Cuộc mưu sinh bên 'Đỉnh Everest' làm từ rác

[Ngày Nay] - Ấn Độ là một trong những nước tạo ra nhiều rác thải sinh hoạt nhất trên thế giới. Giống như nước láng giềng Nepal, Ấn Độ cũng có một “Đỉnh Everest”. Hay nói đúng hơn, đó là biệt danh mà người dân Ấn Độ đặt cho bãi rác thải Ghazipur - núi rác khổng lồ ở ngay thủ đô Delhi.

Điều đầu tiên mà bạn nhìn thấy khi tới gần bãi rác thải Ghazipur là một đàn chó hoang ốm đói.

Tiếp theo đó là một mùi xú uế được pha trộn từ mùi chất hữu cơ phân hủy, mùi nhựa cháy và mùi xác vật nuôi lẫn đâu đó trong rác.

Nếu tôi không làm vậy, rác có mà ngập đường. Chúng ta sẽ không biết phải xử lý thế nào. Rác bẩn làm mắt tôi luôn cay xè. Vào mùa hè thì núi rác này còn thường xuyên cháy bùng bùng”. Asif

Nhìn từ xa, bãi rác Ghazipur trông giống như một cao nguyên khô hạn nằm ở ngoại ô thủ đô Delhi của Ấn Độ. Nhưng ngọn núi này không phải làm từ đất. Nó được làm từ rác.

Núi rác nằm phơi dưới cái nắng hè gay gắt, tỏa xú khí nồng nặc và rò rỉ chất độc thẩm thấu xuống nguồn nước ngầm. Khoảng 2.000 tấn rác được chở đến bãi rác thải Ghazipur hàng ngày. Mỗi năm, núi rác lại cao thêm 10 mét. Với chiều cao tương đương một tòa nhà 20 tầng và vẫn tiếp tục được chất đầy thêm, chỉ một năm nữa núi rác này sẽ cao tới 75 mét, vượt lên trên di sản kiến trúc Taj Mahal có chiều cao 73 mét.

Cuộc mưu sinh bên 'Đỉnh Everest' làm từ rác ảnh 1

Một phụ nữ nhặt rác tại Ghazipur. Ảnh: AFP.

Hai năm về trước, một trận lở rác tại đây đã cướp đi mạng sống của hai người dân địa phương. Vào năm ngoái, Tòa án Tối cao Ấn Độ cũng đã yêu cầu đèn cảnh báo phải sớm được lắp đặt trên đỉnh núi rác Ghazipur để giúp cho máy bay không đâm phải.

Đây là ví dụ tiêu biểu nhất về thực tế bi đát mà Ấn Độ đang gặp lại trong quá trình tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều rác thải hơn khả năng xử lý. Hiện tại có ba bãi rác khổng lồ tương tự như vậy ở thủ đô New Dehli, và hàng trăm bãi rác khác trên khắp đất nước. Một khu nhà ổ chuột nhanh chóng mọc lên bên cạnh bãi rác Ghazipur, là nơi sinh sống của những con người mưu sinh bằng nghề nhặt rác. Họ moi móc nhựa phế thải từ đống rác để bán cho các xưởng tái chế.

Cuộc mưu sinh bên 'Đỉnh Everest' làm từ rác ảnh 2

Sheikh Rahim rời khu nhà ổ chuột đến núi rác Ghazipur kiếm sống. Ảnh: NPR.

“Công việc dễ dàng hơn vào mùa đông”, một cư dân xóm bãi rác 36 tuổi có tên Sheikh Rahim cho biết. “Nhưng tôi thấy nó cũng không quá tệ. Dù sao thì tôi đã quen rồi, và cũng chẳng có sự lựa chọn khác”.

Rahim chưa từng được đi học. Anh tới xóm bãi rác này 19 năm về trước từ lúc thành phố khi ấy có tên Calcutta. Anh kết hôn với một cô gái người địa phương và sinh được bốn đứa con. Cả gia đình sống trong xóm ổ chuột nằm kẹp giữa bãi rác và một bến tàu điện ngầm mới xây.

Cuộc mưu sinh bên 'Đỉnh Everest' làm từ rác ảnh 3

Con gái của Sheikh Rahim đôi khi theo anh đến núi rác hòng tìm thấy một vài đồ vật có giá trị.

