MC Minh Trang chia sẻ bí quyết nuôi dạy những em bé hạnh phúc

"Hãy cùng nuôi dạy những em bé HẠNH PHÚC chứ không phải những em bé BỤ BẪM, cân nặng chiều cao vượt chuẩn, hay những em bé THÔNG MINH trước tuổi, hay những em bé NGOAN và BIẾT NGHE LỜI một cách thụ động trong nỗi sợ hãi đòn roi và quát nạt của người lớn", MC Minh Trang chia sẻ.
MC Minh Trang chia sẻ bí quyết nuôi dạy những em bé hạnh phúc

Ngay bây giờ, khi đang viết ra những dòng này, mình thấy xót xa vô cùng khi nhớ về con ngõ nhỏ với phần lớn là người dân lao động, ở khu phố cổ mà mình và Daisy đã sống 2 năm vừa qua, nhớ tới một em bé cũng ngõ chưa đầy 1 tuổi, chưa đứng vững và nói sõi, bữa ăn nào cũng chan nước mắt, không há miệng thì bị quát, ăn không nuốt cũng bị quát, ăn không hết bát bột to cũng bị quát, rồi khi ăn hết rồi bị trớ hết ra là những cái đánh vào mông lia lịa kèm tiếng mắng rít lên từng hồi của mẹ. Trên tầng 2 là một em bé học tiểu học, đã lì đòn đến mức bị quát mắng mà mặt em chẳng thể hiện chút cảm xúc nào, cứ đứng thẳng như vậy để hứng từng trận đòn roi và đủ mọi câu chửi thề, mắng mỏ không dứt của bố mẹ.

Mỗi lúc nghe có tiếng đánh mắng, Daisy lại chạy ra ôm mẹ, và thắc mắc "Mẹ ơi, tại sao em/anh/chị/bạn này lại bị bố mẹ đánh/mắng thế?". Mẹ chẳng biết nói gì hơn, chỉ nhẹ nhàng giải thích "Daisy à, người lớn đánh trẻ con là không đúng đâu, rất sai là đằng khác. Sẽ có nhiều cách khác để các bạn nhỏ ngoan hơn, nhưng TRẺ EM LÀ ĐỂ YÊU THƯƠNG, chứ không phải để đánh. Nếu con bị ai đánh, hoặc nhìn thấy ai đánh các bạn nhỏ, con hãy kể với mẹ nhé"...

Có mang nặng đẻ đau một đứa con mới hiểu chia sẻ của nhiều nhiều người làm bố làm mẹ, rằng sinh con ra, chẳng dám ước ao con sẽ thành thần đồng hay ông nọ bà kia, chỉ mong con khỏe mạnh, vui vẻ, thành người tốt là được. Mình cũng chỉ mong có thế. Mọi cố gắng nỗ lực và mong ước của mình, là làm sao nuôi dạy Daisy là một em bé VUI VẺ, ĐỘC LẬP, suy nghĩ TÍCH CỰC, biết YÊU THƯƠNG, CHIA SẺ với mọi người, và thế giới xung quanh con - một em bé HẠNH PHÚC.

Mình xin chia sẻ những gì mình đã tìm hiểu và áp dụng với bạn Daisy, kể cả những thất bại và thành công, những điều làm được và chưa làm được, để các bạn cùng tham khảo, trong quá trình làm bạn với những em bé HẠNH PHÚC nhé

MC Minh Trang chia sẻ bí quyết nuôi dạy những em bé hạnh phúc - anh 1

Hãy cùng nuôi dạy những em bé HẠNH PHÚC

... bằng ngôn ngữ TÍCH CỰC và TÔN TRỌNG

Thử nhớ lại xem nhé, bạn có thường xuyên làm những việc sau hay không?

- Cúi khom người hoặc quỳ 1 chân để đứng ngang bằng với các em bé dưới 6 tuổi (hoặc thấp hơn mình), khi nói chuyện/trả lời các em?

- Sử dụng câu với đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ khi nói chuyện với con?

- Thay vì câu mệnh lệnh, bạn dùng câu hỏi để yêu cầu con làm việc gì đó "Con có thể bước xuống sàn được không? Vì đứng trên ghế rất nguy hiểm và dễ ngã" thay vì "Không đứng trên ghế như thế, bước xuống đây ngay"?

- Nói "Cám ơn con" ?

- Nói "Bố/mẹ rất tự hào về con" ?

- Nói "Con muốn như thế nào?/ Con nghĩ gì về chuyện này, con có thể nói cho bố/mẹ biết được không?" ?

