Điểm chuẩn vào đại học sẽ giảm mạnh

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, đại diện nhiều trường ĐH cùng có chung nhận định điểm chuẩn vào các ngành, chuyên ngành sẽ thấp hơn năm 2017
Thí sinh ở TP HCM sau khi kết thúc bài thi tổ hợp khoa học xã hội sáng 27-6 Ảnh: TẤN THẠNH
Thí sinh ở TP HCM sau khi kết thúc bài thi tổ hợp khoa học xã hội sáng 27-6 Ảnh: TẤN THẠNH

Sáng 27-6, thí sinh (TS) dự thi tổ hợp khoa học xã hội. Đây là bài thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tỉ lệ TS dự thi môn lịch sử là 99,35%; địa lý: 99,44%; giáo dục công dân: 99,56%.

Phổ điểm các môn xã hội từ 6-7

Sau khi bài thi kết thúc, cô Bùi My Thúy, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Gia Định (TP HCM), cho rằng đề có cả nội dung chương trình lớp 11 và lấy kiến thức lớp 12 làm trọng tâm. Đề thi phân loại tốt, đặc biệt từ câu 31 đến câu 40. Ở toàn bộ đề thi, nhiều câu đòi hỏi TS nắm kỹ kiến thức, có tư duy lựa chọn đáp án đúng, tính chất nâng cao như: so sánh chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, một số câu sử Việt Nam cũng mang tính nâng cao tốt. "TS nào chỉ học theo sách giáo khoa, học kỹ chương trình trên lớp, chịu khó tìm hiểu thì hoàn toàn có thể đạt điểm 5-6" - cô Thúy nói.

Với môn địa lý, theo thầy Nguyễn Đình Tình, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM), do mức độ phân hóa đề thi không cao, dự đoán số TS đạt điểm 10 không giảm so với năm trước, học sinh trung bình có thể đạt điểm 5-6, học sinh khá giỏi có thể đạt điểm 7-9.

Cô Vũ Thùy Anh, Tổ trưởng chuyên môn giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM), cho biết so với năm ngoái, đề thi giáo dục công dân năm nay hay hơn, vừa sức TS, bám sát chương trình ôn tập, đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT và chương trình ôn tập lớp 11, 12. Đề thi cũng đòi hỏi TS phải suy luận mới có thể đạt điểm 9, 10. "Đề thi năm 2017 quá dễ, đề năm nay có rất nhiều câu hỏi thực tiễn, TS phải tư duy, suy luận, đọc kỹ đề và có kỹ năng làm bài mới giải quyết được. Với học sinh trung bình sẽ đạt phổ điểm từ 6-7 điểm" - cô Thùy Anh nhận định.

Điểm chuẩn sẽ giảm 3-5 điểm

Ngay sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng, đại diện các trường ĐH đã đưa ra những nhận định ban đầu về mức điểm chuẩn dựa trên đề thi và khả năng làm bài của TS. PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng khác với đề thi năm 2017, đề thi THPT quốc gia năm nay, đặc biệt là đề thi môn toán và ngữ văn được nhiều TS lẫn giới chuyên môn đánh giá là vừa khó vừa dài. Đối với 2 môn này, TS khó đạt điểm 7-8; chỉ có TS chuyên mới có thể đạt điểm 8-9, điểm 10 sẽ rất hiếm. "Do đề thi năm nay khó hơn nên điểm trúng tuyển vào các ngành, chuyên ngành của các trường chắc chắn sẽ giảm" - ông Nhựt nhận định.

Cùng quan điểm này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết năm nay ông chứng kiến nhiều TS bước ra khỏi buổi thi môn toán đã bật khóc vì đề thi dài và khó. Rất nhiều TS cho biết đề thi năm nay rất khó, để đạt được điểm 6 không dễ dàng. Ông Sơn cho rằng phổ điểm của môn toán và văn năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2017, điểm chuẩn vào các ngành, chuyên ngành chắc chắn sẽ giảm ở mức từ 3- 5 điểm, tùy ngành - trường.

"Chắc chắn điểm trúng tuyển vào các trường năm nay sẽ giảm, đặc biệt là những ngành có tổ hợp môn sử dụng điểm môn toán, văn" - là nhận định của tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM. Ông Lý cho rằng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 chứng kiến mưa điểm 10 ở nhiều môn thi nhưng năm 2018, tình trạng đó không lặp lại. Đề thi phân loại TS rất cao nên chỉ những TS học chuyên mới có thể đạt điểm cao ở môn chuyên của mình.

Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, đề thi khó hơn năm 2017, nhiều TS lo lắng về kết quả điểm thi của mình nhưng về cơ bản, việc sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp không ảnh hưởng nhiều đến tỉ lệ tốt nghiệp vì ngoài kết quả thi, việc xét tốt nghiệp còn sử dụng kết quả THPT nhưng điểm chuẩn năm nay sẽ giảm. "Sẽ không còn tình trạng TS đạt 28, 29 điểm mà vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1 như năm 2017" - ông Lý quả quyết.

TP HCM huy động 700 giáo viên chấm thi

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết năm nay toàn TP có hơn 78.000 TS đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó có gần 4.500 TS tự do. Năm nay tại TP HCM không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi, chỉ có 1 TS vi phạm quy chế thi ở môn ngữ văn do sử dụng điện thoại di động. Ông Hiếu cho biết ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ huy động 700 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy lớp 12 tham gia chấm thi để bảo đảm công bố kết quả vào đúng ngày 11-7 theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Theo Người Lao động
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.