Để lọt chất gây ung thư ra ngoài: Trách nhiệm thuộc về ai?

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, trách nhiệm đầu tiên trong vụ nhập và quản lý hàng nghìn tấn hoạt chất Salbutamol thuộc về Bộ Y tế.
Để lọt chất gây ung thư ra ngoài: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thông tin từ Cục cảnh sát môi trường cho thấy trong 2 năm 2014 và 2015, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu Salbutamol cho 20 doanh nghiệp. Trong đó, đã có 16 doanh nghiệp nhập khẩu về với khối lượng 9,1 tấn và đã có khoảng 6 tấn đã bán ra thị trường. Trên thực tế, việc sử dụng Salbutamol đúng mục đích chỉ được hơn 10kg.

Điều này khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng bởi Salbutamol là chất có thể gây ung thư, được tuồn ra ngoài dùng tràn lan để chăn nuôi heo, cung cấp thực phẩm cho người. Tuy nhiên, số liệu các Bộ, ngành đưa ra lại “vênh” nhau và chưa đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm cho vụ việc này, đặc biệt đối với sức khỏe của hàng triệu người dân ăn phải thịt heo chứa chất cấm.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN tại hành lang kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội TP HCM Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) khẳng định, trách nhiệm đầu tiên trong vụ việc này thuộc về Bộ Y tế.

Có khuất tất trong việc nhập Salbutamol

PV: Thưa đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, theo bà, trách nhiệm để lọt hàng tấn chất cấm ra ngoài, sử dụng sai mục đích thuộc về cơ quan nào?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Salbutamol là một dược chất, cho nên trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành Y tế. Không chỉ Salbutamol mà tất cả các dược chất khác, những hoạt chất nhập khẩu nguyên liệu về làm thuốc nếu như sử dụng sai mục đích sẽ dẫn đến hậu quả hết sức tai hại.

Cho nên, ngành Dược là ngành kinh doanh có điều kiện và chúng ta có đầy đủ hệ thống về cấp giấy kinh doanh, thực hành tốt phân phối thuốc, nhập khẩu… cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta vận hành như thế nào, cơ chế hậu kiểm ra sao?

Để lọt chất gây ung thư ra ngoài: Trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 1

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan.

Tôi nghĩ, vụ việc này lặp lại bài học trước đây về tiền chất Pseudoephedrine. Tức là các quy định thì nhiều, có vẻ rất chặt chẽ nhưng sau đó tiền chất này vẫn xuất hiện trên thị trường và rất nhiều doanh nghiệp nhập về, không phải vì mục đích dùng làm thuốc, mà tiền chất cho ma túy. Còn với Salbutamol thì làm chất tạo nạc cho thịt heo.

Tôi xin khẳng định, đã là dược chất sử dụng sai mục đích đều có hại. Do đó, bây giờ chúng ta phải xem lại cơ chế quản lý. Như việc nhập khẩu Salbutamol vừa xảy ra. Mỗi chuyện nhập khẩu chính thức, chưa nói nhập lậu, số lượng là bao nhiêu mà các Bộ (Công an, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Y tế - PV) còn cãi nhau như thế này thì không ổn.

Theo tôi, ở đây cần phân cấp quản lý. Chúng ta không có sự liên thông nào để cung cấp thông tin cho nhau, để khi thấy có sự gia tăng bất thường về số lượng nhập khẩu thì phải đặt dấu hỏi và thông báo để các cơ quan chức năng cùng nhau kiểm soát, xem thực sự những hoạt chất đó nhập về có được sử dụng đúng mục đích hay không?

Số lượng các nhà máy chúng ta biết, số đăng ký cũng biết, bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất loại thuốc đó và tổng đưa ra thị trường là bao nhiêu cần phải nắm được. Như vậy, nếu như có con số chênh lệch với hóa dược nhập khẩu thì có thể suy ra ngay. Do đó có những khuất tất ở đây, vì doanh nghiệp đưa ra với mục đích khác.

