'Điên đầu' đi tìm đường ở ngoại thành Sài Gòn

(Ngày Nay) -Bạn sẽ như thế nào khi lọt vào "ma trận tên đường" như thế này: TX23, TX22, XTT5, XTT 46, XTT 6-2-1, TMT 01, TMT 2A, S1, C1, C2, C4A...?
Đường XTT 58C tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.
Đường XTT 58C tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển cho biết TP.HCM đang có gần 1.700 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường “có vấn đề” khiến người dân như dở khóc dở cười vì “ma trận tên đường”.

Google cũng "bó tay"

Nhiều tên đường ở TP.HCM viết tắt, trùng lắp, đánh chữ kèm số lẫn lộn, khó tìm. Nhiều xe ôm cho biết phải lên Google tra bản đồ mới định vị được đường đi.

Khác với khu vực trung tâm, các tuyến đường ở các quận huyện ngoại thành TP.HCM phần lớn không có tên đầy đủ, thậm chí nhiều tên đường mập mờ, khó hiểu khiến người dân lúng túng khi đi tìm.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (47 tuổi, ngụ quận 12) cho biết hành nghề chạy xe ôm đã ngót chục năm nhưng mỗi lần tìm đường đều là vấn đề khó khăn. “Các tuyến đường chính còn có tên đầy đủ chứ vào sâu thêm thì chịu. Toàn viết tắt với đặt lung tung, muốn chở khách vô đúng địa chỉ thì phải chạy lạc mấy vòng. Nhiều khách không hiểu sẽ nói mình chạy vòng vòng để lấy thêm tiền”, ông Tuấn ngán ngẩm.

Theo anh Tuấn, phần lớn các tên đường này thường viết tắt theo tên phường như TA03, TA06 (phường Thới An); TX23, TX22, TX25 (phường Thạnh Xuân, cùng quận 12). Thậm chí có nơi còn lấy thêm ấp để đặt tên như đường ấp Đông 1-2 (đường chung để đi vào ấp Đông 1 và ấp Đông 2).

Ở quận 12, huyện Hóc Môn, không khó để tìm những tên đường viết tắt từ tên phường. Ví dụ ở quận 12, phường Đông Hưng Thuận thì tên đường được viết tắt tên phường kèm với số thứ tự sau đó như ĐTH 02, ĐTH 11… Tương tự, ở phường Trung Mỹ Tây sẽ tìm thấy rất nhiều các con đường TMT 01, TMT 2A, TMT 05, TMT 10, TMT 13. Nhiều người còn tỏ ra ngạc nhiên hơn khi thấy đường TCH 34-35-36 ở phường Tân Chánh Hiệp.

Dọc đường Phan Văn Hớn ở xã Xuân Thới Thượng dễ bắt gặp các con đường: XTT2, XTT5, XTT 46, XTT 19, XTT 27… Gần đó còn thấy ngay đường XTT 6-2, XTT 6-2-1, XTT 6-2-2. 

Tại quận Bình Thạnh, nhiều tuyến đường được viết theo ký tự và số như D1, D2, D3, D4, D5... Trong khi đó, ở quận Tân Phú, nhiều tuyến đường tại phường Tây Thạnh được viết theo ký tự chữ kết hợp với số như: S1, S2... S9, C1, C2, C4A.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều con đường trên do địa phương hoặc nhà thầu xây dựng tự nghĩ ra đặt theo cách gọi bình dân, không hề sử dụng quỹ tên đường do thành phố lập ra.

“Mỗi lần nghe khách đọc những tên đường lạ tôi thường hỏi lại là phường hay xã nào để xác định hướng di chuyển. Nhiều lúc phải lên Google xem đường đó ở đâu để chở khách tới cho nhanh, nhưng không phải khi nào cũng ra kết quả”, anh Tuấn chia sẻ thêm.

'Điên đầu' đi tìm đường ở ngoại thành Sài Gòn ảnh 1Đường Kênh Nước Đen: Trước đây đường này từng là một dòng kênh dơ bẩn, sau đó cải tạo lại một phần trồng cây xanh hai bên và phần gia cố bờ kè được quận Bình Tân, TP.HCM đặt thành tên đường.

Nhiều tên đường độc, lạ

Ở các huyện ngoại thành, chúng tôi còn ngạc nhiên với những tên đường khác lạ, khó hiểu như đường kênh tiêu Bà Điểm 1, Kênh Nước Đen, Rạch Bùng Binh, Dân Công Hỏa Tiến, Cống Lở, Gò Xoài, Điện Cao Thế, Bờ Bào Tân Thắng, Tên Lửa...

Một người đàn ông nhà sát đường kênh tiêu Bà Điểm 1 (huyện Hóc Môn) giải thích trước đây con đường này là kênh tiêu nước. Do nhu cầu đi lại của bà con, kênh tiêu này được cải tạo thành con đường đi vào khu dân cư Bà Điểm nên mang luôn tên này.

Người dân sống bên đường Kênh Nước Đen cũng lý giải con đường nằm cạnh kênh, lâu nay nước màu đen nên khi quy hoạch, sửa chữa lại đường chính quyền địa phương gắng bảng tên đường là Kênh Nước Đen luôn.

Trong khi đó, nhiều người sống trên đường XTT 21-2B vẫn không hiểu tại sao con đường này mang tên kỳ quặc như thế. Thực ra, đường này mới đổi tên cách đây không lâu, dù thấy lạ nhưng nhiều người dân ở khu vực này không mấy quan tâm.

“Có những tên đường không biết còn lên mạng để tìm rồi đi, nhưng đâu phải đường nào Google cũng cập nhật. Anh thử gõ đường XTT 21-2B xem có ra không là sẽ biết thôi”, một tài xế xe ôm chia sẻ.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho rằng thường các dự án quy hoạch chủ đầu tư đặt tạm các ký hiểu số để dễ nhớ, sau khi hợp thức vào hệ thống giao thông thì quận thường để vậy. "Hiện nay trên địa bàn quận còn nhiều tên đường bằng số, đường viết tắt, tên lạ. UBND quận đang rà soát, đề xuất lên thành phố thay đổi để phù hợp và thuận tiện hơn cho người dân", ông Hiếu nói. 

Còn ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết do đặc thù quận không có nhiều khu đô thị mới mở nên hệ thống tên đường khá ổn do UBND TP đặt từ xưa. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vài đường số, quận sẽ nghiên cứu để xuất lên UBND TP đặt. "Các quận ngoại thành như quận 12, huyện Hóc Môn nhiều khu đô thị quy hoạch nên các quận hay lấy tên phường, xã viết tắt để đặt cho các con đường mới mở", anh Hà nói. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, cựu ủy viên thường trực Hội đồng đặt đổi tên đường TP.HCM giai đoạn 1995-2005 khẳng định những tên đường lạ, độc ấy do địa phương tự đặt chứ không phải do Hội đồng đặt đổi tên đường của TP. Vì trong quỹ tên đường đều là danh nhân, địa danh lịch sử chứ không có các tên đặc biệt. Như Kênh Nước Đen là người dân tự đặt do cái kênh đó có màu đen, người dân nói quen miệng rồi nên quận chỉ hợp thức hóa.

Nhiều tên đường viết sai

Ngoài tên đường viết tắt, tên khó hiểu, hàng chục tên đường ở TP.HCM hiện nay đã viết sai tên danh nhân lịch sử nhưng chính quyền vẫn chưa sửa, đổi tên.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, hiện TP.HCM có hàng chục tên đường ghi sai tên danh nhân như Đoàn Như Hài (đúng là Đoàn Nhữ Hài), Hà Tôn Quyền (đúng là Hà Tông Quyền), Nơ Trang Long (đúng là N’ Trang Lơng), Trần Khắc Chân (đúng phải là Trần Khát Chân).

Hay là đường Lê Thánh Tôn (quận 1) thì đúng ra phải là Lê Thánh Tông, đường Hoàng Đức Tương (quận 11) đúng ra là Hoàng Đức Lương, Tôn Thất Đạm (quận 1) thì đúng ra là Tôn Thất Đàm, còn Trương Quốc Dung (quận Phú Nhuận) thì đúng ra là Trương Quốc Dụng.

'Điên đầu' đi tìm đường ở ngoại thành Sài Gòn ảnh 2Đường Trần Khắc Chân ở quận Phú Nhuận phải viết đúng là Trần Khát Chân. 

Chẳng hạn, con đường mang tên Ngô Thời Nhiệm (quận 3) được biết đến là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê - Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh nhưng tên thật của ông phải là Ngô Thì Nhậm.

Còn đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) thì đúng ra là Kha Vạng Cân, đây là tên một kỹ sư yêu nước sinh ra ở Thủ Đức. Ông được xem là một nhân sĩ trí thức nổi tiếng của Nam Bộ đầu thế kỷ XX, hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, tham gia kháng chiến chống Pháp. 

Ngoài ra, hiện nay TP.HCM có rất nhiều tên danh nhân được nhiều quận dùng đặt tên đường gây ra sự trùng lặp. Ví dụ đường Hoàng Hoa Thám có cả ở quận Bình Thạnh, Tân Bình; đường Lê Lợi có cả ở quận 1, 9, Gò Vấp; đường Lý Thường Kiệt có ở quận 10, 6 và huyện Hóc Môn...

TP.HCM rà soát lại tên đường

Vừa qua, UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó chủ tịch TP Nguyễn Thị Thu về đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM”.

Theo đó, Phó chủ tịch TP đề nghị rà soát, khảo sát các con đường, cây cầu, quảng trường, công viên, công trình công cộng xem có tên nào không có ý nghĩa, thiếu tính thẩm mỹ hoặc trùng tên. Từ đó, đề nghị Sở Văn hoá và Thể thao đề xuất giải pháp điều chỉnh theo lộ trình phù hợp, tránh gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của người dân.

Theo Zing
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.