Mưa lũ chia cắt nhiều nơi: 6 người chết, mất tích

Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho biết, tính đến chiều 17/8, ít nhất 6 người chết, mất tích, nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt do mưa lũ từ ảnh hưởng của bão số 4.

Công an cứu trợ ở thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Công an cứu trợ ở thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Lũ cuốn làm 2 người tử vong tại Thanh Hóa và Nghệ An. Tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa), đất đá sạt lở, chia cắt trục đường 15C, sạt lở 36 điểm dọc các tuyến đường liên xã, liên huyện. Mưa lũ cũng cuốn trôi 2 ngôi nhà ở bản Na Hào, xã Mường Chanh, 20 con trâu, bò, làm ngập 6.000 m2 ao cá và 100ha hoa màu.

Tại Nghệ An, khu vực dốc Chó, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Quốc lộ 7), sạt lở ta luy dương dài 20m làm ách tắc giao thông cục bộ. Ở thị trấn Kỳ Sơn, phải di dời 16 hộ (72 nhân khẩu).

Mưa lũ lớn cũng cuốn trôi 2 người tại các huyện Vân Hồ, Mường La, tỉnh Sơn La. Địa phương đã tìm thấy 1 thi thể nạn nhân.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa lũ do bão số 4 sẽ gây lũ quét, sạt lở, ngập úng ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở Nghệ An, Thanh Hóa và khu vực miền núi phía Bắc. Trên sông Kỳ Cùng và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An lũ đang lên, riêng sông Hiếu và thượng nguồn sông Cả đang lên nhanh. Dự báo, đến sáng 18/8, mực nước sông Bưởi tại Kim Tân lên mức 11,5m, dưới BĐ3 0,5m.

Mưa lũ chia cắt nhiều nơi: 6 người chết, mất tích ảnh 1

 Mưa lớn gây sạt lở và ngập úng ở nhiều tuyến quốc lộ đoạn qua Nghệ An.

Khu vực Bắc bộ hiện có 82/289 hồ chứa lớn và 990/2.696 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Bắc Trung bộ có gần 1.000 hồ chứa thủy lợi nhỏ đầy nước, 95 hồ xung yếu. Thanh Hóa có 375 hồ chứa đã đầy nước. Con số này ở Nghệ An là 470.

Lúc 7h sáng 17/8, bà Vi Thị Thêu ở bản Nà Chừa, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cùng chồng đến khu vực ao cá của gia đình để kiểm tra. Thấy nước tràn mặt ao, người chồng quay về nhà để lấy chài lưới vây cá. Lúc quay trở lại, ông phát hiện vợ mình là bà Thêu bị đất đá sạt lở đè tử vong.

Sáng 17/8, TP Thanh Hóa và các vùng lân cận không có mưa, trời nắng. Trong khi đó, nhiều huyện miền núi của Thanh Hóa như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân có mưa từ đêm hôm trước, cộng với nước thượng nguồn đổ về gây ngập lụt cục bộ nhiều nơi, nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông...

Ngập lụt nhiều nơi

Tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Nghệ An, mưa lớn tiếp tục diễn ra khiến mực nước ở sông Nậm Nơn dâng cao, xã Mỹ Lý có 19 ngôi nhà bị ngập sâu, xã Keng Đu phải di dời 2 nhà ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đường vào xã Tà Cạ ách tắc lúc sáng sớm 17/8 và hiện địa bàn này đã bị nước cô lập. Nhiều điểm trường bị sạt lở, hư hỏng. Thị trấn Mường Xén nhiều điểm ngập sâu trên nửa mét. Khoảng 11h30 hôm qua, chị Moong Mẹ Tân (trú tại bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu) đón cháu Cụt Văn Thôn học sinh lớp 6 đi học về, qua khe suối tại bản Lưu Thắng thì cả 2 mẹ con bị nước lũ cuốn trôi, mất tích. Cùng ngày, UBND huyện Kỳ Sơn nhận được thông tin một em học sinh 12 tuổi tại xã Tây Sơn mất tích và một nam thanh niên được phát hiện bị chết trôi, chưa xác định danh tính.

Mưa lũ chia cắt nhiều nơi: 6 người chết, mất tích ảnh 2

Lũ lớn bủa vây công trình cầu Kỳ Cùng. Ảnh: Duy Chiến.

