Phim truyền hình giữa dịch COVID-19: Sức hút từ yếu tố ‘quen mà lạ’

Sự đổi mới trên nhiều phương diện đã giúp phim truyền hình thu hút sự quan tâm của khán giả, trở thành một trong những lựa chọn giải trí của công chúng giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Các diễn viên chính của phim "Tình yêu và tham vọng." (Ảnh: Đoàn làm phim)
Các diễn viên chính của phim "Tình yêu và tham vọng." (Ảnh: Đoàn làm phim)

Cú “lột xác” của những gương mặt quen thuộc, sự xuất hiện của lứa diễn viên trẻ, các thay đổi của nhà sản xuất, đạo diễn trong việc lựa chọn đề tài… đã mang đến cho phim truyền hình Việt Nam những “làn gió” mới.

Muôn màu phim truyền hình Việt

Trong thời gian gần đây, phim truyền hình Việt đã có nhiều thay đổi quan trọng, dần bước ra khỏi “vùng an toàn.”

Bên cạnh những tác phẩm khai thác đề tài tình yêu, gia đình, màn ảnh nhỏ còn có những câu chuyện “gai góc” hơn (đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội như nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền…) hay những khía cạnh tươi mới, gần gũi hơn (chuyện thương trường, tuổi trẻ với quyết tâm khởi nghiệp…).

“Sinh tử” xoay quanh “liên minh ma quỷ” giữa người nắm quyền lực, người thực thi pháp luật và doanh nghiệp tại một địa phương. Sau khi những âm mưu, màn đối đầu… giữa các nhóm lợi ích ở “Sinh tử” khép lại, các nhà làm phim tiếp tục kéo người xem vào những mưu mô ở chốn thương trường trong “Tình yêu và tham vọng.”

Mặc dù mới lên sóng những tập đầu tiên nhưng “Tình yêu và tham vọng” nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Trong bối cảnh phim về đề tài tình yêu, hôn nhân, gia đình “áp đảo” thời gia qua, tác phẩm của đạo diễn Bùi Tiến Huy mang màu sắc khác biệt khi phơi bày những mâu thuẫn, mánh lới trong việc kinh doanh, tranh giành thị trường cùng nhiều bí mật về nghệ thuật quan hệ khách hàng và đời sống công sở.

Phim truyền hình giữa dịch COVID-19: Sức hút từ yếu tố ‘quen mà lạ’ ảnh 1

Lã Thanh Huyền vào vai một cô gái sắc sảo, "hiếu thắng" trong "Tình yêu và tham vọng." (Ảnh: Đoàn làm phim)

Theo đạo diễn Bùi Tiến Huy, phim vẫn có những câu chuyện về tình yêu nhưng được khai thác ở khía cạnh khác so với những bộ phim ra mắt thời gian trước. Ở đây, tình yêu của người trẻ được đặt trong bối cảnh thương trường khốc liệt với những màn đối đầu, đấu trí gay cấn. Hai khía cạnh (tình yêu, tham vọng) sẽ đẩy nhân vật đến tận cùng cảm xúc yêu-hận. Nhờ đó, chuyện phim sẽ không cứng nhắc, nhân vật được khắc họa đa chiều.

Ngoài ra, “Nhà trọ Balanha” cũng thu hút sự quan tâm của người xem trong thời gian gần đây. Êkíp làm phim kể câu chuyện lập nghiệp, tình yêu, sự nổi loạn cũng như những hoang mang của tuổi trẻ khi đối mặt với những khó khăn, thách thức trong hành trình trưởng thành theo phong cách hài hước, dí dỏm.

Nhờ vậy, phim mang đến những tràng cười sảng khoái cho khán giả dù thực tế, “Nhà trọ Balanha” còn có một số chi tiết dài dòng, khiên cưỡng, ví dụ như cách lý giải về mối quan hệ giữa bố của Lâm (nhân vật do nghệ sỹ ưu tú Trần Đức thủ vai) và cô Đồng (nghệ sỹ ưu tú Anh Thơ đảm nhận).

Nam diễn viên Xuân Nghị (vai Bách) cho biết một trong những lý do khiến anh nhận lời tham gia “Nhà trọ Balanha” là các nhân vật được xây dựng rất đời. “Họ trẻ trung, vui nhộn nhưng cũng rất… ‘lầy lội,’sống nhiệt huyết, khát khao lập nghiệp nhưng cũng không tránh khỏi những hoang mang, vấp ngã,” Xuân Nghị bày tỏ.

Phim truyền hình giữa dịch COVID-19: Sức hút từ yếu tố ‘quen mà lạ’ ảnh 2

Bộ phim mang đến những tiếng cười sảng khoái cho khán giả. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện ở mọi “ngõ ngách” của cuộc sống, tác động tới mọi mặt đời sống xã hội (từ kinh tế, giáo dục, văn hóa, du lịch…), các nhà làm phim đã cho ra đời “Những ngày không quên.”

Đây là phiên bản kết hợp của “Về nhà đi con” (bộ phim từng “gây bão” màn ảnh nhỏ năm 2019) và “Cô gái nhà người ta” (bộ phim về đề tài nông thôn mới lên sóng thời gian gần đây). Theo đó, “Những ngày không quên” xoay quanh cuộc sống của các nhân vật chính trong hai bộ phim kể trên: Thư (Bảo Thanh), Huệ (Thu Quỳnh), Vũ (Quốc Trường), Khoa (Đình Tú), Uyên (Phương Oanh)…

Nhiều câu chuyện trong đời sống thực đã trở thành chất liệu của “Những ngày không quên.” Đó là câu chuyện cách ly, hiện tượng người dân đổ xô đi mua, tích trữ hàng hóa, sự phát tán với tốc độ “chóng mặt” của fake news (tin giả), chế tài xử phạt người tham gia giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn…

Dù “Những ngày không quên” được thực hiện gấp rút, nội dung mang đậm tính tuyên truyền nhưng lối diễn xuất tự nhiên, tung hứng nhịp nhàng của dàn diễn viên quen thuộc khi tiếp tục hóa thân vào những nhân vật được yêu thích trước đây đã giúp phim dễ tiếp cận, thu hút sự chú ý của khán giả.

