15 phút kịch tính bên ngoài tòa xử nghi án Kim Jong Nam

(Ngày Nay) - Phiên luận tội 2 nữ nghi phạm trong vụ sát hại công dân Triều Tiên chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút nhưng những kịch tính của vụ xử đã bắt đầu bên ngoài khu vực tòa án từ trước.
 
Bị cáo Đoàn Thị Hương được cảnh sát hộ tống rời khỏi tòa sau khi nghe cáo trạng. Ảnh: Getty.
Bị cáo Đoàn Thị Hương được cảnh sát hộ tống rời khỏi tòa sau khi nghe cáo trạng. Ảnh: Getty.

Khung cảnh buồn tẻ và yên tĩnh thường thấy bên ngoài Tòa án Sepang, thị trấn Salak Tinggi, bỗng trở nên ồn ào hiếm có khi truyền thông thế giới đổ dồn về đây để đưa tin vụ xét xử 2 nữ nghi phạm liên quan tới nghi án sát hại Kim Jong Nam.

Các phóng viên trong nước và quốc tế tụ tập trước tòa án từ sáng sớm khi tòa nhà và khu vực xung quanh đã được đặt dưới sự bảo vệ chặt chẽ.

Cảnh sát phong tỏa phần lớn khu vực tòa án bằng các cuộn băng màu vàng trong khi vẫn đóng kín cổng trước và yêu cầu truyền thông xếp hàng bên ngoài để đợi được vào trong tòa.

Đám đông phục kích bên ngoài

Khoảng 200 cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, cả các cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều hướng giao thông quanh khu vực.

Theo The Star, từ 7h30 sáng, các phóng viên báo chí bắt đầu được cấp thẻ ra vào tòa án với mức độ hạn chế khác nhau để đưa tin về quá trình tranh tụng. Mỗi cơ quan báo chí chỉ có một người được vào.

Những người này được yêu cầu bỏ lại các thiết bị điện tử bao gồm điện thoại di dộng, máy tính xách tay, máy ghi âm. Túi xách của họ cũng bị kiểm tra trước khi vào phòng xử án.

Những người còn lại tiếp tục chờ đợi bên ngoài, hàng chục người thậm chí đã cắm trại ở khu vực ngoài tòa án. Các nhân viên tòa án và luật sư có mặt theo lịch trình cho phiên tòa được yêu cầu gửi xe bên ngoài và phải đăng ký trước khi vào.

Khoảng 9h30, còi báo động vang lên ầm ĩ từ xa báo hiệu sự xuất hiện của các nghi phạm. Nghi can Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah đến trong đoàn xe riêng cách nhau khoảng 10 phút.

Hai phụ nữ được đoàn xe của lực lượng cảnh sát có vũ trang hộ tống, bao gồm Lực lượng Đặc biệt chống Tội phạm có tổ chức (Stafoc).

15 phút kịch tính bên ngoài tòa xử nghi án Kim Jong Nam ảnh 1Nghi phạm Indonesia Siti Aisyah (giữa) được cảnh sát hộ tống đến Tòa án Sepang tại Sepang, Malaysia vào ngày 1/3. Ảnh: AP.

Đoàn xe đầu tiên bao gồm ít nhất 7 xe cảnh sát và một số xe dẫn đường, bao gồm một số xe bán tải hạng nặng tới vào khoảng 9h30 và vội vã vào bên trong qua cổng số 2. Điều khiến các phóng viên đang đợi ở cổng chính khá bất ngờ.

Khi đoàn xe thứ 2 tới vào khoảng 9h40, truyền thông có sự chuẩn bị hơn. Tuy nhiên, họ bị ngăn cản tiếp cận đoàn xe do hàng rào người mà cảnh sát lập thành.

15 phút kịch tính trong phòng xử án

Việc buộc tội 2 nữ nghi phạm chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút. Cả hai đều mặc cùng trang phục mà họ đã mặc vào ngày bị bắt giữ.

Nghi phạm Indonesia có vẻ chưa hiểu cáo trạng sau khi nghe thông dịch viên đọc lần đầu tiên. Cô chỉ gật đầu đồng ý khi được hỏi lại sau khi nghe đọc lần thứ 2.

Nghi phạm Việt Nam được đưa tới sau. Phần tay ở chiếc áo vàng mà cô mặc hơi kéo lên, để lộ hai cổ tay bị còng. Cô có vẻ bình tĩnh trong suốt phiên tòa nhưng trông gầy hơn so với hình ảnh được chụp vào ngày bị bắt.

Thủ tục tố tụng tại tòa bắt đầu lúc 10h và chỉ kéo dài trong chưa đầy 20 phút đối với cả hai. Tuy nhiên, đối với giới truyền thông đã chờ đợi và cắm trại bên ngoài tòa án từ lúc 5h sáng, thời gian tưởng như dài vô tận.

Không có tương tác nào giữa hai nữ nghi phạm được nhận thấy khi họ được áp giải lần lượt tới trình diện trước thẩm phán tại phòng xử án.

Sự chú ý không mong muốn

Hai nữ nghi phạm trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế và địa phương khi họ bị buộc tội giết người tại Tòa án Sepang.

Việc tiếp cận quá trình tố tụng đã bị hạn chế bởi lực lượng cảnh sát đông đảo xuất hiện bên ngoài tòa án. Họ xếp hàng trên đường phố. Lực lượng Stafoc với vũ khí hạng nặng và mũ trùm kín mặt thực hiện nhiệm vụ giám sát từ các vị trí trên cao xung quanh tòa nhà.

Họ vây quanh nghi phạm được mặc áo chống đạn để tránh khỏi sự soi xét của đám đông. Cảnh sát trưởng cho biết họ làm vậy để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Geshina Ayu Mat Saat, chuyên gia tội phạm học và tâm lý học tại Đại học Khoa học Malaysia, lực lượng an ninh có thể đã lo lắng về sự an toàn của các bị cáo hoặc đã nhận được thông tin tình báo về một số mối đe dọa.

Bà cho biết chưa từng có bị cáo nào mặc áo chống đạn. “Áo chống đạn thường được dành cho các nhân chứng hay nạn nhân", bà nói. Bà cũng cho biết thêm an ninh nghiêm ngặt có thể xuất phát từ việc vụ án đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu.

Bên ngoài tòa án, 2 nữ nghi phạm bị bao vây bởi hàng trăm máy ảnh và camera. Nhiều tổ chức truyền thông lớn trên thế giới, bao gồm cả BBC, New York Times, Sky News, Sydney Morning Herald, Telegraph, Wall Street Journal và Mirror, đều có mặt để tường thuật vụ việc.

Siti Aisyah, 25 tuổi, được cho là từng nói với bạn bè và người thân ở Indonesia rằng cô đã được mời đóng phim. Cô cũng tổ chức tiệc mừng cùng bạn bè vào đêm trước vụ sát hại để ăn mừng việc cô đã trở nên nổi tiếng trên mạng.

Hai nữ nghi phạm đều khai rằng họ tưởng mình đang tham gia chương trình hài tình huống khi tiến hành đầu độc công dân Triều Tiên ở sân bay.

Giờ đây, họ sẽ còn được cả thế giới để mắt tới trong phiên tòa tiếp theo vào ngày 13/4, khi các công tố viên cho phép các bị cáo được xét xử cùng nhau.

Theo Zing
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.