Đã “xóa sổ” được 25 công ty đa cấp

(Ngày Nay) - Tính đến đầu tháng 11/2016, Bộ Công Thương đã “xóa sổ” tới 25 công ty đa cấp. Hiện tại, số doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 42 so với con số 67 công ty năm 2015. 
Đã “xóa sổ” được 25 công ty đa cấp

Trong số 25 doanh nghiệp bị xóa sổ có 14 công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC; 11 doanh nghiệp tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp nước ngoài là khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần, doanh thu của các doanh nghiệp trong nước là khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần). Các doanh nghiệp đã tiến hành chi trả tiền hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác với số tiền gần 712 tỷ đồng cho người tham gia bán hàng đa cấp.

Đã “xóa sổ” được 25 công ty đa cấp ảnh 1Diamond Holiday - một trong những công ty đa cấp đã bị cơ quan chức năng điều tra, xử lý hình sự 

Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đang hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 là khoảng 500.000 người (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2015 (1.162.000 người). Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp BHĐC đã nộp các loại thuế với tổng số tiền là 452.493.748.000 đồng.

Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp chủ yếu là: thực phẩm chức năng (51,27%), mỹ phẩm (31.65%), đồ gia dụng (12.33%).

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới. Các vi phạm phổ biến, gồm:

Thứ nhất, vi phạm của các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.

Thứ hai, vi phạm của các doanh nghiệp tuy có bán hàng theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.

Thứ ba, vi phạm của các doanh nghiệp không bán hàng theo phương thức đa cấp mà sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính.

Từ tháng 6/2015 đến tháng 11/2016, Bộ Công Thương đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ việc  đối với các Công ty bán hàng đa cấp, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ 014 triệu đồng.

Đối với 2 trường hợp sau, do pháp luật đã cấm nên có thể coi là tội phạm và phải bị xem xét xử lý hình sự. Trên thực tế, nhiều sai phạm theo hình thức này đã bị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý hình sự như các vụ việc Golden Rock, Colony Invest, Diamond Holiday, MB24, Tâm mặt trời…

Trước năm 2016, vì một số lý do khách quan và chủ quan, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đạt hiệu quả chưa cao:

Thứ nhất, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp mặc dù đã được sửa đổi theo hướng thắt chặt quản lý nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được các hình thức lách luật tinh vi, phức tạp của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi;

Thứ hai, do hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trên cơ sở phương thức truyền miệng và không có địa điểm cố định nên công tác quản lý và phối hợp giữa cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

Trước tình hình đó, năm 2016, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó có việc ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Quá trình triển khai Chỉ thị này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, và đến nay đã cơ bản kiểm soát tốt hoạt động bán hàng đa cấp:

Từ tháng 6/2015 đến tháng 11/2016, Bộ Công Thương đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ việc  đối với các Công ty bán hàng đa cấp, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ 014 triệu đồng.

Qua công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp.

Theo số liệu báo cáo của địa phương, từ đầu năm 2016 đến nay, 38/57 Sở Công Thương đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp BHĐC hoạt động trên địa bàn. Đã có 37 Sở Công Thương ra quyết định xử phạt 21 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC với 65 trường hợp vi phạm với số tiền phạt là 3.936.105.000 đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền xử phạt: 4.942.060.000 đồng (57 Chi cục có kết quả kiểm tra xử lý, 06 Chi cục đang trong quá trình xử lý vi phạm).

Ngoài ra, trên cả nước đã phát hiện và xử lý 18 doanh nghiệp BHĐC nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC theo quy định với số tiền phạt là 653.000.000 đồng.

Trong thời gian tới, để tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp chính sau:

- Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ tích cực triển khai công tác xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 với các định hướng cơ bản như: minh bạch hóa hoạt động bán hàng đa cấp; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý ở địa phương đối với hoạt động bán hàng đa cấp…

Trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ triển khai sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục theo dõi, kiến nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, bổ sung quy định về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật hình sự 2015.

Bên cạnh công tác hoàn thiện các văn bản pháp luật, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động BHĐC trên toàn quốc và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của ngành BHĐC.

Mặc dù Nghị định 42/2014/NĐ-CP và Thông tư 24/2014/TT-BCT đã được áp dụng trên thực tiễn nhưng các hoạt động BHĐC bất chính hoặc núp bóng kinh doanh theo phương thức đa cấp vẫn âm thầm tồn tại có thể gây ra thiệt hại về tài chính đối với người dân và ảnh hưởng đến trật tự, anh ninh xã hội tại nhiều địa phương.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP và Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 24/2014/TT-BCT nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý hoạt động BHĐC.

(i) Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 42/2014/NĐ-CP chỉ giới hạn ở hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Để có cơ sở xử lý hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng không sử dụng hàng hóa thời gian qua, Dự thảo Nghị định mở rộng phạm vi để điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nói chung. Theo đó, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Quy định cấm này áp dụng cho cả hai đối tượng là các đối tượng tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp và các đối tượng tham gia vào hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

(ii) Bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp bán hàng đa cấp như:

(1) Yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của họ. Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

(2) Yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và vận hành website để thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động và Chương trình đào tạo cơ bản của doanh nghiệp, danh sách đào tạo viên. Phải công bố, cập nhật giá bán của sản phẩm, nêu rõ giá bán do doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm, không phải do cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xác nhận. Doanh nghiệp phải công bố công khai thông tin về hoạt động bán hàng đa cấp, quy trình thực hiện các giao dịch với người tham gia bán hàng đa cấp, việc xử lý vi phạm, chấm dứt hợp đồng của người tham gia bán hàng đa cấp.

(3) Có đường dây nóng để giải đáp thắc mắc, khiếu nại của nhà phân phối và người tiêu dùng.

(4) Phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng. Yêu cầu này để đảm bảo quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng, trả lại tiền.

(5) Yêu cầu thanh toán hoa hồng, tiền thưởng thông qua chuyển khoản.

(iii) Bổ sung quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương

(1) Yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.

(2) Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải chỉ định một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp và thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó.

(3) Yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tổ chức hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Trong trường hợp hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo có quy mô từ 200 người trở lên, Sở Công Thương có trách nhiệm cử đại diện tham dự để giám sát.

TIN LIÊN QUAN
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.