Phim truyền hình giữa dịch COVID-19: Sức hút từ yếu tố ‘quen mà lạ’ ảnh 3

"Những ngày không quên" gửi gắm nhiều thông điệp về việc phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Đoàn làm phim)

“Bài toán” diễn viên

Bên cạnh nội dung mới mẻ, sự xuất hiện của những gương mặt mới và việc thay đổi hình ảnh của các diễn viên quen thuộc cũng là yếu tố quan trọng làm nên sức hút của phim truyền hình thời gian gần đây.

Đạo diễn Hùng Phương cho biết “bài toán” diễn viên luôn khiến các đạo diễn, nhà sản xuất “đau đầu.” Để phục vụ cho khâu quảng bá và thu hút người xem, phim cần có sự tham gia của những ‘ngôi sao’ được khán giả yêu mến, có lượng người hâm mộ đông đảo. Tuy nhiên, để có được màu sắc khác lạ, phim cũng cần có những gương mặt mới, có lối diễn xuất trẻ trung, tươi mới.

Vị đạo diễn này chia sẻ thời gian qua, nhiều khán giả than thở rằng: “Cứ mở tivi là thấy người quen, chỉ toàn gặp Hồng Đăng, Việt Anh, Lương Thế Thành…” Bởi vậy, anh cho rằng các nhà làm phim nên tạo nhiều điều kiện, “đất diễn” hơn các diễn viên trẻ.

Phim truyền hình giữa dịch COVID-19: Sức hút từ yếu tố ‘quen mà lạ’ ảnh 4

Các chi tiết, nhân vật trong "Nhà trọ Balanha" gần gũi với đời sống của giới trẻ hiện nay. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Có cùng quan điểm trên, đạo diễn Khải Anh cho rằng phim truyền hình cần nhiều diễn viên trẻ để tạo nên sự sôi động, “làn gió” mới, màu sắc khác lạ cho màn ảnh nhỏ.

Lứa diễn viên đã thành danh có ưu thế ở lượng người hâm mộ, kinh nghiệm diễn xuất, dễ nhập vai và đảm bảo cho sự thành công của vai diễn. Tuy nhiên, không ít người trong số đó đã khá “cứng tuổi.” Vẻ chững chạc, “một màu” (đóng khung trong những dạng vai nhất định) lại khiến cho việc tham gia vào những bộ phim về tuổi trẻ, thanh xuân có phần khiên cưỡng.

Nhìn vào thực tế những phim truyền hình ra mắt trong thời gian gần đây, có thể thấy, các nhà làm phim đang từng bước gỡ “nút thắt” này. Nhiều diễn viên mới được giới thiệu đến khán giả.

Các vai chính trong “Nhà trọ Balanha” đều do những gương mặt mới (Trần Nghĩa, Công Dương, Bích Ngọc…) đảm nhận. Bên cạnh đó, thế hệ diễn viên 9X (như Khánh Ngô, Minh Thành…) cũng đã từng bước khẳng định năng lực qua phim “Làm rể Mười Xuân”…

Trong khi đó, đạo diễn Bùi Tiến Huy lựa chọn một hướng đi khác - “làm mới” những gương mặt cũ, trong phim “Tình yêu và tham vọng.” Các diễn viên quen thuộc (Mạnh Trường, Lã Thanh Huyền, Diễm My 9X…) xuất hiện với sự mới mẻ, đảm nhận những vai diễn mang màu sắc khác biệt so với các nhân vật trước đây từng đảm nhận.

Nếu như trước đây, khán giả thường thấy Mạnh Trường đảm nhận những vai chính diện, có dáng vẻ điềm đạm, tính cách hiền lành, thậm chí nhu nhược thì ở “Tình yêu và tham vọng,” anh cũng tạo được dấu ấn riêng khi hóa thân thành một nhân vật gai góc hơn với nhiều mưu mô, thủ đoạn.

Phim truyền hình giữa dịch COVID-19: Sức hút từ yếu tố ‘quen mà lạ’ ảnh 5

Mạnh Trường vào vai một doanh nhân với nhiều mưu mô, thủ đoạn trong "Tình yêu và tham vọng." (Ảnh: Đoàn làm phim)

Lã Thanh Huyền thường được giao những vai nữ chính thánh thiện, giàu suy tư, nhiệt huyết. Đến “Tình yêu và tham vọng,” cô cho thấy khả năng biến hóa khi vào vai Tuệ Lâm - một cô gái mang vẻ đẹp hiện đại, sắc sảo, cá tính và không ít mưu toan.

Trong bối cảnh rạp chiếu phim đóng cửa, các chương trình biểu diễn trực tiếp phải tạm hoãn do dịch COVID-19, phim truyền hình trở thành một trong những ưu tiên lựa chọn giải trí của khán giả. Việc đổi mới từ đề tài, kịch bản tới diễn viên cũng đã giúp phim truyền hình Việt thu hút người xem nhiều hơn./.

Theo Vietnamplus
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.