Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

[Ngày Nay] - Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là thành kính, tôn thờ Tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn tới những người đã sinh thành, dưỡng dục cho mình, là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Đó là ý thức của người Việt về Tổ tiên, về cội nguồn mang giá trị nhân văn sâu sắc, được phát khởi từ mối thiện tâm trong mỗi con người, có sức lan tỏa rộng khắp trong mỗi gia đình, trong cộng đồng xã hội và đã trở thành một phong tục, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Nguồn gốc ngày giỗ tổ Hùng Vương

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam, chủ yếu được thực hiện ở các di tích thờ các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương tiêu biểu như Thần Nông, Vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh…

Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”

Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân - con trai của Kinh Dương Vương Lộc Tục lấy Âu Cơ - con gái Vua Đế Lai rồi sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp.

Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng. Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt, được cai trị bởi 18 đời vua. Các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ảnh 1

Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ tưởng niệm (khu di tích lịch sử đền Hùng) mà trung tâm là núi Nghĩa Lĩnh và lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ. Từ trung tâm thờ tự đầu tiên này, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần lan tỏa, có sức sống lâu bền từ đời này qua đời khác, từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra nước ngoài.

Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, người Việt Nam luôn tôn vinh các Vua Hùng là ông Tổ của mình và lấy đó làm điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng của Tổ tiên để chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Truyền thuyết tại Đền Hùng đã ghi lại: Sau khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, Thục Phán đã dựng Cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thề nguyện sẽ trọn đời bảo vệ giang sơn, gấm vóc mà Vua Hùng trao lại và đời đời hương khói trông nom lăng miếu Tổ tiên.

Các tài liệu sử sách sớm nhất ghi chép về Thời đại Hùng Vương là “Đại Việt sử lược” và “Đại Việt sử ký toàn thư” đã khẳng định và lý giải về nguồn gốc, nguồn cội chung của dân tộc Việt Nam - các Vua Hùng. Thời Hậu Lê năm Hồng Đức thứ nhất đã cho soạn “Ngọc phả Hùng Vương” đã chép “Từ đời Nhà Đinh, Nhà Lê, Nhà Lý, Nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (Cổ Tích)”, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh Tổ xưa”.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ảnh 2

Năm 1823 Vua Minh Mạng đã cho rước bài vị thờ Hùng Vương vào thờ ở miếu Lịch đại Đế Vương tại Kinh thành Huế, còn tại Đền Hùng thì cấp sắc để phụng thờ.

Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 22C NV/CC quy định về những ngày lễ lớn hàng năm, trong đó có ghi Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày. Năm 1946 - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, trong ngày Giỗ Tổ, cụ Huỳnh Thúc Kháng - quyền Chủ tịch nước về dự, dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm nhằm kính cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình thịnh trị, cùng nhau đoàn kết đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của đất nước.

Ngày 19/9/1954, sau khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng. Tại đây, Người đã gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Từ năm 2007 đến nay, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 Âm lịch).

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Hàng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức ở các đình, đền thờ Vua Hùng trên khắp cả nước, trong đó nghi lễ lớn nhất diễn ra tại khu di tích lịch sử đền Hùng. Tại Phú Thọ, các làng có đình, đền thờ Vua Hùng mỗi năm đều cử ra một Ban Khánh tiết gồm 6 – 9 người đàn ông để chủ trì và điều hành nghi lễ thờ cúng. Ban Khánh tiết lại chọn ra một Thủ từ có nhiệm vụ trông coi, hướng dẫn thực hành ở nơi thờ tự, quanh năm hương khói cho Vua Hùng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ảnh 3

Bên cạnh đó, việc lựa chọn Chủ tế và đội tế luôn được các làng tuân thủ khắt khe, cẩn trọng. Trước đây Chủ tế phải là đàn ông trên 50 tuổi, mạnh khỏe, tinh nhanh, vợ chồng song toàn, con cái có trai, có gái, trong năm không có đại tang; Có nơi yêu cầu chủ tế phải hợp tuổi thần, khi tế lễ phải mặc áo đầu rồng.  Khi làm Chủ tế, bản thân người được chọn phải luyện tập các động tác lễ bái cho thuần thục để điều hành hoạt động của đội tế.

Lễ vật chuẩn bị cho các buổi lễ (từ lễ mở cửa đến lễ rước, lễ đóng cửa đình/đền) đều được lựa chọn và chuẩn bị cẩn thận, chủ yếu gồm xôi/oản, hoa quả, rượu, vàng hương, gạo, muối, gà luộc (gà trống thiến), thịt lợn sống (lợn đen), bánh chưng và bánh dày…

Các hoạt động của lễ hội được tiến hành theo lộ trình rước kiệu từ miếu về đình/đền, sau đó đi quanh làng rồi trở về nơi xuất phát. Thứ tự các đội rước cũng được quy định rõ ràng, đầu tiên là đội múa rồng/lân, tiếp theo là đội cờ thần, đội kiệu lễ, phường bát âm, hai hàng bát bửu và bát khí, đội kiệu long đình (rước lô nhang), đội kiệu ngai và bài vị, đội tế, và cuối cùng là dân chúng. Nghi thức cúng tế gồm có lễ dâng hương, dâng lễ vật, đọc chúc văn, cầu cúng, trình diễn các diễn xướng truyền thống như đánh trống đồng, Hát Xoan, rước nước, lễ cầu đảo...

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian và diễn xướng như: Cờ tướng, cờ người, chọi gà, đấu vật, đánh đu, ném còn, kéo co, Bách nghệ khôi hài, tùng rí, cướp cờ chạy địch, săn lợn, đu tiên, thi bơi chải, nấu cơm, gói bánh chưng, giã bánh giầy… các diễn xướng như; Múa tiên, múa xinh tiền, múa lân, hát chèo, hát văn, hát xoan, hát xẩm, hát ghẹo, hát dân ca, hát nhà tơ, hát đối, hát bội, sình ca, vèo ca…

Tối 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo mà chính là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn- tri ân công đức các Vua Hùng là những người có công dựng nước Văn Lang. Hiện nay có rất nhiều di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trải rộng khắp các địa phương trên địa bàn cả nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phủ rộng với mật độ dày đặc ở khắp mọi nơi, song Đền Hùng là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.