Quan hệ Iran - Trung Quốc: Đối tác lâu dài hay lựa chọn tạm thời?

Quan hệ giữa Iran và Trung Quốc liệu có phải mối quan hệ đối tác bền chặt hay chỉ vì những lợi ích tạm thời khi cả hai đều coi Mỹ là kẻ thù chung?
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại một buổi họp báo sau cuộc gặp song phương ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 15/9/2015. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại một buổi họp báo sau cuộc gặp song phương ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 15/9/2015. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif mới đây xác nhận, Iran và Trung Quốc đang đàm phán và sẽ sớm ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa hai bên trong vòng 25 năm tới đây. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Iran cho biết sẽ công khai, không che giấu bất kỳ nội dung nào trong thỏa thuận với Bắc Kinh khi hoàn tất. Dù vẫn chưa tiến hành ký kết, nhưng tuyên bố xác nhận của đại diện Iran thể hiện rõ chính sách ngoại giao của Tehran trong bối cảnh hiện nay. Trong tình thế vẫn phải chịu các sức ép ngày càng gia tăng từ phía Mỹ, xích lại gần Trung Quốc có lẽ là bước đi khôn ngoan. Thế nhưng liệu đây có phải là một mối quan hệ bền chặt hay không?

Toan tính của Iran

Bộ Ngoại giao Iran cho biết vấn đề ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện và chiến lược trong 25 năm giữa Iran và Trung Quốc không phải là mới. Đây là một phần trong thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai nước trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Tehran năm 2016. Các chi tiết của thỏa thuận này chưa được công bố, nhưng nó hướng tới nhiều mục đích và lợi ích chiến lược của mỗi bên. 

Thỏa thuận này bao gồm nhiều cấp chính trị, an ninh, quân sự, xã hội và kinh tế. Nhưng trước hết, trong bối cảnh cả Iran và Trung Quốc đang chịu sức ép từ phía Mỹ, thỏa thuận là sự xích lại có lợi cho cả hai bên. Iran cần sự ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân, hợp tác quân sự, năng lượng và thương mại. Cùng với Nga, Trung Quốc là một trong hai nhà bảo trợ lớn của Iran, đặc biệt là trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Theo thông tin từ báo chí khu vực, theo thỏa thuận hợp tác, Iran muốn thu hút 400 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc vào ngành năng lượng của nước này. Theo đó người dân Iran sẽ có hàng triệu việc làm cũng như khoảng 5.000 chuyên gia và công nhân Trung Quốc sẽ tới Iran. Iran sẽ trở thành trung tâm cho các nhà máy lớn của Trung Quốc phân phối hàng hóa ở Trung Đông, Tây và Tây Bắc Á. Trong những năm gần đây, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đã độc chiếm thị trường Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra.

Iran cũng sẽ trở thành một trạm chính cho Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Hợp tác quân sự và các hợp đồng mua vũ khí từ Trung Quốc là cách để Iran ngăn cản Mỹ tấn công hoặc làm mất ổn định thương mại ở khu vực giàu dầu mỏ. Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí chính cho Iran trong gần 40 năm và thậm chí đã nhanh chóng vượt qua Nga về doanh số từ năm 2008 đến 2012. Nhiều tên lửa tầm ngắn và đạn pháo của Iran dựa trên các mẫu của Trung Quốc, trong khi các tên lửa đạn đạo tầm xa được hưởng lợi từ các bản cập nhật của Trung Quốc.

Giới phân tích khu vực cho rằng các bên đang tìm cách lợi dụng áp lực của Mỹ để đa dạng hóa các lựa chọn nhằm mở ra các đối tác mới cho các nền kinh tế. Iran mong muốn trở thành đồng minh của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc theo đuổi ba mục tiêu khi tăng cường hợp tác với Iran. Đó là đảm bảo an ninh nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô, cạnh tranh kinh tế chính trị với Nga và giảm thâm hụt thương mại song phương.

Trung Quốc – Iran: Đối tác hay lựa chọn tạm thời?

Có thể thấy, mặc dù Iran đã nhiều lần nhắc đến Thỏa thuận hợp tác toàn diện kéo dài 25 năm với Trung Quốc, nhưng đến nay Bắc Kinh dường như chưa từng chính thức đề cập đến thỏa thuận này.

Trong một hội nghị trực tuyến gần đây nhất tổ chức hôm 24/6, mặc dù người phát ngôn chính phủ Iran tuyên bố, dự thảo kế hoạch hợp tác 25 năm giữa Iran và Trung Quốc đã được nước này thông qua, song truyền thông Trung Quốc khi đưa tin về hội nghị vẫn không hé lộ bất cứ thông tin nào về kế hoạch này, mà chỉ khẳng định quan hệ giữa hai bên là "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện". Hai bên luôn thấu hiểu và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau. 

