Nhiều nhà sản xuất nước ngoài đang lên kế hoạch 'đào tẩu' khỏi Trung Quốc

(Ngày Nay) - Trung Quốc từ lâu đã là cường quốc sản xuất của thế giới. Nước này sở hữu các nhà cung cấp, dây chuyền lắp ráp, công nhân, chuyên môn hàng đầu. Các công ty công nghệ, đặc biệt là "gã khổng lồ" Google, từ lâu đã phụ thuộc vào Trung Quốc để lắp ráp các sản phẩm của mình.
Nhiều nhà sản xuất nước ngoài đang lên kế hoạch 'đào tẩu' khỏi Trung Quốc

Các công ty công nghệ như Nintendo của Nhật Bản hay Google của Mỹ được cho là đang tìm kiếm các địa điểm khác để đặt nhà máy sản xuất mới sau căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến những doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng nặng nề

Google, vốn đã có sự hiện diện đáng kể ở Đài Loan, hiện có kế hoạch chuyển một số nhà sản xuất bộ điều chỉnh nhiệt độ Nest và các linh kiện điện tử ra khỏi Trung Quốc để tránh mức thuế quan trả đũa đến từ Bắc Kinh, theo Bloomberg.

Trong khi đó, Tạp chí Phố Wall đưa tin rằng Nintendo cũng đang có ý định di chuyển một số dây chuyền sản xuất máy chơi game Switch từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, trích dẫn nguồn tin nội bộ công ty.

Các động thái này xuất hiện sau khi một giám đốc điều hành cấp cao của Foxconn - nhà sản xuất hầu hết điện thoại thông minh của Apple có trụ sở tại Đài Loan, tiết lộ với Bloomberg rằng công ty có đủ năng lực để sản xuất tất cả điện thoại iPhone bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Phía Apple chưa đưa ra lời xác nhận về thông tin chuyển dịch chuỗi sản xuất.

Đối với Nintendo, nguy cơ phía Trung Quốc tăng thuế đối có thể khiến công ty này cân nhắc lại địa điểm sản xuất bởi máy chơi game của hãng thường không đem lại lợi nhuận cao. Trong khi công ty này đang muốn dựa vào máy chơi game Switch để thúc đẩy doanh số của hãng.

"Hầu hết các thành phần tạo nên giao diện điều khiển Nintendo Switch được sản xuất tại Trung Quốc", người phát ngôn công ty cho biết. "Để giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng, việc lắp ráp các sản phẩm phải gần với nơi sản xuất các bộ phận".

Tuy nhiên, công ty Nhật Bản đã nói rằng họ đang theo sát tình hình thuế quan và "luôn tìm hiểu các lựa chọn" cho nơi đặt nhà máy sản xuất.

Chiến tranh thương mại làm lung lay chuỗi sản xuất

Ngoài Nintendo và Google, nhiều công ty đã xem xét lại chuỗi cung ứng của họ kể từ khi Nhà Trắng phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc năm ngoái. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Trump đã tăng thuế nhập khẩu lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bao gồm các thiết bị điện tử và hàng dệt may.

Các công ty xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đặt chuỗi sản xuất tại Trung Quốc cũng lo ngại về các biện pháp trả đũa tiềm năng khác của phía Bắc Kinh, chẳng hạn như tăng quy định hoặc trì hoãn thủ tục hải quan. Trung Quốc đã gia tăng áp lực lên các công ty Mỹ khi căng thẳng thương mại leo thang.

Sau khi Mỹ trừng phạt Huawei bằng lệnh cấm xuất khẩu vào ngày 15/5, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tạo ra một danh sách đen các công ty nước ngoài. Đầu tháng này, chính phủ Bắc Kinh đã phạt liên doanh chính của Ford tại nước này vì vi phạm chống độc quyền, làm dấy lên lo ngại về các hành động "ăn miếng trả miếng" giữa hai nước.

Đối với các công ty công nghệ, mối quan tâm về sở hữu trí tuệ và an ninh cũng là điểm gây tranh cãi cho mối quan hệ Mỹ-Trung và có thể gây áp lực buộc họ đa dạng hóa mạng lưới sản xuất và cung ứng.

Đa dạng hóa sản xuất

Trong bối cảnh các công ty "rút chạy" khỏi Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á - chứ không phải Mỹ, đang nổi lên làm điểm đến lý tưởng để thiết lập các chuỗi sản xuất. Lĩnh vực sản xuất của Đông Nam Á vào tháng này có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 9 tháng, một phần lớn nhờ vào các đơn đặt hàng mới, theo dữ liệu từ Nikkei-Markit.

Việc gia tăng lương thưởng cho các lao động tại Trung Quốc đang khiến nhiều công ty cân nhắc việc chuyển chuỗi sản xuất xuống Việt Nam hoặc Thái Lan, các nước sở hữu nguồn nhân lực giá rẻ. Tỷ lệ tự động hóa ngày càng tăng trong lĩnh vực sản xuất khiến các công ty không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào công nhân có tay nghề cao để sản xuất hàng hóa.

Phần lớn việc sản xuất bo mạch chủ Google xuất sang Mỹ đã chuyển sang Đài Loan, theo báo cáo của Bloomberg. Trong năm qua, Google cũng đã đầu tư vào trung tâm kỹ thuật và đổi mới của Đài Loan, với kế hoạch mở rộng khuôn viên và tăng gấp đôi quy mô nhân lực tại Thành phố Tân Bắc, cũng như cung cấp các khóa đào tạo tiếp thị kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo cho sinh viên địa phương.

Bất chấp những thay đổi này, Trung Quốc - nhà sản xuất lớn nhất thế giới, vẫn là một trung tâm sản xuất cực kỳ quan trọng. Không chỉ các nhà máy và nhà cung cấp tập trung ở đó mà cơ sở hạ tầng - đường sá, cầu cảng, sân bay và lưới điện, vẫn tốt hơn so với các quốc gia Đông Nam Á.

Mặc dù các công ty có thể dần dần chuyển một số nhà máy hoặc mở rộng mạng lưới sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, Giáo sư Joseph Foudy thuộc Đại học New York cho biết Trung Quốc sẽ khó mất vị thể nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

"Trung Quốc vẫn là 'tổng thầu' của chuỗi sản xuất", GIáo sư Foudy nhận định. "Chất lượng đường và cảng cũng như cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn điện và nhân sự - các số liệu này vẫn cho thấy sự vượt trội của Trung Quốc",

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này. Ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế đối với khối hàng xuất khẩu 300 tỷ USD khác của Trung Quốc nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc không tham dự cuộc họp. Nếu các cuộc đàm phán không kết thúc tốt đẹp, các công ty nước ngoài có thể nghiêm túc xem xét khả năng chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Theo CNN
Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
(Ngày Nay) - Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái như phát hành tín phiếu, sử dụng thêm kênh tín phiếu trên thị trường mở (OMO), điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng để ổn định thị trường trước đà tăng nóng của tỷ giá.
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.