Trình độ phát triển doanh nghiệp Bắc Trung Bộ mới bằng 1/3 trung bình cả nước

Chiều 18/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ" với sự tham gia của đại diện nhiều bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực này vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước, mặc dù đã có một số dự án công nghiệp lớn như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dự án về nông nghiệp của TH True milk... nhưng hiện khu vực mới có khoảng 40.000 doanh nghiệp, số hộ kinh doanh khoảng 300.000 hộ. Nếu xét về dân số, vùng Bắc Trung Bộ chiếm 15% dân số cả nước nhưng số doanh nghiệp chỉ chiếm 5,5%, điều này thể hiện trình độ phát triển của doanh nghiệp khu vực này bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Đây chính là điểm nghẽn trong phát triển của vùng Bắc Trung Bộ.

Theo ông Lộc, dù Chính phủ đã có quyết định về quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung Bộ, tuy nhiên, nếu không có sự chung tay của các giới, trong đó vai trò nòng cốt của doanh nghiệp thì khó thành công... Từ đó, Chủ tịch VCCI đề xuất thành lập Hội đồng liên kết vùng, Hội đồng này sẽ định hướng chiến lược của hệ thống sinh thái vùng, hỗ trợ cho vùng phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, ông Nguyễn Tiến Lộc cũng đề xuất hằng năm Hội đồng liên kết vùng có thể tổ chức các diễn đàn kinh tế vùng... 

Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thời gian qua cơ cấu kinh tế của vùng đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ; thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán các năm trong giai đoạn 2016-2018; chuyển dịch nhanh đối với nhóm ngành phi nông nghiệp trong đó ngành dịch vụ tăng trưởng với tốc độ nhanh và có chất lượng, đặc biệt là các ngành du lịch, vận tải, logistic, tài chính – ngân hàng, viễn thông. 

Tuy nhiên, mức biến động về cơ cấu kinh tế và biên độ thay đổi cơ cấu diễn ra vẫn còn chậm. Về cơ bản vùng chưa đạt các mục tiêu, phương hướng đề ra trong Quyết định số 1114/QĐ-TTg của Thủ tướng về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung đến năm 2020. Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, chưa cao. Vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

“Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vài trò là hạt nhân tăng trưởng, đàu tàu dẫn dắt kinh tế. Thu ngân sách chưa bền vững, đặc biệt là thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết và thuế, phí chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa”, bà Điệp nhận định. 

Để phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp, khu vực này cần tập trung vào các trụ cột chính là: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung nâng cấp tuyến giao thông nội vùng, giao thông nông thôn để tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng; phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển kết hợp với khai thác du lịch nhân văn - thế mạnh của vùng; đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp…

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp nên có cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá với vùng Bắc Trung Bộ mới; cơ chế điều phối vùng theo hướng phải có thực quyền, hiệu lực và hiệu quả.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất, đối với chính quyền các tỉnh Bắc Trung Bộ, trước hết giải quyết vấn đề về hạ tầng thông qua việc tiếp tục xúc tiến xây dựng hệ thống giao thông ven biển các tỉnh Bắc miền trung, phục vụ doanh nghiệp phát triển du lịch, phát triển các khu đô thị ven biển.

“Đồng thời, nâng cấp, phát triển mạng lưới logistics tại các cảng biển phục vụ xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí”, ông Nguyễn Dung nhấn mạnh.

Đối với giải pháp về chính sách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực Bắc miền Trung. Theo đó, mỗi tỉnh đề xuất 3-5 cụm ngành, sản phẩm mà địa phương có thế mạnh để tham gia cụm liên kết và kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng; tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng lưới xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu, như phụ liệu ngành dệt may, ngành y tế, công nghệ thông tin, nông nghiệp.... xây dựng cơ chế đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và khu vực miền Trung đến năm 2025 tầm nhìn 2035. Quy hoạch chỉ rõ định hướng phát triển theo hướng tập trung vào các ngành thế mạnh của vùng như: Công nghiệp chế biến thủy sản; thép, luyện kim, phát triển hóa dầu; công nghiệp thép, xi măng; xoay quanh những ngành này, quy hoạch phát triển công nghiệp vùng đã có định hướng phát triển các nhà máy vệ tinh, phát triển những doanh nghiệp chế biến thép, chế biến liên quan đến hóa dầu.

“Hiện nay Bộ Công Thương đã công bố quy hoạch rộng rãi, định hướng rõ ràng. Qua đó, Sở Công Thương và các tỉnh phối hợp xây dựng định hướng tập trung thu hút đầu tư theo các định hướng nêu trên”, bà Hiền thông tin thêm.

Chia sẻ quan điểm về phát triển du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, phát triển du lịch của vùng Bắc Trung Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2161/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, 6 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động. Sau 5 năm thực hiện quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung Bộ đã tăng trưởng mức khá, khoảng 16%. Tổng số lượng khách năm 2017 là 25,5 triệu lượt, tuy nhiên tỉ lệ khách quốc tế đến khu vực này không được sôi động.

Tuy nhiên, một số địa phương đặt ưu tiên cả du lịch và công nghiệp khiến đầu tư vào từng lĩnh vực ảnh hưởng lớn, nguồn lực ít nhưng lại không liên kết được nên không phát huy được sức mạnh tập thể.

“Nếu chúng ta ưu tiên phát triển du lịch thì các khu công nghiệp phải vào sâu bên trong. Thời gian qua, một số vấn đề liên quan ô nhiễm môi trường ven biển là hậu quả đã thấy. Việc giải quyết hậu quả này tốn kém và mất nguồn lực xã hội”, bà Hương nhấn mạnh.

Đặc biệt, nhắc tới hạn chế về sản phẩm, dịch vụ du lịch vùng Bắc Trung Bộ, bà Hương cho biết, du lịch khu vực này mang tính mùa vụ lớn, ở các tỉnh phát triển du lịch như Thanh Hóa, Quảng Bình bị ảnh hưởng lớn do yếu tố thời tiết. 

Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng là hạn chế trong phát triển du lịch ở các địa phương của vùng, như khu du lịch tại Sầm Sơn, Thiên Cầm đã nảy sinh vấn đề ô niễm môi trường.

Do đó, đại diện Tổng cục Du lịch đề xuất tăng cường quảng bá xúc tiến, đa dạng nâng cao các sản phẩm để thu hút khách quốc tế. Đồng thời, cần khắc phục vấn đề sản phẩm theo hướng, muốn kéo dài thời vụ du lịch phải tích cực hơn xây dựng các hoạt động du lịch bên lề, các lễ hội… đây cũng là điểm kém thu hút các nhà đầu tư chiến lược./.

Theo VGP
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.