Cô giáo quân đội dạy viết chữ đẹp như học Toán

(Ngày Nay) - Không tốt nghiệp sư phạm, cũng không có ý định theo đuổi nghề giáo, nhưng rất tình cờ, Bùi Hải Thanh (ngõ 188, phố Quán Thánh, Hà Nội) trở thành cô giáo luyện viết chữ đẹp nhờ tài viết chữ mềm mại như thư pháp của mình. Ai cần học hỏi Thanh đều sẵn sàng dạy. Với cô giáo “quân đội” Bùi Hải Thanh, muốn luyện chữ đẹp phải biết viết chữ theo tỉ lệ “đo ni” tỉ mỉ giống hệt học Toán. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Con nhà lính, tính nhà… thư pháp

Là cán bộ công tác tại điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, nghề dạy luyện viết chữ đẹp là nghề “tay trái’ của Bùi Hải Thanh nên muốn “truyền nghề” cho mọi người, Thanh phải dạy buổi tối. Đều đặn hằng tối, trong căn nhà nhỏ ngõ 188 đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, cô giáo Hải Thanh lại miệt mài, say sưa cầm tay uốn nắn chữ cho mọi người đến học.

Cái duyên đến với nghề giáo của Thanh khá tình cờ và đơn giản. Thanh sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là cán bộ ngành quân đội. Bố Thanh viết chữ rất đẹp và thường xuyên viết bằng khen cho đơn vị. Hồi còn nhỏ, cô bé Bùi Hải Thanh đã được thừa hưởng khả năng viết chữ đẹp bẩm sinh từ bố.

Ngày bắt đầu đi học, Thanh trực tiếp được bố cầm tay, hướng dẫn cẩn thận, tỉ mỉ để viết chữ sao cho thật đẹp. Cũng từ đó, Thanh đã “phải lòng” sự mềm mại, uyển chuyển của những nét chữ thanh thoát. Những buổi luyện chữ với bố, những lời dạy của bố “ngấm” vào người con gái, giúp Thanh nhận ra bí quyết viết chữ đẹp gia truyền của gia đình. Thanh bảo: “Viết chữ đẹp không quá khó nếu học được phương pháp”. Thanh tự phân chia công thức tỷ lệ giống như trong Toán học và áp dụng vào chữ viết. Khi đã hiểu và nắm bắt được những công thức chung cho các con chữ, Thanh cứ thế áp dụng theo công thức rồi chịu khó rèn luyện, uốn nắn, “có công mài sắt có ngày nên kim”.

Cô giáo quân đội dạy viết chữ đẹp như học Toán ảnh 1Cô giáo Bùi Hải Thanh 

Trở thành thiếu nữ, Thanh đi theo truyền thống gia đình, đó là “đầu quân” vào ngành quân đội. Thế nhưng, Thanh vẫn duy trì cho mình thói quen rèn nét chữ mỗi ngày. Môi trường nghiêm khắc quân đội không làm nét chữ khô cứng đi. Ngược lại, theo thời gian, nét chữ của Thanh dường như “phiêu” hơn, tự tin hơn khi làm chủ ngòi bút.

Một lần tình cờ, người quen của Thanh nhìn thấy nét chữ nắn nót của chị đã thích mê và bày tỏ mong muốn chị giúp đỡ con họ rèn viết chữ đẹp, Thanh đồng ý luôn. Niềm say mê luyện chữ được truyền lại cho đứa trẻ, các bài tập chính tả của nó ngày một nắn nót, đẹp đẽ hơn. Chị nhận được nhiều phản hồi khen ngợi tích cực từ phía phụ huynh.

Từ một học trò, Thanh nhận thêm nhiều học trò hơn nữa qua con đường “truyền miệng”: người này truyền tai người kia, người nọ chỉ cho người kia địa chỉ nhà Thanh. Cứ thế, tài viết chữ đẹp của cô giáo Thanh lan rộng khắp Thủ đô…

Học trò có cả hưu trí

Tuy không theo học bất kỳ một trường lớp đào tạo chuyên môn sư phạm nào nhưng bằng tình yêu với những nét chữ cùng sự miệt mài, chịu khó, cô giáo Thanh đã tự tìm hiểu, nghiên cứu cách dạy sao cho thật dễ hiểu, dễ truyền đạt cho tất cả mọi người. Bởi người đến học chữ của Thanh có đủ tầng lớp, trình độ: trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên, người đi làm, thậm chí cả các bác hưu trí. “Có bác đã về hưu muốn học viết chữ đẹp cũng tìm đến nhà mình xin học” – Thanh kể.

Ấn tượng nhất là mỗi dịp hè, học sinh từ các tỉnh thành xa xôi như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa… và cả trong thành phố Hồ Chí Minh cũng gõ cửa nhà cô giáo Thanh xin luyện viết chữ đẹp. Tính đến nay, số lượng học sinh của chị lên đến hàng nghìn người. Theo ước tính của Thanh, tỷ lệ các em học sinh nhỏ theo học có thể viết đẹp lên đến 95%, còn người lớn là 100%.

Muốn có được thành công đáng nể ấy, Thanh phải tự sắp xếp lịch sinh hoạt dày đặc của mình. Công việc ở cơ quan chiếm khá nhiều thời gian nhưng Thanh vẫn tranh thủ buổi tối để rèn chữ cho mọi người. Có những ngày công việc cơ quan chồng chéo, bận bịu, về nhà lại tiếp tục luyện chữ cho mọi người, Thanh không tránh khỏi áp lực, mệt mỏi. Chưa kể thời gian buổi tối dành cho gia đình, con nhỏ bị “cắt xén”. Nhưng nghĩ đến những niềm tin yêu mà học sinh, phụ huynh và niềm say mê viết chữ đẹp, chị lại cố gắng tiếp tục với guồng quay công việc.

Với cô giáo Thanh, đã dạy luyện chữ phải tập trung cao độ, không phải cuộc dạo chơi. Luyện chữ không giống như những công việc khác, để việc học đạt hiệu quả, cô giáo Thanh phải quan tâm, chú ý đến từng học sinh, từng cái đưa tay, từng nét bút… Cầm tay đưa bút cho người này xong lại đứng lên tiếp tục chỉnh ngòi bút cho người khác… Ai cũng cần được uốn nắn từng li từng tí một.  

“Công việc luyện chữ đối với tôi là cả tâm huyết. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được theo đuổi, duy trì đam mê và lan tỏa với mọi người. Dù công việc có bộn bề, vất vả thế nào nhưng nhìn thấy nét chữ mọi người thay đổi từng ngày, cảm nhận tình cảm học sinh dành cho tôi cùng sự ủng hộ từ gia đình, tôi lại có thêm động lực và nhiệt huyết với nghề” – Bùi Hải Thanh cười nói.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.