Tại huyện Con Cuông, nước lũ dâng cao gây tắc đường, cô lập các bản làng xã Thạch Ngàn. Tại huyện Quỳ Hợp, mưa lớn gây ngập, sạt lở trên diện rộng tại xã Châu Lý, Châu Thành, Châu Hồng... Tất cả cầu tràn ở xã Châu Lý đã bị ngập sâu gây chia cắt các bản. Nhiều diện tích ao cá, lúa của người dân bị thiệt hại.

Ngày 17/8, ông Nguyễn Hữu Nông - Chủ tịch UBND xã Ðắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cho biết, các lực lượng chức năng đang tìm kiếm nam thanh niên mất tích khi bơi qua sông Pô Kô. Chiều 15/8, anh Blong Lạ (27 tuổi, ngụ tại làng Tà Poók, xã Ðắk Nông) bơi qua sông Pô Kô để về nhà, nhưng bị nước cuốn mất tích. Trong lúc gia cố bờ ao thả cá của gia đình, ông A Xỹ (46 tuổi, ngụ tại làng Chả Nhầy, xã Ðắk Dục, huyện Ngọc Hồi) bị đất sạt lở vùi lấp, tử vong tại chỗ. Ông Trần Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, cho biết, hiện nay, người và phương tiện lưu thông qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y sang Lào đang phải ở lại khu vực cửa khẩu do tuyến đường phía bên Lào đang bị sạt lở nghiêm trọng. Dự kiến phải mất khoảng 5-6 ngày nữa mới thông tuyến.

Tàu cá mất tích

Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN cho biết, một tàu cá của Bình Ðịnh mất tích ngoài khơi 4 ngày qua. Khoảng 16 giờ ngày 11/8, tại khu vực cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 94 hải lý, tàu cá BÐ 96151 TS có 3 ngư dân bị mất liên lạc. Tàu cá BÐ 97459TS và một số tàu cá bạn đang tổ chức tìm kiếm.

Lũ lớn đe dọa cầu Kỳ Cùng

Trưa 17/8, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng tới kiểm tra, đồng thời yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị thi công cầu Kỳ Cùng bằng mọi cách tạo dòng chảy thông thoáng, gia cố các vị trí có nguy cơ bị sạt lở, phân công các lực lượng ứng trực, có giải pháp ứng phó kịp thời.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, mực nước trên sông Kỳ Cùng dâng cao bất thường, hiện tại mấp mé đôi bờ. Tại sân đền Kỳ Cùng bên bờ Bắc, nước đã tràn vào sân. Tại công trình Kỳ Cùng mới xây dựng xong phần mái vòm cầu, việc thi công phải dừng lại vì mưa lũ lớn của đợt bão số 4 kéo về. Một số hạng mục xây dựng chìm trong biển nước, vòm cầu chỉ còn cách mặt nước lớn có vài mét. Cuối năm 2016, mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, tỉnh Lạng Sơn vẫn quyết tâm tháo dỡ cầu cũ để xây dựng cầu mới với tổng mức đầu tư khoảng 405 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 6/2018 hoàn thành. Cầu mới được thiết kế, xây dựng mặt cầu thấp hơn cầu cũ khoảng 1,8m.

Một số chuyên gia cho rằng, với địa thế cầu Kỳ Cùng hiện tại, phía thượng lưu nằm trong đoạn sông cong (giảm gia tốc dòng chảy khi có lũ nhưng lại tạo xoáy lớn), hạ lưu cầu là đoạn sông thẳng. Với đặc điểm như vậy, nếu xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, biến động lưu lượng dòng chảy thì công trình dễ gặp nguy hiểm.

Theo Tiền Phong
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
(Ngày Nay) - Tổ chức UNICEF cho biết hơn 13.000 trẻ em đã thiệt mạng sau khi xung đột nổ ra tại Dải Gaza và cảnh báo vấn nạn suy dinh dưỡng khiến những trẻ còn sống "thậm chí không còn sức để khóc”.
Núi lửa ở Iceland lại "thức giấc"
Núi lửa ở Iceland lại "thức giấc"
(Ngày Nay) - Rạng sáng 17/3 (giờ Việt Nam), một vụ phun trào núi lửa đã xảy ra trên bán đảo Reykjanes ở Tây Nam Iceland. Đây là lần thứ 4 núi lửa "thức giấc" trên bán đảo này kể từ tháng 12 năm ngoái.