Người ở bên lề cuộc đấu tranh nữ quyền

(Ngày Nay) - Năm 2017, Công ty xuất bản Merriam-Webster, nhà cung cấp từ điển trực tuyến hàng đầu của Mỹ, đã công bố từ “nữ quyền” là từ được người sử dụng quan tâm tìm kiếm nhiều nhất. Điều này phản ánh một thực tế là trong năm 2017 vừa qua, nữ quyền đã là một trong những chủ đề được xuất hiện nhiều nhất trong các cuộc tranh luận xã hội.
Người ở bên lề cuộc đấu tranh nữ quyền

Sau ngót nghét hai thế kỷ với bốn làn sóng đấu tranh nữ quyền, một sự bình đẳng thực sự về chính trị, kinh tế và xã hội giữa nam giới và nữ giới vẫn là một mục tiêu mà nhân loại vẫn đang phải hướng tới. Nhưng đang có những người phụ nữ vẫn đang bị bỏ lại rất xa ở phía sau, thậm chí bị quên lãng, không được thừa nhận.

Đó là những người phụ nữ chuyển giới, những người đang ngày ngày phải đối mặt với nguy cơ bạo lực, thất nghiệp, vô gia cư cao hơn bất cứ nhóm giới tính nào khác.

Người ở bên lề cuộc đấu tranh nữ quyền ảnh 1

Hiểm họa bạo lực

Bạo lực chống lại phụ nữ là một vấn nạn vẫn xảy ra tràn lan. Và ít người biết rằng đối tượng bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là phụ nữ chuyển giới.

Rae'Lynn Thomas, một phụ nữ chuyển giới 28 tuổi ở tiểu bang Ohio của Mỹ, là một người hài hước, lôi cuốn và là trung tâm của mọi bữa tiệc. Nhưng cô đã bị bắn trọng thương và đánh đập đến chết trong chính ngôi nhà của mình, và ngay trước mắt mẹ mình.

Người ở bên lề cuộc đấu tranh nữ quyền ảnh 2 

Trong khi phần lớn gia đình yêu thương và chấp nhận Thomas, thì người cha dượng chưa bao giờ giấu diếm sự ghê tởm, kỳ thị đối với giới tính của cô. Mẹ của Thomas, người chứng kiến toàn bộ vụ án mạng, kể lại rằng người đàn ông này đã đột ngột rút súng bắn hai phát đạn vào Thomas, sau đó đánh đập cô bằng bất cứ vật thể nặng nào vớ được trong tầm tay. Bà không thể nhớ những lời nói cuối cùng của con gái trước khi cô tắt thở: “Mẹ, xin đừng bỏ con. Mẹ, con sắp chết”.

Rae'Lynn Thomas chỉ là một trong số 28 người chuyển giới bị sát hại ở Mỹ năm 2016. Năm 2017 vừa qua, con số còn cao hơn thế. Tỉ lệ tử vong ở người chuyển giới, đặc biệt là phụ nữ, cao đột biến so với tỉ lệ trung bình. Họ có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ án mạng cao gấp bốn lần phụ nữ bình thường. Với những phụ nữ da màu chuyển giới, các con số thống kê còn u ám hơn: Có đến 84% người chuyển giới bị sát hại là người da màu và 80% là phụ nữ.

Một báo cáo về bạo lực nhằm vào cộng đồng LGBTQ (đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, chuyển giới, dị tính) năm 2012 cho thấy hơn 50% nạn nhân các vụ án mạng là phụ nữ. Điều đó cho thấy, phụ nữ chuyển giới là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong toàn bộ cộng đồng này. Một trong những thủ phạm hàng đầu trong các vụ bạo lực chống lại phụ nữ chuyển giới chính bạn đời là những người đàn ông mà họ có quan hệ tình cảm. Có đến hơn 50% các vụ bạo lực chống lại người chuyển giới ở Mỹ xảy ra từ năm 1990 đến năm 2005 là do đàn ông tiến hành nhằm vào người phụ nữ chuyển giới mà họ có quan hệ.