Hàng ngày, cứ đến buổi trưa là Rahim lại trèo lên bãi rác chỉ với đôi dép xăng đan. Anh muốn đi tìm phế liệu vào thời điểm nắng nóng gay gắt nhất để không phải tranh giành với nhiều người. Đôi khi, anh dẫn theo cô con gái 8 tuổi Chandini theo cùng.

Có một con đường rộng như một đại lộ dẫn ngoằn ngoèo lên tận đỉnh của núi rác. Các xe tải chở rác đã ủi nên con đường này. Nhưng Rahim không thể lên lên đỉnh đống rác theo cách này. Con đường đó cấm người đi bộ.

Anh phải trèo lên theo lối đằng sau.

Cuộc mưu sinh bên 'Đỉnh Everest' làm từ rác ảnh 4

Sheikh Rahim bên những bao tải phế liệu nhặt nhạnh được từ núi rác Ghazipur.

Trước tiên, anh phải luồn lách qua những cuộn dây thép gai mà lực lượng chức năng đã dựng quanh đống rác hai năm về trước, sau khi xảy ra vụ lở rác, nhằm ngăn không cho những người như Rahim vào phía trong. Tiếp theo đó, anh phải lội qua một lạch nước hôi thối chạy vòng quanh đống rác như một con đường hào. Trước đó, Rahim đã phải thả trước những tảng gạch xuống lạch nước này để làm chỗ đặt chân. Anh cẩn thận lay những viên gạch để biết rằng chúng vẫn còn chắc chắn, bởi không một ai muốn bị ngã xuống dòng nước xú uế khủng khiếp như vậy.

Rahim từng bị đứt tay, bị dây thép gai cào ngang dọc trên lưng. Anh phải thường xuyên đi tiêm kháng sinh đề để phòng khả năng bị nhiễm khuẩn.

Khi đã lên tới đỉnh núi rác, Rahim dùng một sợi dây thép để bới rác. Rác thải ở đây thường đang phân hủy và ngả màu đen. Từng đàn kền kền bay lượn qua lại trên đầu anh, chốc chốc lại sà xuống mổ những mẩu rác.

Cuộc mưu sinh bên 'Đỉnh Everest' làm từ rác ảnh 5

Trước khi trời tối, Rahim “xuống núi” cùng một bao tải đầy phế liệu. Tại một bãi đất trống giữa xóm ổ chuột và núi rác, anh cùng những người hàng xóm ngồi phân loại nhựa trong và nhựa màu, giấy thiếc và giấy vụn. Họ đóng gói các phế liệu đã phân loại được vào những vỏ bao xi măng lớn.

Đó là cách rác thải được xử lý ở phần lớn đất nước Ấn Độ. Dù bạn phân loại rác tại nhà thì các nhân viên thu gom cũng chỉ tống chúng vào chung với nhau trên xe rác. Khi tới bác rãi, chúng sẽ được phân loại một lần nữa, không phải bởi cơ quan môi trường đô thị mà bởi những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Rahim bới nhặt rác 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, sau đó phân loại và bán “chiến lợi phẩm” thu được với giá khoảng 150 rupee, tương đương 2 USD mỗi ngày cho những người trung gian như Mohammed Asif.

Asif, 22 tuổi, cao hơn Rahim một bậc trong chuỗi mua bán phế liệu. Anh không phải tự mình đi bới nhặt rác mà đã tập hợp được cả đội quân thanh thiếu niên địa phương đi nhặt phế liệu cho mình.Họ mang những gì kiếm được đến cơ sở thu gom của Asif, nằm đối diện và được ngăn cách với núi rác bằng một con lạch tù đọng đầy muỗi. Asif cân những bao tải chứa đầy vỏ chai và bán lại cho những thương lái nhập phế liệu cho các nhà máy tái chế. Anh nhấm ngón tay và rút ra những tờ tiền từ một cọc tiền lớn, rồi nhét nó trở lại túi quần.

