Không để các trạm BOT “bủa vây” người đi đường

(Ngày Nay) - Những cung đường “trống” cuối cùng đã bị BOT hóa khi trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (trên QL1A cũ từ Cầu Giẽ về TP Phủ Lý) đi vào hoạt động. Từ đây, tất cả các con đường từ Hà Nội đi các tỉnh thành đã bị bủa vây chặt bởi các trạm thu phí BOT. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những ai thường xuyên đi về các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình hay Hải Phòng giờ đây đều có chung một cảm giác không hề dễ chịu, một thực tế thật khó tin nhưng có thật: Tiền mua vé qua các trạm thu phí BOT thậm chí cao hơn cả tiền mua xăng, chưa tính đến hàng năm người sở hữu xe ô tô vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ.

Liên tiếp các vụ việc người dân chặn các trạm thu phí BOT để phản đối tại Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Thái Bình cũng như sự bức xúc bùng lên trong dư luận đã cho thấy thực trạng đầu tư BOT đang có quá nhiều vấn đề bất cập cần làm sáng tỏ và tháo gỡ ngay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã ra nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát các công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT, một tiền lệ chưa từng có khi một hình thức đầu tư riêng trong lĩnh vực giao thông bị giám sát bởi Quốc hội.

BOT (Build - Operate - Transfer) là Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao có nghĩa là nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra xây dựng công trình, sau đó sẽ dùng công trình đó kinh doanh trong một thời gian nhất định rồi chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước. Việc đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT cũng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để huy động thêm nguồn lực xã hội góp phần giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách quốc gia và đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh hạ tầng giao thông đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế. Ở một số các quốc gia như Thái Lan…, người dân có thể lựa chọn hoặc là đi trên các con đường BOT đẹp hơn phải trả phí cao hơn, hoặc là đi trên các con đường làm bằng ngân sách Nhà nước với phí thấp hoặc miễn phí.

Theo lẽ thông thường, người dân nộp thuế để đóng góp vào ngân sách và Nhà nước sử dụng ngân sách để đầu tư hạ tầng công cộng trong đó có hạ tầng giao thông, người dân sử dụng sẽ phải nộp phí bảo trì các công trình đó. Ở Việt Nam, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang rất khó khăn mà nhu cầu đầu tư cho hạ tầng giao thông đang rất lớn và cấp bách thì việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bằng ngân sách Nhà nước là điều không thể, do đó việc lựa chọn đầu tư các công trình giao thông bằng hình thức BOT là lựa chọn bắt buộc.

Tuy nhiên nếu thiếu giám sát chặt chẽ và buông lỏng quản lý từ quá trình lập dự án và phê duyệt dự án, đấu thầu hay lựa chọn nhà thầu cũng như quá trình triển khai thi công và vận hành khai thác chắc chắn sẽ tạo ra một hệ lụy rất nặng nề gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, làm kìm hãm sự phát triển kinh tế quốc gia. Một bài toán khó nhưng cần có ngay lời giải đó là: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế nhưng không làm mất đi tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, chi phí xăng dầu và phí đường bộ sẽ có tác động trực tiếp lên giá thành của hàng hóa và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giá là một yếu tố cơ bản quyết định đến tính cạnh tranh của hàng hóa, thử hỏi một nền sản xuất sẽ  cạnh tranh ra sao nếu giá thành hàng hóa sản xuất ra đã ở mức cao? Hàng hóa của Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh nổi với ngay cả Lào và Campuchia khi cả 2 Quốc gia này có rất ít trạm thu phí đường bộ và đang tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn các trạm thu phí đường bộ.

Sáng ngày 21/2, trong buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm rất lớn từ thẩm định, phê duyệt đến công tác quản lý chi phí đầu tư thực hiện tại các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. Điều đó chứng tỏ đang có một lỗ hổng rất lớn trong các dự án BOT và việc dư luận đồn thổi có lợi ích nhóm trong các dự án này là hoàn toàn có cơ sở.

Thủ tướng Chính phủ đang rất nỗ lực xây dựng một chính phủ Liêm chính - Kiến tạo - Hành động, một loạt các giải pháp để thu hút vồn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sẽ không thể có tác dụng nếu như những tồn tại trong các dự án BOT không được khắc phục nhanh chóng và triệt để. Bên cạnh giám sát chặt các dự án đầu tư bằng hình thức BOT thì Nhà nước cũng cần tính đến việc đầu tư các công trình giao thông từ ngân sách để người dân có thêm sự lựa chọn, người dân nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và người dân được hưởng các lợi ích công cộng cũng là một lẽ công bằng. Giảm thuế phí là khoan sức dân để người dân dễ dàng làm ăn phát triển kinh tế, dân có giàu thì nước mới mạnh.

Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.
Hai bộ xương cá Voi có chiều dài trên 22m và 18m được phục dựng phục vụ du khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.
Ngọc cốt cá Voi lớn nhất Việt Nam ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
(Ngày Nay) - Ngư dân vùng biển Việt Nam nói chung, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng có văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) nhằm cảm tạ và cầu mong cho người dân huyện đảo bình an trước sóng gió trùng khơi, khai thác được nhiều sản vật từ biển. Cũng vì vậy mà ở đảo Lý Sơn đang có hàng chục lăng mộ thờ cá Ông.