Hành trình mới của người dân sống ở di tích Kinh thành Huế

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, đợt đầu tiên có 575 hộ sẽ di dời khỏi khu vực di tích theo đề án; trong đó, UBND thành phố Huế phê duyệt 340 hộ đủ điều kiện để cấp đất tái định cư.
Người dân sống trên Thượng Thành hạ giải những ngôi nhà tạm bợ để đến nơi ở mới, trả lại mặt bằng cho di tích. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Người dân sống trên Thượng Thành hạ giải những ngôi nhà tạm bợ để đến nơi ở mới, trả lại mặt bằng cho di tích. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Nhiều hộ dân sinh sống hàng chục năm trên khu vực Thượng Thành thuộc hệ thống Kinh thành Huế đang bắt đầu hạ giải những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ để chuẩn bị chuyển đến khu tái định cư mới, trả lại mặt bằng cho di tích.

Cuộc di dân lịch sử ở đất Cố đô được chờ đợi trong nhiều năm đang dần được hiện thực hóa. Đó là kết quả từ một chủ trương lớn hợp “ý Đảng, lòng dân.”

Khởi đầu hành trình

Căn nhà của bà Hà Thị Nở nằm trên Thượng Thành gần cửa Thượng Tứ trong khu vực Đại Nội Huế, từ mặt đường để lên tới ngôi nhà phải qua một chiếc cầu thang.

Ngôi nhà lợp mái tôn rộng chưa tới 20m2 nhưng là chỗ che mưa, che nắng của 5 thành viên của gia đình bà Nở trong hàng chục năm qua.

Gia đình bà Hà Thị Nở là một trong những hộ dân đầu tiên tại đây vận chuyển đồ đạc để chuyển đến phòng trọ ở tạm thời, bàn giao mặt bằng cho địa phương, trong lúc chờ xây dựng nhà ở tại khu tái định cư mới.

Khi dời nhà khỏi khu vực Thượng Thành, bà Nở cũng như nhiều hộ dân khác không giấu nổi những giọt nước mắt, phần vì phải xa nơi ở đã gắn bó nhiều năm nhưng phần nhiều là niềm vui khi ước mơ có được chỗ ở ổn định nay đang dần thành hiện thực. Tại khu tái định cư mới, gia đình bà Nở được cấp một lô đất rộng 104m2 để làm nhà.

Bà Hà Thị Nở chia sẻ vì cuộc sống quá khó khăn, không có “một tấc đất cắm dùi,” cách đây 38 năm, hai vợ chồng bà phải lên khu vực Thượng Thành dựng túp lều ở tạm, sau đó có cơi nới mở rộng thêm.

Cũng chính vì cuộc sống tạm bợ, con cái không có điều kiện học hành, bà có một người con trai đã lớn nhưng không biết chữ.

“Đa phần người dân sinh sống trên khu vực Thượng Thành là dân nghèo vì nhiều lý do trôi dạt về đây. Điều kiện sống trên bờ thành hết sức khó khăn, vì không có kinh tế, những người dân nơi đây không thể chuyển đến nơi ở khác tốt hơn. Do vậy, chủ trương của Đảng và Nhà nước hỗ trợ di dời người dân sống trên di tích đến nơi ở mới rất hợp với lòng dân.

“Đây là cơ hội, bước ngoặt lớn đối với nhiều gia đình và cũng là mở ra cánh cửa tương lai cho thế hệ con, cháu,” bà Nở cho hay.

Cũng nằm trên khu vực Thượng Thành, ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Mai khi phá bỏ diễn ra đơn giản, bởi căn nhà nhỏ xíu của chị Mai được dựng tạm từ các khung gỗ nhỏ, tường bao quanh và tôn cũ.

Đồ đạc trong nhà cũng không có giá trị nhiều, ngoài những vật dụng sinh hoạt thiết yếu hàng ngày. Sinh sống trong một ngôi nhà luôn trong tình trạng “nhà dột, cột xiêu” bao năm, giờ đây được Nhà nước cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà là một niềm vui quá lớn để gia đình chị Mai có thể an cư lập nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Mai cho biết chính quyền thành phố Huế vừa tổ chức bốc thăm cho những hộ di dời đợt đầu và gia đình trúng lô B13 có diện tích 104m2, đồng thời đã nhận 180 triệu đồng tiền đền bù giải tỏa.

Bà con ở đây nhận tiền ai cũng vui mừng và mong muốn Nhà nước sớm cấp phép cho xây dựng nhà ở khu tái định cư mới. Nếu để lâu, bà con sẽ tiêu thâm hụt vào số tiền đền bù, khi đó không có tiền để dựng nhà nữa.

Hỗ trợ tối đa cho người dân

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, đợt đầu tiên này có 575 hộ sẽ tiến hành di dời khỏi khu vực di tích theo đề án; trong đó, Ủy ban nhân dân thành phố Huế đã phê duyệt 340 hộ đủ điều kiện để cấp đất tái định cư.

Trong tháng Hai này, thành phố Huế đang thực hiện chi trả tiền bồi thường cho 445 hộ và đã có 365 hộ nhận tiền đầy đủ. Bên cạnh đó, thành phố Huế đã hỗ trợ các hộ di chuyển bàn giao mặt bằng tiền tạm cư mỗi hộ ít nhất 2 triệu đồng/tháng để thuê nhà trọ trong thời gian chờ đợi các thủ tục giao đất làm nhà.

Những hộ dân sớm bàn giao mặt bằng được thưởng từ 4-7 triệu đồng. Đến ngày 21/2, khoảng 50 hộ dân đã tiến hành tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng sớm.

Nhằm hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã huy động các hội đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên chung tay giúp đỡ bà con vận chuyển đồ đạc.

Hành trình mới của người dân sống ở di tích Kinh thành Huế ảnh 1

Người dân làm lễ trước khi chuyển đến nơi ở mới, trả lại mặt bằng cho di tích. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Đối với diện tích sau khi người dân chuyển đi, chính quyền địa phương sẽ có phương án quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ trương đối với những hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, địa phương sẽ hỗ trợ xây dựng nhà ở theo phương thức “chìa khóa trao tay.”

Về lâu dài, địa phương sẽ quan tâm có các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn để người dân đến nơi ở mới có được sinh kế bền vững.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế Hồ Lâm Phúc cho biết, đối với hạ tầng khu tái định cư Bắc Hương Sơ với diện tích 9,6ha gồm 488 lô đất, hiện cơ bản xây dựng xong, sẵn sàng đón người dân di dời đến để làm nhà.

Bên cạnh công tác chi trả bồi thường và giải phóng mặt bằng, thành phố Huế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để ra quyết định giao đất và bàn giao trên thực địa cho người dân, tiến hành cấp giấy phép xây dựng đồng loạt.

Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt đầu năm 2019 với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng.

Dự án chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2019-2021 hoàn thành di dời 2.938 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Kinh phí giải phóng mặt bằng của giai đoạn 1 là 1.880 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư 946 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 từ năm 2022-2025, dự kiến di dời dân cư tại khu vực các di tích Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài với 1.263 hộ dân. Kinh phí giải phóng mặt bằng ở giai đoạn 2 là 855 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư 416 tỷ đồng.

Việc thực hiện Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế sẽ góp phần trả lại mặt bằng tại các điểm di tích bị xâm lấn do nhiều nguyên nhân khác nhau; qua đó, tạo tiền đề cho công tác trùng tu, bảo tồn Quần thể di tích Cố đô Huế để gìn giữ cho các thế hệ mai sau./.

Theo TTXVN
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.