Nguy cơ trầm cảm, tự sát

Giống như những thành viên khác của cộng đồng LGBTQ, phụ nữ chuyển giới cũng phải đối mặt với sự kỳ thị nặng nề của xã hội. Điều này dẫn đến tỉ lệ tự sát cao trong nhóm.

Một ngày mùa đông năm 2014, Leelah Alcorn, 17 tuổi, đã kết thúc cuộc đời mình bằng cách bước thẳng vào dòng xe đang lao vun vút trên đường cao tốc Interstate 71 chạy qua tiểu bang Ohio. Ba năm trước đó, cô đã thổ lộ với cha mẹ ý muốn chuyển giới, và xin phép được bắt đầu quá trình chuyển giới vào năm 16 tuổi. Nhưng cha mẹ của Alcorn, đã phản đối quyết liệt, và buộc cô phải tham gia các lớp trị liệu nắn chỉnh giới tính do nhà thờ tổ chức.

Người ở bên lề cuộc đấu tranh nữ quyền ảnh 3 

Trong lá thư tuyệt mệnh được cài đặt để đăng tự động lên mạng xã hội sau khi cô ra đi, Alcorn viết: “Tôi quyết định như vậy là đã quá đủ… Tôi không có lối thoát. Tôi đã quá bất hạnh, tôi không muốn cuộc đời mình phải tồi tệ thêm. Mọi người bảo mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn, nhưng điều đó không đúng. Mỗi ngày cuộc đời tôi lại thêm tồi tệ. Đó là lý do tôi muốn tự sát. Tôi xin lỗi nếu lý do đó chưa đủ thuyết phục với mọi người, nhưng nó đủ thuyết phục đối với tôi”.

Trong lá thư, Alcorn bày tỏ nguyện vọng quyên góp toàn bộ số tiền tiết kiện của mình cho một tổ chức từ thiện của người chuyển giới, và kêu gọi vấn đề về người đồng tính và chuyển giới cần được giảng dạy trong nhà trường. Đoạn cuối của lá thư tuyệt mệnh có viết: "Cái chết của tôi phải có ý nghĩa gì đó. Cái chết của tôi phải được cộng vào danh sách những người chuyển giới đã tự sát trong năm nay. Tôi muốn có người nhìn vào con số đó, và nhận ra rằng họ cần phải sửa chữa sai lầm của xã hội này. Xin hãy làm ơn”.

Người ở bên lề cuộc đấu tranh nữ quyền ảnh 4 

Khảo sát năm 2014 của Viện nghiên cứu Williams ở Mỹ cho thấy, 57% người chuyển giới bị gia đình chối bỏ giống như Alcorn và khoảng gần 80% người chuyển giới bị bạo hành tinh thần, thể chất đã từng tìm cách tự tử.

Do nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực, và do tỉ lệ tự tử cao, tuổi thọ trung bình của phụ nữ chuyển giới da màu ở Mỹ chỉ là 35 tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình của người dân nước này là 78.

Tương lai bấp bênh

Để được là chính mình, trong rất nhiều trường hợp, phụ nữ chuyển giới phải chấp nhận hy sinh công việc, sự nghiệp và sự an toàn tài chính của mình. Trong số 52 tiểu bang ở Mỹ, có tới 30 tiểu bang cho phép người sử dụng lao động sa thải nhân viên của mình chỉ với lý do họ là người chuyển giới.

Jennifer Chavez, một phụ nữ chuyển giới 55 tuổi đến từ tiểu bang Georgia, có tới 40 năm kinh nghiệm làm thợ sửa chữa ô tô. Tuy nhiên, bà đã bị sa thải sau khi thông báo với chủ lao động ý định chuyển giới.

Người ở bên lề cuộc đấu tranh nữ quyền ảnh 5 

“Trước khi chuyển giới, tôi có thể kiếm việc làmmột cách dễ dàng”, bà Chavez cho biết. “Nhưng sau khi chuyển giới, hầu hết các xưởng ô tô ở thành phố Atlanta đã cho tôi vào danh sách đen”.

