Tòa Tối cao: 'Vietinbank phải có trách nhiệm về 1.000 tỷ Huyền Như chiếm đoạt'

Ngoài việc xác định Vietinbank phải có trách nhiệm trong tổng số mà Huyền Như chiếm đoạt, Tòa Tối cao còn kiến nghị khởi tố và làm rõ trách nhiệm của một loạt quan chức ngân hàng này.
Theo đề nghị của VKS, Huyền Như sẽ bị điều tra thêm về tội Tham ô tài sản. Ảnh: V. Vũ.
Theo đề nghị của VKS, Huyền Như sẽ bị điều tra thêm về tội Tham ô tài sản. Ảnh: V. Vũ.

Khoảng 8h, Huỳnh Thị Huyền Như và 5 bị cáo bị tạm giam được đưa đến Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM trong những bộ quần áo đồng phục màu xanh nhạt. Cũng như những lần ra tòa trước, Huyền Như trông khá bình thản, thỉnh thoảng mỉm cười. Các bị cáo được tại ngoại đã có mặt trước đó từ rất sớm.

8h25, HĐXX bắt đầu công bố bản án.

Về kháng cáo của ngân hàng ACB, HĐXX nêu, tại phiên xử phúc thẩm, ACB và các nhân viên của ngân hàng này vẫn giữ nguyên đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm, xem xét lại tư cách tố tụng và yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường số tiền 718 tỷ đồng cho ACB. "Ngân hàng Vietinbank không có lỗi, không phải bồi thường cho ACB", chủ tọa nêu.

HĐXX cho rằng, đầu năm 2007, Như vay 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh nhưng do thua lỗ nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các khách hàng. Thời gian này, thông qua Huỳnh Thị Ngọc Ánh (nguyên Phó phòng kế toán ACB), Như biết ACB có nhu cầu gửi tiền nên chớp lấy cơ hội, huy động của ACB 50 tỷ đồng đứng tên 2 nhân viên của ACB là Nguyễn Thị Bé Năm và Dương Thị Nguyệt.

Ngay từ khi mở tài khoản cho hai người này Như đã giả tên chủ tài khoản, giả lệnh chi chuyển tiền trong tài khoản của bà Nguyệt và Năm vào tài khoản của Trần Thị Tố Quyên (người của Như) sau đó chiếm đoạt. Theo tòa, sự thiếu trách nhiệm của các nhân viên ACB và người môi giới là bà Ngọc Ánh đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho Như thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi này hoàn thành ngay từ khi bà Nguyệt, bà Năm mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản của mình tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè.

Tiếp đó, Như thông qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc (nguyên phó phòng quản lý rủi ro ACB) ký 32 hợp đồng tiền gửi thông qua 17 nhân viên khác của ACB. Tất cả các thủ tục liên quan đến mở tài khoản tại Vietinbank đều do Như và Bảo Ngọc thực hiện. Các nhân viên ACB không quan tâm đến hợp đồng ủy thác nhận tiền với ACB, không đến ngân hàng làm thủ tục cũng không theo dõi số dư trên tài khoản của mình, do số tiền này không phải sở hữu của họ. Theo VKS, thực chất của việc ủy thác là giả tạo nhằm cho thuê, mượn tài khoản. Những hợp đồng này là trái pháp luật được xác định là vô hiệu. “Điều này có cơ sở chấp nhận”, tòa nhận định.

"Từ những phân tích trên cho thấy Bảo Ngọc, ACB và các nhân viên đã bị Như lừa ngay từ khi mở tài khoản. Ngân hàng ACB không thực hiện các giao dịch với Vietinbank nên ACB không thể là bị đơn", tòa nêu. "HĐXX xét thấy yêu cầu của ACB buộc Vietinbank bồi thường cho ngân hàng này là không có cơ sở. Bản án sơ thẩm tuyên Như phải đền bù cho ACB là chưa đúng. Như phải bồi thường cho các nhân viên của ACB rồi các nhân viên này trả cho ngân hàng ACB mới đúng. Tuy nhiên, do nguồn gốc số tiền này đều của ACB nên HĐXX xét thấy không cần phải sửa án".

Tương tự, tòa cho rằng, ngân hàng Navibank cũng có chủ trương để nhân viên mang tiền sang Vietinbank gửi. Những hợp đồng này là trái pháp luật và giả tạo, không được phép cho nhân viên của mình mang tiền sang ngân hàng khác gửi và mức lãi suất vượt trần.

"Ngân hàng Navibank không giao dịch gửi tiền với Vietinbank nên Navibank không thể là nguyên đơn dân sự và Vietinbank không thể là bị đơn. Lỗi để bị cáo Như chiếm đoạt tiền trong trường hợp này đều do lãnh đạo Navibank và các nhân viên. Không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của Navibank buộc Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường", bản án nêu.

Về kháng cáo của VIB cũng cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm, TAND Tối cao nhận định, án sơ thẩm đã xét xử đúng khi xác định Như mượn tên của người thân, bạn bè làm giả sổ tiết kiệm để vay hơn 300 tỷ đồng của VIB. Hành vi gian dối của Như và các đồng phạm bị sơ thẩm tuyên phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho VIB là đúng, nên không chấp nhận kháng cáo.

Đối với 5 đơn vị là Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS), Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc; HĐXX cho rằng, việc mở tài khoản của 5 công ty này là hoàn toàn có thật, hợp pháp, đúng quy định. Số tiền của 5 đơn vị này chuyển hợp pháp vào tài khoản của mình và được Vietinbank hoạch toán cụ thể vào sổ sách. Như đã lợi dụng chức vụ giả lệnh chi chuyển tiền của 5 đơn vị này để chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng. 

