TP.HCM: Ngành Giáo dục đã làm gì để đưa học sinh đến trường?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM: "Tất cả những nội dung chuẩn bị cho công tác quay trở lại trường học thì các trường cũng đã làm và được các cơ quan ban ngành thẩm định, phê duyệt trước khi chúng ta quay lại".
Giáo viên Trường THCS Lê Anh Xuân quận Tân Phú trong một tiết dạy vào năm 2019. (Ảnh: hcm.edu.vn)
Giáo viên Trường THCS Lê Anh Xuân quận Tân Phú trong một tiết dạy vào năm 2019. (Ảnh: hcm.edu.vn)

Ngày 26/11, chương trình phát sóng trực tiếp (livestream) “Dân hỏi - Thành phố trả lời” đã giải đáp các phản ánh, thắc mắc của người dân xoay quanh chủ đề “Công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại và những lưu ý về tình hình dịch bệnh".

Tham dự chương trình có ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Tại buổi phát sóng, nhiều khán giả đặt các câu hỏi khi băn khoăn với việc các em học sinh sẽ trở lại trường. Ông Dương Trí Dũng và ông Nguyễn Hữu Hưng đã có giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề.

- Nghệ sĩ Quyền Linh (MC chương trình): Xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), một nơi mật độ dân số thưa thớt, đảm bảo được an toàn cho học sinh. Nhưng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sắp tới sẽ đưa các em học sinh trở lại trường trên khắp các địa bàn của thành phố. Theo Quyền Linh được biết, mật độ mỗi lớp học là 35-40 học sinh. Vậy thì, các thầy cô giáo cũng như Sở Y tế, Sở Giáo dục làm sao để có thể đảm bảo được an toàn trong khi mật độ san sát như thế, không phải là mật độ ở xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) nữa?

Ông Dương Trí Dũng: Đây là một nỗi lo không phải của các bậc phụ huynh học sinh, tất cả những người làm công tác giáo dục cũng đã trăn trở nội dung này và không phải ngành Giáo dục mà ở đây có bác sĩ Hưng là 2 ngành cũng đã ngồi với nhau để tính toán phương án trình với UBND TP.HCM những phương án tốt nhất.

Kết quả đó chính là bộ tiêu chí về đảm bảo an toàn trong cơ sở trường học mà UBND Thành phố đã phê duyệt và trong đó cũng có tiêu chí mà anh Quyền Linh có đặt ra. Đó là, khoảng cách an toàn giữa các em ở trong trường phải đảm bảo. Ở đây, tôi cho rằng, nội dung về quản lý, dạy dỗ các em như thế nào để đảm bảo cho các em về hoạt động trong nhà trường một cách an toàn, trao đổi với nhau một cách an toàn, giữ khoảng cách như thế nào…

Hơn nữa, để thích ứng với điều kiện mới đó thì ngành Giáo dục đã tính toán phương án tổ chức cho các em hoạt động nhóm cho dù các em trong một lớp nhưng cũng phải chia nhóm nhỏ để tổ chức cho các em hoạt động vừa phù hợp với tình hình mới, vừa đảm bảo cho các em có hoạt động và trải nghiệm theo nhóm, nâng cao hoạt động từ trước giờ các em chưa từng có.

Đó là, hoạt động kỹ năng làm việc nhóm và qua đó chúng ta có thể quản lý được các em và quản lý các em được thì chúng ta có thể quản lý được bệnh tật phát sinh trong nhà trường.

TP.HCM: Ngành Giáo dục đã làm gì để đưa học sinh đến trường? ảnh 1

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.

- Nghệ sĩ Quyền Linh: Nhiều phụ huynh lại nói, có trẻ em được tiêm vaccine từ 12-17 tuổi, trẻ em dưới 12 tuổi trở xuống chưa được tiêm vaccine. Vậy, các em trở lại trường học có an toàn hay không?

Ông Dương Trí Dũng: Đây cũng là một vấn đề mà hiện nay thành phố chúng ta cũng đang giải quyết. Thứ nhất, giải quyết về mặt tiêm vaccine cho các em trong độ tuổi và nếu các em chưa đến tuổi và thiếu những tháng thì 2 Sở Giáo dục và Y tế cũng đã bàn và tham mưu cho UBND Thành phố. Các em tới tuổi thì sẽ tổ chức tiêm và việc các em quay trở lại trường học và chưa đủ tuổi thì vấn đề đó, 2 Sở cũng đã tính toán. Và, Sở Giáo dục cũng sẽ phối hợp với Sở Y tế để xây dựng phương án làm sao các em đã tiêm tới trường và các em chưa tiêm cũng phải có phương án an toàn tuyệt đối khi các em quay trở lại. Vì việc học trực tiếp là quyền lợi của các em. Hai Sở cũng sẽ có phương án thống nhất để trình UBND Thành phố.

