'Sống dậy' nét di sản văn hóa Thăng Long

Cuốn sổ tay rạng rỡ sắc tranh “tứ bình”; giỏ bánh, kẹo tươi màu hoạt cảnh "canh nông vi bản"; bộ trang phục thâm trầm màu dân tộc... là những sản phẩm sáng tạo từ tranh dân gian Hàng Trống (Hà Nội) của nhóm S-River, với dự án “Họa sắc Việt”.
Nhóm S-River thảo luận về cách ứng dụng họa, sắc trong sáng tạo đương đại (ảnh chụp tháng 7-2020).
Nhóm S-River thảo luận về cách ứng dụng họa, sắc trong sáng tạo đương đại (ảnh chụp tháng 7-2020).

Sau nhiều năm theo đuổi đam mê làm “sống dậy” những điều xưa cũ, S-River đã đạt thành công nhất định trên hành trình kết nối quá khứ và hiện tại bằng đam mê sáng tạo; lan tỏa tình yêu, trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long trong đời sống đương đại.

Lưu giữ giá trị truyền thống

Là dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần, tín ngưỡng của mảnh đất kinh kỳ xưa, tranh dân gian Hàng Trống từng có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân Thăng Long, trước khi dần mai một. Từ chỗ phổ cập trong đời sống xã hội, ngày càng có ít người biết đến giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ của tranh dân gian Hàng Trống. Không đành lòng để dòng tranh trở thành điều xưa cũ, bà Trịnh Thu Trang, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội kêu gọi những người cùng đam mê, tâm huyết lập nên nhóm S-River, triển khai dự án “Họa sắc Việt” với mong muốn lưu giữ giá trị truyền thống, nét đẹp trong tranh dân gian Hàng Trống bằng những ứng dụng hiệu quả cho đời sống đương đại.

Bà Trịnh Thu Trang chia sẻ: “Ngành thiết kế của ta còn thiếu những sản phẩm mang bản sắc văn hóa truyền thống, trong khi nguồn khai thác từ kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú. Không để lãng phí tài nguyên di sản, tôi và bạn bè chọn tranh dân gian Hàng Trống để mong lấp đầy khoảng trống thiếu bản sắc trong các sản phẩm sáng tạo”.

Từ năm 2017 với nhóm cộng sự là những người chuyên về thiết kế đồ họa, S-River chọn khai thác chất liệu dân gian trên tranh Hàng Trống theo cách hoàn toàn mới, tạo nên những ứng dụng sáng tạo trẻ trung và phù hợp với đời sống hiện đại. Từ các bước số hóa họa tiết, sắc màu…, đến đưa ra các gợi ý ứng dụng sáng tạo phục vụ cộng đồng yêu di sản, S-River cho thấy tiềm năng ứng dụng chất liệu dân gian vào các thiết kế đương đại vô cùng phong phú và hiệu quả.

Bà Huỳnh Nhân (đại diện thương hiệu quà tặng The Bloom) cho biết: “Từ nguồn tư liệu họa sắc tranh dân gian Hàng Trống của S-River, chúng tôi tạo nên những hình ảnh biểu trưng của văn hóa dân gian, từ đó gợi nhắc và lan truyền những vẻ đẹp xưa”.

Lan tỏa tình yêu và trách nhiệm gìn giữ di sản 

Là dự án đầu tiên cung cấp tư liệu về sắc màu, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống, sau nhiều năm, "Họa sắc Việt" đã mang đến cho cộng đồng hàng trăm gợi ý phối hợp sắc màu, cách phát triển họa tiết sáng tạo... Với cách làm vừa triển khai, vừa huy động vốn đầu tư từ các tổ chức xã hội, S-River trở thành thương hiệu hoạt động thường xuyên, duy trì “số hóa” dữ liệu, nghiên cứu bảng mã màu, liên tục đưa ra những ứng dụng dưới dạng thử nghiệm để đo phản hồi từ công chúng, đồng thời hỗ trợ nhiều tổ chức, cá nhân khai thác chất liệu truyền thống, mang đến sức sống mới cho những điều xưa cũ.

Sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: "Qua hệ thống họa sắc dân gian tranh Hàng Trống mà nhóm S-River cung cấp cho cộng đồng, tôi rất ngưỡng mộ cách làm sáng tạo, tâm huyết của nhóm S-River cho mục tiêu gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Hà Nội. Tôi rất mong trong tương lai có thể tham gia nhóm hoặc phát triển một dự án tương tự, cùng góp phần mang đến sức sống mới cho những di sản văn hóa của mảnh đất Thăng Long xưa".

Mới đây nhất, tranh dân gian Hàng Trống tiếp tục được khai phá trong lĩnh vực thiết kế nội thất, cho thấy khả năng ứng dụng cũng như sức ảnh hưởng của dự án "Họa sắc Việt" tới cộng đồng. Theo kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tuấn (Công ty Tư vấn và Thiết kế nội thất KGM), từ nguồn cảm hứng của S-River, công ty đã khai thác họa sắc tranh Hàng Trống cho thiết kế nội thất của Bloom Hanoi Hotel - một khách sạn nằm trong khu vực phố cổ Hà Nội - mang đến hình ảnh ấn tượng, độc đáo từ chất hào hoa, thanh lịch của đất kinh kỳ, góp phần làm đẹp hơn cho kiến trúc Hà Nội ngày nay. Hơn thế, điều này tiếp tục thôi thúc các kiến trúc sư theo đuổi những sáng tạo mới từ họa sắc dân gian, như một cách tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa Thăng Long tới nhiều người hơn nữa.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), những nỗ lực từ dự án “Họa sắc Việt” đã đặt nền móng cho kho dữ liệu dân gian về tranh Hàng Trống, để dòng tranh này sống và bắt nhịp với đời sống đương đại. Dự án cũng góp phần lan tỏa tình yêu, trách nhiệm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, để trong tương lai tiếp tục có thêm nhiều dự án ý nghĩa, hiệu quả vì mục tiêu tạo nên sức sống mới cho những di sản văn hóa tưởng như đã mai một của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Theo Hà Nội Mới
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.