Trẻ con như một tấm gương phản chiếu tất tần tật những gì chúng quan sát được, lắng nghe được và học được ở thế giới xung quanh, bao gồm cả chúng ta - bố mẹ của chúng. Đừng đòi hỏi con phải nói đủ chủ ngữ vị ngữ, thưa gửi, "ạ", "dạ vâng", nếu như hàng ngày tất cả những gì chúng nghe được từ chúng ta là những

- "Nhai đi, nuốt đi"

- "Dọn sạch đồ chơi ngay"

- "Nínnnnnnnn. Nín ngay, không khóc nữa"

- "Không sờ/không nghịch vào cái này"

- "Mặc áo vào, đi dép vào, đeo balo vào, đi nhanh lên, đi chậm thôi, đứng yên đấy"...

Mình tin rằng, trẻ nhỏ để có thể lớn lên thành một người vui vẻ, hạnh phúc, tự tin vào bản thân, rất rất cần được đối xử một cách tôn trọng ngay từ những năm đầu đời. Bạn có hay nói trống không hoặc dùng câu mệnh lệnh với sếp/đồng nghiệp/bạn bè/vợ/chồng của mình không? Thậm chí bạn có là sếp cũng chẳng khiến ai mê nổi nếu giao tiếp theo cách đó. Ít nhất cũng phải "nhé", "nhỉ", "có được không" chứ? Vậy tại sao lại có thể mặc sức ra lệnh, thản nhiên dùng câu cụt lủn, chẳng có chút cảm xúc nào với đứa con bé nhỏ của mình đang ở tuổi học ăn học nói?

Chưa kể việc LẠM DỤNG CÂU MỆNH LỆNH cũng dễ làm gia tăng sự nóng giận, dẫn đến quát mắng, không khí gia đình căng thẳng, mệt mỏi cho không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn khi phải nghe liên tục. Nói chuyện "lịch sự" với con sẽ giúp bố mẹ bình tĩnh hơn, trẻ con cũng dễ tiếp nhận hơn, quan trọng nhất là hiệu quả lắm nhé.

Nói vậy chứ bản thân mình không phải lúc nào cũng làm được điều này 100%, nhiều lần cũng mất bình tĩnh, cũng nhanh cáu, cũng nói câu cụt, nói chung là cũng quên mất "lý thuyết" ở trên chứ. Nhưng mình luôn tự nhủ 1 "câu thần chú": CON LÀ BẠN THÂN, rồi nhớ đến những lúc không giữ được bình tĩnh mà quát mắng con, điều mình nhận lại chỉ là khuôn mặt đỏ bừng của con, ánh mắt sợ sệt, khóc nấc không thành tiếng, và sau đó là cả một sự ân hận và tự trách bản thân. Mình liền hạ giọng, giãn cơ mặt, nói với tone giọng vui tươi/nhẹ nhàng/ấm áp/chậm rãi hơn.

Trước đây, Daisy hay nói leo khi người lớn đang nói chuyện (vì bạn ấy lúc nào cũng có quá nhiều thứ để kể lể trình bày ^^). Những lúc như thế, thay vì xua bạn ấy ra chỗ khác kiểu "Không nói leo, đi ra chỗ khác chơi". Mình sẽ nói:

"Daisy ơi, con có thấy 2 mẹ đang nói chuyện dở với nhau không?, Nếu con có điều gì muốn hỏi/trình bày, con hãy nói nhẹ nhàng "Mẹ ơi, mẹ cho con/con xin phép nói được không ạ?".

Daisy ngay lập tức sẽ lặp lại câu "gà bài" đó của mẹ, mẹ sau đấy sẽ quyết định có cho bạn ấy nói không tùy vào độ nghiêm túc của bạn ấy. Có thể là "Được, mẹ đồng ý, con nói đi" hoặc "Mẹ vẫn đang nói dở, con đợi 1 lát nữa khi nào mẹ nói xong mẹ sẽ mời Daisy nói nhé". Nếu là 1 bạn nhỏ siêu hiếu động và miệng liến thoắng không yên, việc hỏi lại, bảo bạn ấy nói lại, mẹ giải thích..., sẽ giúp bạn ấy bình tĩnh lại, sự cấp thiết của việc "nói leo" cũng biến mất luôn.

Tuy nhiên, nên nhớ, đừng coi thường trẻ nhỏ, đôi khi chúng sẽ giúp cảnh báo nguy cơ hay nói cho chúng ta biết về những điều bất thường không ngờ tới trong nhà đấy!

MC Minh Trang chia sẻ bí quyết nuôi dạy những em bé hạnh phúc - anh 2

NGÔN NGỮ TÍCH CỰC, lịch sự tôn trọng với trẻ nhỏ còn thể hiện rõ nhất qua cách dùng từ nữa. Khi học tiếng Anh, mình thấy rất tâm đắc với việc người Âu Mỹ thường nói "I don't think I like this" thay vì "I don't like this". Với trẻ con cũng vậy. Hãy hạn chế dùng những từ tiêu cực, chung chung, không có tính miêu tả như "Sao con HƯ/QUẤY thế?" "Sao con NGHỊCH thế? Con không thể ngồi yên được 1 lúc à?". Hoặc khi con vừa làm điều gì đó sai, cứ hỏi đi hỏi lại câu "TẠI SAO con lại làm ABC, XYZ?" Tất nhiên là nó chẳng thể biết tại sao được, những câu hỏi như vậy chỉ làm tình trạng thêm căng thẳng, mà chẳng ra được chút thông tin hay phương án xử lý nào! Thay vào đó, hãy dùng thể phủ định của 1 từ tích cực (chưa ngoan, không đúng, không nên, không tốt, không ổn, không hợp lý, không vui, không thoải mái....)

Và hãy cùng nói chuyện với con, nói về hành động cụ thể mà bạn cho là "hư" đó. Hãy thử mọi hướng tư duy, dẫn dắt con cùng suy nghĩ, và để con tự đưa ra quyết định và đành giá hành động đó của mình là "đúng/sai", "nên/không nên".

Ví dụ:

- Daisy ơi, có phải con vừa ném thức ăn trong bát xuống sàn nhà không?

- Thứ con vừa ném mẹ đã mất cả buổi tối để nấu được như thế đấy.

- Nếu con cố tình làm như thế thì mẹ thấy là chưa ngoan đâu.

- Nếu thức ăn bị ném xuống sàn nhà thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ? (bị dính bẩn, vi khuẩn sẽ tấn công bạn thức ăn, hết thứ để ăn, tối nằm ngủ sẽ đói...)

- Con thử nhớ lại xem một nàng công chúa lịch sự (với đk trước đó mình đã phải đọc/kể/nêu được ví dụ cho con về 1 hình mẫu nào đó) có vứt đồ ăn xuống sàn như thế không nhỉ?

- Con nghĩ làm thế là đúng hay sai?

- Con có thể sửa chữa bằng cách nhặt lại chỗ thức ăn con vừa ném ra đấy.

- Con có muốn mẹ hướng dẫn con nhặt/cùng nhặt với con không?

Và đừng quên kết thúc bằng một lời khen/động viên/khích lệ/cám ơn bạn ấy nhé

- Cám ơn Daisy đã nhặt sạch chỗ thức ăn ở dưới sàn

- Mẹ rất vui vì công chúa lịch sự ngoan ngoãn đã quay trở lại

- Hi five!!! Sàn nhà đã sạch bong rồi!!! Yayyyyy!!!!

MC Minh Trang chia sẻ bí quyết nuôi dạy những em bé hạnh phúc - anh 3

TÔN TRỌNG con, còn đồng nghĩa với việc tôn trọng ý kiến, lựa chọn của con. Hãy nghĩ về bản thân chúng ta, khi nhỏ lẫn lúc trưởng thành, cảm giác bị bố mẹ áp đặt, cả suy nghĩ và hành động thì nó như thế nào? Vậy nên hãy cùng con "phát huy dân chủ" (nhưng là dân chủ có định hướng) nhé. Hehe ^^

Daisy là một em bé rất cá tính, hay thích làm theo ý mình (mà mình thấy các em bé xung quanh đều thế).

Thay vì áp đặt, hãy đưa ra một vài phương án để con LỰA CHỌN. Lợi ích của việc này, là con sẽ phải tư duy, suy nghĩ để chọn ra phương án mình thích hơn cả. Con được chủ động với quyết định của mình, cảm giác tự tin và chắc chắn hơn. Với quyết định do mình đưa ra, con cũng sẽ hạn chế việc đổ lỗi, học cách tự chịu trách nhiệm và rút ra kinh nghiệm cho những lựa chọn sau. Đối với bố mẹ, tưởng là sẽ mất nhiều thời gian hơn (để con suy nghĩ, lựa chọn) nhưng so với việc con cứ nằng nặc đòi/khóc đòi/bố mẹ quát nạt, thì cũng không lâu hơn là mấy; cộng thêm việc bố mẹ có thể "khoanh vùng" các phương án để con lựa chọn, đảm bảo dù con có chọn phương án gì thì cũng không lo chệch khỏi định hướng của bố mẹ.

