90 năm một cuộc đời huyền thoại

(Ngày Nay) - Cuối tuần qua, người dân trên khắp đất nước Cuba đã có nhiều sự kiện đánh dấu 90 năm cuộc đời huyền thoại của nhà lãnh đạo cách mạng Fidel Castro - một cuộc đời dài, đầy biến động và đầy những bài học để lại cho tương lai.
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro diễu hành chào mừng 56 năm thắng lợi của Cách mạng Cuba tại thủ đô Havana
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro diễu hành chào mừng 56 năm thắng lợi của Cách mạng Cuba tại thủ đô Havana

Fidel Castro Ruz sinh ngày 13 tháng Tám năm 1926, ba năm trước sự kiện Đại Khủng hoảng và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Đó là thời mà ngành điện ảnh chỉ mới sản sinh ra phim câm, ngành hàng không dân dụng mới trong giai đoạn phôi thai và tàu biển là cách con người đi lại giữa các châu lục. Hải quân nhiều nước vẫn còn sử dụng thuyền buồm. Điện thoại đã ra đời, nhưng phương tiện liên lạc và truyền tải thông tin tức thời khi đó chủ yếu vẫn là điện tín. Xe hơi vẫn phải khởi động bằng một cần quay tay.

Nước láng giềng của Cuba, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ khi đó chỉ có dân số 117 triệu người, bằng 1/3 mức dân số hiện tại. Hoa Kỳ thập kỷ 20 cũng chưa trở thành một cường quốc. Cả đất nước chỉ có một vài con đường được lát đỏ, và dưới 10% dân số nông thôn được tiếp cận với điện lưới. Một lệnh cấm tiêu thụ đồ uống có cồn tương tự như lệnh cấm trong luật Hồi giáo Sharia vẫn còn được áp dụng rộng rãi cho đến năm 1933.

90 năm một cuộc đời huyền thoại ảnh 1Fidel Castro (trái) và Che Guevara (giữa) dẫn đầu cuộc diễu hành tưởng niệm tại Havana năm 1960. Ảnh: AFP

Cuba khi đó là một nước cộng hòa độc lập chỉ 24 năm tuổi. Đó là thuộc địa cuối cùng ở Tân Thế Giới được thực dân Tây Ban Nha từ bỏ, nhưng chỉ sau khi cuộc can thiệp quân sự của Hoa Kỳ năm 1898 chấm dứt nhiều thế kỷ đấu tranh của những người Cuba theo chủ nghĩa dân tộc. Cuba sau đó đã rơi vào vòng kiểm soát của quân đội Hoa Kỳ. Đất nước giành được độc lập vào năm 1902, sau khi chấp thuận một điều khoản có tên gọi Tu chính án Platt trong bản hiến pháp mới của mình. Điều khoản này cho phép Hoa Kỳ kiểm soát vĩnh viễn vịnh Guantanamo, và cho phép Hoa Kỳ có quyền can thiệp vào Cuba bất cứ khi nào nước này cảm thấy cần thiết. Trong nhiều thập kỷ sau đó, Cuba gần như là một thuộc địa của Mỹ. Đây là một giai đoạn là Fidel Castro gọi là “nền cộng hòa giả tạo”. Quân đội Mỹ liên tục can thiệp, và các đời Tổng thống Cuba khi đó chỉ biết cúi đầu khuất phục.

Bước đường cách mạng

Fidel Castro Ruz và em trai Raul lớn lên tại tỉnh lẻ miền Đông Biran, một khu vực khi đó bị thống trị bởi những doanh nghiệp đầu cơ chính trị đến từ Hoa Kỳ như United Fruit, một công ty đã thâu tóm phần lớn đất nông nghiệp màu mỡ trong khu vực khi hòa bình lập lại sau cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha. Cha của Fidel là Angel Castro, một người nhập cư đến từ vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi có tên Galicia ở Tây Ban Nha. Angel Castro tới Cuba khi là một thiếu niên, ông đã lao động chăm chỉ và trở thành một điền chủ sở hữu một trang trại rộng lớn, giàu có nơi ông trồng mía đường và bán lại cho công ty United Fruit.

Fidel Castro được gia đình đầu tư ăn học tử tế, và cho tới khi trở thành sinh viên luật của Đại học La Habana, ông đã trở thành một nhà dân tộc chủ nghĩa với sự ngưỡng mộ đặc biệt dành cho vị anh hùng dân tộc Cuba thế kỷ XIX Jose Marti - một nhà thơ, nhà báo đã tham gia cuộc chiến chống lại người Tây Ban Nha và hy sinh anh dũng trên lưng ngựa ngay ngày đầu ra trận. Fidel Castro cũng dành sự ngưỡng mộ cho những nhân vật quân sự kiệt xuất như Robespierre, Julius Caesar và Napoleon Bonaparte.

