Chôn cất những sinh linh chưa thành người

(Ngày Nay) - Chứng kiến những sinh linh bé bỏng bị bỏ rơi, 10 năm qua, một người phụ nữ âm thầm chôn cất những hài nhi xấu số cẩn thận.
Chị Hương trong một lần chăm sóc cho những hài nhi
Chị Hương trong một lần chăm sóc cho những hài nhi

Những ai sống ở phường An Cựu (TP Huế) đều biết đến một người phụ nữ gắn bó với nhiều ngôi mộ của hài nhi. Người phụ nữ thiện nguyện đó là chị Nguyễn Thị Hương (43 tuổi), trú tại 139 đường Ngự Bình (phường An Cựu).

Đi qua tượng đài Quang Trung, dưới chân núi Ngự Bình, không ít người sẽ bắt gặp rất nhiều ngôi mộ nhỏ tạm bợ được dựng nên, không tên, không tuổi. Đó là những phần mộ của những hài nhi bị bỏ rơi.

Chị Hương vẫn còn nhớ như in. Một buổi sáng lất phất mưa vào năm 2006, trong lúc đi ra nghĩa trang cạnh nhà; chị vô tình thấy một chiếc hộp nhỏ được bọc trong bì ni lông. Thấy có gì đó kì lạ, chị nhặt lên, mở ra và giật mình khi phát hiện một thai nhi còn nhỏ dần hình thành với nhiều máu me. Không một chút đắn đo, chị chạy vào nhà lấy cuốc, mang sinh linh xấu số đi chôn cất tại nghĩa trang. Cũng kể từ đó, công việc thiện nguyện của chị bắt đầu.

Chị Hương cho biết, cuộc sống mưu sinh ngày trước khó khăn nên gia đình chị chuyển về gần khu vực có nhiều mồ mả ở đường Ngự Bình để sinh sống. Theo chị, ở nơi đây khá vắng vẻ, có nhiều sinh viên ở trọ và sống thử với nhau, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những bào thai bất hạnh bị vứt bỏ bên đường.

Hằng ngày, chồng đi làm thợ hồ, chị thì bán quán nhậu để mưu sinh. Thế nhưng chị vẫn dành nhiều thời gian để tìm kiếm những sinh linh tội nghiệp. Mỗi khi tìm thấy một sinh linh bị vứt bỏ, chị liền đem về nhà. Nếu chưa có vật gì để đựng, chị bỏ một ít tiền túi, mua một chiếc om nhỏ hay một tiểu vuông rồi lấy giấy bọc hài nhi cẩn thận. Sau đó chị đem ra những mô đất bỏ hoang ở nghĩa trang chôn cất trong sự xót thương, đồng cảm. Khi nào có nhiều tiền hoặc khi đi làm về còn dư dả hồ vữa, chị bảo chồng mua thêm cát, đá xây bo nhỏ quanh mộ cho các cháu. Cũng không ít lần chị thuê thợ xây. Chị cho biết nhiều thợ xây thấy tội nghiệp cho những thai nhi nên họ cũng không lấy tiền công.

Chôn cất những sinh linh chưa thành người ảnh 1Đối với chị Hương, việc chôn cất những hài nhi bé bỏng mang lại hạnh phúc lớn lao...

“Mỗi lần tôi thấy ai bịt khẩu trang, chở hai, trên tay cầm vật gì như bì ni lông ném đi là tôi sinh nghi và chạy đến xem phải là hài nhi hay không. Thấy thế thật là tội nghiệp và xót thương. Tôi không thể không làm gì. Nó cũng sẽ là một con người như chúng ta mà. Hi vọng họ đừng làm như thế nữa…”, chị chia sẻ. Hành động của chị ban đầu bị nhiều người không tin tưởng, họ cho rằng chị tạo nên những ngôi mộ gió để kiếm đất, sau này thu lợi từ việc đền bù. Vượt qua những tai tiếng, chị cùng chồng mình vẫn tiếp tục công việc mà nhiều người bảo vô ích. Để rồi hai vợ chồng nhân được sự đồng cảm của bà con lối xóm chung quanh.

Ông Lê Văn Bi, tổ trưởng tổ dân phố 16, khu vực 5- phường An Cựu cho biết: “Việc làm của chị Hương xuất phát từ cá nhân và rồi tiếng lành đồn xa ai ai cũng biết, thật là đáng quý. Chúng tôi đang có ý định đề đạt lên cấp trên để hỗ trợ phần nào ít kinh phí cho chị để chị tiếp tục công việc thiện nguyện của mình”.

Suốt 10 năm qua, chị cùng với chồng mình đã chôn cất cho hàng trăm hài nhi xấu số. Mỗi khi rảnh rỗi, chị cùng các con lại ra thăm những ngôi mộ và tranh thủ dọn dẹp sạch sẽ. Rồi cứ vào những dịp giáp Tết, chị lại ra lo hương khói và làm sạch cỏ xung quanh mộ để những sinh linh bất hạnh bớt lạnh lẽo, hiu quạnh, đón một cái Tết vui hơn ở “chốn ấy”. Đối với chị, công việc đã đem lại cho chị niềm hạnh phúc lớn lao.

“Nếu nghĩa trang sau này được giải tỏa, không biết có ai thừa nhận những số phận tội nghiệp này để đem đi hay không; hay hi vọng sẽ có một khu đất riêng nào đó để tôi có thể đem các cháu về một chỗ để tập trung…”, chị tâm sự thêm.

Ngày 19/1/2009, bà Nguyễn Thị Hường (59 tuổi, ngụ tại Giáo xứ Thanh Xuân, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc) phát hiện một túi xách ai đó để ở đống rác bên đường. Bên trong túi xách là một trẻ sơ sinh đã chết. Sau phút bàng hoàng, bà Hường báo tin cho một số người khác đem cháu bé về chôn cất trên phần đất của một cơ sở tôn giáo. Cũng từ đó, mỗi khi hay tin phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tử vong ở đâu là bà Hường lại tới đem về chôn cất.

Từ đó, những hài nhi được đưa về đây chôn cất ngày một nhiều, đồng hành với bà Hường, ông Hoan nay có thêm ông Trần Văn Hy. Bất kể ngày hay đêm, mỗi khi nhận được điện thoại của bệnh viện hoặc người dân báo phát hiện trẻ sơ sinh dù đã chết hay còn sống, những người trong nhóm đều tức tốc lên đường.

Chỉ từ năm 2009 đến nay, những người trong nhóm của bà Hường đã đưa về nghĩa trang đặc biệt này chôn cất khoảng 7.000 hài nhi và trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi đến chết. “Điều khiến mọi người trong nhóm buồn nhất là tỉ lệ nạo phá thai năm sau thường cao hơn năm trước. Những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, tử vong cũng nhiều hơn. Chúng tôi rất lo lắng!...” - bà Hường buồn bã nói.

Theo CAND

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.