Đạo Mẫu xuất hiện cùng với cội nguồn văn hóa dân tộc

Hội thảo khoa học quốc tế về nghiên cứu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tổ chức ngày 6.1 tại TP.Nam Định đã làm rõ giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu (đạo Mẫu) ở người Việt.
Đạo Mẫu xuất hiện cùng với cội nguồn văn hóa dân tộc

Đạo mẫu không chỉ là nghi lễ hầu đồng, hầu bóng

Hội thảo khoa học quốc tế về nghiên cứu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Nam Định do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức. Hội thảo thu hút 47 GS, PGS, TSKH, thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Trong đó có 11 học giả quốc tế đến từ Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc... Ngoài ra, còn có hàng trăm nhà nghiên cứu, các thanh đồng từ khắp các vùng miền trong cả nước.

Đạo Mẫu xuất hiện cùng với cội nguồn văn hóa dân tộc ảnh 1

Theo nhiều chuyên gia, tục thờ Thánh Mẫu có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh người Việt và đã phát triển cùng với lịch sử khai phá, mở mang bờ cõi của tộc người này. Các vị Thánh Mẫu với những đền, phủ thờ của Ngài cũng xuất hiện theo “bước chân” người Việt, từ thượng nguồn sông Hồng xuống đến vùng hạ lưu châu thổ Bắc bộ. Phong tục thờ Mẫu được xác định là tín ngưỡng lâu đời nhất ở VN, thậm chí cả trước khi Trung Quốc xâm lược VN. Xuất phát từ tín ngưỡng nguyên thủy tin thờ các vị thần linh tự nhiên như trời, đất, nước mà theo quan niệm dân gian thì các vị thần mang nữ tính. Từ đó phát triển nâng lên trở thành một biểu tượng người mẹ.

Các nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt cho thấy tín ngưỡng này thể hiện ý thức nhân sinh, cội nguồn, dân tộc, đồng thời hướng tới lòng từ bi, bác ái, tinh thần cộng đồng, khuyến thiện... TS Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho rằng: “Việc thực hành lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu với những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa thiêng được kết hợp một cách nghệ thuật có thể coi như một “bảo tàng sống”, lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa người Việt”.
Tuy nhiên, nghịch lý là một bộ phận không nhỏ người dân cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ đơn thuần là nghi lễ hầu đồng, hầu bóng với nhiều yếu tố mê tín dị đoan.

PGS-TS Từ Thị Loan, quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, nêu rõ: “Hầu đồng, hầu bóng thực chất chỉ là một trong những nghi lễ nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng này có cả một hệ thống thực hành nghi lễ như việc thờ cúng, các lễ hội... Nghi lễ thờ Mẫu phải hiểu về giá trị tinh thần là tôn vinh người mẹ đã sản sinh ra nhân loại, mang bản tính che chở, sáng tạo và bảo trợ cho cộng đồng, vun đắp cuộc sống của gia đình, cộng đồng, làng nước. Ngoài ra, còn tích hợp rất là nhiều giá trị về văn hóa, nghệ thuật như những bài chầu văn, những điệu múa thiêng, là môi trường để dung dưỡng rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc".

Loạn thanh đồng

Bên lề hội thảo, thanh đồng Vũ Thanh Thủy, một thanh đồng khá có tiếng ở Nam Định phản ánh tình trạng chưa bao giờ có nhiều thanh đồng (tức là người hầu đồng, nhập vai Thánh Mẫu hay quan thánh, được tin là các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc) và dễ dàng trở thành thanh đồng như hiện nay. “Muốn trở thành thanh đồng phải có căn, có cốt. Nhưng bây giờ, hình như ai muốn thành thanh đồng cũng được. Có người chỉ mở phủ 2, 3 năm đã đi khai căn, mở phủ cho người khác. Trong giới thanh đồng, tôi biết có nhiều người mở phủ, làm đồng chỉ cốt để kiếm tiền”. Chị Thủy cũng nêu rõ việc có không ít thanh đồng “gặp ai, gặp gì trục trặc cũng nói người ta có vong theo, nếu không làm lễ, ra hầu thánh thì tan cửa nát nhà. Nhiều người sợ nên có đi vay cũng phải cố mà lễ mà vẫn ngay ngáy lo nghĩ”. Rồi chuyện trong giới thanh đồng đi nói xấu nhau, dè bỉu nhau, thậm chí a dua theo kiểu “đánh hội đồng” với những thanh đồng không cùng phe nhóm, chuyện hầu đồng, hầu bóng đang có nguy cơ “mất gốc”, bị du nhập trang phục, nghệ thuật xa rời truyền thống…

Ngay tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, học giả cũng thừa nhận tình trạng “loạn thanh đồng” hiện nay. GS-TS Ngô Đức Thịnh khẳng định: “Chưa bao giờ đạo Mẫu phát triển như hiện nay”, nhưng lại lo lắng: “Môi trường xã hội hiện đại, kinh tế thị trường đã làm đạo Mẫu tìm thấy môi trường lý tưởng để bén rễ, hồi sinh, thậm chí đạt mức thái quá gây nhiều hệ lụy cho xã hội”.

Nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ (Chi hội trưởng Văn nghệ dân gian, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định) thì trăn trở trước tình trạng: “Lập điện, lập phủ mới quá nhiều, thầy cúng, thầy bói, thanh đồng phát triển tràn lan, đua đòi mở các canh hầu quá to, lên tới đôi, ba trăm triệu đồng”...

Từ thực tế đó, các học giả, nhà nghiên cứu cho rằng để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, cần có giải pháp cụ thể, lấy vai trò cộng đồng làm chủ công nhưng không thể thiếu sự can thiệp tích cực từ chính sách, pháp luật. Theo PGS-TS Từ Thị Loan, cùng với việc đệ trình UNESCO xét duyệt, công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong năm 2016, Bộ VH-TT-DL cũng đã chuẩn bị chương trình hành động để bảo vệ, giữ gìn di sản này không đi chệch hướng.

“Âm thanh của các bài hát chầu văn được lặp đi lặp lại. Ngồi trước tấm gương trên bàn thờ, trong khi âm nhạc đang được tấu lên, trên đầu thanh đồng được phủ một tấm vải đỏ... Sự hấp dẫn trong hoạt cảnh diễn tả lịch sử VN của những người Việt sinh sống ở California là gì? Những thanh đồng nói rằng: “VN luôn nhảy múa trong con tim họ”. Tôi cho rằng trong bối cảnh tha hương và khát khao trở về, sự thể hiện mạnh mẽ của đạo Mẫu gợi lên một quá khứ xa xôi để khôi phục hiện tại, phục vụ các thánh thần để tìm sự che chở và đạt các nguồn lực siêu nhiên để thành công hơn trong cuộc sống hằng ngày...”.
GS Janet Alison Hoskins (ĐH Nam California, Mỹ)

“Đạo Mẫu không bàn về thế giới hư vô sau khi chết mà đạo Mẫu quan tâm đến đời sống hiện thực của con người là sức khỏe, tài lộc và may mắn. Đấy là sức hút của đạo Mẫu, làm nó khác với tất cả các tôn giáo khác”.
GS-TS Ngô Đức Thịnh (Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng VN)

P.V

Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.