Ở tuổi 21, Fidel bắt đầu bước những bước đầu tiên trên con đường chính trị của riêng mình. Năm 1947, ông cùng nhiều nhà cách mạng tương lai khác bắt đầu một hành trình trên biển với mục tiêu cuối cùng là lật đổ nhà lãnh đạo độc tài Rafael Trujillo của nước láng giềng Cộng hòa Dominican. Kế hoạch đổ bể khi bị nhà chức trách Cuba phát hiện khi còn con thuyền còn chưa kịp rời bờ. Nhưng năm sau đó, khi Fidel đang có mặt tại Colombia để tham dự một đại hội thanh niên phản đế, chính trị gia tự do Jorge Eliecer Gaitan bị ám sát, dẫn đến một cuộc bạo loạn lớn. Fidel cũng có mặt trong đó. Trở lại Cuba, vào năm 1949, Fidel đã chung tay tổ chức một cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Hoa Kỳ, sau sự cố các thủy thủ Mỹ trèo lên bức tượng Jose Marti trên một quảng trường lớn và tiểu tiện vào đó. Fidel đã bị cảnh sát đánh đập do những hoạt động mà ông tham gia.

90 năm một cuộc đời huyền thoại ảnh 2Fidel phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1979, bài phát biểu đã trở thành huyền thoại kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Ảnh: Reuters

Năm 1953, ở tuổi 27, Fidel đã ôm trong mình khát vọng lớn là giải phóng đất nước Cuba, khi đó đang nằm trong tay một nhà độc tài tàn bạo có tên Fulgencio Batista. Batista trở thành Tổng thống Cuba năm 1940 và thống trị đất nước cho tới năm 1944, trước khi giành lại quyền lực năm 1952 trong một cuộc đảo chính. Với sự hậu thuẫn và ủng hộ vật chất của Hoa Kỳ, Batista đã điều hành đất nước với bàn tay sắt cho tới tận năm 1959, trong một chế độ mà ngay đến cả cố Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy cũng phải nhận định là “một trong những chế độ độc tài hà khắc và đẫm máu nhất trong lịch sử châu Mỹ Latin”.

Tháng Bảy năm 1953, Fidel Castro lãnh đạo một nhóm thanh niên vũ trang tấn công vào trại lính Moncada ở thành phố Santiago. Nhiều người đã hy sinh trong cuộc tấn công, nhiều người khác bị xử tử, một số người bị tra tấn dã man. Fidel Castro đã sống sót, và khi bị đưa ra tòa, ông đã có bài diễn văn tự bào chữa dài bốn tiếng đồng hồ, trong đó ông có lời tuyên bố mà cho tới ngày nay đã trở nên bất tử: “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi”. Ông bị buộc tội và kết án 15 năm tù, nhưng phiên tòa cũng đã củng cố vị thế của Fidel Castro như một nhân vật có tầm ảnh hưởng cấp quốc gia.

Sau gần hai năm Fidel Castro chịu cảnh tù ngục, trong một quyết định khoan hồng, Batista đã ký lệnh ân xá trả lại tự do cho ông. Fidel Castro lập tức đi sống lưu vong và tiếp tục hoạt động cách mạng tại Mexico, nơi ông gặp và trở nên thân thiết với một thanh niên trẻ tuổi người Argentina có tên Ernesto “Che” Guevara, người sau này đã trở thành biểu tượng bất diệt của tinh thần cách mạng Mỹ Latin. Tại quê hương mới, Fidel cùng những người đồng chí tổ chức lại phong trào cách mạng vũ trang. Và chỉ một năm sau đó, họ trở lại Cuba trên một con tàu gỗ nhỏ bé có tên Granma. Từ nhóm du kích quân nòng cốt trở về trên con tàu đó, đội quân cách mạng của Fidel Castro nhanh chóng nhân rộng. Mặc dù gặp phải một số thất bại ban đầu, song chiến lược chiến tranh du kích của ông đã phát huy hiệu quả. Lực lượng cách mạng từng bước giành lại được từng thước đất của quê hương. Bất chấp những nỗ lực ngăn cản từ phía Hoa Kỳ, ngày đầu tiên của năm 1959, Fidel Castro đã tuyên bố chiến thắng, đóng chiếc đinh cuối cùng cỗ áo quan của chế độ độc tài Batista.

