Nỗi niềm những người con đón Tết nơi xứ người

Bất cứ ai, dù đi đâu, làm gì, ngày Tết cũng chung niềm mong mỏi được về bên những người thân yêu. Vậy những người con đang sống xa Tổ quốc, họ đón Tết như thế nào?.
Nỗi niềm những người con đón Tết nơi xứ người

Sau một năm bận rộn công việc với nhiều lo toan, dự định, Tết là dịp ông bà, con cháu trong gia đình sum vầy. Ngày Tết bởi vậy được coi như là “ngày trở về” với cội nguồn. Bất cứ ai, dù đi đâu, làm gì, ngày Tết cũng chung niềm mong mỏi được về bên những người thân yêu. Vậy những người con đang sống xa Tổ quốc, họ đón Tết như thế nào?.

Nỗi niềm những người con đón Tết nơi xứ người - anh 1

Nữ nhà văn Hiệu Constant (trái)

Từ nước Pháp, nữ nhà văn Hiệu Constant chia sẻ: “Gần hai chục năm tôi xa quê là ngần ấy Tết tôi tổ chức ngày lễ cho gia đình tôi. Sống ở Paris, nhưng bất kỳ ngày lễ, ngày Tết nào của Việt Nam tôi cũng đều cố gắng tổ chức. Trước tiên là để giảm bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương xứ sở, sau đó, tôi muốn qua những ngày lễ, Tết đó, bằng việc làm thiết thực của mình, dạy cho các con tôi (vốn là sự kết tinh của hai dòng máu Việt - Pháp) hiểu thêm về truyền thống và văn hóa của “quê ngoại”.

Lúc đầu, khi các con còn nhỏ, tôi chăm chú vừa làm, vừa giải thích tỉ mỉ cho các cháu. Vốn quen với các ngày lễ Pháp, chỉ có một số món nhất định, nhưng khi đến Tết Việt thì các cháu rất ngạc nhiên về sự phong phú của ẩm thực Việt Nam. Bắt đầu là món bánh chưng, đồ xôi, nem, măng ninh, miến xào, giò chả… Đã có lần các cháu đếm được hơn hai chục món.

Nỗi niềm những người con đón Tết nơi xứ người - anh 2

Mâm cơm đậm hồn Việt ở xứ người

Những ngày giáp Tết ấy, tôi chú tâm vào từng món, sao cho thật giống như ngày xưa mà mẹ đã từng làm cho tôi ăn, bởi tôi muốn các con mình ít nhiều cũng cảm nhận được chút hương vị đặc biệt của ngày Tết cổ truyền. Các con lớn dần và bắt đầu giúp mẹ, tôi thật vui những lúc ấy, tôi thấy mình như được sống lại cảnh tíu tít ở quê nhà.

Đôi lần, áp Tết, tôi cố giả đò chẳng làm gì để xem các cháu có nhớ không? Hóa ra chẳng đứa nào quên cả, thấy các cháu giục mẹ làm Tết, tôi vui lắm. Bố thấy mấy mẹ con tíu tít, cũng sốt sắng đi chợ…, và không mấy than phiền nữa khi phải ăn liền mấy bữa cũng một thứ!”.

Tuy nhiên, nhà văn Hiệu Constant cho biết: Việc mua các đồ dùng và gia vị Việt Nam ở Paris không đơn giản nếu muốn mua được đồ ngon, đậm chất Việt Nam, nhất là món lá dong để gói bánh chưng. Đã có lần chị phải chạy xe cả chục cây số, đến một siêu thị thuần Việt nằm ở ngoại ô Paris mới mua được đồ mình cần.

Nỗi niềm những người con đón Tết nơi xứ người - anh 3

Ảnh minh họa.

Việc mua sắm để chuẩn bị cho một cái Tết thuần Việt ở nước Nga thì dường như dễ dàng hơn. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tâm sự: Khoảng cuối những năm 90 thế kỷ trước, hàng không Việt Nam đã vươn sang châu Âu với sự tăng chuyến một cách ngoạn mục.

Từ chỗ một tuần một chuyến, tăng lên hai chuyến, ba chuyến, khoảng cách gần chục ngàn cây số ngắn lại trong gang tấc. Những gì ở nước Nga thiếu vắng hàng chục năm qua, đặc biệt là thực phẩm, món ăn trong nước, giờ đây, các công ty dịch vụ đã hoạt động một cách hữu hiệu, hàng theo các chuyến bay sang hằng ngày đủ cung cấp cho nhu cầu ẩm thực của dân Việt.

Nỗi niềm những người con đón Tết nơi xứ người - anh 4

Hồn Tết Việt tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp. Ảnh minh họa

Theo mô tả của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, giờ đây, chỉ cần ghé vào một chợ hàng khô bất kỳ của người Việt tại Moscow, bạn sẽ có cảm tưởng như lạc vào giữa chợ Hàng Da, Bến Thành, bởi những gì ở Việt Nam có, thì ở nước Nga đều sẵn, tất nhiên giá cả thì “cao chót vót chín tầng mây”. Dù vậy thì cũng giúp người Việt xa quê bớt nỗi nhớ nhà và trong suốt dịp Tết cổ truyền, các chủ nhà hiếu khách chiêu đãi nhau bằng những món ăn quốc nội, điều mà những năm trước, chỉ có trong mơ.

