Đã chọn được tư vấn lập nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành

Liên danh nhà thầu Nhật - Pháp - Việt chính thức trúng thầu tư vấn lập báo cáo khả thi sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) chính thức công bố tư vấn trúng thầu lập báo cáo khả thi (FS) dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, liên danh các nhà thầu đến từ Nhật Bản, Pháp, Việt Nam đã trúng thầu.Trong liên danh, Nhật Bản có 2 đại diện công ty, Pháp và Việt Nam góp mặt một đại diện.

Đồng thời ACV cũng hoàn thành thủ tục chỉ định thầu tác giả của phương án kiến trúc “Bông sen” (doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc) là nhà thầu phụ đặc biệt lập báo cáo nghiên cứu khả thi nhà ga hành khách.

Đã chọn được tư vấn lập nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành ảnh 1
Sân bay Long Thành có tổng diện tích hơn 5.500 ha. ẢNh:Tiến Tuấn.

Đại diện ACV khẳng định đang tích cực cùng các nhà thầu hoàn tất văn bản hợp đồng để có thể ký kết vào đầu tháng 6 năm nay.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, khẳng định Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong những dự án quan trọng cấp quốc gia của ngành giao thông. ACV phải đẩy nhanh tiến độ lập nghiên cứu khả thi dự án, kịp trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019.

ACV đang tích cực chuẩn bị mọi nguồn lực để có thể khởi công vào cuối năm 2020, đưa sân bay Long Thành vào khai thác chậm nhất vào năm 2025 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

Trước đó, tháng 12/2017, ACV đã phát hành hồ sơ mời thầu gói tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án.

Đã chọn được tư vấn lập nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành ảnh 2
Sân bay Long Thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm sau năm 2035. Đồ họa: Văn Chương.

Có 2 nhà thầu nộp hồ sơ gồm liên danh VKS và liên danh JFV JV. Cụ thể, liên danh VKS có công ty Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Việt Nam. Liên danh JFV JV có các công ty của Nhật Bản, Pháp và Việt Nam.

Sân bay Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 43 km. Dự án có tổng diện tích hơn 5.500 ha, tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỷ đồng. Quy mô thiết kế 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Sân bay Long Thành được thiết kế quy mô đạt cấp 4F, cấp cao nhất theo xếp hạng của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Dự án sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư một nhà ga, một đường cất hạ cánh với công suất 25 triệu khách/năm. Chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành đưa vào khai thác.

Ở giai đoạn 2 (năm 2035), sân bay Long Thành được nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm và 100 triệu hành khách/năm sau năm 2035 (giai đoạn 3).

Bộ GTVT cho biết tổng mức vốn giải phóng mặt bằng cho dự án này hơn 23.000 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD). Trong đó, 18.000 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư.

Ngoài ra, gần 480 tỷ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỷ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.

Đã chọn được tư vấn lập nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành ảnh 3
Cảng hàng không quốc tế Long Thành cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 43 km. Ảnh: Google Maps,
Theo Zing
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.