Cần 'nhặt sạn' trước khi đổi mới, cải cách giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo nỗ lực đổi mới, cải cách giáo dục nhưng dường như những vấn đề gốc rễ trong giáo dục vẫn chưa được quan tâm và giải quyết triệt để.
Cần 'nhặt sạn' trước khi đổi mới, cải cách giáo dục

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Điểm đáng chú ý trong đề án là việc quy định giáo dục cơ bản là giáo dục từ cấp tiểu học đến THCS chỉ có một luồng là giáo dục cơ bản với thời gian học tập là 9 năm. Hệ thống giáo dục THPT sẽ có điểm mới là được phân theo 3 luồng: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu với thời gian học là 3 năm.

Bên cạnh đó, đề án hướng tới việc tạo điều kiện cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo, người dân có cơ hội tích lũy kiến thức và học tập suốt đời. Hệ thống giáo dục mới sẽ đảm bảo tính tương thích với những hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh với các trình độ, các loại văn bằng.

Giáo dục bậc cao gồm: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, đại học từ 3-4 năm phân thành 3 luồng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng thực hành. Thạc sĩ từ 1-2 năm, phân thành 2 luồng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng.

Trên đây là những nét chính trong đề án hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân. Rõ ràng, trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đang rất quan tâm tới việc đổi mới và tổ chức, cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta. Nhưng dường như những nỗ lực thay đổi này mới chỉ dừng lại ở mức hình thức mà chưa chú trọng tới vấn đề cốt lõi của việc giáo dục, đó là nội dung, chất lượng và xác định mục tiêu đào tạo.

Cần 'nhặt sạn' trước khi đổi mới, cải cách giáo dục ảnh 1

Học sinh được dạy theo kiểu truyền thụ một chiều, nặng về lý thuyết dẫn tới nhàm chán.

Ở tất cả các cấp học, bậc học, hầu như chỉ có một cách dạy, cách học “truyền thống” và duy nhất, đó là kiểu truyền thụ một chiều, nặng về lý thuyết, không coi trọng thực hành và chưa phát huy được tinh thần tự học và sáng tạo của người học. Chương trình dạy học có quá nhiều nội dung, kiến thức của sách giáo khoa bị trùng lặp, nặng nề, hàn lâm, ít có tính ứng dụng, xa rời thực tế cuộc sống. Học sinh được chú trọng đào tạo chủ yếu là kỹ năng làm các bài kiểm tra, giải các đề thi để có thể “vượt cấp” thành công, hơn là được đào tạo để trở thành một công dân có khả năng lao động tự chủ nuôi sống bản thân, rồi đóng góp trí tuệ và sức lực cho đất nước.

Các hoạt động hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống… đa phần là mang tính hình thức, có cũng như không.

Những yếu tố trên dẫn tới hệ quả là chất lượng đầu vào của các trường đại học không được như kỳ vọng. Dù tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn rất cao nhưng đầu vào của các trường Đại học và Cao đẳng lại chưa tương xứng với yêu cầu. Nếu đại học không lấy vào được những sinh viên có trình độ và chất lượng đúng yêu cầu thì cũng giống như việc trong một quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu kém chất lượng, dù có kỳ công bao nhiêu thì sản phẩm cuối cùng làm ra vẫn tồi.

Trong khi những ngành khoa học cơ bản là xương sống của nền khoa học nước nhà thì số thí sinh thi vào các ngành này ngày càng ít, với chất lượng ngày càng đi xuống. Đặc biệt là các ngành khoa học xã hội, thật đáng lo ngại khi hàng ngàn bài thi môn lịch sử bị điểm 0 và tình trạng “dân ta không còn thích sử ta”, học sinh chỉ muốn “né” môn Sử.

Cần 'nhặt sạn' trước khi đổi mới, cải cách giáo dục ảnh 2

Những kiến thức học sinh nhận được chủ yếu phục vụ cho các bài kiểm tra và những kỳ thi lên lớp, lên cấp.

Ở bậc đại học, năm học 2014-2015, cả nước có tới 217 trường cao đẳng và 219 trường đại học, thu hút 2,36 triệu sinh viên. Trong số những ngôi trường này, có bao nhiêu phòng thí nghiệm, bao nhiêu cơ sở thực hành, nghiên cứu dành cho sinh viên? Nếu cứ tiếp tục duy trì kiểu học chay với những môn học mà kiến thức “thua xa” kiến thức nhân loại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm thì Việt Nam sẽ ngày càng kém cỏi và tụt hậu.

Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2015, cử nhân và thạc sĩ chiếm tỷ lệ thất nghiệp 20%, tương đương 225.500 người. Cuối năm 2015, báo chí có đưa tin về một trường hợp “thủ khoa kép” của ngành Kỹ thuật viễn thông, trường Đại học Giao thông vận tải, đã được vinh danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhưng vẫn “vật vã” trong nhiều tháng liền vẫn chưa tìm được việc nên đã tính tới việc đi làm lao động phổ thông.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều những sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp đã thất nghiệp vì không đủ tiền “chạy” vào chỗ các công sở hay không đủ khả năng để nhận việc tại các công ty, xí nghiệp tư nhân. Vì đâu nên nỗi? Nguyên nhân chính chính là việc giáo dục, đào tạo không sát với thực tế, nhà trường chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy những điều xã hội cần. Thêm vào đó là tâm lý chạy theo phong trào “hiếu học” tới mức lạc hậu, chỉ học vì hư danh. Người người, nhà nhà muốn tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ bằng mọi cách, vì mục đích cuối cùng là để “oai”. Ngoài ra, tâm lý đi học đại học để có tấm bằng sau này “xin” việc cho dễ khiến nhiều sinh viên quá thoải mái trong chuyện học hành, không chịu rèn luyện kỹ năng và trau dồi tri thức.

Vì thế, “đầu ra” của các trường đại học thường không đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Mỗi ngày có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn bản tin tuyển dụng từ các cơ quan nhà nước tới các công ty, xí nghiệp tư nhân xuất hiện đầy rẫy trên các mặt báo, trang web tuyển dụng nhưng vẫn khó tuyển được nhân sự phù hợp do kỹ năng làm việc, kỹ năng ứng xử của sinh viên sau khi ra trường là quá kém.

Trong khi đó, những du học sinh, nghiên cứu sinh sau khi học xong ở nước ngoài hầu như không muốn trở về nước để làm việc, thay vào đó họ tính tới việc định cư và làm việc tại nước sở tại. Có những người trở về nước làm việc thì cũng không được quan tâm đúng mức, dẫn tới lãng phí người tài.

Cần 'nhặt sạn' trước khi đổi mới, cải cách giáo dục ảnh 3

Tiến sĩ Doãn Minh Đăng.

Như trường hợp của tiến sĩ Doãn Minh Đăng, cựu quán quân chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” 10 năm trước. Sau khi du học Hà Lan trở về, ông Đăng được đánh giá cao, giữ chức Phó Trưởng khoa kiêm trưởng bộ môn tại một trường đại học ở Cần Thơ. Ông Đăng đã làm đơn rút khỏi “cán bộ nguồn” để tập trung lo chuyên môn cho tốt. Dù nhà trường thuyết phục nhưng ông nhất quyết không rút đơn. Do vậy, ông bị điều chuyển về làm nhân viên phòng Đào tạo, tiếp việc ở thư viện, chỉ “ngồi chơi xơi nước”.

Qua câu chuyện của ông Đăng trên cho thấy, chúng ta chưa biết cách quan tâm tới người tài. Vì thế, đầu tư của nhà nước cho công tác đào tạo ngoài nước đơn giản là bị lãng phí. Việc này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nạn "chảy máu chất xám" tai hại cho đất nước.

Như vậy, sinh viên trong nước thì không được đào tạo bài bản, chất lượng. Du học sinh, nghiên cứu sinh học tập và làm việc tại nước ngoài thì lại không muốn trở về nước. Nhân lực làm việc luôn thiếu, các công ty, doanh nghiệp liên tục tuyển dụng. Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục đổi mới, cải cách. Tất cả những thứ này sẽ mãi hợp thành một vòng luẩn quẩn nếu không giải quyết những vấn đề trọng tâm nhất: đó chính là chất lượng, nội dung giáo dục và xác định mục tiêu giáo dục gắn với từng con người, hướng đến từng con người, đó chính là cá nhân chịu tiếp nhận giáo dục.

Danh Tuyên

Bạn có đồng tình hay có ý kiến khác với quan điểm của tác giả được nêu ra trong bài viết? Bạn thấy nền giáo dục Việt Nam còn vấn đề gì đang tồn tại?

Mời độc giả gửi ý kiến của mình về địa chỉ email toasoan@ngaynay.vn hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc phía dưới bài viết.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.