Ký ức bi tráng trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma

'Từ Cô Lin, chúng tôi nghe rõ những tiếng lục bục từ phía Gạc Ma vọng lại. HQ 604 bị vây bởi 3 tàu Trung Quốc và liên tiếp trúng đạn pháo khiến nó bị nghiêng sang một bên'.
Ký ức bi tráng trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma

“...Ít phút sau, chính HQ 505 cũng trúng đạn, tàu có nguy cơ chìm. Tình huống này buộc tôi phải mở hết tốc lực lao lên rạn san hô, biến con tàu thành một lô cốt để giữ đảo…” - Đại tá Vũ Huy Lễ, nguyên thuyền trưởng tàu HQ 505 nhớ lại những giây phút bi tráng của buổi sáng 14/3/1988.

Ký ức bi tráng trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma ảnh 1

Tàu HQ 505 (Ảnh tư liệu)

Trận chiến không cân sức

Di chứng của đợt tai biến từ năm ngoái khiến Đại tá Vũ Huy Lễ đã yếu đi nhiều. Tuy thế, mỗi lần nhắc lại những câu chuyện về trận chiến từ 30 năm trước, ông vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ.

Với ông, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp mà năm nào thủy thủ đoàn của tàu HQ 505 cũng cùng nhau ôn lại. Ông bảo: “Trong suốt những năm sau đó, chưa bao giờ chúng tôi quên những đồng đội đã ngã xuống tại Gạc Ma. Và đến tận bây giờ, ký ức về trận chiến đấu bảo vệ đảo vẫn là nỗi day dứt khi nhiều liệt sỹ vẫn chưa tìm thấy hài cốt”.

Cuối năm 1987, tình hình ngoài vùng biển Trường Sa trở nên căng thẳng khi Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến ra hoạt động tại đây. Trước Tết nguyên đán 1988 đúng 1 tuần, tàu HQ 505 nhận lệnh vận chuyển vật tư ra đảo Trường Sa, sau đó là đảo Đá Lớn để xây dựng.

Ngày 12/3/1988, HQ 505 được giao nhiệm vụ tiếp tục chuyển các thiết bị và công binh ra xây dựng trên đảo Cô Lin cùng với HQ 604 (xây dựng đảo Gạc Ma) và HQ 605 (xây dựng đảo Len Đao). Đây là 3 hòn đảo nằm trong nhóm đảo Sinh Tồn, thuộc cụm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy thế, chuyến đi ấy cả 3 con tàu đều nhận thấy nhiều bất thường khi các tàu chiến Trung Quốc liên tục xuất hiện.

Đại tá Lễ nhớ lại: “Tàu của tôi bị các tàu chiến của Trung Quốc theo rất sát. Họ liên tục có những động thái khiêu khích như cho tàu chạy cắt mũi một cách nguy hiểm hoặc thường xuyên thả trôi phía trước nhằm mục đích buộc chúng tôi phải chuyển hướng. Rất vất vả để không bị va chạm, đồng thời cũng không muốn làm căng thẳng thêm tình hình, tôi chỉ huy anh em chủ động vòng tránh và đến chập tối 13/3/1988, HQ 505 đã có mặt tại đảo Cô Lin”.

Theo kế hoạch, sáng 14/3 các tàu của Việt Nam sẽ vận chuyển vật liệu lên đảo để tiến hành xây dựng, gia cố các công trình. Tuy nhiên, những diễn biến căng thẳng xảy ra trên biển khiến đêm ấy cả tàu gần như thức trắng.

“Chúng tôi đã nghĩ đến tình huống bị tàu Trung Quốc tấn công và tính toán các phương án đối phó. Tuy nhiên, các tàu của ta khi ấy đều là tàu vận tải và không có hỏa lực để đáp trả. Mặt khác, có lẽ đã có dã tâm từ trước nên phía Trung Quốc đã chủ động gây nhiễu, phá sóng liên lạc của chúng tôi về sở chỉ huy. Mọi liên lạc vô tuyến của con tàu gần như tê liệt. Tôi quyết định bám sát tình hình, tùy cơ ứng biến và cho anh em vẫn tiến hành nhiệm vụ như bình thường”.

Rạng sáng 14/3, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ lên đài chỉ huy quan sát và nhận thấy những phỏng đoán của mình là chính xác. Từ Cô Lin, ông có thể thấy rõ 2 tàu pháo và 1 tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc đang vây quanh có những thái độ hết sức thù địch với tàu HQ 604 đang thả neo bên đảo Gạc Ma. Thế rồi, những tiếng lục bục của pháo hạm liên tiếp từ xa vọng tới, HQ 604 bốc lên những cột khói đen dày đặc và từ từ nghiêng dần…

“Tim tôi như thắt lại, HQ 604 không được vũ trang để chống tàu mặt nước, trong khi đó những họng pháo 88 ly và 100 ly của Trung Quốc vẫn không ngừng nã đạn vào chính giữa con tàu. Đúng lúc ấy, chiếc HQ 505 của tôi cũng rùng mình bởi những tiếng nổ choáng tai ở phía lái. Ở khoảng cách 2-3 hải lý, tàu Trung Quốc bắt đầu xoay nòng đại bác khai hỏa về phía chúng tôi”.