Biến lời nói thành hành động

Fidel Castro đã biến một đất nước của cướp bóc, tra tấn và giết chóc trở thành một đất nước nơi con người được hưởng nền giáo dục và chăm sóc y tế phổ quát.

Về mặt đối nội, ông đã tiến hành cải cách điền địa, thiết lập ra một trong những chiến dịch xóa mù chữ tham vọng nhất thế giới, và phát triển một hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí đẳng cấp quốc tế. Ông đã tiến hành quốc hữu hóa đất đai, các doanh nghiệp và các nhà máy chế biến.

Tại Washington, ông được biết tới với tinh thần phản kháng chống lại các nỗ lực can thiệp của Hoa Kỳ, tiêu biểu nhất là cuộc xâm lược tại Vịnh Con lợn năm 1961. Ông cũng đóng một vai trò chủ chốt trong cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962, sự kiến đánh dấu đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Fidel Castro cũng đã vượt qua ít nhất 638 âm mưu ám sát và vô số những âm mưu gây bất ổn tại quốc gia Caribe bé nhỏ này.

Tại Mỹ Latin, Fidel đã đặt nền tảng cho một mối quan hệ đối tác bền chặt giữa các chính phủ cánh tả ở khu vực Caribe và Nam Mỹ. Cùng với cố tổng thống Venezuela Hugo Chavez, ông đã sáng lập ra ALBA, một khối xã hội chủ nghĩa có khuynh hướng phản đối tư hữu hóa, tự do hóa, và xây dựng một viễn cảnh thế giới tương lai dựa trên các nguyên tắc đảm bảo an sinh xã hội và tương trợ kinh tế.

Với các nước thứ ba ở Nam bán cầu, Fidel Castro là một biểu tượng cách mạng, một người luôn luôn ủng hộ lý tưởng, nguyên tắc và các chính sách của tinh thần quốc tế. Ông là nhân vật nổi bật của Phong trào Không Liên kết, và đã giành được sự tôn trọng của các nhà lãnh đạo trên khắp châu Phi, Trung Đông và châu Á, nơi hàng ngàn binh sĩ, y sĩ, chuyên gia nông nghiệp và giáo viên Cuba đang ngày ngày cống hiến cho các sứ mệnh nhân đạo ở nước ngoài.

Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhưng Fidel Castro vẫn tiếp tục vững vàng trong vị trí nhà lãnh đạo Cuba cho tới tận năm 2006, khi ông trao lại quyền lực cho em trai Raul vì lý do sức khỏe.

Buổi hoàng hôn

Khi Fidel Castro lên nắm quyền, Dwight D. Eisenhower là Tổng thống Hoa Kỳ. Ngày này, đó là Barrack Obama, một người gốc Phi đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Cuba theo lời mời của Chủ tịch Raul Castro sau khi hai nhà lãnh đạo bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2014. Fidel không có mặt trong những sự kiện tiếp đón, và ông cũng không xuất hiện trước công chúng, nhưng người ta luôn nhận thấy sự hiện diện của ông.

Trong suốt một thập kỷ vừa qua, dù đã rút lui vào hậu trường chính trị, song ông vẫn bày tỏ quan điểm của mình trong những bài xã luận in trên nhật báo Granma của Đảng Cộng sản Cuba. Trong một năm rưỡi vừa qua, kể từ khi Cuba bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Fidel Castro vẫn thường bày tỏ sự nghi hoặc trước ý định của Mỹ, song ông cũng luôn khẳng định sự ủng hộ đối với các quyết định của em trai.

Trong lần xuất hiện gần đây vào tháng Tư trong dịp Đại hội Đảng Cộng sản Cuba, bài diễn văn của Fidel Castro không có một lời nhắc tới nước Mỹ. Thay vào đó, ông nói về mối quan tâm của mình đối với những thách thức mà nhân loại đang đối mặt, gồm có các cuộc chạy đua vũ trang, sự ấm lên của trái đất và tình trạng thiếu lương thực thực phẩm.... Trước cử tọa, nhà cách mạng huyền thoại chưa từng cúi đầu trước thế lực nào cũng đã phải thừa nhận một kẻ thù duy nhất mà ông không thể chiến thắng: thời gian. “Đây có thể là lần cuối cùng tôi phát biểu trong căn phòng này,” ông nói. “Nhưng lý tưởng của những người cộng sản Cuba sẽ trường tồn như một minh chứng rằng trên hành tinh này, nếu chúng ta lao động bằng tất cả lòng nhiệt tình và phẩm giá, chúng ta có thể tạo ra được mọi của cải vật chất và tinh thần mà loài người cần tới”.

Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.