- Khán giả Tuấn Nguyễn: Sổ tay Y tế trong học đường khi nào được phát hành và Sở Giáo dục có Sổ tay này không?

Ông Nguyễn Hữu Hưng: Trong trường học thì các giáo viên phải được hướng dẫn những gì hết sức cụ thể, những thông điệp hết sức ngắn gọn để biết và tuân thủ. Hiện nay, Sở Y tế cũng đã hoàn thành Cẩm nang hướng dẫn cho giáo viên và học sinh khi dạy và học tại trường học cũng như hướng dẫn về các biện pháp phòng chống dịch cơ bản của ngành Y tế.

Sở Y tế đã chuyển (cẩm nang – PV) sang Sở Giáo dục để góp ý và sau khi thống nhất giữa các Sở theo những quy định chung và những vấn đề cụ thể giữa TP.HCM thì chúng tôi đã xây dựng xong. Chắc chắn, khi các cháu đi học lại và thậm chí trước nữa trong thời gian ngắn và sau khi được sự góp ý của Sở Giáo dục thì Sở Y tế sẽ phối hợp giữa 2 Sở để chuyển tải đến các trường.

- Khán giả Thu Uyên: Con tôi thuộc trường hợp chống chỉ định không thể tiêm vaccine. Khi trường học mở cửa học trực tiếp thì cháu và gia đình cần phải lưu ý những gì?

Ông Nguyễn Hữu Hưng: Hiện nay, chúng ta đang tiêm mũi 2 cho các cháu. Mũi 1 thì cũng ta đã tiêm cách đây 4 tuần. Qua đánh giá, chúng tôi thấy số trường hợp các cháu bị chống chỉ định rất thấp chứ không nhiều. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ những trường hợp nào có tiền sử dị ứng, nói theo từ chuyên môn là phản vệ với vaccine phòng Covid-19.

Tức là, trước đây mình có chích, có những triệu chứng nghi ngờ phản vệ thì những trường hợp này là chống chỉ định và không sử dụng cho các cháu. Tuy nhiên, ngay cả trường hợp các cháu có vấn đề về sức khỏe thì các bậc phụ huynh cũng đưa trẻ đến điểm tiêm chủng khi được mời. Mặc dù các cháu có vấn đề như vậy nhưng khi đến nơi thì bác sĩ sẽ khám sàng lọc để xem trường hợp này có tiêm được hay không?

Kể cả nhiều trường hợp không tiêm được tại chỗ, mình cần thận trọng hơn. Tức là, đưa các cháu vào bệnh viện để tiêm. Bằng mọi các, cố gắng làm sao tiêm cho các cháu, trừ những trường hợp chống chỉ định thì chịu thôi. Ngay cả trường hợp có bệnh nền thì cân nhắc để tiêm cho các cháu.

TP.HCM: Ngành Giáo dục đã làm gì để đưa học sinh đến trường? ảnh 2

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

- Nghệ sĩ Quyền Linh: Với những trường hợp các cháu không được tiêm vaccine, không tiêm vaccine thì đến trường các thầy cô giáo sẽ làm gì với các em học sinh này? Cho các em về nghỉ hay học chung với các em học sinh đã được tiêm vaccine?

Ông Dương Trí Dũng: Thực ra, ngành giáo dục đã tính phương án, các em học sinh trong độ tuổi tiêm vaccine mà không tiêm được vì nhiều lý do về lý do y tế hoặc lý do cá nhân như thế nào đấy nhưng các em chưa được tiêm hoặc phụ huynh chưa đồng ý cho các em tiêm và ngay cả các em học sinh chưa đủ tuổi để tiêm. Có những em học sinh có nguy cơ cao của Y tế thì ngành Giáo dục cũng phải quan tâm.

Ngành Giáo dục cũng xem quyền lợi của các em vẫn được tới trường bình thường như các bạn khác. Thầy cô giáo phải xem các em là nhóm quan tâm đặc biệt để làm sao hỗ trợ các em ngoài chuyện học tập thì phải chú ý các em trong quá trình các em phải sinh hoạt tại nhà trường để làm sao các em an toàn nhất trong việc hiện nay chúng ta đang thích ứng an toàn. Các em thuộc nhóm dễ tổn thương với dịch bệnh Covid-19 thì ngành Giáo dụng đã có phương án, sẽ triển khai và nhà trường sẽ tập trung với đối tượng các em học sinh như thế.

