Trải nghiệm từ địa ngục ICU trở về của nữ bác sĩ Vũ Hán

(Ngày Nay) - Nữ bác sĩ Zhou Qing vẫn còn nhớ cảm giác hoảng loạn vào ngày 22/1 khi cô bước vào Bệnh viện số 7 Vũ Hán để bắt đầu nhiệm vụ khẩn cấp.
Trải nghiệm từ địa ngục ICU trở về của nữ bác sĩ Vũ Hán ảnh 1

Hai ngày trước đó, nhà dịch tễ học nổi tiếng Trung Quốc Zhong Nanshan đã xác nhận virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng tại Vũ Hán và có khả năng lây truyền từ người sang người.

Zhou, một chuyên gia chăm sóc và điều trị tích cực với 30 năm kinh nghiệm, đã được cử đến Bệnh viện số 7 - một cơ sở hạng trung ở Vũ Hán, để hỗ trợ các bác sĩ tại đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) ở đây.

Cô nhanh chóng nhận ra những đồng nghiệp mới của mình hoàn toàn không được chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng sắp nhấn chìm họ.

"Họ không nhận thức được đây là một vấn đề nghiêm trọng", nữ bác sĩ hồi tưởng. "Các nhân viên y tế tại đó mặc đồ bảo hộ thường để cổ bị lộ, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn. Trong khi đó điều hòa không khí vẫn được bật, làm gia tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh".

Theo bác sĩ Zhou, phòng ICU khi đó đã có 4 bệnh nhân có triệu chứng giống COVID-19, nhưng các khu vực chưa được cải tạo để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm chéo.

"Tôi rất hoảng hốt khi thấy các bác sĩ gây mê thực hiện đặt nội khí quản cho bệnh nhân mà không đeo mặt nạ che mặt. Tất cả những gì họ có là khẩu trang và kính bảo hộ", theo Zhou.

Việc thiếu các biện pháp bảo vệ nhanh chóng dẫn đến một làn sóng lây nhiễm chéo giữa các y, bác sĩ tại Bệnh viện số 7, khiến cơ sở này rơi vào khủng hoảng trước làn sóng bệnh nhân ngày càng gia tăng.

Ngày thứ hai sau khi Zhou đến, giám đốc ICU Bệnh viện số 7 được chẩn đoán mắc COVID-19. Tổng cộng, khoảng 40 trong số 200 nhân viên y tế của bệnh viện đã bị nhiễm bệnh, theo Zhou.

Sau hơn 3 tháng bùng phát dữ dội, dịch bệnh ở Vũ Hán đã bắt đầu được kiểm soát, chỉ còn 179 bệnh nhân đang được điều trị. Vào thứ Tư, Bệnh viện Lôi Thần Sơn với quy mô 1.600 giường đã đóng cửa sau khi cho 4 bệnh nhân cuối cùng xuất viện.

Tuy nhiên, các bác sĩ tại đây vẫn bị ám ảnh bởi sự hỗn loạn trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát, khi các bệnh viện tràn ngập các bệnh nhân với biểu hiện ho, sốt và viêm phối.

Trải nghiệm từ địa ngục ICU trở về của nữ bác sĩ Vũ Hán ảnh 2

"Có những bệnh nhân trong ICU vẫn có ý thức. Mặc dù phải thở rất khó khăn, nhưng đôi mắt của họ chứa đầy ý chí sinh tồn mạnh mẽ", Zhou chậm rãi hồi tưởng. "Một số người thậm chí đã nắm tay tôi và nói: Xin hãy cứu tôi'. Nhưng cuối cùng chúng tôi đành bất lực". Ảnh: Sixth Tone

Cho đến khi cuộc khủng hoảng nổ ra, Vũ Hán dường như đã chuẩn bị tốt cho tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Với gần 400 cơ sở y tế, 40.000 bác sĩ được cấp phép và 54.500 y tá, thành phố này từ lâu đã tự hào về hệ thống y tế của mình, một trong những nơi có hệ thống y tế tốt nhất Trung Quốc.

Vài tuần sau đó, tình hình đã đảo chiều khi nguồn cung vật tư y tế của thành phố dần cạn kiệt. Đến cuối tháng 1, nhiều bệnh nhân ở Vũ Hán đã không thể cho nhập viện hoặc làm xét nghiệm COVID-19.

Một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cuộc khủng hoảng này là do số lượng bệnh nhân áp đảo lực lượng nhân viên y tế, trong khi các bệnh viện cũng gặp khó khăn trong việc ngăn chặn lây nhiễm chéo giữa các y, bác sĩ.

