80 năm ngày nổ ra Chiến tranh Thế giới II: Những bài học mãi mãi trường tồn

Cách đây 80 năm, Chiến tranh Thế giới II chính thức nổ ra vào ngày 1/9/1939 khi phát xít Đức tấn công Ba Lan.
Xe tăng T-72B3 của Nga tham gia duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Chiến thắng phát xít, ngày 9/5/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Xe tăng T-72B3 của Nga tham gia duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Chiến thắng phát xít, ngày 9/5/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc chiến tranh kéo dài 6 năm, bao trùm trên 60 quốc gia trên thế giới, cướp đi sinh mạng của khoảng 100 triệu người. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới trước chủ nghĩa phát xít trong cuộc chiến tranh này đến nay vẫn là một trong những thiên anh hùng ca chói lọi nhất trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20.

Những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với thế giới đương đại, và luôn được mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới ghi nhớ. Những tổn thất, thương vong lớn về người luôn là bài học nhắc nhở nhân dân thế giới ngày nay cần phải trân trọng và giữ gìn nền hòa bình thế giới để không được phép tái diễn một thảm họa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào.

Cần phải ghi nhận rằng trong cuộc chiến đấu chống phát xít, nhân dân Liên Xô đã tổn thất rất nặng nề và gánh vác một sứ mệnh lịch sử, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít, và sau chiến thắng ấy, nhân dân Liên Xô trở thành thành trì vững chắc của Chủ nghĩa xã hội, đặt ra một xu hướng phát triển của các dân tộc bị áp bức trên thế giới và dẫn đến sụp đổ từng phần của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Sau cuộc chiến, Liên Xô đã cùng các nước xã hội chủ nghĩa tạo thành một mặt trận chống chiến tranh, gìn giữ hòa bình to lớn trên thế giới.

Kết thúc Chiến tranh Thế giới II đã mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức, và việc hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa ra đời sau cuộc chiến tranh này chính là thành quả của thắng lợi chống chủ nghĩa phát xít. Tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đã bùng lên những cơn bão táp cách mạng, đấu tranh để giải phóng dân tộc. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị lung lay, từng bước sụp đổ. Phong trào giải phóng dân tộc dâng cao đã trở thành lực lượng quan trọng và là đối trọng chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bá quyền, bảo vệ hòa bình thế giới. Nhân dân các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đã xây dựng được chính quyền dân chủ nhân dân và bước lên con đường xã hội chủ nghĩa, cùng các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô hình thành một hệ thống mới - hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Thế giới ngày nay đã bước vào toàn cầu hóa, lợi ích quốc gia và quốc tế được xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ đa phương, đa dạng với mong muốn cùng tồn tại hoà bình và phát triển. Tuy nhiên, những biểu hiện của chủ nghĩa phát xít mới, của tư tưởng bài ngoại, hận thù tôn giáo, sắc tộc… vẫn hiện hữu ở nhiều nơi, ngay cả ở những nước phát triển. Vẫn còn những tiếng súng của chiến tranh, xung đột; khủng bố, cực đoan vẫn là mối nguy thường trực đe dọa cuộc sống của người dân. Vì vậy, nhắc lại những ý nghĩa và bài học của Chiến tranh Thế giới II chính là để nhắc nhở nhân dân thế giới tiếp tục sự nghiệp đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Theo TTXVN
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.