- Khán giả Quỳnh Anh: Học trực tuyến không mang lại kết quả như đến trường học trực tiếp. Mình còn khoảng 1 học kỳ nữa là kết thúc năm học. Đặc biệt là các em học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi. Như vậy, Sở Giáo dục sẽ đánh giá như thế nào về việc dạy trực tuyến và có cách nào để đáp ứng kịp thời cho kiến thức của các em để bước vào kỳ thi sắp tới?

Ông Dương Trí Dũng: Nói đến học trực tuyến là khái niệm chúng ta đã làm quen trong những năm vừa rồi khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, chúng ta đã phải chuyển đổi hình thức dạy học. Hình thức dạy học trực tuyến trên thế giới là một hình thức rất phổ biến, đi song song, đi kèm với hình thức dạy trực tiếp tại nhà trường.

Hiện nay, tại Thành phố, học sinh phải học thường xuyên và 100% trực tuyến. Để đánh giá được khả năng tiếp thu kiến thức của các em học sinh và thậm chí khả năng truyền đạt của giáo viên thì khi các em có quyền, các em an toàn và được quyền quay trở lại học trực tiếp tại nhà trường thì Sở Giáo dục đã có kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trường học có kế hoạch để đánh giá lại các em. Đó là ưu tiên hàng đầu.

Ưu tiên hàng đầu là đánh giá và hỗ trợ các em để làm sao xác định khả năng tiếp thu qua một quá trình học trực tuyến dài như đợt dịch vừa rồi để có kế hoạch bồi dưỡng, đưa các em trở lại đúng theo chương trình các em đang học.

- Khán giả Minh Tâm: Ngành Giáo dục đã có phương án để tổ chức kết thúc học kỳ 1 cho các lớp và các cấp học hay chưa?

Ông Dương Trí Dũng: Đối với thời lượng của học kỳ hay thời điểm kết thúc học kỳ thì đó là quy định chung của ngành Giáo dục, được Bộ Giáo dục và Thành phố ban hành. Hiện nay các em đã chuyển qua và chuẩn bị hết học kỳ 1 và thời điểm kiểm tra, đánh giá đã được các đơn vị Quận, huyện, các trường triển khai đối với công tác giáo dục.

TP.HCM: Ngành Giáo dục đã làm gì để đưa học sinh đến trường? ảnh 3

Nghệ sĩ Quyền Linh.

- Một khán giả đặt câu hỏi: Thành phố đã làm gì để các trường mầm non hoạt động trở lại?

Ông Dương Trí Dũng: Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, các em học sinh bất kể lứa tuổi đều muốn các em học sinh quay trở lại học tập trực tiếp tại đơn vị nhà trường. Mầm non hay cấp phổ thông thì các em cũng sẽ một ngày gần nhất và an toàn nhất thì Sở Giáo dục và Đào tạo có kết hoạch đưa các em trở lại trường học.

Đương nhiên, cũng phải qua kế hoạch rất cụ thể, rất cẩn trọng trên tinh thần an toàn tới đâu thì chúng ta mở cửa tới đó. Trên tinh thần dựa trên kế hoạch ngành sẽ xây dựng và trình ra với UBND Thành phố để đưa các con, các em quay trở lại trường học.

- Khán giả Bắc Hà: Đối với trường hợp các học sinh mắc Covid-19 đang trong trường hợp theo dõi thì việc học sẽ được bố trí như thế nào cho các em học sinh F0?

Ông Dương Trí Dũng: Đối với các em F0, nằm trong diện theo dõi theo quy định của Y tế thì đương nhiên khi có kế hoạch học trực tiếp, các em sẽ không tới trường mà sẽ quản lý theo quy định của ngành. Sau khi các em đã hết thời gian đó thì các em sẽ được quay lại trường như bao bạn bè của các em. Đương nhiên, đối với các em học sinh không phải F0 mà các em học sinh hiện nay chưa về được TP.HCM thì vẫn được nhà trường bố trí cho học qua truyền hình, qua gián tiếp.

Các em học sinh ở tỉnh cũng được ngành Giáo dục tại địa phương bố trí cho các em học khi có nhu cầu. Ngược lại, các em học sinh của tỉnh đang ở TP.HCM mà chưa về được tỉnh thì ngành Giáo dục TP.HCM cũng bố trí cho các em học khi gia đình của các em có nhu cầu.