“Tôi là doanh nhân. Tôi mua bán cái này để kiếm tiền chênh lệch”, Asif nói với một điệu bộ đầy tự tin. Nhưng rồi anh trở nên rầu rĩ. “Nếu tôi không làm vậy, rác có mà ngập đường. Chúng ta sẽ không biết phải xử lý thế nào. Rác bẩn làm mắt tôi luôn cay xè. Vào mùa hè thì núi rác này còn thường xuyên cháy bùng bùng”.

Cuộc mưu sinh bên 'Đỉnh Everest' làm từ rác ảnh 6

Núi rác bắt lửa có nguyên nhân từ khí methane và các loại khí khác được giải phóng khi chất thải hữu cơ phân hủy. Mỗi khi xảy ra đám cháy tại núi rác Ghazipur, thường lực lượng cứu hỏa phải mất nhiều ngày mới có thể dập tắt. Đám cháy gần đây nhất xảy ra cuối tháng Ba năm 2019, và chỉ có thể được dập tắt sau 10 tiếng đồng hồ khi đã trùm lên các khu vực dân cư lân cận trong một màn khói đen kịt, hôi hám.

Sức chịu đựng của người dân địa phương đối với núi rác này cũng đã đến giới hạn. Họ lo sợ rằng kế hoạch xây dựng một nhà máy tái chế rác ngay bên cạnh núi rác này sẽ khiến cuộc sống của họ trở nên tồi tệ hơn nữa, bởi rác thải đưa vào lò đốt sẽ giải phóng ra nhiều khí độc hại.

Bà Kumud Gupta, một bác sĩ người địa phương cho biết bà thăm khám cho khoảng 70 bệnh nhân xóm bãi rác mỗi ngày, trong đó có nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Phần đông họ bị bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa, được cho là có nguyên nhân trực tiếp từ việc phải sống cạnh núi rác thải.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy không chỉ những người sống cận kề bãi rác thải, mà các cư dân sống trong phạm vi 5 km đều đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe phát sinh từ rác, trong đó có cả bệnh ung thư.

Cuộc mưu sinh bên 'Đỉnh Everest' làm từ rác ảnh 7

Theo Trung tâm Khoa học Môi trường New Delhi, khí methane bốc lên từ bãi rác thậm chí còn trở nên nguy hiểm hơn khi phản ứng với các chất khác có trong không khí. Các chất lỏng độc hại rỉ ra từ dưới núi rác này cũng chảy xuống kênh rạch địa phương, thẩm thấu xuống mạch nước ngầm và gây ra tình trạng ô nhiễm nước. Đi vào hoạt động từ năm 1984, bãi rác thải Ghazipur đạt tới giới hạn tối đa vào năm 2002 - thời điểm mà đáng lẽ nó phải đóng cửa. Nhưng hàng trăm chuyến xe rác từ thành phố vẫn nườm nượp xuất hiện mỗi ngày. Nhà chức trách cho biết họ không có phương án thay thế khả thi nào để có thể đóng cửa bãi rác thải này.

Ấn Độ không có những quy định chặt chẽ về việc phân loại và tái chế rác thải. Điều này khiến cho triển vọng đóng cửa hoặc giảm tải những núi rác lộ thiên như Ghazipur càng trở nên xa vời. Và đến khi những quy định này được hoàn thiện và thực thi, tình hình có thể đã trở nên khó có thể cứu vãn. Như Ghazipur, hiện đã là không thể cứu vãn.

Các khu vực thành thị của Ấn Độ làm phát sinh 62 triệu tấn rác thải rắn mỗi năm, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 165 triệu vào năm 2030. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đặt mục tiêu cấm vật dụng nhựa sử dụng một lần trước năm 2022. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trên con đường tiết giảm rác thải. Hy vọng rằng với những chính sách quản lý rác thải hiệu quả hơn như tái chế, sản xuất phân bón và xây dựng các nhà máy điện sử dụng nguyên liệu methane sinh học, Ấn Độ có thể tránh được những “danh thắng” bất đắc dĩ như núi rác Ghazipur trong tương lai.

Nhưng hiện tại, trên khắp đất nước Ấn Độ, có hàng nghìn người giống như Rahim và Asif đang phải trần mình trong điều kiện làm việc khắc nghiệt như vậy, trên những núi rác đang ngày một cao thêm.

Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.