Với riêng nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, ông vẫn giữ thói quen trước ngày tất niên đi chợ người Việt, sắm sanh một mâm lễ đầy đủ để bày lên bàn thờ chuẩn bị đón Tết. Trên bàn thờ ngày Tết ngự nơi trang trọng trong nhà của gia đình ông bao giờ cũng có một cặp bánh chưng, có rượu nếp, giò chả, có đủ mâm bát bày các thức cúng theo truyền thống dân tộc. Vì vậy, dù ngoài trời nhiệt độ có lúc xuống tới âm 20 độ, tuyết phủ trắng xóa, nhưng trong nhà thắp nén hương trầm khói tỏa ấm cúng, ông vẫn ngỡ quê hương, làng xóm gần kề.

Nỗi niềm những người con đón Tết nơi xứ người - anh 5

Sinh viên và thiếu nhi nước ngoài đón Tết Việt ấm áp. Ảnh minh họa

Nhưng với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, dù có bày đủ thứ, dù có sắm sanh các vật dụng, thực hiện đủ các nghi lễ truyền thống, ở nơi xa Tổ quốc hàng ngàn dặm, thì đó cũng chỉ là mô phỏng cái Tết quê hương. Vì sự thiếu vắng hình bóng những người thân, thiếu một làn khói tỏa, thiếu một hơi gió heo may, thiếu một cây nêu giữa sân đình… thì nhiều năm qua, cảm giác thiếu vắng quê hương vẫn không thể nào vơi bớt. Ông đã bày tỏ lòng mình với những câu thơ:

Có tất cả, nhưng làm sao có Tết
Xung quanh con, xa lạ nước non người
Sau cửa sổ, mịt mờ mây xứ tuyết
Bếp lửa hồng, dáng mẹ quá xa xôi...

Nhà thơ Trương Anh Tú cũng chung cảm xúc với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng khi anh viết bài thơ “Xuân xa xứ” từ nước Đức xa xôi . Bài thơ có đoạn:

Một mình ta với ta

Hư vô giữa nhạt nhòa

Ngó mai, đào xứ lạ

Nhớ hương sắc quê nhà

Nỗi niềm những người con đón Tết nơi xứ người - anh 6

Nhà thơ Trương Anh Tú tâm sự: “Với chúng tôi, chẳng cần phải đến Tết mới nhớ Tết, mới chuẩn bị đón Tết. Bất chợt, khi gặp những bông tuyết đầu mùa, hình ảnh quê hương cùng những tháng ngày tuổi thơ - như một cuốn phim quay chậm - đã kịp giăng mắc “trước mắt những người xa xứ!”.

Trong khi cô con gái của anh rất hào hứng về việc mình được đón hai cái Tết thì với anh, đứng ngắm chợ Giáng sinh nơi xứ người, anh lại thấy mình nợ một buổi đi chợ Tết cùng mẹ, đỡ trên tay mẹ vài cân gạo nếp, một gói đỗ xanh, một gói miến, những bó rau thơm…; thấy mình nợ bố một buổi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị quét vôi đón năm mới…

Nhà thơ Trương Anh Tú cho biết "Với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thấy thật may mắn nếu ngày “Tết ta” vào đúng thứ bảy và chủ nhật. Bởi lẽ họ có thể tụ họp dăm ba gia đình người Việt để cùng nấu nướng, cùng đón Tết, cùng nâng chén rượu chúc nhau năm mới. Trong khói hương ấm áp, trong hương vị ngào ngạt của các món ăn dân tộc, những người Việt xa quê cùng ngồi bên nhau, truyền cho nhau hơi ấm để cùng cảm thấy vơi đi phần nào những trống vắng trong ngày đón Tết xa nhà."

Giờ đây, việc đi lại giữa các quốc gia đã thuận tiện hơn. Bên cạnh đó truyền hình, mạng xã hội phát triển giúp cho khoảng cách về địa lý cũng như việc trao đổi thông tin trong cộng đồng đã được thu hẹp lại đáng kể.

Tuy vậy, với người Việt xa quê, nhu cầu được “tắm mình” trong không khí quê nhà luôn cháy bỏng. Quê hương vẫn là tiếng gọi thiêng liêng, giục giã người đi xa trở về vào mỗi dịp Tết đến.

Xem thêm:

Rộn ràng không khí người nước ngoài đón Tết cổ truyền tại Việt Nam

Hồn Tết Việt đang lan tỏa khắp thế giới

Du học sinh Việt tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền 2015

Người Việt năm châu nô nức chuẩn bị đón Tết Ất Mùi 2015

10 món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân Châu Á

Hợp tác cùng Thời Nay

    Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
    Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
    (Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
    Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
    Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
    (Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
    Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
    Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
    (Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
    Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
    Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
    (Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
    Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
    Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
    (Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.