- Khán giả Văn Nguyên: Thực tế, ở một số tỉnh, khi học sinh đi học lại thì có những ca nhiễm Covid-19 và như vậy thì 2 Sở sẽ phối hợp xử lý vấn đề như thế nào? TP.HCM đã có phương án thực tế hay chưa?

Ông Dương Trí Dũng: Đối với việc đi học trực tiếp trở lại đã được Bộ Giáo dục hướng dẫn và có những quy định của Thành phố về việc quay lại để học trực tiếp. Những bộ tiêu chí cũng rất rõ ràng. Khi Sở Giáo dục trình và có ý kiến của Sở Y tế khi trình UBND Thành phố về lộ trình cho các trường quay lại thì nhiệm vụ đầu tiên là các trường xây dựng phương án về an toàn, các phương án xử trí khi có các ca F0 xảy ra trong nhà trường.

Tất cả những nội dung chuẩn bị cho công tác quay trở lại trường học thì các trường cũng đã làm và được các cơ quan ban ngành thẩm định, phê duyệt trước khi chúng ta quay lại. Việc quay lại và khi có những ca F0 xảy ra và có những việc phải chuyển trạng thái là nằm trong các kịch bản đã được xây dựng. Chúng ta phải tính toán trước chứ không có chuyện chúng ta mở cửa rồi đóng cửa. Đóng cửa hay mở cửa phải trên tiêu chí an toàn. Việc đó sẽ tùy đơn vị, mỗi đơn vị, mỗi trường học tại mỗi địa bàn.

Mỗi trường học tại địa bàn có đặc thù riêng và nhà trường phải căn cứ vào tình hình, trách nhiệm thực tế để xây dựng phương án phòng chống Covid-19 mà đã được Bộ Y tế hướng dẫn. Đồng thời, Sở Y tế cũng sẽ hướng dẫn để các đơn vị xây dựng phương án này trước khi Thành phố có quyết định đưa các trường vào hoạt động trực tiếp.

TP.HCM: Ngành Giáo dục đã làm gì để đưa học sinh đến trường? ảnh 4
Chương trình phát sóng trực tiếp (livestream) “Dân hỏi - Thành phố trả lời”.

- Khán giả Thu Minh: Khu trọ nhà tôi có ca nhiễm Covid-19. Con em chúng tôi có được đi học nếu khu trọ chưa hết F0?

Ông Nguyễn Hữu Hưng: Theo quy định đối với người dân sống trong khu vực chúng ta phong tỏa vẫn được tham gia các hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nếu ở khu vực của mình mà mình biết có nhiều hộ có F0 đang cách ly tại nhà thì chúng ta cũng nên hạn chế, cẩn trọng trong việc tiếp xúc, đi lại, giao lưu ở trong khu vực để làm sao hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa nguy cơ tăng sự lây nhiễm cho người dân trong khu vực đó. Khi những trường hợp ngoài vùng phong tỏa thì các cháu vẫn đi học bình thường.

- Khán giả Minh Anh: Con tôi và một số gia đình bị nhiễm Covid-19. Sau khi khỏi bệnh thì tinh thần của các cháu có sự ảnh hưởng. Như vậy, Sở Y tế, Sở Giáo dục có những chương trình, những hoạt động gì để hỗ trợ cho các cháu học sinh mà các cháu là F0 đã khỏi bệnh.

Ông Dương Trí Dũng: Nội dung này ngành Giáo dục hay thậm chí thành phố cũng đã có chỉ đạo ngay từ đầu. Đối với những việc ảnh hưởng tâm lý của học sinh, ngay cả giáo viên do ảnh hưởng bởi Covid-19 thì chúng tôi đã có kế hoach ngay từ đầu mùa dịch là có chỉ đạo nhà trường phải quan tâm đến học sinh của mình khi học sinh của mình đang nằm trong khu cách ly.

Chúng ta đã dạy trực tuyến khi học sinh đang còn nằm trong khu cách ly thì chúng ta đã hỗ trợ cho các em học trực tuyến. Nội dung về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em để phòng tránh những sang chấn tâm lý nếu có của các em học sinh đã được ngành giáo dục và thậm chí một kế hoạch toàn diện về việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên của nhà trường hỗ trợ các em học sinh của mình trong điều kiện các em có vấn đề về tâm lý và chỉ đạo xuyên suốt.

Đối với vấn đề này thì ngành Giáo dục đã làm việc với trường Đại học Y Dược TP.HCM, Trung tâm HCDC TP.HCM, trường Đại học Sư phạm TP.HCM để có những nghiên cứu, có những hội thảo nhằm đưa ra những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý của các em học sinh trong thời điểm ảnh hưởng của Covid-19./.

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.