BS Hằng, công việc của KTV xét nghiệm lao lặng lẽ là thế nhưng yêu cầu phải chính xác. Chỉ một sai sót nhỏ sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân cả đời. “Nếu một người không nhiễm lao nhưng KTV xét nghiệm lại khoanh dấu + (dương tính) thì người này sẽ rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn vì luôn sợ bị kỳ thị. Đâu chỉ vậy, do kết quả dương tính nên người này buộc phải uống thuốc điều trị liên tục trong sáu tháng. Không bệnh lao mà uống thuốc lao sẽ ảnh hưởng thần kinh sau này” - BS Hằng nói.

BS Hằng cho biết thêm mỗi ngày khoa vi sinh nhận khoảng 1.000 mẫu bệnh phẩm. Do phải có kết quả trong ngày nên hầu như KTV xét nghiệm phải làm việc suốt tám tiếng trong môi trường đầy vi khuẩn.

“Từ kết quả xét nghiệm, nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời. Nghe tin một người khỏi bệnh là cả thảy 50 KTV xét nghiệm của khoa vi sinh đều vui mừng. Thế là câu nói “lấp lánh làm lao” ra đời, ngụ ý nhắc đến công việc lặng lẽ nhưng cao đẹp của KTV xét nghiệm lao” - BS Hằng chia sẻ.

Do đặc thù công việc nên quy trình xét nghiệm lao đa phần làm thủ công. Do vậy vừa tốn thời gian vừa khiến KTV xét nghiệm thêm vất vả. Trong khi đó, những xét nghiệm khác (máu, nước tiểu…) chỉ cần cho mẫu vào hệ thống thiết bị và KTV thao tác trên máy là sẽ cho ra kết quả nhanh chóng.

Trước khi nhận một KTV xét nghiệm lao, chúng tôi giới thiệu khái quát công việc và nói rõ những khó khăn, vất vả. Nếu KTV chấp nhận, chúng tôi sẽ hướng dẫn công việc và tập huấn phương pháp chống lây nhiễm. Mặc dù không ít trường hợp không thể trụ lâu nhưng đa phần KTV xét nghiệm lao đã gắn bó trọn đời với công việc.

Theo PLO

Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.
Hai bộ xương cá Voi có chiều dài trên 22m và 18m được phục dựng phục vụ du khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.
Ngọc cốt cá Voi lớn nhất Việt Nam ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
(Ngày Nay) - Ngư dân vùng biển Việt Nam nói chung, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng có văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) nhằm cảm tạ và cầu mong cho người dân huyện đảo bình an trước sóng gió trùng khơi, khai thác được nhiều sản vật từ biển. Cũng vì vậy mà ở đảo Lý Sơn đang có hàng chục lăng mộ thờ cá Ông.
Giáo sư Nguyễn Quý Đạo chia sẻ về cuốn tự truyện của mình.
"Bốn mùa - Một cuộc đời" - Lời tự sự của nhà khoa học Việt Nam trên đất Pháp
(Ngày Nay) - “Bốn mùa - Một cuộc đời” vừa ra mắt công chúng tại Pháp là cuốn tự truyện của Giáo sư Nguyễn Quý Đạo, tác giả và đồng tác giả của hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học, đồng thời là nhà hóa học người Việt Nam có tầm ảnh hưởng trong giới tri thức Pháp cũng như cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Pháp.
Công tố viên cáo buộc ông Trump gian lận bầu cử
Công tố viên cáo buộc ông Trump gian lận bầu cử
(Ngày Nay) - Các công tố viên New York khẳng định cựu Tổng thống Donald Trump đã phạm luật và gây ảnh hưởng xấu tới cuộc bầu cử năm 2016 bằng cách cố gắng che đậy hành vi mua dâm với một diễn viên khiêu dâm, trong khi luật sư bào chữa tuyên bố ông Trump vô tội.