Xử trí các bất lợi thường gặp khi dùng thuốc

Thuốc là con dao hai lưỡi. Bên cạnh tác dụng phòng ngừa và điều trị bệnh, thuốc cũng gây ra những tác dụng không mong muốn... 
Đau đầu là một trong những tác dụng phụ thường gặp của thuốc.
Đau đầu là một trong những tác dụng phụ thường gặp của thuốc.

Điều quan trọng là ứng phó với các bất lợi này như thế nào để việc dùng thuốc không bị gián đoạn, đáp ứng yêu cầu trị bệnh.

Hầu hết thuốc đều có tác dụng không mong muốn (ADR). Đừng từ chối điều trị chỉ vì đọc các thông tin từ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Khi được thăm khám, các bác sĩ đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi kê đơn thuốc cho người bệnh. Về nguyên tắc, nhà sản xuất phải liệt kê tất cả các ADR có thể gặp phải của thuốc. Nhưng trên thực tế, nhiều người chưa gặp ADR nào khi dùng thuốc.

Những ADR được cho là phổ biến cũng không được gặp với tần suất lớn như nhiều người vẫn nghĩ. Chẳng hạn như, nếu đau đầu được liệt kê như là một ADR phổ biến, nghĩa là, nếu có 100 người uống thuốc, thì có khoảng 1-10 người bị đau đầu, đồng nghĩa là có 90-99 người trong số họ không gặp hiện tượng này. Các ADR phổ biến nhất của thuốc thường nhẹ, dễ xử lý và có khuynh hướng giảm dần khi cơ thể quen dần với việc dùng thuốc.

Đau đầu: Các thuốc thường gây đau đầu chủ yếu là thuốc huyết áp amlodipin, thuốc mỡ máu atorvastatin, thuốc giãn mạch nitrate, thuốc chống trầm cảm sertralin... Để giảm đau đầu khi dùng thuốc này bệnh nhân cần nghỉ ngơi và uống đủ nước, tránh uống rượu. Có thể mát-xa đầu hoặc dùng thuốc giảm đau: Paracetamol 500mg uống mỗi 4-6 giờ có thể được dùng bởi hầu hết mọi người (trừ trường hợp viêm gan hoặc mẫn cảm với thuốc). Đến khám bác sĩ nếu tình trạng đau đầu trở nặng và không được kiểm soát bởi thuốc giảm đau.

Táo bón: Viên sắt, thuốc giảm đau trung ương opioid như morphin, codein và co-codamol (dạng phối hợp giữa paracetamol và codein phosphate) thường gây ra những ADR này. Bệnh nhân cần uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ và tăng cường vận động. Nếu bạn đang dùng viên sắt, có thể chuyển sang dạng lỏng. Nếu tình trạng không được cải thiện thì có thể dùng các thuốc nhuận tràng.

Tiêu chảy: Các tác nhân chính là amoxicilin (kháng sinh), sertralin (thuốc chống trầm cảm), colchicin (thuốc trị gút)... Cần uống nhiều nước, bổ sung điện giải. Có thể tham khảo ý kiến dược sĩ khi dùng loperamid. Khám bác sĩ nếu tiêu chảy nặng, kéo dài nhiều ngày, hoặc phân có chứa máu, chất nhầy, đặc biệt là khi đang dùng kháng sinh.

Khó tiêu, đau dạ dày: Khi sử dụng thuốc như kháng viêm không steroid (prednisolon, naproxen, ibuprofen), thuốc kháng sinh, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khó tiêu, đau dạ dày. Để tránh gặp phải những ADR khó chịu này, nên uống thuốc cùng hoặc sau bữa ăn, uống sữa cũng có thể giảm các tác dụng phụ này. Đôi khi, chườm nước ấm lên bụng cũng có thể làm giảm triệu chứng.

Thảm khảo ý kiến các dược sĩ khi dùng các thuốc trung hòa acid  (maalox, phosphalugel) vì có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc khác. Nếu đang điều trị với kháng sinh thì có thể bổ sung men vi sinh.

Mệt mỏi, buồn nôn: Một số thuốc điều trị bệnh như metformin, levodopa (thuốc Parkinson), kháng sinh, sertralin, citalopram, tramadol có thể gây mệt mỏi, buồn nôn. Bệnh nhân nên uống thuốc cùng với thức ăn, thậm chí chỉ cần với một ít bánh quy. Đôi khi, nước ngọt có ga có thể giảm các triệu chứng buồn nôn.

Khô miệng: Các thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptylin, thuốc điều trị tiểu không tự chủ như oxybutynin... thường là tác nhân chính. Cần uống nước thường xuyên hoặc nhai kẹo sing-gum không đường.

Ngủ lơ mơ: Các thuốc morphin và tramadol, gabapentin, pregabalin, các benzodiazepin như diazepam, các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1, một vài thuốc chống trầm cảm có thể gây ngủ gà do tác dụng an thần của thuốc.

Nếu cảm thấy buồn ngủ khi đang dùng thuốc thì không nên lái xe hoặc vận hành máy móc. Tránh uống rượu cũng như các loại thuốc khác gây chóng mặt vì có thể làm trầm trọng thêm ADR này. Nếu buồn ngủ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thì nên uống thuốc vào buổi tối trước khi ngủ hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để chuyển sang thuốc khác ít gây buồn ngủ, chóng mặt hơn.

Mất ngủ: Liệu pháp điều trị thay thế nicotin, thuốc chống trầm cảm SSRI như sertralin hoặc citalopram có thể khiến bạn mất ngủ. Có thể khắc phục bằng cách tránh uống thuốc quá muộn, gần giờ đi ngủ.

Chóng mặt: Các thuốc tramadol, ramipril, bisoprolol, propranolol hoặc thuốc điều trị tăng sản tiền liệt tuyến doxazosin thường gây chóng mặt hoặc hạ huyết áp tư thế đứng.

Nằm xuống nghỉ ngơi đến khi các triệu chứng thuyên giảm, không đứng dậy đột ngột từ tư thế nằm hoặc ngồi, tránh rượu bia. Uống thuốc trước khi ngủ thay vì uống buổi sáng có thể hạn chế được ADR này. Nếu bạn thường cảm thấy chóng mặt hoặc ngất, hoặc các triệu chứng không cải thiện sau vài ngày dùng thuốc thì nên hỏi ý kiến bác sĩ để giảm liều dùng.

Phát ban da hoặc viêm da: Bất cứ thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ này. Phát ban có thể là dấu hiệu của một phản ứng dị ứng thuốc, đặc biệt là đang điều trị kháng sinh. Phát ban và ngứa da có thể được làm dịu bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc thuốc kháng histamin.

Các loại thuốc như oxytetracyclin, amiodaron... có thể khiến da bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời. Nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nhớ bôi kem chống nắng trước khi ra đường.

Để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, nên uống thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Khi thấy cơ thể có phản ứng bất thường cần báo cho thầy thuốc để được tư vấn kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo Sức khoẻ & Đời sống
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.
Viện Tim TP Hồ Chí Minh
Trang web của Viện Tim TP Hồ Chí Minh bị tấn công lấy số khám bệnh
(Ngày Nay) - Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chiều 27/3, cho biết, trang web lấy số khám bệnh Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh đã bị hacker tấn công gây nên tình trạng gia tăng đột biến số lượt đăng ký khám bệnh. Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc và chưa ghi nhận rò rỉ thông tin người bệnh ra bên ngoài.