Luật sư Malaysia và Việt Nam lý giải quy trình xét xử nghi phạm sát hại Kim Jong-nam

(Ngày Nay) - Luật sư Malaysia cho biết nghi phạm mang hộ chiếu nước ngoài sát hại anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể được tiếp cận luật sư và đại diện của nước mình.
 Ông Kim Jong-nam trong một lần ở Thượng Hải. Ảnh: Telegraph
Ông Kim Jong-nam trong một lần ở Thượng Hải. Ảnh: Telegraph

Quyền gặp luật sư

"Nghi phạm có quyền gặp luật sư, gia đình mình hoặc thậm chí đại diện ngoại giao. Điều đó có nghĩa đại diện ngoại giao có thể liên lạc với điều tra viên, yêu cầu thăm nghi phạm hoặc thu xếp mời luật sư cho nghi phạm đó", Luật sư Amer Hamzah Arshad, Trưởng bộ phận Luật hình sự, Công ty Luật AmerBON Advocates, Malaysia, trao đổi với VnExpress.

Ông Arshad trả lời câu hỏi liên quan đến vụ sát hại Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong đó có hai nghi phạm mang hộ chiếu nước ngoài.

Dẫn Mục 28A, Bộ Luật Hình sự của Malaysia, luật sư Arshad cho biết cảnh sát trước khi thực hiện bất kỳ thẩm vấn hoặc ghi âm lời khai nào của người bị bắt, đều phải báo cho nghi phạm rằng anh ta/cô ta có thể liên lạc hoặc cố liên lạc với một người thân, bạn bè để báo về tình trạng của mình. Nghi phạm cũng được phép liên lạc hoặc cố liên lạc và trao đổi với luật sư của mình. Trên cơ sở đó, cảnh sát sẽ cho phép nghi phạm thực hiện các quyền trên nhanh nhất có thể.

Theo đề nghị của nghi phạm, họ sẽ được gặp luật sư tại vị trí người này bị giam. Cảnh sát sẽ theo dõi cuộc trao đổi nhưng không được phép nghe nội dung giữa nghi phạm và luật sư.

Tuy nhiên, ông Arshad lưu ý, nghi phạm có thể không thực hiện các quyền trên nếu như cảnh sát có lý do để tin rằng họ có thể thực hiện các kế hoạch nhằm tránh bị bắt giữ; che giấu, thêu dệt hoặc phá hủy chứng cứ hoặc đe dọa nhân chứng.

Nghi phạm cũng có thể không được gặp đại diện của mình (đại diện ngoại giao, người thân, luật sư) nếu cảnh sát cho rằng việc thẩm vấn hay ghi âm lời khai là rất cấp bách vì liên quan đến sự an toàn của người khác.

Thời hạn tạm giam

 Luật sư Malaysia và Việt Nam lý giải quy trình xét xử nghi phạm sát hại Kim Jong-nam ảnh 1

Một trong hai nữ nghi phạm mang hộ chiếu nước ngoài liên quan đến vụ sát hại Kim Jong-nam. Ảnh: News.com.au

Ngay sau khi ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 13/2 bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ một nghi phạm nữ mang hộ chiếu nước ngoài. Cô này 29 tuổi, mặc chiếc áo in chữ LOL, từ viết tắt của "laugh out loud" trong tiếng Anh, nghĩa là "cười to thành tiếng". Nghi phạm nữ thứ hai mang hộ chiếu Indonesia cùng nam nghi phạm mang hộ chiếu Triều Tiên cũng bị bắt sau đó.

Đối với việc nữ nghi phạm sát hại ông Kim Jong-nam bị đưa ra tòa chỉ một ngày sau khi cảnh sát bắt giữ, luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, Công ty luật Hoàng Giao & cộng sự cho biết đây là thủ tục thông thường ở nhiều nước. "Cơ quan điều tra muốn giam giữ nghi phạm phải có sự chấp thuận của tòa án. Thời gian giam giữ cũng khá chặt chẽ để buộc cơ quan điều tra phải nhanh chóng tìm ra chứng cứ phạm tội, không thể giam giữ kéo dài", ông Giao nói.

Vì tính đặc biệt của vụ án Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hôm 16/2 cảnh sát yêu cầu phía tòa án cử người tới trụ sở cảnh sát để tránh phát sinh chuyện ngoài ý muốn trên đường đưa nghi phạm tới tòa.