“Hành vi chiếm đoạt này có dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Vietinbank phải có trách nhiệm quản lý nhưng để Như chiếm đoạt nên phải có trách nhiệm bồi thường. 5 đơn vị này chỉ là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tòa cấp sơ thẩm xác định bị cáo Như lừa đảo 5 đơn vị này là sai nghiêm trọng về tội danh”, HĐXX nêu.

Về quan điểm của VKS đề nghị hủy một phần tội lừa đảo để điều tra về tội tham ô tài sản đối với Huyền NhưHĐXX cho rằng, bị cáo Như được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng giao dịch theo quyết định của Vietinbank vào năm 2010. Theo đó bị cáo được quyền ký vào các hồ sơ vay vốn, ký duyệt và kiểm soát hồ sơ vay vốn, có quyền thực hiện xác nhận số dư ...

Với các chứng cứ đó và kết quả thẩm vấn công khai cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Huyền Như đã làm hoàn toàn trái quy trình. HĐXX có cơ sở khẳng định Như là người có chức vụ quyền hạn, bị cáo đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi phạm tội.

“Xét thấy ý kiến của vị đại diện VKS cho rằng Như có dấu hiệu tội tham ô, Vietinbank có tư cách là người bị hại, việc tòa sơ thẩm xác định sai tội danh và tư cách tham gia tố tụng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của 5 công ty. Nhưng cấp phúc thẩm không thể sửa bán án vì sẽ vi phạm quyền kháng cáo của Vietinbank nên HĐXX xét thấy đề nghị của VKS là có cơ sở”, HĐXX nêu.

Từ những nhận định trên, HĐXX đã tuyên hủy một phần bản án, trả hồ sơ điều tra, truy tố lại đối với Huỳnh Thị Huyền Như về hành vi chiếm đoạt tiền của 5 công ty trên. "Nếu trong quá trình điều tra, thấy có dấu hiệu của tội Tham ô thì tiếp tục xem xét, xử lý những người có liên quan", tòa nêu, đồng thời giữ nguyên mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 năm tù về tội Làm giả con dấu tài liệu của các cơ quan tổ chức đối với Như.

Tòa cũng bác kháng cáo của Ngân hàng VIB, ACB, Navibank, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, buộc Huyền Như phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của những đơn vị này cũng như 3 cá nhân khác gồm bà Giã Thị Mai Hiên, Phạm Anh Huấn, Lê Thị Kim Tuyến.

Về việc Huyền Như xin lại căn biết thự có giá 43 tỷ đồng tại Quảng Nam và đây cũng là kháng cáo của bà Nguyễn Thị Lang (mẹ bị cáo Như) – HĐXX cho rằng, tại cơ quan điều tra, bà Lang khai căn nhà này do Như mua và cho bà đứng tên. Nguồn gốc số tiền mua căn biệt thự này do Như đi vay của ngân hàng và cá nhân khác nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của mẹ con Như. “Cần được tiếp tục kê biên để bảo đảm cho việc thi hành án”, tòa nêu.

HĐXX cũng tuyên sửa một phần án sơ thẩm về số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo thuộc nhóm tội Cho vay lãi nặng bởi các con số được nêu ra trong bản án sơ thẩm có nhiều mâu thuẫn. Theo đó, tòa buộc Nguyễn Thị Lành phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính hơn 9.000 tỷ đồng (sơ thẩm chỉ tuyên nộp 150 tỷ đồng), Nguyễn Thiên Lý phải nộp lại 1.296 tỷ đồng (sơ thẩm buộc nộp 414 tỷ), Đào Thị Tuyết Dung nộp 414 tỷ (sơ thẩm buộc nộp 174,7 tỷ), Hùng Mỹ Phương nộp hơn 200 tỷ (sơ thẩm 164 tỷ) và Phạm Văn Chí nộp 23 tỷ (sơ thẩm 570 triệu) sung công quỹ.

Tòa cũng bác kháng cáo của hầu hết các bị cáo là đồng phạm của Huyền Như về tội lừa đảo như: Võ Anh Tuấn, Đào Thị Tuyết Dung, Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Như), Trần Thị Tố Quyên (nhân viên của Như). Riêng bị cáo Dung tòa chấp nhận kháng nghị tăng từ 10 lên 13 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Đối với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ của các Ngân hàng Vietinbank, VIB phạm các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây gậu quả nghiêm trọng... HĐXX chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của đa số các bị cáo, giảm từ 6 tháng đến 10 năm tù. Tuy nhiên, đối với một số bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tòa vẫn giữ nguyên phán quyết của cấp sơ thẩm.

Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị khởi tố thêm 8 người đã giúp Như làm các thẻ tiết kiệm giả để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng VIB, khởi tố bổ sung với Trần Thị Tố Quyên cùng về hành vi này. Kiến nghị khởi tố vụ án đối với Trương Minh Hoàng, Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM) liên quan đến việc ký kết các hợp đồng tiền gửi của Ngân hàng ACB và một số công ty khác, tạo điều kiện để Như làm giả chữ ký chiếm đoạt tiền; kiến nghị xem xét trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẻ (nguyên giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM); bà Vũ Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Phương Đông trong việc ký 7 lệch chi khống cho Như chiếm đoạt tiền của Phương Đông và kiến nghị xử lý thêm một số người cho vay lãi nặng khác.

Tòa cũng yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng sai phạm kéo dài ở Vietinbank; đề nghị điều tra xử lý các lãnh đạo khác của ACB và Navibank trong việc cho nhân viên đứng tên các hợp đồng tiền gửi.

Theo Vnexpress
TIN LIÊN QUAN
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.