Ký ức bi tráng trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma ảnh 2

Đại tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ 505 kể lại những kỷ niệm về trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.

Quyết định lịch sử

Những phát đạn của Trung Quốc khiến động cơ của HQ 505 tê liệt. Gặp gió mùa thổi mạnh, con tàu bắt đầu trôi dạt ra phía biển. Tình hình càng nguy cấp hơn khi trên boong và hầm tàu lửa khói bốc ngùn ngụt, còn ở dưới mạn, nước ồ ạt tràn vào theo các vết đạn phá. Trong khi đó, pháo từ tàu Trung Quốc vẫn không ngừng bắn sang, nguy cơ tàu chìm thấy rõ.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ lập tức chỉ đạo thủy thủ sửa gấp máy tàu bằng mọi giá, ông nói: “Nếu tàu chìm, chúng tôi có thể hy sinh đã đành, nhưng như thế cũng có nghĩa là đảo sẽ mất. Giữ Cô Lin là nhiệm vụ tối thượng mà chúng tôi phải hoàn thành. Rất may sau đó, thủy thủ đã khắc phục xong sự cố, nhưng một bất ngờ nữa lại diễn ra, bánh lái con tàu đã không còn điều khiển được”.

HQ 505 có hai chân vịt, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ buộc phải cho 1 máy tiến, 1 máy lùi để xoay con tàu. Sau khi mũi tàu đã hướng về đảo Cô Lin, ông hạ lệnh cho các chiến sỹ chuẩn bị vũ khí cá nhân sẵn sàng chiến đấu, đồng thời mở hết tốc lực lao về phía trước. Những tiếng động ghê rợn vang lên khi đáy tàu chạm phải đá ngầm.

Ký ức bi tráng trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma ảnh 3

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (người đứng giữa, hàng đầu) cùng thủy thủ trên con tàu năm xưa (Ảnh tư liệu)

Cú tăng tốc tối đa đã đưa 2/3 thân tàu lao lên bãi san hô và mắc cạn tại đó, án ngữ luôn lối vào duy nhất của hòn đảo. Con tàu mình đầy thương tích bây giờ là một chiến lũy bằng thép khổng lồ với hàng chục khẩu súng AK sẵn sàng chống lại bất cứ cuộc đổ bộ trái phép nào. Và lá cờ đỏ sao vàng trên đài chỉ huy vẫn tung bay trong gió.

Trước tình huống bất ngờ này, tàu Trung Quốc bắn thêm vài phát đại bác về phía HQ 505 rồi rút ra xa. thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho thủy thủ vận chuyển trang thiết bị, vũ khí lên đảo, đồng thời hủy những tài liệu quan trọng của con tàu. Một tổ khác bắt đầu hạ xuồng cứu sinh bơi sang đảo Gạc Ma để tìm kiếm những thủy thủ sống sót của tàu HQ 604.

Đến cuối ngày, xuồng cứu sinh đã vớt được tổng cộng 44 người gồm cả chiến sỹ và những thủy thủ đã hy sinh của tàu HQ 604. Đêm hôm đó, tất cả các chiến sỹ của tàu HQ 505 lại thức trắng để sẵn sàng chiến đấu. Ngày hôm sau, khi mọi liên lạc với sở chỉ huy đã trở lại bình thường, HQ 505 nhận được sự tiếp cứu từ đất liền.

Tất cả những thương binh, tử sỹ được đưa vào bờ, nhưng riêng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và 9 thủy thủ của HQ 505 vẫn xung phong ở lại bám trụ trên con tàu để bảo vệ hòn đảo cho tới tận hơn 2 tháng sau mới trở về.

Nhớ lại quãng thời gian đó, ông bảo: “Hai tháng trên con tàu mắc cạn ở đảo Cô Lin là những ngày vô cùng căng thẳng. Tàu Trung Quốc liên tục lảng vảng ngoài khơi để rình rập với ý đồ chiếm đảo. Thậm chí chúng còn dùng loa gọi chúng tôi ra hàng, nếu không sẽ pháo kích tiêu diệt. Tuy vậy nhưng chưa bao giờ chúng tôi nao núng. Tất cả 10 anh em lúc đó đều chung một suy nghĩ: Nếu phải chết, chúng tôi sẽ chết trên hòn đảo của Tổ quốc mình, như những đồng đội đã ngã xuống của tàu HQ 604”.

Năm 1989, đích thân Tổng Bí thư Đỗ Mười đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng những danh hiệu cao quý khác cho thủy thủ tàu HQ 505 đã dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cứ đến ngày 14/3 hàng năm, các thành viên HQ 505 lại tổ chức buổi gặp mặt, ôn lại những kỷ niệm xưa. Và ở đó, các mái đầu nay đã bạc vẫn gọi Đại tá Lễ bằng danh từ mà họ quen gọi từ 30 năm trước: Hạm trưởng.

Theo ANTĐ

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: