Hướng tới bình đẳng giới trong thể thao

[Ngày Nay] - Những thách thức mà các nữ vận động viên thể thao phải đối mặt đến từ sự bất bình đẳng to lớn vẫn tồn tại nhức nhối.
Hướng tới bình đẳng giới trong thể thao

Nhân giải FIFA World Cup dành cho nữ bắt đầu khởi tranh ngày 7/6 tại Pháp, UNESCO muốn nhấn mạnh rằng bóng đá có thể là một công cụ hiệu quả để giảm khoảng cách về giới và trao quyền cho phụ nữ khắp mọi nơi. Trong bối cảnh hiện tại, UNESCO đã tổ chức một hội thảo tương tác về bình đẳng giới trong bóng đá mang tên ‘Phụ nữ và bóng đá” tại Trụ sở chính (Paris) vào ngày 4/6.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, trong tuyên bố khai mạc sự kiện, nhấn mạnh:“Chúng ta đang sống trong thời đại tiến bộ khi nói đến bình đẳng giới, nhưng vẫn còn những điểm bất bình đẳng mạnh mẽ cần tiếp tục đấu tranh”. Tổng Giám đốc cũng đề cập đến việc Chính phủ Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ UNESCO thành lập một cơ quan quan sát toàn cầu về phụ nữ và thể thao.

Sự kiện được điều hành bởi bà Anne-Laure Bonnet, một nhà báo thể thao người Pháp, cùng sự tham gia của các nữ vận động viên và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. Họ đã chia sẻ câu chuyện của mình, giải thích cách họ gắn bó với bóng đá.

Hướng tới bình đẳng giới trong thể thao ảnh 1

Christelle Alix

Nadia Nadim, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở Đội tuyển quốc gia Đan Mạch đã kể với khán giả rằng ở Afghanistan, cha cô đã dạy cô chơi bóng trong khu vườn bí mật của họ, nơi không ai có thể nhìn thấy một cô bé vui chơi cùng quả bóng. Cha cô đã bị Taliban sát hại khi cô chỉ còn là một đứa trẻ. Nadia trốn sang Đan Mạch cùng các chị gái và mẹ, tránh xa khỏi chiến tranh. Gần trại tị nạn mà họ sống có một sân bóng đá, nơi cô thấy những cô gái trẻ đang chơi bóng cùng nhau. Đây là khi Nadia nhận ra rằng cô được phép chơi bóng và thậm chí còn phát triển được nhiều hơn nữa. Nadia khuyến khích tất cả các cô gái trẻ trong khán phòng hãy mạnh dạn đến với môn thể thao mình yêu thích, trở thành bất cứ ai họ muốn và thách thức họ hành động vượt qua mọi giới hạn bởi các định kiến giới.

Hướng tới bình đẳng giới trong thể thao ảnh 2

Houriya Al Taheri, huấn luyện viên bóng đá nữ đầu tiên ở vùng Vịnh nói về tình yêu của cô dành cho môn thể thao vua. Nếu theo đuổi mơ ước chơi bóng đá cấp cao thì không thể tiếp tục sinh sống ở đất nước mình, cô đã chọn trở thành một huấn luyện viên bóng đá cho đối tượng phụ nữ và trẻ em gái. Cô muốn tạo ra một sự thay đổi và trao quyền cho thế hệ tiếp theo.

Candice Prévost là một cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp từng chơi trong đội tuyển quốc gia Pháp. Cô nhận định rằng bất bình đằng giới trong thể thao phản ánh vị thế phụ nữ trong xã hội. Cô là người đồng sáng lập ra tổ chức Little Miss Soccer với mục tiêu làm nổi bật sức mạnh xã hội của bóng đá dành cho nữ giới.

Anne-Laure Bonnet chia sẻ kinh nghiệm làm một nữ nhà báo hoạt động trong lĩnh vực thể thao, nơi hầu hết các nhà báo chuyên nghiệp đều là nam giới. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phụ nữ và trẻ em gái sẽ cảm nhận thế nào khi thấy các hình mẫu trong giới truyền thông và trang phục thể thao chuyên nghiệp phần lớn đều là nam giới, ở bất cứ môn thể thao nào. Sylvère - Henry Cissé, Chủ tịch của công ty Sport & Démocratie, đã tham gia cuộc trò chuyện với lời khẳng định bóng đá dành cho cả nữ giới lẫn nam giới và cần có nhiều phụ nữ hơn trong bộ máy quản trị bóng đá.

Hướng tới bình đẳng giới trong thể thao ảnh 3

Đồng quan điểm, cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, ông Jean-Marc ‘Jimmy’ Adjovi-Boco cũng nêu ý kiến về tầm quan trọng của việc nên có ý kiến của đại diện cánh đàn ông trong cuộc thảo luận về bình đẳng giới: “Những vấn đề chúng ta đang giải quyết trong xã hội cũng phải được nhìn nhận dựa trên quan điểm của đàn ông. Đàn ông cũng cần hiểu những vấn đề này và phải biến những vấn đề này thành vấn đề của chính chúng ta. Cần phải sát cánh với phụ nữ, để khiến mọi thứ thay đổi”.

Evelyn Laruni, thuộc tổ chức Sáng kiến Hòa bình & Phát triển Whitaker (WPDI) ở Uganda nêu nhận định: Nếu không khuyến khích và tăng cường sự tham gia của các cô gái và cho họ làm quen với những môn thể thao này từ khi còn trẻ, sẽ rất khó để có các chuyên gia trong 20 năm tới. Bóng đá có thể trao quyền cho các cô gái theo nhiều cách. Kể cả trong bối cảnh tị nạn, một trò chơi như bóng đá cho phép cộng đồng nước chủ nhà và cả những người đến tị nạn có thể cùng tham gia mà không có sự phân biệt nào.

Trợ lý Huấn luyện của đội tuyển quốc gia Jamaica, Sherona Forrester nói về phụ nữ và bóng đá tại Jamaica, tầm quan trọng của sự phát triển của giới trẻ thông qua thể thao và nhấn mạnh rằng sự thay đổi cần phải xảy ra để đối phó với sự bất bình đẳng giới, không chỉ trong lĩnh vực thể thao.

Cuộc thảo luận kết thúc với phát biểu của nhà nghiên cứu Carole Gomez (IRIS), bà đã trình bày báo cáo vừa được công bố của UNESCO, Viện Chiến lược và Quốc tế Pháp (IRIS) và Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (UNFP). Báo cáo cho thấy sự sẵn sàng đầu tư và quyết tâm của ba tổ chức này để thay đổi cách nhìn về phụ nữ trong bóng đá và trong xã hội.

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.