Thực tế qua kiểm tra của Cục quản lý dược mới đây, khi xảy ra chuyện Salbutamol bị tuồn ra ngoài, cũng đã phát hiện ra một số công ty hóa dược nhập khẩu về nhưng sau đó không phải bán cho các nhà máy để làm thuốc mà cho mục đích khác. Ở đây có lỗ hổng, cơ quan quản lý chỉ cấp phép, còn doanh nghiệp làm gì thì không biết.

PV: Bà có bình luận gì về con số nhập khẩu Salbutamol được đưa ra?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Tôi không có tư cách gì để đưa ra một con số cụ thể, vì tôi đâu có được báo cáo về vấn đề này? Tuy nhiên ở đây cho thấy một điều đáng buồn, là con số thống kê của chúng ta có vấn đề. Tại kỳ họp Quốc hội cũng đã chỉ rõ.

Ngay cả số liệu Salbutamol được nhập chính thức cũng không chính xác, con số không thống nhất, thì làm sao chúng ta thống kê được số lượng nhập lậu. Tôi nghĩ, bây giờ thời buổi công nghệ thông tin đầy đủ, chúng ta có thể làm được.

Nếu như thị trường có nhu cầu mà chúng ta kiểm soát biên giới không tốt thì ắt sẽ có nhập lậu. Như vậy thì làm sao có thể quản lý tốt được? Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các Bộ ngành cũng chưa tốt. Rõ ràng việc “gác cửa” cho người dân rất hên xui. Salbutamol mới chỉ là bề nổi, còn bao nhiêu dược chất khác nữa cũng cần lưu tâm.

Tác hại khôn lường khi ăn thịt heo tồn dư chất cấm

PV: Salbutamol có tác hại như thế nào nếu không được sử dụng đúng mục đích, thưa bà?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Bản thân Salbutamol là một dược chất, nên phải được sử dụng đúng mục đích làm thuốc. Chúng ta có điều luật để quản lý, nếu làm thuốc giả hay thuốc kém chất lượng thì xử phạt rất nặng. Trong trường hợp Salbutamol sử dụng làm chất tạo nạc và nó lưu trữ trong thịt heo, con người ăn vào sẽ tích tụ trong cơ thể.

Để lọt chất gây ung thư ra ngoài: Trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 2

Rõ ràng khi ăn vào ngoài ý muốn, người dân không biết, vậy có khác nào người dân tiêu thụ thuốc kém chất lượng? Đương nhiên mỗi loại dược chất đều có cơ chế đặc thù, nhưng nếu như người dân đó mai sau khi cần sử dụng thuốc thật thì sẽ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, chưa kể mỗi loại thuốc bên cạnh tác dụng chính còn có tác dụng phụ.

Ở đây người dân ăn thịt heo chứ đâu phải trị bệnh, vì thế người dân phải chịu cả tác dụng dược lý của Salbutamol cũng như tác dụng phụ của nó. Do đó sẽ có nguy cơ ngộ độc, nguy cơ về mặt sức khỏe… Tùy từng hoạt chất phải có nghiên cứu thấu đáo thì mới kết luận, nhưng chắc chắn là rất có hại.

PV: Là một nhà quản lý về dược, bà có khuyến nghị gì sau sự việc này?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Tôi cho rằng, cần phải xem xét lại cơ chế phối hợp quản lý. Chính vì vậy đóng góp về Luật Dược, tôi đề nghị xem lại mô hình quản lý.

Còn bây giờ “cơ chế chịu trách nhiệm tập thể” thì thật chán ngán. Cái gì cũng tập thể, chung chung; còn người ký cho nhập về họ sẽ cãi là tập thể quyết, nhưng lúc thành tích thì là của cá nhân.

Cho nên chúng ta cần một bộ máy đủ sức mạnh, không bị can thiệp, không chồng chéo và không đổ lỗi trách nhiệm cho nhau. Các nước đã thực hiện rồi và chúng ta càng phải làm cấp bách hơn, nếu không mãi mãi người dân cuối cùng lãnh đủ hết.

PV: Xin cảm ơn bà!.

Theo VOV

Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .