Nga đang vươn xa ở Châu Á – Thái Bình Dương

Các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (CA-TBD) từ lâu đã trở thành đối tác chiến lược của Liên bang Nga. Quan hệ của Nga với các nước trong khu vực đang phát triển nhanh chóng, lập trường của các bên cũng tiến sát lại gần nhau hơn.
Tổng thống Nga V. Putin và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Thượng đỉnh Nga - ASEAN, Singapore, ngày 14/11
Tổng thống Nga V. Putin và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Thượng đỉnh Nga - ASEAN, Singapore, ngày 14/11

Thông qua các diễn đàn đa phương

Vai trò của các mối quan hệ song phương, cũng như các mối quan hệ trong các cấu trúc quốc tế khu vực ngày càng lớn mạnh, thể hiện qua các sự kiện, diễn đàn. Trong các ngày 17-18/11 sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Papua New Guinea, Thủ tướng Dmitry Medvedev sẽ tham dự diễn đàn này.

Trước đó, ngày 14/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Singapore. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Tổng thống Putin tham dự EAS.

Theo nhà lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương của Viện Hàn lâm Khoa học Nga Dmitry Mosyakov, điều này cho thấy sự quan tâm của Nga đến tầm quan trọng của các hội nghị ở CA-TBD. Các vấn đề hợp tác kinh tế cụ thể liên quan đến chính sách thuế quan, hạn ngạch đang được xem xét. EAS đang phát huy hiệu quả hơn vai trò của mình mà cụ thể là kéo Nga đến gần để đạt được các mục tiêu trong khu vực.

Ngay trước thềm các hội nghị nói trên trên, hãng thông tấn quốc tế “Nước Nga ngày nay”(Rossiya Segodnya) đã tổ chức Hội nghị bàn tròn “Các lợi ích của Nga ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” nhằm thảo luận, chuẩn bị các chương trình nghị sự, cũng như bàn về quan hệ của Nga với các tổ chức khu vực và lợi ích của Moscow tại CA-TBD.

Nhận định về Hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN, Giám đốc Trung tâm ASEAN của Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế (MGIMO) thuộc Bộ Ngoại giao Nga Viktor Sumsky cho biết: “Tình hình khu vực và quốc tế đã thay đổi đáng kể sau Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại Nga – ASEAN vào tháng 5/2016 và các hội nghị liên quan”. Vào tháng 5/2016, Vương quốc Anh chưa chính thức quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), ông Donald Trump chưa nhậm chức Tổng thống Mỹ, đồng nghĩa với việc Washington chưa rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa bắt đầu, chính quyền Mỹ không có chiến lược tổng thể về dỡ bỏ các diễn đàn đối thoại đa phương hay các định dạng hợp tác.

Trước mắt, nội dung các chương trình nghị sự sẽ phong phú, đa dạng hơn trước đây, bao gồm các vấn đề quốc tế như Syria và Ukraine. Theo ông Mosyakov, một trong những vấn đề chủ chốt của các hội nghị lần này là phát triển và tăng cường hợp tác giữa Nga với Việt Nam, phối hợp làm việc trong Khu vực mậu dịch tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) với Việt Nam, mở rộng quyền hạn và cơ hội cho các khu vực thương mại tự do, cũng như mở ra triển vọng thực tiễn này đối với các nước khác trong ASEAN.

Lập trường nhất quán của Nga tại CA-TBD

Một định dạng khác cho mối liên kết của Nga với các nước trong khu vực là Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Theo chuyên gia từ Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga, ông Vladimir Petrovsky, việc lãnh đạo nước Nga lần đầu đích thân tham dự EAS cho thấy tầm quan trọng nhất định của diễn đàn này. “Đây là nền tảng quan trọng, có uy tín để thảo luận các vấn đề an ninh ở khu vực CA-TBD. Nga đang thúc đẩy một lập trường nhất quán về an ninh khu vực toàn diện ở CA-TBD”, ông nhấn mạnh.

Nước Nga chú trọng đến việc đạt được nhiều hơn lợi ích ở Đông Á. Do vậy, các cuộc họp song phương sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị EAS. Tổng thống Nga sẽ gặp gỡ với người đồng cấp Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản để thảo luận các vấn đề an ninh khu vực, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, quan hệ Nga – Nhật cũng như tình hình Biển Đông.

Một sự kiện không kém phần quan trọng nữa là Hội nghị thượng đỉnh APEC. Bà Tatyana Flegontova, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu APEC của Nga, nhấn mạnh rằng chương trình nghị sự của hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, có thể được chia thành hai khuôn khổ sau:

Thứ nhất là các sáng kiến và dự án mà Nga đang thúc đẩy tại diễn đàn. Chẳng hạn như tiếp tục phát triển tới các khu vực ở xa phù hợp với chiến lược phát triển không gian của Nga và các sáng kiến mới về hợp tác; lên kế hoạch định hình các “sân chơi” khác trong khuôn khổ APEC và làm việc với các thị trường công nghệ mới trong tương lai; thúc đẩy các doanh nghiệp Nga trở thành “đầu tàu kinh tế” ở thị trường CA-TBD; sự tham gia của phụ nữ vào các cơ chế kinh tế của APEC.