"Nhiều bác sĩ ở khoa hô hấp và bệnh truyền nhiễm, cũng như bác sĩ ở khoa cấp cứu, đã bị mắc bệnh", Zhou nói. "Điều đó chắc chắn làm giảm sức mạnh của đội ngũ y tế. Lực lượng chính của chúng tôi đã giảm".

Đến đầu tháng 3, hơn 3.000 nhân viên y tế ở tỉnh Hồ Bắc đã bị mắc COVID-19, các quan chức chính phủ xác nhận trong một cuộc họp báo, với 40% trường hợp xảy ra trong bệnh viện.

"Mỗi bệnh viện ở Vũ Hán đều ghi nhận số lượng lớn các nhân viên y tế mắc bệnh, tại bệnh viện của tôi đã có khoảng 100 người nhiễm COVID-19", theo Chen Yongfeng, một nhân viên trong khoa y tế của Bệnh viện Trung Nam - một cơ sở hàng đầu ở Vũ Hán, nơi Zhou Qing cũng làm việc với tư cách là phó giám đốc ICU.

Một số lượng lớn các ca bệnh đã được ghi nhận trước ngày 21/1 khi các quan chức y tế xác nhận căn bệnh này có thể bị lây nhiễm chéo. Ở giai đoạn đó, nhiều nhân viên y tế vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm mà họ đang phải đối mặt.

"Hầu hết nhân viên y tế bị nhiễm bệnh khi virus vẫn chưa được biết đến", Zhou nói. "Tại Bệnh viện Trung Nam, hầu hết các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh đều đến từ các khoa phẫu thuật. Nhiều bác sĩ phẫu thuật đã không đề phòng và do đó bị nhiễm bệnh".

Các bác sĩ thường bị lây từ những bệnh nhân nhập viện dù không có biểu hiện cụ thể. Theo Chen Yongfeng, một bệnh nhân viêm tụy đã lây nhiễm cho hơn 10 nhân viên tại khoa phẫu thuật tại Bệnh viện Trung Nam.

"Triệu chứng viêm phổi của bệnh nhân chỉ được phát hiện khi tiến hành phẫu thuật", Chen kể lại.

Các bác sĩ ở tuyến đầu dường như đã nắm bắt được tình hình nghiêm trọng trước đó, cho phép họ thực hiện các biện pháp phòng ngừa có khả năng cứu sống bản thân và đồng nghiệp. Ai Fen, giám đốc phòng cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, kêu gọi 200 nhân viên trong khoa hãy tự bảo vệ mình ngay từ ngày 1/1, sau khi nghe tin một ca bệnh viêm phổi có triệu chứng giống SARS tại Vũ Hán.

"Tôi đã yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang, mũ y tế và thường xuyên khử trùng tay", bà Ai cho biết. "Thậm chí tôi đã phải to tiếng với một y tá khi anh ta không đeo khẩu trang tại bệnh viện, tôi còn dọa cho anh ấy nghỉ việc nếu còn chủ quan".

Đầu tháng 1, các nhân viên y tế ở khoa của bác sĩ Ai buộc phải che đi bộ đồ bảo hộ của họ dưới lớp áo blouse trắng, vì bệnh viện muốn tránh sự hoảng loạn của công chúng mà theo Ai đây là quy định nực cười.

Đến tháng 3, hơn 200 nhân viên tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã bị nhiễm virus. Đã có 5 người trong số họ đã chết: 3 người là bác sĩ nhãn khoa, 1 bác sĩ phẫu thuật và 1 nhân viên bệnh viện.

Ding Xinbo, y tá trưởng tại khoa ICU Bệnh viện Trung Nam, cho biết bộ phận này liên tục nhắc nhở các nhân viên đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. "Mặc dù chúng tôi làm việc trong môi trường nguy hiểm nhất, nhưng nó cũng là nơi an toàn nhất", anh nói.

Trải nghiệm từ địa ngục ICU trở về của nữ bác sĩ Vũ Hán ảnh 3

Y tá Ding Xinbo mặc đồ bảo hộ tại Bệnh viện Trung Nam. Ảnh: Sixth Tone

Phòng cấp cứu Trung Nam đã tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên vào ngày 6/1. Vào giai đoạn đó, Ủy ban Y tế địa phương đã nói với các nhân viên y tế rằng những bệnh nhân viêm phổi có thể đã mắc bệnh từ một khu chợ hải sản.

Tuy nhiên, nhóm ICU của Bệnh viện Trung Nam đã quyết định thực hiện các quy trình kiểm dịch và bảo vệ cấp cao nhất. Nhân viên y tế bắt đầu đeo thiết bị bảo vệ cấp 3, bao gồm khẩu trang, bộ đồ bảo hộ, găng tay cao su, tấm chắn mặt bảo vệ và bao giày.

