Cục trưởng Chống tham nhũng lên tiếng về quà Tết

Việc tặng quà, nhận quà Tết đều đã được Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có văn bản hướng dẫn thực hiện, nhắc nhở, đôn đốc quyết liệt.
Cục trưởng Chống tham nhũng lên tiếng về quà Tết

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng người dân không thể “tâm phục khẩu phục”, không thể không hoài nghi về việc ở các bộ ngành, địa phương không có trường hợp nào tặng quà, nhận quà Tết trái quy định.

Cục trưởng Chống tham nhũng lên tiếng về quà Tết ảnh 1

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt trao đổi với PV Dân trí chiều 16/2 (Ảnh: T.K)

Ông đánh giá thế nào về việc báo tổng hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty 91 (các nhóm doanh nghiệp nhà nước) gửi về Cục Chống tham nhũng cho thấy “sạch bóng vi phạm” sử dụng tiền, tài sản công không đúng quy định, lãng phí, tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết Bính Thân 2016?

Ông Phạm Trọng Đạt: Việc tặng quà, nhận quà Tết đều đã được Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có văn bản hướng dẫn thực hiện, nhắc nhở, đôn đốc quyết liệt.

Nhưng có điều quá trình thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt đó thì chưa phát hiện ra vụ việc vi phạm cụ thể nào. Có rất nhiều nguyên nhân. Có thể không có vi phạm nhưng đối chiếu với thực tế thì người dân chưa thể “tâm phục khẩu phục”, không thể không hoài nghi về điều đó.

Nhưng cũng có thể ở cơ sở người ta thấy việc tặng quà, nhận quà này là lợi ích cho tập thể đơn vị, người ta gọi là “đối ngoại” nên không báo cáo. Ngoài ra người ta có thể cho rằng cơ quan này, đồng chí này giúp đỡ trong cả năm trời nên muốn nhân tiện ngày Tết “cảm ơn”, đó là đạo nghĩa đời thường và không nghĩ việc dùng ngân sách nhà nước. Như các doanh nghiệp chẳng hạn, họ tự làm được nên trích một phần nào đó biếu tặng. Nếu nói về pháp luật thì không được rồi, nhưng về mặt đạo lý thì lại khác nên họ không thèm báo cáo.

Như như vậy có “vênh” không khi các bộ ngành, địa phương báo cáo không có vi phạm nhưng ông lại tiếp nhận được 66 phản ánh tố giác tặng quà Tết trái quy định, có dấu hiệu tham nhũng?

Thực tế thì đúng là có sự vênh giữa số lượng báo cáo và tin tố giác của người dân. 66 nguồn tin này người ta phản ánh cho tôi thì họ nói có thấy hiện tượng, hình thức thế; còn đúng lấy tiền của cơ quan nhà nước không thì họ chỉ đề nghị chúng tôi xem xét làm rõ, còn họ không kết luận đấy là việc sai ngay được.

Trong 66 phản ánh đó chúng tôi thấy có khoảng gần 10 phản ánh tương đối có cơ sở, là có thật và đang chỉ đạo xem xét tiếp.

Từ năm 2007 tới nay chúng ta vẫn thực hiện quy định về tặng quà, nhận quà Tết theo Quyết định 64 của Chính phủ, nhưng quà tặng đã chuyển hóa rất nhiều, thành các loại hình khác nhau, đa dạng lắm rồi nhưng luật chưa quy định cụ thể được cái gì, mà chỉ nói là quy thành tiền nhà nước thì trên 500.000 đồng là xử lý.

Người ta quý nhau cho nhau cành đào giá trị cả 2 triệu đồng, nhưng có đưa vào giá trị của quà không? Sau này sửa luật sẽ lưu ý tới việc này, làm sao để không làm ảnh hưởng nguy ngại cho ngân sách nhà nước, nhưng vẫn giữ được văn hóa của con người của Việt Nam.

Tới đây đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng có tiếp tục duy trì không, thưa ông?

Chúng tôi đã đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ phải triển khai một bộ phận tiếp nhận, báo cáo xử lý, kiểm tra việc xử lý đó của các cơ quan đơn vị có liên quan thì mới đáp ứng được yêu cầu chứ cứ tiếp nhận để đấy, làm thì làm, không làm cũng chả ai biết thì hiệu quả chả có gì.