Thứ hai là các vấn đề về điều chỉnh cơ chế đa phương, hệ thống thương mại đa phương và sự cần thiết của việc định hình lại WTO.

Theo các chuyên gia, sự tham gia của Nga vào các tiến trình này của APEC là rất quan trọng. Kể từ năm ngoái, các vấn đề đã được thảo luận tích cực với các phạm vi và tính chất giới hạn, thông qua các quốc gia, các nền kinh tế riêng lẻ. Bên cạnh đó, Nga cũng không được mời tham dự vào các diễn đàn nên chưa tích cực tham gia vào các tiến trình. Chính vì thế, các định dạng đa phương như APEC là cơ chế quan trọng để mở rộng tầm nhìn của Nga.

Liên kết kinh tế bền chặt là trọng tâm

Hợp tác kinh tế là một trong những nội hàm quan trọng nhất trong mối liên kết của Nga với các nước trong khu vực. Lưu thông hàng hóa giữa Moscow với các nước châu Á – Thái Bình Dương đang gia tăng.

Tuy nhiên, theo ông V.Sumsky, tự do thương mại không tự nó phát triển nền kinh tế, mà chỉ phát huy khả năng của tiềm lực vốn có. Ông cho rằng việc thành lập khu vực tự do thương mại giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam là một tín hiệu tích cực. Qua đó cho thấy, không thể đạt được hiệu quả đột phát nếu thiếu vắng các siêu dự án do Nga thực hiện. Ví dụ, trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có một vấn đề chưa được giải quyết là tình trạng thiếu năng lượng, trong khi đó Nga lại cần tính đến các dự án lâu dài ở đây.

Chuyên gia Alexander Rogozhin – người đứng đầu chuyên ngành kinh tế - xã hội của Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới thuộc Viện hàn lâm E.M. Primakov –  nhấn mạnh rằng ngoài các dự án lớn như năng lượng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nga cũng cần thâm nhập vào khu vực với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước. Điều Moscow cần làm là tạo ra các mạng lưới, dự án của riêng mình, cũng như tham gia vào các thỏa thuận để bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của vực.

Theo ông Rogozhin, điều quan trọng là Nga không bỏ lỡ các cơ hội hợp tác kinh tế hiện có với các nước trong khu vực. Hợp tác thương mại giữa Trung Quốc với các nước ASEAN là điều vô cùng bất lợi cho các nước trong khu vực CA-TBD do sai ngạch không ngừng tăng. “Đây là thời cơ tận dụng các cơ hội làm ăn với Nga để đem lại nhiều lợi ích hơn so với Trung Quốc”, chuyên gia cho biết.

Ông Rogozhin cũng đề cập đến các vấn đề đã tồn tại hàng thập kỷ gây tổn hại đến hợp tác kinh tế khu vực, cần phải giải quyết như vận tải hàng hóa và vai trò trung gian của Singapore. Ngoài ra, một vấn đề đáng e ngại là ảnh hưởng từ việc gia tăng áp lực của Mỹ lên các nước trong khu vực. Theo đó, các cuộc đàm phán sắp tới có thể sẽ góp phần giải quyết các vấn đề trên.

Cơ hội được tham gia vào các hội nghị sẽ giúp Nga có tầm nhìn đúng về liên kết kinh tế khu vực. Chẳng hạn như APEC sẽ cho phép nền kinh tế số được hình thành trong khu vực chỉ khi Nga nhìn thấy khả năng phát triển số hóa và nền kinh tế số của mình trong các tổ chức quốc tế nói chung. Chuyên gia T. Flegontova còn cho rằng thông qua các cơ chế đa phương có thể đánh giá các hoạt động của WTO.

Nga cũng có thể tiếp cận kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc để phát triển thương mại với các nước CA-TBD. Hiện Moscow và Bắc Kinh chưa có bất kỳ thỏa thuận nào trong thị trường điện tử.

Tóm lại, các nước CA-TBD có ý nghĩa chiến lược rất lớn đối với Nga. Moscow đã vạch rõ các bước đi, cụ thể là xúc tiến các siêu án và phát triển các định dạng đa phương với các nước trong khu vực. Điều quan trọng lúc này là tận dụng các cơ hội trong bối cảnh vai trò của Mỹ tại CA-TBD bị suy giảm vì những chính sách ngoại giao thất bại và được cho là “thù địch”, thách thức trật tự thế giới của chính quyền Tổng thống Donal Trump.

Theo Thế Giới & Việt Nam
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.