Tây Ninh đầu tư trên 440 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích

Tây Ninh phấn đấu đến cuối năm nay sẽ thực hiện việc tu bổ, tôn tạo những di tích, hạng mục đang xuống cấp nghiêm trọng (gồm 22 di tích); trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ TW Cục miền Nam.
Tháp cổ Bình Thạnh tại huyện Trảng Bàng có niên đại trên 1.000 năm sẽ được trùng tu, tôn tạo để thu hút khách du lịch. (Ảnh: Lê Đức Hoản/TTXVN)
Tháp cổ Bình Thạnh tại huyện Trảng Bàng có niên đại trên 1.000 năm sẽ được trùng tu, tôn tạo để thu hút khách du lịch. (Ảnh: Lê Đức Hoản/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh vừa thông qua Đề án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, với tổng kinh phí trên 440 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa trong và ngoài tỉnh.

Tây Ninh phấn đấu đến cuối năm nay sẽ thực hiện việc tu bổ, tôn tạo những di tích, hạng mục di tích đang xuống cấp nghiêm trọng (gồm 22 di tích); trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Bàu Rong (Ban An ninh Tây Ninh), Căn cứ Thanh niên cách mạng Trảng Bàng tại rừng Rong, địa đạo An Thới, Di tích Rạch Tràm, tháp cổ Bình Thạnh, Gò Cổ lâm, đình Hiệp Ninh, đền thờ và lăng mộ Huỳnh Công Thắng…

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục tu bổ, tôn tạo 25 tích, trong đó có địa điểm thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại ấp Giồng Nần, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành; Khu lưu niệm Dương Minh Châu; Địa đạo Lợi Thuận, căn cứ Rừng Nhum, Thành bảo Long Giang (huyện Bến Cầu); Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 2)…

Hiện trên địa bàn tỉnh có 90 di tích được xếp hạng, gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích quốc gia và 64 di tích cấp tỉnh được phân bổ ở 9 huyện, thành phố trong tỉnh.

Trong số các di tích trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 5 di tích quốc gia, gồm: Tháp cổ Bình Thạnh, tháp Chót Mạt, Di tích khảo cổ Gò Cổ Lâm, Di tích địa điểm chiến thắng Tua Hai, Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bà Đen.

Ban Quản lý các khu di tích cách mạng miền Nam tại Tây Ninh được giao quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 7 di tích: Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (bao gồm cả Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam); Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời, địa điểm Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1969-1975, Căn cứ Đảng ủy Dân chính Đảng Trung ương Cục miền Nam và căn cứ Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam. 

Công an tỉnh Tây Ninh được giao quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích quốc gia Căn cứ Ban An ninh miền và Di tích tỉnh Căn cứ Bàu Rong (Ban An ninh Tây Ninh).  

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố được giao quản lý 76 di tích; trong đó có 15 di tích cấp quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, việc tu bổ, tôn tạo các di tích trên nhằm giữ gìn, bảo vệ di tích, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa và cách mạng cho nhân dân; đồng thời, đưa các di tích vào hệ thống điểm, tuyến, khu du lịch, xem đây là một phương thức tích cực để đưa công chúng đến với di tích.

Do quản lý chưa chặt chẽ, thời gian qua, tình trạng xâm hại di tích xảy ra ở một số địa phương, như người dân tự ý khai thác, trồng trọt hoa màu trong khuôn viên di tích, gây sạt lở (Thành Bảo-Long Giang huyện Bến Cầu); chăn thả gia súc, đậu xe tải trong khuôn viên di tích (Địa điểm chiến thắng Tua Hai); tự ý tu bổ, tôn tạo khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền (di tích khám đường Tây Ninh).

Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các di tích cũng còn chậm (hiện còn 40/90 di tích trong tỉnh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). 

Trong những năm qua, tỉnh đã sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, chương trình mục tiêu quốc gia, các đơn vị, Ban quản lý di tích và kinh phí tài trợ của những nhà hảo tâm, đã đầu tư trọng điểm cho các dự án lớn để thực hiện các quy hoạch bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch như Di tích lịch sử và danh thắng núi Bà Đen, Di tích địa điểm chiến thắng Junction City, Di tích Địa đạo Lợi Thuận, Di tích đình Hiệp Ninh, đình Thái Bình.

Ngoài ra, mỗi năm tỉnh huy động được hàng chục tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích khác. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, chỉ có một số di tích được tu bổ, tôn tạo; một số di tích được đầu tư, tu bổ nhưng lại xuống cấp nhanh do thiếu sự quan tâm của địa phương và Ban Quản lý di tích trong việc chăm sóc, bảo dưỡng di tích.

Tây Ninh đầu tư trên 440 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích ảnh 1

Căn cứ của Cơ quan lãnh đạo cách mạng miền Nam tại Tây Ninh.

Tây Ninh có Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia đặc biệt, nằm cách thị xã Tây Ninh hơn 60km, gần sát biên giới Campuchia, giữa một khu rừng già có địa hình hiểm trở, thuận lợi cho sự trú ẩn và hoạt động cách mạng an toàn.

Từ năm 1962 cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (gọi tắt là R) là cơ quan cao nhất chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam, là nơi hoạt động của các cơ quan đầu não Cách mạng miền Nam như Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Tại đây đã ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam, nơi trực tiếp chỉ đạo và lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Đây còn là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo cách mạng, như Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Phan Văn Đáng, Phạm Thái Bường, Trần Văn Xô, Trần Nam Trung...

Rừng ở đây có giá tỵ (tếch), căm xe, gõ, trắc, đinh hương, bằng lăng, k’nia (cày)... nhưng nhiều nhất là họ Dầu. Thấp thoáng dưới tán cây là những căn nhà đơn sơ lợp lá trung quân. Lá được hái lúc còn xanh, gập đôi đan thành tấm lợp, vừa nhẹ vừa mát. Ðặc biệt lá trung quân gặp lửa là tự ngún chứ không cháy lan.

Men theo những con đường mòn lốm đốm hoa nắng và hoa rừng khoe sắc là nhà làm việc của các cán bộ lãnh đạo R. Những mái nhà đơn sơ luôn rộn rã tiếng ve và ríu rít tiếng chim là những tên tuổi đã đi vào lịch sử cách mạng như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Ðáng, Trần Nam Trung, Phạm Thái Bường... Vật dụng trong nhà giản dị với chõng tre; với những súc gỗ cưa tròn: nhỏ làm ghế, lớn làm bàn; với tủ và kệ bằng ván.

Tất cả đều là sản vật của rừng dâng tặng. Dưới nền nhà là những căn hầm kiên cố được nối kết bởi hệ thống giao thông hào dài hàng chục kilomet. Cạnh nhà vô số hố bom. Có hố sâu 5-7m, rộng 15-20m được sử dụng như những ao cá nhỏ./.

Theo TTXVN
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.