Thành viên 'biệt đội tử thần' Philippines tiết lộ quy trình gột sạch tội phạm

Một cảnh sát tiết lộ các tình tiết gây sốc về những biệt đội bí mật mặc đồ đen, có khả năng trừ khử tội phạm ma túy chỉ trong vài phút tại Philippines.
Cha mẹ một nghi phạm sử dụng ma túy đau đớn sau khi con trai họ bị bắn chết ở Manila. Ảnh: AFP
Cha mẹ một nghi phạm sử dụng ma túy đau đớn sau khi con trai họ bị bắn chết ở Manila. Ảnh: AFP

"Chúng tôi không phải cảnh sát xấu hay người xấu. Chúng tôi chỉ là công cụ. Chúng tôi chỉ là những thiên thần được Chúa ban trọng trách đưa những tâm hồn xấu xa trở về thiên đường và gột sạch chúng".

Đó là những lời thốt ra từ miệng một viên cảnh sát cấp cao giấu tên thuộc Cục Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) khi ông giải thích vai trò của mình trong 87 vụ giết những người liên quan đến ma túy ba tháng qua, theo Guardian.

Viên cảnh sát cho biết ông giết người không phải vì vui thú hay vì muốn trở thành "kẻ cuồng sát" mà bởi một mục đích cao cả hơn. "Chúng tôi như những thiên thần, giống Thánh Michael hay Thánh Gabriel", ông ví von.

Hơn 3.300 người đã bị giết hại ở Philippines kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên nhậm chức tổng thống hồi đầu tháng 7 và phát động chiến dịch truy quét tội phạm ma túy mạnh tay. Phân nửa các vụ giết chóc do những nhóm dân phòng không rõ danh tính thực hiện.

Hành vì giết người hàng loạt không qua xét xử ở Philippines đang làm dấy lên lo ngại. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cảnh báo về "bầu không khí vô luật pháp và tràn ngập sợ hãi đang bóp nghẹt Philippines".

Mối quan ngại lớn nhất hiện nay là Philippines sẽ trượt sâu vào một kỷ nguyên thống trị bởi những "biệt đội tử thần", chuyên gia nhận định.

Tháng trước, tại một phiên điều trần trước thượng viện Philppines, một người đàn ông tự nhận mình là thành viên biệt đội tử thần ở thành phố Davao từ thời ông Duterte còn làm thị trưởng. Người này cho hay ông Duterte đã ra lệnh diệt trừ những tên tội phạm cũng như các đối thủ chính trị, thậm chí còn đích thân dùng súng tiểu liên kết liễu một nhân viên Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, ông Duterte phủ nhận mọi cáo buộc.

Giờ đây, lần đầu tiên, một viên cảnh sát đương nhiệm Philippines tiết lộ nội tình một cuộc vận động được cho phép nhưng diễn ra bí mật nhằm "loại trừ những công dân vô tích sự" khỏi đường phố.

Ba tháng qua, chỉ riêng viên cảnh sát trên và đội thi hành "chiến dịch đặc biệt" đã giết hàng chục người, hay theo ngôn ngữ cảnh sát Philippines thường dùng là "vô hiệu hóa".

Tử thần đến sau một cú điện thoại

Thành viên 'biệt đội tử thần' Philippines tiết lộ quy trình gột sạch tội phạm ảnh 1

Thi thể những nghi phạm liên quan đến ma túy tại một nhà xác ở Quezon, Manila. Ảnh:AFP

Viên cảnh sát ngồi cạnh bức rèm, trong căn phòng tối, ở một nhà thổ của Manila khi ông kể câu chuyện về công việc của mình. Ông chọn nơi này vì cảm thấy an toàn và thoải mái. Guardian đã xác minh và biết chắc ông là cảnh sát đang làm việc cho PNP.

"Đôi khi tôi đến đây chỉ để có một đêm ngon giấc", ông nói tếu táo, nhìn vào chiếc nệm đơn trong căn phòng nhỏ gắn máy điều hòa cũ.

Ông cho hay nhà thổ là địa điểm lý tưởng cho những cuộc trò chuyện mà ông không muốn bất kỳ ai nghe thấy. Đầu tiên, viên cảnh sát tiết lộ những chi tiết gây sốc về công việc ở biệt đội tử thần trực thuộc PNP.

"Họ tạo ra chúng tôi. Thuật ngữ biệt đội tử thần mang ý nghĩa 'họ xổ con quái vật ra khỏi lồng để vô hiệu hóa những tội phạm ma túy'", ông giải thích và thêm rằng ông là thành viên một trong 10 đội chiến dịch đặc biệt bí mật của cảnh sát Philippines, mỗi đội gồm 16 người.

Những biệt đội kể trên phối hợp hành động để xóa sổ một danh sách các mục tiêu gồm con nghiện, kẻ buôn bán ma túy và tội phạm. Các cuộc truy quét phần lớn diễn ra ban đêm. Thành viên biệt đội phải trùm kín đầu và mặc đồ đen. Họ cài đặt đồng hồ sao cho trong vòng một đến hai phút phải lôi được mục tiêu ra khỏi nhà, giết chết ngay tại chỗ, nhanh gọn, chính xác và không để ai thấy.

Sau đó, họ vứt xác nạn nhân ở thị trấn lân cận hay dưới gầm cầu, hoặc dán băng dính quanh đầu các thi thể rồi đặt cùng một tấm bìa cứng ghi nguệch ngoạc dòng chữ "trùm ma túy" hoặc "kẻ buôn ma túy".