Theo một khảo sát được tiến hành năm 2008, phụ nữ chuyển giới bị giảm hơn 30% thu nhập sau khi chuyển giới. Còn đàn ông chuyển giới sẽ có thu nhập cao hơn trước khoảng 1,5%. Đó là trong trường hợp họ may mắn vẫn kiếm được việc làm.

Sau hơn 300 lần vác đơn đi xin việc, bà Chavez cuối cùng cũng được tuyển dụng vào làm kỹ thuật viên tại một xưởng bảo dưỡng và sửa chữa ô tô. Tuy nhiên, mức lương của bà chỉ còn bằng một nửa trước kia. Cuộc sống trở nên khó khăn chật vật, trong khi khoản vay mua nhà vẫn chưa trang trải hết. Nhưng bà Chavez vẫn may mắn hơn rất nhiều người chị em chuyển giới của mình.

Keisha Allen, một phụ nữ chuyển giới da đen 45 tuổi, đã kiếm sống bằng nghề mại dâm kể từ khi bị gia đình từ bỏ vào năm 16 tuổi. Cái nghề cay đắng này cũng chỉ mang lại cho bà 12.000 USD mỗi năm, chỉ đủ tiền ăn chứ không đủ tiền thuê nhà trọ. Allen phải xin vào sống trong các nhà tạm trú dành cho người vô gia cư, nơi bà buộc phải ở trong khu giành cho nam giới. Đã hàng trăm lần, Allen thử vận may tìm kiếm một công việc khác không đòi hỏi trình độ bằng cấp, nhưng bà không bao giờ qua được vòng phỏng vấn đầu tiên.

Người ở bên lề cuộc đấu tranh nữ quyền ảnh 6 

“Khi tôi vào đến vòng phỏng vấn, họ nhận thấy tên và giới tính của tôi không trùng với thông tin trên giấy tờ tùy thân, và họ không bao giờ nhận tôi vào làm việc”, Allen cho biết. “Bán dâm là cách duy nhất để tôi có thể tồn tại”.

Một khảo sát trong khoảng 3.000 phụ nữ chuyển giới ở Hoa Kỳ cho thấy, 36% đã mất việc làm vì giới tính của mình, hơn 55% đã bị tẩy chay và kỳ thị bởi các nhà tuyển dụng, 29% không thể thăng tiến. Trong số các phụ nữ chuyển giới vô gia cư phải sống trong các nhà tạm trú, có tới 60% bị quấy rối tình dục.

Phụ nữ chuyển giới phải đối mặt với những định kiến, sự kỳ thị và nguy cơ bạo lực cao hơn những người phụ nữ khác. Trong khi phong trào nữ quyền đã đạt được những thành công đáng kể, thì phụ nữ chuyển giới vẫn đang bị bỏ lại rất xa ở phía sau.

Oscar 2018 và bình đẳng giới

Trong lúc mà các chiến dịch vận động #MeToo và Time's Up liên quan tới nạn lạm dụng tình dục và bất bình đẳng giới đang thống trị lễ trao giải Oscar 2018, thì sự kiện này được xem là một cơ hội để vinh danh các những người phụ nữ tham gia vào quá trình làm phim.

Vào cuối lễ trao giải, nữ diễn viên Salma Hayek đã trình chiếu một đoạn video ngắn với sự góp mặt của nhiều ngôi sao điện ảnh lên tiếng vì nữ quyền và phản đối phân biệt chủng tộc, trong đó có các diễn viên Ava DuVernay, Chadwick Boseman, Lee Daniels và Geena Davis.

"Nhờ có #MeToo và Time's Up, mọi người đã được lên tiếng để thể hiện một vấn nạn đang diễn ra không chỉ ở Hollywood mà ở mọi ngóc ngách của cuộc sống" - nữ diễn viên Mira Sorvino nói.

Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.