Cuộc chiến bên trong các bệnh viện tại Beirut

(Ngày Nay) - Đầu quấn một dải băng còn rướm máu, nhiều người có lẽ không phân biệt được bác sĩ Antoine Qurban giữa đám đông bệnh nhân tại bệnh viện Beirut, từ ngày hôm qua số nạn nhân được đưa tới đây cấp cứu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut - thủ đô của Lebanon, đã khiến hơn 4.000 người bị thương. Ảnh: AFP
Vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut - thủ đô của Lebanon, đã khiến hơn 4.000 người bị thương. Ảnh: AFP

"Những người bị thương chảy máu giữa đường, những người khác nằm ngổn ngang ngoài sân. Cảnh tượng này làm tôi nhớ đến khung cảnh chiến trường ở Afghanistan nhiều năm trước khi tham gia một nhiệm vụ của tổ chức Bác sĩ không biên giới", bác sĩ Qurban miêu tả cảnh tượng hỗn loạn tại bệnh viện Hotel Dieu tại thủ đô Beirut.

Vị bác sĩ phẫu thuật nằm trong số hơn 4.000 người bị thương sau vụ nổ kinh hoàng vào tối thứ Ba tại cảng Beirut.

Vụ nổ lớn đã đặt thêm gánh nặng lên ngành y tế Lebanon, vốn gần như quá tải do làn sóng dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế.

Vào ngày hôm đó, bác sĩ Qurban đang ngồi trong một quán cà phê gần bệnh viện thì bất ngờ nghe thấy tiếng nổ lớn, sau đó sóng xung kích thổi bay người đàn ông 60 tuổi tới 20 m.

Bị một vết rách trên đầu, ông Qurban được một người đưa tới bệnh viện của mình, thế nhưng nơi đó gần như tràn ngập người bị thương. Sau đó một bác sĩ khác đã phải khâu vết thương cho ông Qurban ngay ngoài đường.

"Những ngày này đối với tôi như tận thế vậy", ông Qurban nói.

"Cô ấy đã chết"

Cho tới tối thứ Tư, quang cảnh hỗn loạn vẫn tràn ngập bệnh viện Hotel Dieu, khi tiếng kêu la của những người bị thương hòa lẫn với tiếng người thân đi tìm nhau cùng tiếng vụn thủy tinh dưới sàn nhà.

Các bà mẹ hỏi một cách tuyệt vọng về số phận của những đứa con của mình. Một người đàn ông lớn tuổi cầu xin các bác sĩ cứu chữa cho vợ mình, người vừa được chuyển đến từ một bệnh viện khác.

Bệnh viện Hotel Dieu đã chữa trị cho ít nhất 300 người bị thương hôm thứ Ba và ghi nhận 13 ca tử vong, theo giám đốc George Dabar - người đã trải qua 15 năm nội chiến tại Lebanon.

"Tất cả những trải nghiệm trong thời chiến của tôi cũng không so được với khung cảnh ngay lúc này", vị bác sĩ nói. "Có một người đàn ông bế con gái mình tới bệnh viện ngày hôm qua, tôi không biết phải nói như nào để anh ấy hiểu rằng cô bé đã qua đời".

Theo Bộ Y tế Lebanon, hai bệnh viện tại Beirut đã quá tải và hai bệnh viện khác đã không còn đủ khả năng để đón tiếp bệnh nhân.

"Đội ngũ y bác sĩ của chúng tôi đã kiệt sức vì dịch COVID-19", ông Dabar nói. "Nhưng để đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày hôm qua, họ đã cùng nhau đoàn kết tuyệt vời. Toàn bộ chúng tôi đã nỗ lực để bệnh viện tiếp tục hoạt động."

Sơ tán bệnh nhân COVID-19

Bệnh viện St. George không may mắn như vậy. Vụ nổ đã khiến một trong những bệnh viện cổ nhất Beirut bị sập phần trần nhà, khiến hệ thống dây điện bị đứt đoạn.

"Chúng tôi không còn phục vụ nữa", giám đốc nhân viên của Bệnh viện St. George, Eid Azar nói. "Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, tôi không biết sẽ mất bao nhiêu thời gian để sửa chữa".

Các nhân viên bệnh viện St. George phải làm việc cho đến trước khi trời sáng để sơ tán bệnh nhân, thiết bị và hồ sơ.

"Chúng tôi đã phải sơ tán bệnh viện, điều này rất hiếm khi xảy ra, trong đó bao gồm 20 bệnh nhân rất nhạy cảm đang điều trị COVID-19", ông Azar cho biết.

Azar cho biết chiến dịch sơ tán khẩn cấp được diễn ra cùng thời điểm các bệnh nhân bị thương do vụ nổ được đưa đến, khoảng sân tại bệnh viện trở thành phòng khám dã chiến, các bác sĩ dù bị thương vẫn điều trị cho bệnh nhân.

Các bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại 9 tầng khác nhau được các bác sĩ và y tá Bệnh viện St. George sơ tán bằng cáng. Không có điện, thang máy ngừng hoạt động buộc nhân viên y tế phải đi cầu thang bộ trong cảnh tối thui.

Ngoài sân, bệnh viện dã chiến vẫn tiếp tục hoạt động cứu chữa người dù không hề có ánh sáng.

"Chúng tôi đã phải khâu các vết thương cho bệnh nhân dưới ánh đèn pin điện thoại. Tôi không biết chúng tôi đã làm điều này như thế nào. Tôi chưa bao giờ trải qua bất cứ điều gì giống như vậy."

Theo AFP
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.