"Chúng tôi đặt những tấm bìa như vậy để truyền thông và các bên liên quan điều chỉnh hướng điều tra", viên cảnh sát giải thích. Ông cho biết khi nhìn thấy các tấm bìa, người ta sẽ nghĩ: "Tại sao phải điều tra gã này, hắn là một tay buôn bán ma túy, một tên hiếp dâm, đừng nên bận tâm tới những kẻ như vậy, cái chết là điều tốt đối với hắn".

"Bạn có thể giết ai đấy, dán băng keo lên mặt và mọi người sẽ nghĩ gã đó là một tay buôn lậu ma túy", ông nói nửa đùa nửa thật.

Viên cảnh sát kể ông được điều động làm nhiệm vụ lần đầu tiên ngay sau khi Tổng thống Duterte lập đội chiến dịch đặc biệt phụ trách vấn đề an ninh quốc gia.

"Họ thông báo rằng 'từ giờ trở đi mọi chuyện sẽ khác. Đối với những tên tội phạm ma túy lỳ lợm và những kẻ giết người máu lạnh trong các vụ án đang chờ xét xử, chúng ta chỉ việc 'vô hiệu hóa' chúng, đó là lệnh'", ông hồi tưởng về cuộc họp đầu tiên với các thượng cấp để phổ biến kế hoạch hành động.

Ông cho biết chỉ huy đội chiến dịch đặc biệt liên lạc với các thành viên qua bộ đàm với mật mã riêng. Mỗi cảnh sát trong đội được gán một mã số và phải báo cáo cho trung tâm chỉ huy hồ sơ của những kẻ buôn lậu ma túy, con nghiện và những tên tội phạm cần "vô hiệu hóa".

"Chẳng hạn, họ sẽ gửi cho chúng tôi ảnh kèm lý lịch của một cá nhân, rồi sau đó, một hoặc hai thành viên trong đội sẽ tự động tìm đến nơi người này cư trú", ông giải thích.

Đội chiến dịch đặc biệt điều tra những người đó để xác định liệu họ có liên quan đến hoạt động mua bán ma túy hay các hành vi phi pháp khác hay không hoặc họ có phải người "sùng đạo" hay "kẻ ăn bám" không rồi mới quyết định hành động phù hợp.

"Đấy là cách chúng tôi đánh giá và có thể chúng tôi sẽ tự thực thi công lý. Tất nhiên, chính phủ ra lệnh cho chúng tôi làm vậy", ông phân trần.

Viên cảnh sát, mặc áo thun thể thao với quần jean, cho rằng các đội chiến dịch đặc biệt đang phụng sự xã hội và dường như suy nghĩ ấy đã thôi thúc ông trải lòng.

"Chúng tôi là dạng cảnh sát không giết người để thỏa mãn. Nhưng nếu chúng tôi nghi kẻ nào đó là một tên tội phạm máu lạnh, kiếm sống bằng cách ăn bám người khác, chúng tôi sẽ không rủ lòng thương. Chúng tôi sẽ ban cho hắn một cái chết tồi tệ đến nỗi ngay cả quỷ Satan cũng không thể nhìn thẳng vào thi thể vì nó rất thảm thương", viên cảnh sát quả quyết.

Chiến dịch Súng hai nòng

Thành viên 'biệt đội tử thần' Philippines tiết lộ quy trình gột sạch tội phạm ảnh 2

Đội phản ứng nhanh của cảnh sát tham gia một cuộc khám xét liên quan đến ma túy ở thành phố Pasig, ngoại ô Manila. Ảnh:AFP

Bối cảnh xung quanh làn sóng giết chóc đang diễn ra ở Philippines khá mập mờ và phức tạp.

Trước hết, dưới chiến dịch "Súng hai nòng" (Double Barrel), cảnh sát được tổng thống cho phép trấn áp ma túy và tội phạm. Ông Duterte đã chỉ đạo cảnh sát tăng cường gấp đôi, gấp ba nỗ lực nếu cần thiết. Ông cam kết xá tội cho bất kỳ cảnh sát nào nếu họ vì một lý do nào đó phạm luật trong nỗ lực chống ma túy.

Tiếp đến là lực lượng dân phòng, những người được cho là đã xuống tay sát hại hơn 2.200 người nghi nghiện ma túy và buôn lậu ma túy ở Philippines.

Ngoài ra, nhiều vụ giết người cũng được xác định là do những băng đảng hay các ông trùm ma túy thực hiện, lợi dụng cuộc thanh trừng tội phạm ma túy của chính phủ để loại bỏ đối thủ.

Cảnh sát thừa nhận thế lực cảnh sát biến chất dính líu đến buôn bán ma túy cũng có thể đứng sau nhiều vụ mượn tay dân phòng giết người nhằm mục đích bảo vệ đường dây của chính họ.

Một tài liệu của cảnh sát về chiến dịch Súng hai nòng cho thấy từ ngày 1/7 đến 16/8, 250 cảnh sát đã bị sa thải ở thủ đô Manila vì tình nghi dính dáng đến buôn bán ma túy.

Thành phần thứ ba, đáng sợ nhất trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines, là những biệt đội tử thần do cảnh sát thành lập, được huấn luyện bài bản và phối hợp chặt chẽ.

Trong cuộc trò chuyện tại nhà thổ ở Manila, viên cảnh sát thừa nhận: "Có lẽ, đúng như bạn nói, tôi đang giả vờ chúng tôi hành động đúng. Nhưng chúng tôi không phải là những kẻ cuồng sát. Chúng tôi có cầu nguyện, chúng tôi luôn đi nhà thờ và cầu Chúa tha thứa cho những gì mình đã làm. Chúng tôi xin lỗi. Nhưng ai sẽ làm điều này cho người dân Philippines?".

Theo Vnexpress
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.