"Ban đầu chúng tôi cho rằng căn bệnh này sẽ trong tầm kiểm soát, nhưng ngày càng có nhiều người nhiễm bệnh. Nhưng trong vòng một ngày, chúng tôi đã nhận được 4 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Chỉ 3 ngày sau, tất cả 16 giường trong ICU đã được lấp đầy", bác sĩ Zhou nhớ lại.

"Mặc dù các biện pháp an toàn đã giúp bảo vệ nhân viên y tế, phòng ICU đã phải vật lộn để có đủ thiết bị bảo vệ trong những tuần đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát. Tôi nhớ rằng giám đốc nói với chúng tôi rằng sẽ thật thảm hại nếu cuối cùng chúng ta phải giải cứu các đồng nghiệp của mình", y tá trưởng Ding Xinbo cho biết.

Đầu tháng 2, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình trạng thiếu thiết bị đã trở nên nghiêm trọng. Đội ngũ của bác sĩ Zhou tại Bệnh viện số 7 đã buộc phải liên tục tái sử dụng các cặp kính bảo hộ, mỗi ngày họ ngâm kính trong nước khử khuẩn, sau đó dùng tiếp.

Sau khi mặc bộ đồ bảo hộ của họ, nhân viên ICU phải làm việc trong 6 giờ liền, không được nghỉ ngơi và chỉ được rời khỏi khu vực ICU cứ sau 4 giờ.

Khi dịch bệnh ở Vũ Hán lên đến đỉnh điểm vào tháng 2, bác sĩ Zhou thường tự trách mình vì đã không cứu được nhiều người hơn.

Trải nghiệm từ địa ngục ICU trở về của nữ bác sĩ Vũ Hán ảnh 4

Phòng ICU tại Bệnh viện Trung Nam luôn đầy ắp các bệnh nhân. Ảnh: Sixth Tone

"Tôi cảm thấy vô cùng chán nản và chịu áp lực rất lớn. Các bệnh nhân trong ICU thường ở trong tình trạng nguy kịch, trước đó tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng hàng loạt người đều trong trạng thái này cùng một lúc", theo Zhou.

Vào giữa tháng 3, tất cả các giường ICU tại Bệnh viện số 7 vẫn có bệnh nhân, nhưng nhóm của Zhou đã trở nên thuần thục hơn khi đối phó với số lượng lớn bệnh nhân so với những ngày đầu.

Zhou, người mô tả bản thân là một người có lý trí, có đầu óc bình thường trong thời gian bình thường, nói rằng cô bắt đầu cảm thấy ổn định hơn về mặt cảm xúc. "Tuy nhiên, việc chứng kiến tận mắt hàng loạt bệnh nhân qua đời không thể tránh khỏi khiến tôi cảm thấy ảm đạm theo thời gian. Tôi vẫn trải qua rất nhiều thay đổi tâm trạng mỗi ngày", nữ bác sĩ chia sẻ.

Vào ngày 20/3, Zhou Quing được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của ICU tại Bệnh viện Lôi Thần Sơn, nơi 3.000 nhân viên y tế từ hơn 200 bệnh viện khác nhau đóng quân. Cô tiếp tục công việc của mình tại Lôi Thần Sơn cho đến thứ Ba, khi những bệnh nhân cuối cùng rời ICU.

Trải nghiệm từ địa ngục ICU trở về của nữ bác sĩ Vũ Hán ảnh 5

Việc đóng cửa bệnh viện Lôi Thần Sơn, được xây dựng trong 10 ngày kể từ ngày 25/1, là một khoảnh khắc mang tính biểu tượng cho Vũ Hán, cho thấy cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Cơ sở sẽ không hoạt động trong vài tháng tới, tuy nhiên, sẵn sàng mở cửa trở lại trong trường hợp có đợt bùng phát thứ hai.

Zhou được cho nghỉ 14 ngày, trước khi trở lại làm việc tại Bệnh viện Trung Nam, nhưng cô không nghĩ sẽ được tận hưởng hoàn toàn khoảng thời gian hiếm hoi này.

Trong 76 ngày phong tỏa Vũ Hán, nhiều người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và các bệnh nặng khác không được điều trị trong các bệnh viện, nhằm ưu tiên các bệnh nhân mắc COVID-19. Bây giờ, khi số người mắc COVID-19 đã giảm, những bệnh nhân này cần được chăm sóc khẩn cấp.

"Nếu tôi nghỉ hai tuần, bệnh viện có thể phát điên. Chúng tôi phải nhanh chóng tiếp nhận các bệnh nhân khác", nữ bác sĩ nói.

Theo Sixth Tone
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.