'10 ngày trên biển' - Mượn chuyện đảo xa nói về đất liền

'10 ngày trên biển' - Mượn chuyện đảo xa nói về đất liền

Là nữ nhà văn đầu tiên dám viết về biển đảo, cũng là lần đầu tiên đặt bút viết tiểu thuyết, “10 ngày trên biển”của Thủy Hướng Dương phải đến lần thứ năm mới xin được giấy phép xuất bản. Nhiều người nói chị dũng cảm, nhiều người lại đùa số phận cuốn sách “lênh đênh” chẳng kém những chuyến tàu rời đất liền ra khơi...

* * *

Nhưng chị chẳng thấy mệt vì những lần chạy đôn chạy đáo xin giấy phép, cũng chẳng mệt vì những ngày mờ mắt gõ bàn phím, trằn trọc vì đưa nhân vật này vào hay bỏ nhân vật kia ra… Đón năm mới 2020, điều Thủy Hướng Dương thấy yên tâm nhất trong năm cũ chính là đã viết xong tiểu thuyết “10 ngày trên biển”. Một món nợ ân tình với người lính, với biển đảo đã được trả, vậy là nhẹ nhõm...

'10 ngày trên biển' - Mượn chuyện đảo xa nói về đất liền ảnh 1

Lên đường ra Trường Sa với tư cách nhà báo, nhà văn, Thủy Hướng Dương kể, lần đầu tiên chị được tận mắt chứng kiến gió biển bão táp, những cơn say sóng khủng khiếp đến chẳng muốn ăn uống, những đêm đen cô độc ngoài khơi… Sống trên boong tàu 10 ngày, đủ để những người trong đoàn hiểu phần nào đời lính, hiểu về những góc khuất sâu thẳm trong hành trình lênh đênh xa nhà của họ.

“Từ khoảng 10 năm nay, có rất nhiều chuyến đi, mỗi năm 15 chuyến ra Trường Sa, một chuyến đi như thế chở khoảng 200 người. Mỗi chuyến đi đầy đủ thành phần, bác sĩ, doanh nhân, nhà văn, nhà báo… nhưng chưa ai viết về Trường Sa một cách hệ thống và bao quát, chủ yếu là những bài báo rời rạc, những bài ký ngắn, không liền mạch…” – nghĩ thế, từ ngày trở về đất liền, Thủy Hướng Dương lúc nào cũng đau đáu về một cuốn truyện ký thật liền mạch, hệ thống về Trường Sa. Trong đó sẽ có cả tâm tư của người đi và kẻ ở, của người lính và tấm lòng người trở về đất liền…

'10 ngày trên biển' - Mượn chuyện đảo xa nói về đất liền ảnh 2
Những vị khách được hải quân đón lên đảo bằng các con xuồng cỡ nhỏ.

Sống cùng tác phẩm, đọc từng dòng chảy của ngôn từ, mới thấy, đời lính hiện lên khá đậm đặc qua ngòi bút chân thực của Thủy Hướng Dương. Ấy là khi chàng lính sụt sùi bưng tô phở của đoàn Thông tấn xã chiêu đãi anh em biển đảo, “Cậu lính trẻ măng, chắc chỉ vừa mười chín, hai mươi, bưng bát phở lên hít hà…. Rồi cậu bỗng buông bát, lấy tay áo hải quân đưa lên quệt nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt sạm nắng gió…”. Sự thiếu thốn đặc trưng của người lính được tô đậm như nét vẽ chấm phá của người họa sĩ, không cần tả nhiều, chỉ cần khắc họa qua ánh mắt, cử chỉ cũng khiến người đọc rưng rưng.

'10 ngày trên biển' - Mượn chuyện đảo xa nói về đất liền ảnh 3

Tác giả Thủy Hướng Dương chụp ảnh với đảo Đá Lát

Đời lính còn được tô đậm khi cả đoàn khách từ đất liền ra đảo Thuyền Chài trong ngày thứ Tư giữa trời mưa to vần vũ. Toàn bộ lính hải quân vượt mưa, căng hết mọi giác quan để “dìu, bế” khách xuống một cách an toàn nhất. Người lính trẻ điều khiển xuồng bằng tất cả nỗ lực, dù nước mưa lẫn sóng biển xô nhau táp vào mặt chàng trai trẻ ướt sũng… Họ bất chấp khó khăn vì khao khát được đón những người khách từ đất liền đến, khao khát được giao tiếp, trò chuyện… Bao tâm tư, tình cảm của lính đảo được gói ghém trong đoạn hội thoại giữa cô phóng viên trẻ Bạch Dương với anh lính:

-        Có khi nào em chán ghét nơi này vì sự khắc nghiệt của đảo không?

-        Nghĩ về khắc nghiệt thì có nhưng chán thì không ạ. Vì nếu ai cũng chán thì ai sẽ ở lại đây làm nhiệm vụ?

Cậu lính trẻ cười. Một nụ cười đẹp mà có lẽ cô phóng viên trẻ không bao giờ quên được. Nếu chưa một lần tiếp xúc với người lính, chưa một lần lênh đênh trên biển, sẽ chẳng thể hình dung nổi những cô đơn, vất vả, những bức bối không lời… trong cuộc sống người lính.