Bây giờ phải rõ ra, cái nào chức năng của ai thì chuyển giao. Cái nào phục vụ công tác nghiên cứu quản lý nhà nước, hoặc cái nào thuộc chức năng của Cục Chống tham nhũng thì nghiên cứu, thậm chí đề xuất thanh tra.

Qua 2 năm triển khai đường dây nóng tiếp nhận tố cáo tham nhũng và tặng quà Tết trái quy định, với chức năng và thẩm quyền của Cục Chống tham nhũng, ông nhận thấy đã giải tỏa được những mong mỏi của người dân phản ánh qua đường dây nóng hay chưa?

Trước hết chúng tôi rất trân trọng, cảm ơn những người dân đã tin tưởng và phản ánh qua đường dây nóng, dù nhiều phản ánh không có cơ sở nhưng nó là cơ sở, đóng góp để khắc phục những sơ hở trong xây dựng cơ chế chính sách.

Có người dân gọi cho tôi nói: “Tại sao tôi lại gọi điện cho ông nhiều lần, bởi tôi biết theo phân cấp quản lý thì ông không giải quyết được đâu nhưng với quyền hạn của ông, ông hãy có văn bản đề nghị Chủ tịch tỉnh quan tâm giải quyết vấn đề này, và công khai cho chúng tôi được biết bởi ở địa phương chúng tôi gửi văn bản rất nhiều lần rồi nhưng họ không giải quyết. Bây giờ chúng tôi chỉ tin vào ông vì ông công khai đường dây nóng”. Như thế để thấy rằng người ta không tin vào giải quyết ở cấp cơ sở. Rất nhiều người gọi điện cho chúng tôi trong tâm trạng bức xúc lắm rồi, nhiều người không biết bấu víu vào đâu nữa nên khi thấy chúng tôi công bố đường dây nóng thì họ có chỗ bám víu và đề nghị chúng tôi hỗ trợ giải quyết.

Mình không hi vọng giải quyết được hết, nhưng những phản ánh của người dân có cơ sở chúng tôi đều yêu cầu cấp chính quyền địa phương, bộ ngành liên quan phải giải quyết cho dân. Bởi chúng tôi thấy có rất nhiều cái giải quyết cho người dân chưa đúng đâu, nhất là ở phía Nam. Người ta gọi cho tôi bảo tôi đi tố cáo nhiều nên ngày Tết này còn bị đe dọa, gần Tết lại bị va quệt xe rất đáng ngờ. Người ta bức xúc lắm.

Các ông có theo dõi tới cùng các vụ việc đã đốc thúc địa phương, bộ ngành giải quyết cho người dân không?

Hai năm nay, thừa ủy quyền của Tổng Thanh tra Chính phủ, tôi đã trực tiếp ký nhiều văn bản đề nghị đơn vị liên quan gửi hồ sơ về Cục Chống tham nhũng rồi, sau đó giao anh em phụ trách ở tỉnh, bộ ngành nắm tình hình để thanh tra hoặc hoặc chuyển đích thân lãnh đạo tỉnh, bộ ngành đề nghị giải quyết. Tất cả đều được chúng tôi tập hợp lại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Rất nhiều Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch tỉnh đã có văn bản báo cáo rõ ràng về quá trình giải quyết vụ việc mà chúng tôi chuyển. Ít nhiều điều đó đã đáp ứng kỳ vọng của người dân phản ánh qua đường dây nóng. Vừa rồi có 4 trường hợp gọi điện cảm ơn chúng tôi rồi bởi lãnh đạo tỉnh đã vào cuộc giải quyết ngay.

Xin cảm ơn ông!

Sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Như Dân trí đã phản ánh, ngày 16/2 ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng đã ký văn bản báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xung quanh việc nắm tình hình tặng quà, nhận quà Tết không đúng quy định trong dịp Tết Bính Thân 2016. Qua tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty 91, đến nay chưa phát hiện trường hợp sử dụng tiền, tài sản công không đúng quy định, lãng phí, tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết Bính Thân 2016.

Tuy nhiên trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, qua 3 đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng và Cục trưởng Cục Chống tham nhũng đã tiếp nhận được 156 nguồn tin tố giác tham nhũng. Trong đó có 66 nguồn tin có liên quan đến việc tặng quà, nhận quà sai với quy định; 50 nguồn tin có dấu hiệu tiêu cực tham nhũng...

Ông Đạt cho biết đây cũng sẽ là những nội dung chính trong văn bản báo cáo Thủ tướng tới đây của Thanh tra Chính phủ.


Theo Dân Trí

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.