Ba kết quả nổi bật trong chuyến thăm, làm việc tại Canada của Thủ tướng

Nhận lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada. Đánh giá kết quả, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, có thể nói ngắn gọn là “Ba trong một” – 3 kết quả nổi bật trong 1 chuyến công tác.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc
    

PV: Chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ hai và thăm Canada của Thủ tướng Chính phủ được dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm, báo chí đưa tin nhiều. Xin Thứ trưởng cho biết thành công cụ thể đạt được trong chuyến đi?

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Nhận lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada. Đánh giá kết quả, có thể nói ngắn gọn là “Ba trong một” – 3 kết quả nổi bật trong 1 chuyến công tác.

Trước hết, Hội nghị G7 mở rộng lần này là một trong những hội nghị quan trọng của G7 trong năm 2018 với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G7 và 12 nước khách mời và các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc, WB, IMF, OECD. Châu Á chỉ có Việt Nam và Bangladesh được mời, điều đó thể hiện các nước G7 và chủ nhà Canada coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam. Những kinh nghiệm chia sẻ của Việt Nam tại hội nghị, nhất là các sáng kiến mà Thủ tướng đề xuất về thúc đẩy hợp tác quốc tế chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương, bảo đảm hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trên các vùng biển được lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế dự Hội nghị hoan nghênh và đánh giá tích cực. Điều này đã tạo dấu ấn của Việt Nam và cá nhân Thủ tướng tại Diễn đàn quan trọng này.

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã có 14 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế để tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, tranh thủ các nước, tổ chức quốc tế ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, hưởng ứng và tham dự Hội nghị WEF - ASEAN tại Việt Nam vào tháng 9/2018…

Thứ ba, cùng với chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Justin Trudeau tháng 11/2017, chuyến thăm làm việc tại Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo xung lực thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm thực chất với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hội kiến Toàn quyền Canada Julie Payette, cựu Thủ tướng Canada Jean Chretien, Thủ hiến và Thống đốc Bang Quebec, dự cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu của Canada; gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Canada, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán ta tại Canada, thăm trường Đại học Laval... Lãnh đạo hai nước khẳng định chính sách coi trọng nhau trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình, mong muốn phát triển mạnh mẽ quan hệ Đối tác toàn diện.

Trong hội đàm, hai Thủ tướng cũng nhất trí về các biện pháp thúc đẩy hợp tác chính trị ngoại giao, thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, hợp tác phát triển, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân cũng như tăng cường hợp tác chặt chẽ trên các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và phát triển hạ tầng giao thông.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết đâu là nhân tố làm nên thành công của chuyến thăm?

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Có 3 nhân tố chính: Thứ nhất, với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ; đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của nhân loại, Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế và uy tín của mình trên trường quốc tế. Các nước G7 và nước chủ nhà Canada xem Việt Nam như một điển hình cho sự hợp tác giữa các nước phát triển, các tổ chức quốc tế với nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển và đại dương.

Thứ hai, chuyến thăm làm việc tại Canada thành công xuất phát từ nhu cầu và quyết tâm chính trị của cả hai bên trong việc thúc đẩy triển khai quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, các nước G7, G7 mở rộng và các tổ chức quốc tế đều coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt cùng có lợi với Việt Nam, thông qua đó phát huy ảnh hưởng ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

PV: Đây là lần thứ hai Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc này?

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Thời gian qua, chúng ta kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào những vấn đề quan tâm chung của quốc tế tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM… Cùng với việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2016, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017 và tổ chức thành công Năm APEC 2017, việc một lần nữa Việt Nam được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2018 cho thấy quốc tế thực sự coi trọng vai trò của Việt Nam với vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới, đánh giá cao về chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cũng như các nỗ lực và đóng góp mang tính xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề chung của quốc tế như phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường biển, bình đẳng giới…

Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Canada mời Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2018 còn là một minh chứng thể hiện quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam- Canada được thiết lập từ tháng 11/2017 đang phát triển rất tích cực. Mặt khác, điều này cũng cho thấy Canada thực sự coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực, kỳ vọng Việt Nam trên tinh thần quan hệ Đối tác toàn diện tiếp tục phối hợp, ủng hộ Canada tại các diễn dàn đa phương, đồng thời có tiếng nói và đóng góp tích cực vào giải quyết những vấn đề chung của quốc tế và khu vực.

PV: Chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay là về biển và đại dương. Xin Thứ trưởng cho biết chủ đề này của Hội nghị có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Biển và đại dương là vấn đề rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các quốc gia ven biển và của cả hành tinh chúng ta. Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài và chịu nhiều tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam và thế giới, nơi có hàng chục triệu người dân sinh sống đang chịu nhiều tác động của nước biển dâng, xâm nhập mặn lan rộng. Do đó, chủ đề về biển và đại dương của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay không chỉ đáp ứng sự quan tâm chung của quốc tế, mà còn rất thiết thực đối với Việt Nam.

Việc Thủ tướng ta đã tích cực tham gia thảo luận vấn đề biển và đại dương tại hội nghị đã khẳng định cam kết mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường sinh thái biển. Chúng ta đã tranh thủ chủ đề này để vận động, thúc đẩy các nước và các tổ chức quốc tế tăng cường ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển bền vững các ngành kinh tế biển.

PV: Thông điệp và sáng kiến Việt Nam đưa ra về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển được hội nghị đánh giá cao. Xin Thứ trưởng cho biết vai trò và đóng góp của Đoàn Việt Nam, nhất là của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị lần này.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia, trong đó các nước phát triển như các nước G7 với ưu thế về kinh nghiệm, trình độ phát triển và công nghệ cần tăng cường hợp tác thực chất và hỗ trợ hiệu quả các nước đang phát triển trong việc thực hiện trách nhiệm chung này. Với tinh thần đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 2 sáng kiến rất có ý nghĩa và thiết thực, được lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế dự hội nghị hoan nghênh và đánh giá tích cực.

Thứ nhất, Thủ tướng đề nghị các nước G7 xem xét thành lập một Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển để tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và huy động các nguồn lực cho thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ hai, Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế thảo luận để tiến tới thiết lập một Cơ chế hợp tác toàn cầu về ngăn ngừa xả rác thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các nước và các tổ chức quốc tế dự Hội nghị ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về Dự án vùng vì một đại dương không rác thải nhựa sẽ được nêu tại Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tổ chức tại Việt Nam cuối tháng 6/2018.

Có thể nói những sáng kiến này thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào tăng cường hợp tác thực chất và hiệu quả trong ứng phó biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển, thể hiện dấu ấn của Thủ tướng và góp phần quan trọng vào thành công của đoàn Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này.

PV: Nhân dịp Việt Nam và Canada kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến đi có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước? Xin Thứ trưởng cho biết những lĩnh vực mà hai bên sẽ tập trung đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới nhằm triển khai Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Canada ký tháng 11/2017, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước?

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Chuyến thăm Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh năm 2018 hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Việc lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau trong hai năm liên tiếp cũng cho thấy mong muốn và quyết tâm của hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau (tháng 11/2017), hai nước đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện. Với chuyến thăm Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã tạo động lực cho việc thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng hiệu quả, thực chất những năm tới.

Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy triển khai 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên bao gồm: Chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng - an ninh, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới./.

Theo Chính phủ
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.