Cất bằng đại học, về quê làm giàu

[Ngày Nay] - Đó là những chàng kỹ sư trẻ có bằng đại học, nhưng ra trường, họ rời phố về quê, trồng hoa kiếm sống. Tấm bằng đại học không phải là chiếc vé vạn năng để các chàng trai trẻ chạm đến thành công, bởi quan trọng hơn, thành công của họ đến từ nỗ lực và sự kiên trì không mệt mỏi.
Cất bằng đại học, về quê làm giàu

Bắt đất “nhả” ra tiền

Tốt nghiệp ĐH Giao thông vận tải, chàng trai Nguyễn Thành Công, sinh năm 1991 (xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội) quyết định trở về quê làm nông dân.

Công kể lại, ở quê nhà, gia đình Công có cơ ngơi vườn tược rộng vài ngàn mét vuông, chuyên trồng nhãn chín muộn và hoa phong lan rừng nhưng Công chưa từng nghĩ đến việc tiếp quản cơ nghiệp gia đình. Rời ghế phổ thông, Công háo hức thi đại học, vượt qua mấy năm dùi mài kinh sử, rồi tốt nghiệp như bao bạn bè cùng trang lứa. “Hồi mới tốt nghiệp đại học, em nuôi ý định ở lại Hà Nội, tìm việc làm trong cơ quan Nhà nước” – Công nói.

Nhưng về quê, khi nhìn bố cặm cụi trong vườn, Công nghĩ, bố tuy có kinh nghiệm nhưng lại thiếu sức trẻ và sự nhanh nhạy, khả năng tiếp cận công nghệ mới như Công nên làm vườn vẫn còn nhiều khó khăn. Bố Công không học về nông nghiệp, tất cả kiến thức về nhân giống cây, ươm cây, chăm sóc hoa phong lan rừng đều do ông tự mầy mò học hỏi qua sách vở và kinh nghiệm của những người đi trước. Nếu có hai bố con đồng hành cùng nhau trong vườn, chắc chắn công việc nhà nông sẽ tốt lên rất nhiều. Được bố ủng hộ hết mình, Công quyết định trở về quê lập nghiệp.

Hành trình khởi nghiệp của Công khá thuận lợi khi có bố truyền lại cho nhiều kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt mà ông tích lũy suốt hàng chục năm qua. Rồi Công tự học hỏi thêm. Công lên mạng nghiên cứu thêm về hoa phong lan, đặc tính của từng loại cây, tham khảo các mô hình trồng hoa phong lan rừng… Cứ thế, Công thành nông dân thực thụ, kiến thức sách vở lẫn kinh nghiệm thực tế của Công thậm chí còn vượt bố mình nhưng bố Công hóm hỉnh: “con hơn cha là nhà có phúc”.

Cất bằng đại học, về quê làm giàu ảnh 1

Giờ trong vườn nhà Công trồng hàng chục loại phong lan rừng, trong đó có một vài loại lan được khách hàng ưa chuộng, chơi phổ biến như lan da báo, đai trâu, phi điệp… Công thuộc lòng từng loài hoa, một cây hoa phong lan đẹp dựa vào dáng hoa, vào tay hoa; giá của từng loại hoa cũng khác nhau... Theo hướng tay chỉ của Công, chúng tôi mắt tròn mắt dẹt ngắm đủ loại lan khác nhau: Cây phi điệp có tay hoa dài 1 gang có giá 1 triệu đồng, loại có 30 tay hoa có giá từ 30-40 triệu đồng, cây hoa đuôi cáo hoa trắng quý và hiếm lắm, mỗi centimet tai hoa có giá 1 triệu đồng…

Để có những cây hoa giá trị như thế, công cuộc chăm sóc không hề đơn giản. Người chăm hoa phải biết yêu hoa, hiểu kỹ đặc tính của cây, tỉ mỉ, cẩn thận, chuyên cần, thuộc cách chăm sóc cho từng loại hoa. Về nhà tưởng rảnh, nhưng so với nhiều bạn làm công chức, Công bận tối mắt tối mũi. Ngày nào Công cũng ở trong vườn, lúi húi bên từng giỏ hoa. 

"Mỗi khi về quê, thấy đồng đất quê mình rộng mà còn bỏ trống nhiều. Bà con nông dân chưa biết khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế, phí lắm. Làm giàu trên quê hương, tôi thấy lựa chọn của mình không hối hận. Hi vọng nhiều bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa đại học, sau đại học sẽ lựa chọn cho mình những con đường vào đời phù hợp nhất với mình” 
                                            Nguyễn Thành Công

Công kể, hoa lan chia làm các dòng chính như dòng thân thòng (phi điệp, hạt vĩ…) dòng dáng hương (quế lan hương,tam bảo sắc) … mỗi loại có cách chăm khác nhau. Muốn cây lan ra hoa thì 5 ngày mới được tưới nước một lần. Mùa ra hoa của phi điệp vào tháng 3-4, quế lan hương ra hoa vào tháng 8… Các cây hoa phong lan cần được che nắng bằng lưới để giảm độ nắng trực tiếp từ 30-50% chiếu vào cây, nắng chiếu cũng ổn định và đều hơn nên cây không bị cháy lá. Nước tưới hoa cũng không được dùng nước máy trực tiếp, mà là nước ở ao, hồ, nước mưa, gạt nước trong ngâm thực động vật trong vòng 1 năm… vì trong những nước này có nhiều chất dinh dưỡng để hoa phong lan “ăn”. Công cũng phải tinh ý để bắt bệnh cho cây, trong đó bệnh phổ biến là bệnh thối rễ, thối nõn nếu bị ngấm nước nhiều quá. Có nhiều cây hoa lan rừng đưa về, Công và bố phải bỏ công thuần hoa trong từ 3-5 năm. Cây hoa được thuần phải bám chắc vào gỗ, khách hàng sau đó đưa về treo trong nhà thì cây vẫn sống khỏe.

Cất bằng đại học, về quê làm giàu ảnh 2

Không chỉ trồng hoa, Công còn tận dụng lợi thế của mạng internet để quay clip, quảng bá sản phẩm, bán hàng trên facebook. Dù vườn lan của nhà Công nằm ở huyện ngoại thành Hà Nội, cũng không ở mặt phố lớn nhưng khách hàng trong Nam, ngoài Bắc vẫn biết để đặt mua. Có những ngày, doanh thu từ bán hoa lan rừng có thể lên tới vài chục triệu. Một năm, vườn lan của gia đình Công thu về hàng tỷ đồng. Công còn tạo việc làm cho nhiều nhân công là thanh niên trong vùng, mỗi tháng trả lương không dưới 10 triệu đồng/người và nuôi ăn, ngủ.

Chàng kỹ sư có tâm hồn lãng mạn

Khác với con đường khá bằng phẳng của Công, Ngô Đức Tiệp (phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, Hà Nam) khởi nghiệp muộn hơn Nguyễn Thành Công. Phải sau khi tốt nghiệp đại học 3 năm, dong duổi theo nhiều công trình xây dựng, Tiệp mới quyết định bỏ nghề xây dựng về quê với ba mẹ. Tất cả bắt nguồn từ cơ duyên mỗi khi theo công trình đi tứ xứ, Tiệp thường lặng người ngắm những mô hình sản xuất nông nghiệp bạt ngàn, những vườn hoa rực rỡ khoe sắc… của bà con nông dân. Những khoảng khắc đứng ngắm vùng hoa nhiều màu sắc trải rộng ngút tầm mắt, Tiệp khao khát muốn mình gây dựng được những vườn hoa tươi đẹp và xanh thẳm như thế.

Năm 2013, Tiệp quyết định từ bỏ công việc của một kỹ sư xây dựng vốn là niềm mơ ước của nhiều người để về quê trồng hoa. Quyết định về làm nông dân của Tiệp bị người thân và nhiều bạn bè phản đối kịch liệt. Có người còn bảo anh “dở hơi”, tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, lại đang có nghề nghiệp đàng hoàng, đi công trình đều đặn, lương tháng cả chục triệu đồng lại bỏ về quê. Thế nhưng, Tiệp chỉ cười: “Hơn 7 năm học tập và công tác ở Hà Nội không uổng phí. Theo công trình đi đến nhiều miền đất mới, mình mới nhận thấy niềm đam mê thực sự của bản thân để theo đuổi. Không phải người trẻ nào cũng trồng được hoa. Người trồng hoa phải có cả kinh nghiệm sống, có tâm hồn thưởng hoa, yêu hoa. Biết thả hồn vào hoa thì trồng hoa mới đẹp được...”.

Cất bằng đại học, về quê làm giàu ảnh 3

Nghĩ là làm, Tiệp bắt tay vào mấy sào hoa thử nghiệm. Ngày đầu bỡ ngỡ, Tiệp chỉ trồng thử nghiệm hơn một sào hoa cúc, hoa hồng. Hai vụ hoa đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm thực tiễn, cũng chẳng có thầy hướng dẫn chỉ bảo tận tình, thu nhập từ việc bán hoa chỉ đủ để Tiệp trả tiền giống và phân bón. Chẳng than thở, Tiệp bắt tay vào vụ thứ ba với quyết tâm phải có lãi bằng được.

Để khắc phục những lỗi cơ bản, chàng thanh niên trẻ lên mạng tìm đọc về kỹ thuật trồng hoa, tìm hiểu kinh nghiệm từ các chủ vườn hoa lớn ở Hưng Yên, Hà Nội, từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng dần diện tích trồng hoa mỗi vụ. Thậm chí đã có lúc, Tiệp quên ngủ, ngồi thâu đêm suốt sáng đọc về một kỹ thuật mới cho năng suất cao đến nỗi thuộc lòng.

Sau bao cố gắng, Tiệp nâng diện tích trồng hoa trên 2.000m2 với đủ các loại hoa như: hồng, cúc, đồng tiền, ly, lan... Không phải đi chợ bán hoa như nhiều hộ dân khác, hoa của Tiệp được thương lái các nơi đến trực tiếp mua tại vườn. Nhiều khách hàng đã quen chỉ cần gọi điện thoại để Tiệp gửi hoa theo xe ô tô cho khách đi các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình...

Ngoài các loại hoa truyền thống, Tiệp mạnh dạn đầu tư trồng thêm hàng trăm chậu hoa lan, hoa hồng leo, hoa hồng ngoại… Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, thu nhập từ vườn hoa của Tiệp cũng đạt trên dưới 200 triệu đồng. Nếu thời tiết thuận lợi, lợi nhuận có thể lên tới 300 triệu đồng/năm.

Trong khi nhiều thanh niên nông thôn chọn con đường ly hương để lên Hà Nội hay vào miền Nam làm thuê, tìm đủ mọi cách để vào đội ngũ viên chức, công chức nhà nước thì với Tiệp và Công, cùng bao bạn trẻ khác, họ lựa chọn hướng đi riêng, phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của mình.

Nguyễn Thành Công chia sẻ, người trẻ chỉ cần biết tận dụng những lợi thế của địa phương, sử dụng ruộng vườn sẵn có thì không khó để làm giàu. “Mỗi khi về quê, thấy đồng đất quê mình rộng mà còn bỏ trống nhiều. Bà con nông dân chưa biết khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế, phí lắm. Làm giàu trên quê hương, tôi thấy lựa chọn của mình không hối hận. Hi vọng nhiều bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa đại học, sau đại học sẽ lựa chọn cho mình những con đường vào đời phù hợp nhất với mình” – Công nói. 

Hơn 7 năm học tập và công tác ở Hà Nội không uổng phí. Theo công trình đi đến nhiều miền đất mới, mình mới nhận thấy niềm đam mê thực sự của bản thân để theo đuổi. Không phải người trẻ nào cũng trồng được hoa. Người trồng hoa phải có cả kinh nghiệm sống, có tâm hồn thưởng hoa, yêu hoa. Biết thả hồn vào hoa thì trồng hoa mới đẹp được...”.Ngô Đức Tiệp

Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.