Hà Tĩnh sẽ 'niêm yết' 154 loại hải sản không nên ăn ở chợ cá

Nhà chức trách lên phương án dán danh sách các loại hải sản tầng đáy ở 4 tỉnh miền Trung được khuyến cáo chưa an toàn tại các bến cá, trong khi nhiều ngư dân chuyển hướng sang đánh bắt tầng nổi.
Cá được ngư dân đánh bắt về tại cảng Cửa Sót (Hà Tĩnh). Ảnh: Tuấn Sơn
Cá được ngư dân đánh bắt về tại cảng Cửa Sót (Hà Tĩnh). Ảnh: Tuấn Sơn

Bộ Y tế vừa khuyến cáo các hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý (tương đương 25 km, ở từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế) chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. 

Trước thông tin trên, ngày 22/9, ông Nguyễn Công Hoàng (Chi cục trưởng Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh) cho biết đơn vị đã lên phương án in danh sách 154 loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý khu vực 4 tỉnh miền Trung, phát và dán tại các cảng cá, bến cá, chợ đầu mối hải sản cũng như khu vực thường xuyên khai thác, đánh bắt để người dân biết.

Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam (Chi cục trưởng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị) cũng cho rằng, người dân cần căn cứ vào danh sách các loài cá sống ở tầng nổi được Bộ Y tế công bố là an toàn để mua và sử dụng. Hiện Chi cục này căn cứ vào nhu cầu thực tế để đánh giá theo đúng quy định và cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn cho tiểu thương đưa đi tiêu thụ.

Ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh thông tin đã cho trung tâm truyền thông y tế khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng các loại thực phẩm biển an toàn. "Hàng ngày, đơn vị cử cán bộ xuống các cảng cá, lấy mẫu gửi ra Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia để giám sát", ông Hùng nói.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, sau khi Bộ Y tế công bố kết quả nghiên cứu hải sản 4 tỉnh miền trung thì "hai ngày nay trời mưa to, tàu thuyền không ra khơi được", do vậy phải có thêm thời gian mới ghi nhận chính xác tình hình đánh cá trở lại cũng như giám sát an toàn thực phẩm ở địa phương.

Ngư dân chuyển hướng đánh cá

Sau khuyến cáo của Bộ Y tế, nhiều ngư dân ở Quảng Trị chuyển hướng sang đánh bắt hải sản tầng nổi để mưu sinh.

Hà Tĩnh sẽ 'niêm yết' 154 loại hải sản không nên ăn ở chợ cá ảnh 1

Ngư dân sửa lại thuyền chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Lê Văn Thí (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) cho biết đang tính toán để sắm thêm ngư lưới cụ, chuyển từ lưới rê tầng đáy sang đánh cá tầng mặt. “Khai thác tầng đáy thì cho nhiều hải sản hơn, giá trị hơn, nhưng giờ nhà nước bảo chưa an toàn thì phải tạm thời chuyển đổi”, ông Thí nói. 

Ngư dân Nguyễn Văn Sơn (xã Trung Giang) cùng cha xuống bãi cát ven bờ biển kiểm tra lại chiếc thuyền nan, đồng thời gánh đống lưới nằm yên trong 4 tháng qua lên nhà để sửa sang lại. “Xem lại lưới, đoạn nào đứt, hư thì vá lại để ra khơi”, ông Sơn nói. Lão ngư này cho biết mùa cá trích, cá cơm đang đến, chỉ chờ vài ngày tới nắng đẹp sẽ dong thuyền ra khơi vì "nhớ biển lắm rồi”.

Ông Trần Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Trung Giang (Quảng Trị) cho biết: “Nghề đáy như làm lừ, lưới rê nay không còn, ngư dân chuyển sang đánh tầng mặt”.

Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, ngư dân Trần Văn Phúc (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) chia sẻ lâu nay thường đánh bắt ngoài vùng 20 hải lý, hải sản khai thác chủ yếu là các loại tầng đáy như sò mai, sò lá.. "Tôi thấy nhà chức trách khuyến cáo hải sản tầng đáy chưa an toàn từ 13,5 hải lý trở vào, nhưng mặt biển mênh mông, ngư dân rất khó có thể kiểm tra để biết vùng biển đó có an toàn hay không", ông Phúc nêu băn khoăn.

Theo Vnexpress
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.