Ví dụ nhé:

Con nói "Con không thích ăn cơm"

- Được thôi, mẹ không ép con ăn cơm. Nhưng bây giờ là giờ cơm, cả nhà mình hãy cùng ngồi vào bàn. Mẹ sẽ để bát cơm và 1 ít đồ ăn cho con. Con có thể ăn hoặc không ăn, hoặc ăn 1 ít nếu con muốn nhé.

- Hãy "quảng cáo" thêm: Hôm nay có món ABC, XYZ mẹ nấu kiểu DEF cực kỳ hấp dẫn luôn

Con nói "Con không thích ăn chuối"

- Vậy mẹ sẽ đưa cho con nguyên đĩa chuối đây, rất nhiều quả khác nhau, hãy chọn 1 quả con thích nhất nhé.

- Mẹ thấy có quả này dài nhất này, quả này mập nhất này, quả này lại còn có đốm nữa. Lạ chưa?

hoặc

- Có chuối và táo, con thích quả nào hơn?

Trời đang mưa, con nói "Con thích đi đôi Hello Kitty bằng vải này cơ"

- Con hãy chọn trong số những đôi bằng nhựa/xốp này vì nó sẽ không thấm nước.

- Con có 2 lựa chọn, một là đi đôi Hello Kitty bằng vải này và tẹo nữa ra đường sẽ bị ướt, bẩn hết; hai là đi đôi Elsa bằng nhựa này và tha hồ lội nước với mẹ.

Thế mà có lần Daisy vẫn kiên quyết đi giày vải trời mưa, cũng không sao, vì sau đó bạn ấy sẽ biết được "hậu quả". Mà việc "tự giác ngộ" này hiệu quả gấp nhiều lần việc bố mẹ chỉ đặt giả thuyết rồi đơn phương áp đặt phương án khác. Tuy hỏng 1 đôi giày nhưng con sẽ học được nhiều thứ. Để rồi những bước đường sau này, khi lớn hơn, sẽ không bị hỏng những thứ quan trọng hơn.

TÔN TRỌNG con, cũng có nghĩa là không "nói xấu" con, nhất là nói xấu trước mặt con. Mình nghĩ dùng từ "nói xấu" ở đây còn hơi nhẹ, vì những gì nhiều ông bà bố mẹ hay nói, có thể để lại hậu quả to lớn hơn về tâm lý, nhận thức cho con trẻ, hơn là hai từ "nói xấu".

Đáp lại một câu khen xã giao của chị bạn "Nhóc nhà chị có vẻ ít nói, ngoan ngoãn nhỉ?" Bà mẹ buông một câu ngay trước mặt con "Ôi chị ơi, ngoan gì, bình thường hư lắm/lười ăn kinh khủng/nghịch như giặc, cả nhà mệt mỏi vì nó lắm".

hay nói với con/để con nghe thấy những thứ "hư thì vứt vào sọt rác, cho ra rìa, tặng cho người khác nuôi..." đã để lại hậu quả đau xót mà truyền thông những ngày qua đã nói đủ nhiều... Một vài câu nói đùa, xã giao vui vẻ, nhưng tổn thương thì vô cùng, và rất thật.

Nhiều người vỗ ngực và tự tin với nguyên tắc "KHÔNG ROI VỌT, KHÔNG ĐÁNH CON" của mình, nhưng "bạo hành" bằng ngôn ngữ thực ra kinh khủng và tổn thương mạnh mẽ không kém đến trẻ nhỏ. Nói to, ngôn từ mang tính trì chiết, ý nghĩa tiêu cực lặp đi lặp lại, ngôn ngữ có tính chất dọa nạt, nhất là dọa nạt những thứ phi thực tế/khoa học... là một dạng "emotional abuse"(bạo hành tâm lý/tinh thần), mới mức độ tổn thương lên tinh thần và sự phát triển của trẻ nhỏ được các nhà tâm lí học đánh giá là trầm trọng hơn cả "physical abuse" (bạo hành thể chất) bởi khác với physical abuse, bạo hành tinh thần sẽ để lại những vết sẹo vô hình, dai dẳng và đôi khi là vĩnh viễn lên tâm hồn trẻ em...

"Những lời nói của chúng ta có sức mạnh cực kỳ lớn. Hãy sử dụng chúng một cách khôn ngoan"

Xem thêm:

- Khi nào nên bắt đầu đọc sách cho con?

- Kinh nghiệm chọn trường mầm non của MC Minh Trang

Nguồn: Facebook nhân vật
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.