Trung Quốc cũng khẳng định những hợp tác tích cực giữa hai nước trong phòng chống Covid-19 và tranh thủ sự ủng hộ của Iran trước những cáo buộc của Mỹ đối với Bắc Kinh liên quan đến đại dịch toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay khi đang phải chịu nhiều sức ép từ Mỹ, việc Iran xích lại trong quan hệ với Trung Quốc là điều hoàn toàn có thể lý giải được. Bởi Iran cần Trung Quốc không phải chỉ nhằm đối phó với Mỹ mà còn để duy trì nền kinh tế đang gặp khó khăn vì các lệnh trừng phạt.

Về phía mình, mặc dù luôn cố gắng giữ lập trường trung lập ở Trung Đông song Trung Quốc cũng cần thị trường và năng lượng để phát triển kinh tế và Iran là một sự lựa chọn không tồi. Kể từ năm 1971 hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, Trung Quốc luôn khẳng định coi Iran là một đối tác quan trọng ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là sau khi thực hiện Sáng kiến "Vành đai và Con đường", các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã xác định Iran là một trong những quốc gia quan trọng nhất kết nối khu vực Á - Âu qua sáng kiến này.

Mặc dù quan hệ giữa Iran - Trung Quốc trên thực tế chưa thực sự nồng ấm như định vị "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" mà hai bên dành cho nhau, bởi Trung Quốc còn có quan hệ với các quốc gia khác ở Trung Đông, trong đó có cả những "kẻ thù" của Tehran như Israel và Saudi Arabia, nhưng Bắc Kinh cũng không muốn nhìn thấy nước cộng hòa Hồi giáo này nối lại chương trình hạt nhân và gia tăng nguy cơ xung đột quân sự ở Vịnh Ba Tư, do vậy việc tăng cường quan hệ toàn diện với Iran vẫn là sự lựa chọn cần thiết của Trung Quốc.

Tương lai quan hệ Iran – Trung Quốc

Rõ ràng, hợp tác giữa Iran và Trung Quốc đã được củng cố hơn nhiều kể từ sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Tehran của Chủ tịch Trung Quốc  Tập Cận Bình hồi đầu năm 2016. Hai nước đã nhất trí mở rộng hoạt động thương mại tới 600 tỷ USD trong vòng 10 năm, đồng thời xây dựng sự hợp tác mạnh mẽ hơn như một phần trong kế hoạch 25 năm. Nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại số 1 của Iran. Ngoài thương mại, Trung Quốc còn là nhà đầu tư hàng đầu vào thị trường này. Nhiều công ty lớn của Trung Quốc đã đầu tư vào các ngành kinh tế quan trọng của Iran, đặc biệt là năng lượng và giao thông vận tải.

Tuy nhiên, thời gian qua, dù có xu hướng hợp tác với Iran nhưng Trung Quốc lại không công khai ủng hộ Iran về nhiều vấn đề, đồng thời giữ lập trường trung lập ở Trung Đông. Trong mối quan hệ này mỗi bên Iran và Trung Quốc đều có những toan tính riêng. 

Trung Quốc lâu nay vẫn ít can thiệp công khai vào nội bộ các nước Trung Đông, châu Phi, nhưng nước này lại xây dựng quan hệ và ảnh hưởng thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại và quân sự. Trung Quốc luôn cân bằng quan hệ giữa Iran và các cường quốc khu vực khác đặc biệt là với Saudi Arabia, các quốc gia vùng Vịnh trong giải quyết các xung đột khu vực để giành được sự ủng hộ của tất cả các bên. Trung Quốc đang sử dụng cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran để chuyển hướng các nguồn lực và sự chú ý của Mỹ khỏi nước láng giềng Trung Quốc. 

Trong khi đó, Iran kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành nước đứng đầu trên thế giới trong vòng 25 năm tới do đó Iran muốn tận dụng cơ hội này. Ngoài ra, Iran cũng cần Trung Quốc với tư cách là cường quốc, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, thị trường lớn xuất khẩu dầu thô và đối tác thương mại lớn trong bối cảnh bị cấm vận.

Với vị thế là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc bày tỏ thái độ khi cần thiết trước những động thái của Mỹ và phương Tây đối với Iran. Trung Quốc không hề muốn thấy một Iran khuất phục trước Mỹ.

Với việc Iran là mắt xích quan trọng cho việc mở rộng về phía Tây của Sáng kiến "Vành đai và Con đường", Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng nhấn mạnh, sự hợp tác trong kế hoạch 25 năm này là nền tảng cho Tehran và Bắc Kinh tham gia các dự án cơ bản và phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả sáng kiến trên. 

Do vậy, không chỉ vì cả hai đều có một đối thủ chung là Mỹ mà chính những lợi ích dài hạn trong quá trình hợp tác sẽ quyết định quan hệ giữa Iran và Trung Quốc./.

Theo VOV
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.