Tiểu thuyết của Thủy Hướng Dương đưa người đọc vào bức tranh có thật về biển đảo, những góc nhìn thật về đời lính một cách trần trụi không tô vẽ. Khó khăn có, lãng mạn có, hài hước có, bi thương có, hào hùng có… Ấy là khi một chàng lính trẻ phải tự kết liễu đời mình vì món nợ 20 triệu với bố đẻ ở quê, ấy là những giây phút người đất liền đăm chiêu ngắm người lính cô độc bên chú chó nhỏ… Là lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh vì bảo vệ đảo Gạc Ma: “Boong tàu chật kín màu quốc kỳ Việt Nam và màu áo bộ đội. Gần 200 con người xếp thành một khối vuông ở khu vực trung tâm boong tàu… Bản nhạc Hồn sĩ tử vang lên. Ai cũng rung rung không kiểm soát được cảm xúc”. Một người không kìm được nước mắt, rồi cứ thế, nhiều tiếng khóc nức nở… Người viết cũng thật thà, chị phản ánh lại còn khóc. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản phải viết, như cái nợ nần, độc giả luôn hi vọng mình viết gì đó về Trường Sa sau khi trở về…” – nữ nhà văn tâm sự.

'10 ngày trên biển' - Mượn chuyện đảo xa nói về đất liền ảnh 4
Nữ tác giả "10 ngày trên biển" chụp ảnh cùng người lính hải quân
'10 ngày trên biển' - Mượn chuyện đảo xa nói về đất liền ảnh 5

Những ai đã từng lênh đênh trên con tàu ra Trường Sa, chắc sẽ giật mình vì thấy có bóng dáng mình trong “10 ngày trên đảo”.

“10 ngày trên biển'' là cuốn sách thứ năm của tác giả Thủy Hướng Dương (tên thật Vũ Thanh Thủy) do NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. 

Thủy Hướng Dương là nữ nhà văn thuộc thế hệ 7x, sinh ra tại thành phố Nam Định. Chị là cựu học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Thủy Hướng Dương viết văn tương đối muộn, sau một thời gian làm báo. Chị được độc giả biết đến nhiều nhất khi chị chấp bút cuốn hồi ký ''Chúng tôi và Mig17'' của anh hùng phi công Lưu Huy Chao vào năm 2009, tác phẩm ''Chuyện của lính Tây Nam'' năm 2010, "Tập mỉm cười trước gương" năm 2016, "Mặt trời không thất hứa" năm 2017. Ngoài ra Thủy Hướng Dương còn biên tập hai tập hồi ký "Lính Bay I, II" của anh hùng phi công, nguyên chánh thanh tra Bộ Quốc Phòng, Trung tướng Phạm Phú Thái. Đó là tập hồi ký best seller gây sốt năm 2017, 2018.

Thủy Hướng Dương không chọn thể loại ký để phản ánh lại những gì chị đã mắt thấy tai nghe, mà khéo léo chọn tiểu thuyết. Với chị, viết tiểu thuyết sẽ bao quát hơn, liền mạch hơn, cũng không khiến chị quá “giằng xé” đắn đo khi phải kéo người này bỏ người kia vào truyện… Đó cũng là cách để bức tranh về Trường Sa không quá bó hẹp trong một chuyến đi, mà là bản tình ca của hàng trăm chuyến đi ra đảo mỗi năm… Những chuyến đi với đủ thành phần tham gia: nhà báo, nhà văn, doanh nhân, bác sĩ… Ai cũng có những tính cách riêng, tâm tư riêng, “mưu đồ” riêng… Câu chuyện trên tàu diễn ra như cuộc sống vốn thế, chuyển động tự nhiên, có những chuyên không ai ngờ…

Tất nhiên, nếu đã quen với chất văn của Thủy Hướng Dương, người ta sẽ thấy “10 ngày trên đảo” không quyết liệt, sắc sảo, cao trào như chất văn thường thấy của chị. Nhưng chị bảo, chị không muốn đao to búa lớn, chỉ muốn dùng ngòi bút tả thực để vẽ nên cuộc sống biển đảo chân thực nhất. Ở đó có một người chồng tên Bình luôn phải che giấu bản thân, nhún mình, chấp nhận sự '”hèn kém'” của mình để giữ thanh danh và không dám biểu lộ tình yêu với người vợ mới cưới của mình. Một cô Phương Anh cá tính, xinh đẹp, tự tin với các mối quan hệ rộng rãi của mình… Một phóng viên Bạch Dương tình cảm, sâu sắc đóng vai trò quan sát viên thầm lặng. Một thiếu tướng Hưng lãng mạn, bay bổng…

Các mối quan hệ hòa quyện vào nhau, chằng chịt trong mọi cung bậc cảm xúc… Có những mối quan hệ bon chen, âm mưu và thủ đoạn, tranh nhau danh lợi trên con tàu… Rồi không thiếu những nhung nhớ từ những cô phóng viên, cô ca sĩ trên đất liền dành cho người lính qua phong thư, những cuộc gọi video call… 10 ngày trên biển là 10 ngày những mối quan hệ được lộ ra rõ nét, chỉ cần một ánh mắt, cử chỉ là đủ hiểu có bão tố trong lòng. Riêng ngày số 6 biến mất khiến người đọc tò mò. Tác giả nói rằng đấy là vấn đề về môi trường. Môi trường như nào thì hãy để độc giả tự suy ngẫm.