Luật sư Arshad giải thích có hai trường hợp tạm giam. Thứ nhất, nếu nghi phạm đang bị điều tra có thể bị phạt tù giam dưới 14 năm, việc giam giữ sẽ không quá 14 ngày trong lần giam đầu tiên (trước khi điều tra) và không quá 3 ngày kể từ khi bị giam lại (lần giam thứ hai). Trường hợp thứ hai, nghi phạm bị điều tra và có thể bị tuyên án tử hình hoặc từ 14 năm trở lên, lần giam đầu tiên (trước điều tra) và lần giam thứ hai đều không quá 7 ngày.

Trong vụ án Kim Jong-nam, hai nữ nghi phạm sát hại Kim Jong-nam đã bị tòa yêu cầu giam giữ 7 ngày sau khi bị bắt.

Trước khi lệnh giam thứ hai hết hiệu lực, điều tra viên phải hoàn thành hồ sơ điều tra và gửi tới phó ủy viên công tố (deputy public prosecutor - DPP) để nhận chỉ thị. Nếu DPP đồng ý, nghi phạm sẽ bị buộc tội. Nếu việc điều tra chưa hoàn thành, nghi phạm sẽ được thả có bảo lãnh. Nếu DPP không đồng tình là có tội, nghi phạm sẽ được thả vô điều kiện.

Luật sư Arshad lưu ý các quyền của nghi phạm được áp dụng như nhau với người Malaysia và người nước ngoài.

Xét xử

Ông Giao nói trong trường hợp công dân một nước phạm tội ở nước khác, có hai khả năng xảy ra: Một là nghi phạm bị xét xử tại nước sở tại (tài phán hình sự tại nơi xảy ra sự việc), hai là được dẫn độ về nước (tài phán hình sự theo nguyên tắc bảo hộ công dân theo quốc tịch).

Để giải quyết vấn đề này, nếu các quốc gia không có Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự thì khi xảy ra tranh chấp quyền tài phán hình sự, các nước sẽ giải quyết theo con đường ngoại giao.

Trong trường hợp nghi phạm là người Đông Nam Á, do Malaysia thuộc ASEAN, các nước trong khối đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp nên Malaysia sẽ có quyền điều tra, xét xử nghi phạm.

Trường hợp ngoại lệ, không bị nước sở tại xét xử xảy ra khi người phạm tội là công chức, viên chức ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Ông Giao nêu ví dụ một nhà ngoại giao nước ngoài đi xe bất cẩn gây chết người ở một nước khác thì sẽ bị trục xuất về nước, không bị xét xử ở nước sở tại. Sau khi về nước, quốc gia có công dân gây tai nạn sẽ xem xét điều tra, xét xử hoặc không tiến hành thủ tục pháp lý nào.

Về tình tiết Malaysia khám nghiệm tử thi hay yêu cầu Triều Tiên cung cấp mẫu ADN để trả lại thi thể, ông Giao cho biết đây là điều phù hợp thông lệ quốc tế, bởi công dân Triều Tiên chết tại Malaysia không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.

"Nếu ông Kim là nhà ngoại giao, ông ấy sẽ được miễn trừ các hoạt động tư pháp trong trường hợp phạm luật Malaysia, quyền xét xử ông Kim thuộc về Triều Tiên. Tuy nhiên, trong vụ án này, ông Kim là nạn nhân nên Malaysia có quyền điều tra và thực hiện các thủ tục pháp lý mà họ tin là cần thiết", ông Giao phân tích. Luật sư nhấn mạnh rằng sau khi hoàn thành điều tra, Malaysia sẽ phải bàn giao thi thể ông Kim Jong-nam cho phía Triều Tiên - điều mà Malaysia đã cam kết.

Nếu cảnh sát tìm đủ chứng cứ và đưa nghi can ra tòa, luật sư Giao cho biết nghi can có thể thuê luật sư, nhưng phải là luật sư hành nghề ở Malaysia.

"Luật sư nước có công dân bị xét xử tại Malaysia có thể sang tham gia, nhưng chỉ với tư cách hỗ trợ. Nếu nghi can không có điều kiện kinh tế, tòa có thể chỉ định một luật sư Malaysia khác để bào chữa", ông Giao nói.

Cũng theo luật sư Giao, các hoạt động hỗ trợ tư pháp của nước chủ nhà có công dân bị cho là phạm pháp ở Malaysia có thể diễn ra bình thường theo thông lệ quốc tế.

 Luật sư Malaysia và Việt Nam lý giải quy trình xét xử nghi phạm sát hại Kim Jong-nam ảnh 2

Diễn biến vụ hạ độc "trong vòng 5 giây" với Kim Jong-nam (Click vào hình để xem ảnh cỡ lớn). Đồ họa: Việt Chung/Strait Times

Theo Vnexpress
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.