Quy mô lớn không phải là thước đo của tấm lòng với danh nhân

Với mục đích xây dựng một khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, mới đây UBND huyện Thường Tín đã tổ chức một cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến các nhà khoa học về thực trạng cũng như định hướng quy hoạch các hạng mục. Một số nhà nghiên cứu lịch sử khi đóng góp ý kiến đã rất thận trọng bởi lẽ, hiện ở Nhị Khê đã có một ngôi đền thờ Nguyễn Trãi, tuy nhiên quy mô lại khá chật hẹp.
Đền thờ danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP Hà Nội
Đền thờ danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP Hà Nội

Diện tích nhỏ, chưa xứng tầm vóc?

Di tích nhà thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Thường Tín hiện đã được xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1964. Nhưng nhà thờ có quy mô nhỏ hẹp lại nằm trên phạm vi đất của dòng họ Nguyễn. Năm 1980, kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, để ghi nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, địa phương đã xây dựng thêm vào quần thể kiến trúc di tích một khuôn viên về phía trước nhà thờ, bao gồm: hồ bán nguyệt, khu vườn trong đó có tượng Nguyễn Trãi do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sáng tác. 

Năm 2004, nhà thờ dòng họ xuống cấp, địa phương lập dự án tu bổ nhà thờ và xây dựng phương đình trong khuôn viên trường học của thân phụ Nguyễn Trãi là nhà nho Nguyễn Phi Khanh bao gồm: Ao Huê, Trại Ổi, xóm Hạ - Nhị Khê (phía Nam thôn Nhị Khê).

Bà Lê Thị Liễu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, mặc dù đã được tu bổ tôn tạo nhưng nhà thờ Nguyễn Trãi có quy mô nhỏ, lại nằm trên đất tư của dòng họ do dòng họ Nguyễn quản lý, khu vực Ao Huê, Trại Ổi (diện tích tôn tạo thêm) lại nằm cách khuôn viên nhà thờ khoảng 500m, không gian phân tán nên chưa tương xứng với ý nghĩa, giá trị của khu di tích, chưa xứng với tầm vóc, vị thế của một danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Trãi.

Bà Lê Thị Liễu cho rằng, cần tiếp tục đánh giá đúng vị thế của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, thực hiện việc tri ân, tôn vinh con người, sự nghiệp đóng góp của danh nhân Nguyễn Trãi với Thủ đô, đất nước. Trên cơ sở đó, cần xây dựng một khu lưu niệm xứng tầm với danh nhân Nguyễn Trãi; đồng thời đánh giá thực trạng, vai trò và việc phát huy giá trị di tích nhà thờ Nguyễn Trãi cũng như định hướng quy hoạch các hạng mục, các công trình của khu lưu niệm tại xã Nhị Khê, tầm ảnh hưởng phát huy giá trị của dự án.

Quy mô lớn không phải là thước đo của tấm lòng với danh nhân ảnh 1
Các phương án đề xuất mặt bằng tổng thể Dự án “Xây dựng khu tưởng niệm danh nhân Nguyễn Trãi xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội” 

Quy mô thế nào cần xem xét trên nhiều góc độ

Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi được thờ phụng ở nhiều nơi, trong đó có 2 nơi thờ chính là Nhị Khê - nơi ông sống những năm tháng tuổi thơ (Thường Tín, Hà Nội) và Côn Sơn - nơi ông về ở ẩn (Chí Linh, Hải Dương).

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, việc xây dựng một khu lưu niệm là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, quy mô công trình thế nào cần xem xét từ nhiều góc độ: tầm vóc vị thế danh nhân, nguồn lực xã hội đầu tư cho công trình, giá trị thực tiễn, giá trị truyền thống và cả giá trị giáo dục. Nếu có xây dựng thì cần tham khảo một số công trình lưu niệm danh nhân tiêu biểu hiện có.

PGS.TS Nguyễn Công Việt - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia bày tỏ quan điểm, chúng ta có thể xây dựng một địa điểm văn hóa mới mang tầm quy mô gắn với Nguyễn Trãi và cả Nguyễn Phi Khanh… Ta có thể gọi nơi đây là Khu văn hóa hay Trung tâm văn hóa gắn với tên tự của Nguyễn Trãi hay tên hiệu Ức Trai cũng được. PGS.TS Nguyễn Công Việt sau khi xem xét hồ sơ thiết kế sơ bộ do Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Phương Đông trình bày thì thấy nó quá sơ sài. Công trình được thiết kế rộng lớn về di tích nhưng lại quá đơn giản, thiếu vắng những điểm nhấn cơ bản cần thiết. Ngoài các hạng mục đền thờ, lầu chuông, gác trống ra, chỉ thấy nhấn mạnh cổng, khu bán đồ lưu niệm, nhà ban quản lý, nhà khách, nhà vệ sinh. Còn tả vu, hữu vu có chức năng gì thì không ghi.

Đây cứ tạm gọi là “Đề xuất Dự án Khu văn hóa Nguyễn Trãi”, thực chất là khu văn hóa mới, hoàn toàn mới. Như vậy, dạng văn hóa mới này muốn được định hình và thành hiện thực phải dựa trên những tiêu chí nhất định, các hạng mục tổng thể cần cân đối, hài hòa, phù hợp dự kiến nội dung. Khu tưởng niệm (tạm đặt) không phải hoàn toàn như thiết kế một ngôi đền cổ, song vẫn cần có đầy đủ các yêu cầu về văn hóa tâm linh, có bàn thờ, bát nhang… Ở đây nổi bật ý nghĩa biểu trưng để tránh sự lẫn lộn trùng lặp với đền thờ Nguyễn Trãi (đã có). Vì thế, không nên làm tượng và một số đồ thờ liên quan vì lẽ nhân vật biểu trưng ở đây ngoài Nguyễn Trãi còn có cả cha ông là Nguyễn Phi Khanh.

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh cũng cho rằng, việc xây dựng các công trình lưu niệm là thái độ và tấm lòng của chúng ta đối với danh nhân lịch sử. Những công trình đó không nhất thiết phải có quy mô to lớn. Quy mô lớn, kích thước “khủng” không phải là thước đo của sự vĩ đại của danh nhân hay tấm lòng của chúng ta với họ.  Trong mặt bằng quy hoạch tổng thể “Khu lưu niệm danh nhân Nguyễn Trãi”, có thể thấy diện tích khu đất và các công trình xây mới không tương xứng nhau. 15 hạng mục xây mới chỉ có 1 công trình chức năng chính là “Nhà lưu niệm” còn gọi là “Đền chính”, còn lại là công trình mang tính phụ trợ. Công trình chính, diện tích 300m2, xây dựng trên khu đất 3,5ha là bất hợp lý, vô cùng lãng phí đất. Trong mặt bằng tổng thể có một số hạng mục không hợp lý, tả vu, hữu vu có diện tích 480m2 còn lớn hơn đền chính. 

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh cho rằng cách tiếp cận dự án “Xây dựng khu tưởng niệm danh nhân Nguyễn Trãi xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội” là không hợp lý, không được tính toán cụ thể, hoàn toàn cảm tính và mang tính hình thức… Chủ trương thì đúng đắn nhưng cần thiết thực và chắc chắn hơn nữa. Kiến trúc sư Lê Thành Vinh cũng nhấn mạnh yếu tố: “phù hợp”, “cân nhắc”, “tính toán kỹ lưỡng”, để làm sao trở thành sản phẩm thiết thực, tránh khoa trương, hình thức, lãng phí…

Theo An ninh Thủ đô
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.