“Mình chứng kiến nhiều chuyện nhưng không làm được gì, chỉ biết dùng con chữ lên tiếng, gửi gắm tâm tư vào tác phẩm để người đọc tự vấn, làm cho xã hội văn minh hơn, có trách nhiệm hơn với Tổ quốc mình” – Thủy Hướng Dương chia sẻ.

Chị cười nói: “Cuộc sống trên tàu hiện lên muôn màu lắm. Trên tàu lúc nhộn nhạo, say sóng vẫn luôn có chị hải quân ngồi thiền giữa lắc lư sóng biển… Nếu có dịp nữa, tôi vẫn sẽ xung phong đi Trường Sa”.

'10 ngày trên biển' - Mượn chuyện đảo xa nói về đất liền ảnh 6

Nói gì thì nói, dù mượn chuyện đảo để nói về những bon chen, xô bồ của xã hội đất liền thì tác phẩm “10 ngày trên đảo” vẫn luôn là bức tranh sống động về đời lính.

Nó ám ảnh người đọc về những góc khuất tối tăm mà ít ai dám nhìn thẳng vào sự thật. Đó là sự cô độc, nỗi buồn tha hương, nỗi nhớ nhung người ở nhà, là bao tranh giành đố kị trên tàu, là những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai… Có người lính ra đảo mà vì 20 triệu tiền trợ cấp lính nghĩa vụ mà phải kết thúc sự sống trong khi không ít người trên đảo đóng tiền để con mình không phải đi nghĩa vụ. Đó là sự khốc liệt và khoảng cách mà chính những người trên đất liền tạo ra. Đó là nỗi đau mà bất cứ người nào có lương tri đều phải suy ngẫm…

'10 ngày trên biển' - Mượn chuyện đảo xa nói về đất liền ảnh 7
Cây bàng vuông cũng như người lính. Vừa kiên cường, vừa dịu dàng. Đất liền chỉ cần quan tâm một chút, đảo sẽ mạnh mẽ, bất khuất như pháo đài giữa biển khơi để bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Trong những ngày cuối ở trên đảo, một anh lính tặng cô phóng viên trẻ Bạch Dương cây bàng vuông làm quà. Anh bảo: “Bàng vuông dễ sống lắm. Chỉ cần người trồng quan tâm đến nó một chút là nó sẽ sống mạnh mẽ rồi nở hoa…”. Cây bàng vuông cũng như người lính. Vừa kiên cường, vừa dịu dàng. Đất liền chỉ cần quan tâm một chút, đảo sẽ mạnh mẽ, bất khuất như pháo đài giữa biển khơi để bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Thủy Hướng Dương nói, nếu như ngay từ đầu chị ấp ủ đó là tiểu thuyết, chị sẽ cố gắng chi tiết hơn, sẽ có những chi tiết văn học để người đọc nhớ hơn, cảm thụ sâu hơn… Bản thân chị thấy chưa xuất sắc, chỉ chuyển tải những vấn đề nóng của xã hội, dù cái nóng ấy chưa thực sự được đẩy đến cao trào.

'10 ngày trên biển' - Mượn chuyện đảo xa nói về đất liền ảnh 8

Các chiến sĩ hải quân đẩy thuyền cho khách vào bờ

Chính chị cũng thừa nhận, chị từng muốn đẩy cái xấu lên cao trào để độc giả tự vấn lương tâm. “Quả thật quá nhiều người xấu trong xã hội, hèn nhát trước mọi việc... Sự hạn chế đấy, nếu đẩy lên tận cùng sẽ được lòng công chúng” - nhưng rút cục, chị để mạch tiểu thuyết ở mức “vừa vừa”. Dám đụng đến đề tài này, là chị đã vượt qua chính mình, bởi vừa muốn viết, chị vừa sợ đụng chạm đến những người tốt trong chuyến đi đặc biệt ấy.

“Viết tiểu thuyết này, tôi chỉ đơn giản đưa thông điệp, người đất liền phải suy tư họ đang được gì? Những người ở biển đảo, những người đang mang lại cuộc sống bình yên cho đất liền, đang đối diện cái gì?  Tâm huyết của tôi là mong muốn qua tiểu thuyết mỗi người tự vấn mình, đã làm gì cho Tổ quốc chưa, nó không phải đao to búa lớn, mà quan trọng nhất là tình cảm thật, đóng góp thật của mình” – Thủy Hương Dương nói.

TIN LIÊN QUAN
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.
Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
(Ngày Nay) - Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái như phát hành tín phiếu, sử dụng thêm kênh tín phiếu trên thị trường mở (OMO), điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng để ổn định thị trường trước đà tăng nóng của tỷ giá.