Nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba: Ai cho em chế độ?

(Ngày Nay) - Những chiếc trực thăng cuối cùng đã rời khỏi Sài Gòn cách đây hơn 40 năm. Chừng ấy năm, kẻ thù ngừng dội bom, súng ngừng bắn nhưng di chứng chiến tranh thì chưa ngày nào ngừng hành hạ những người lính cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… bị nhiễm chất độc da cam trở về, thậm chí sau 3-4 thế hệ, chất độc vẫn chưa chịu “buông tha”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những đứa trẻ mang bệnh trong “bóng tối”

Cứ mỗi dịp tháng Bảy lịch sử, trong nhiều cuộc tọa đàm nhìn về quá khứ hào hùng, tôi chứng kiến nhiều nhân chứng lịch sử, quân hàm nặng vai, lên tiếng đòi chế độ cho con cháu mình là thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam dioxin. Có cụ già râu tóc bạc phơ, nước mắt lem nhem mờ cả kính, chân run vẫn đứng lên nói về những nỗi khổ của con, cháu mình khi phải gồng gánh do nhiễm chất độc ông “trót” mang về từ rừng thiêng nước độc.

Nhưng muốn gặp tận nơi, chứng kiến tận mắt những thiệt thòi mà biết bao đứa trẻ thế hệ thứ ba nhiễm chất độc da cam đang đối mặt thì… không dễ! Trên khắp 30 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, những đứa bé là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba không ít. Theo số liệu thống kê, một số quận, huyện có đến 10-20 đứa bé, nhưng số gia đình dám công khai rằng con mình nhiễm chất độc da cam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đã dăm bảy lần, tôi ngỏ ý đến thăm một gia đình một lão thành cách mạng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng để viết về nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba, nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ chối. Gia đình ông có truyền thống cách mạng từ cha đến con, vị lão thành cách mạng này từng nổi tiếng vì dũng cảm trên nhiều trận địa, bí mật nuôi lính… Trở về thời bình, ông gieo chất độc da cam cho cháu. Nhưng cả gia đình đều giấu chuyện, thậm chí không làm hồ sơ nạn nhân nhiễm chất độc da cam vì cháu nó đến tuổi đi học, bạn bè trêu chọc phiền toái lắm, cả cô lẫn cha mẹ đều mệt, sợ nhất là không dựng vợ gả chồng được… Một hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam quận Hai Bà Trưng nói với tôi, đây là vấn đề khá “nhạy cảm”.

Chẳng riêng gì quận Hai Bà Trưng, nhiều trường hợp ở nội thành cũng lắc đầu từ chối. Một nạn nhân chất độc da cam quận Hoàn Kiếm đúc kết: “nội thành người ta ngại công khai lắm, không dám làm hồ sơ, Hà Nội đất chật người đông, nhỡ sau này biết chuyện chẳng ai lấy thì khổ (!?)”.

Suy nghĩ ấy tưởng chỉ tồn tại ở nội thành, hóa ra lan cả ngoại thành. Bà Nguyễn Thị Thông – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hoài Đức cho chúng tôi biết, trên địa bàn có hơn 10 đứa trẻ thế hệ thứ ba, nhưng chỉ có một trường hợp phát bệnh nhìn thấy rõ. Gia đình có cháu trai thế hệ thứ ba nhiễm chất độc da cam có ông đi kháng chiến, bố mẹ đều bình thường. Từ khi sinh ra đến 10 tuổi, cháu vẫn bình thường như các bạn cùng trang lứa, nhưng đến 11 tuổi thì xương khớp bắt đầu “giở chứng”, các khớp sưng, đi lại rất khó khăn, hiện cháu bé đang phải điều trị về xương. Cụ ông thằng bé - người từng sinh ra tử ở các chiến trường miền Nam ngậm ngùi: “Tôi đã mừng húm khi con gái bị nhiễm chất độc da cam, còn con trai thì không. Ngờ đâu cháu trai phải gánh chịu… Đau xót quá”. Việc chạy chữa hiện giờ khá tốn kém, nhưng gia đình không muốn công khai cháu là nạn nhân chất độc da cam vì ám ảnh nỗi sợ lớn nhất: sau này khó lấy vợ.

Nói ra được gì?

Không đơn giản chỉ là nỗi lo lắng sợ con em mình bị bạn bè trêu chọc, sợ sau này chúng khó dựng vợ gả chồng… theo nhiều cựu chiến binh, rào cản lớn nhất khiến các bậc làm ông bà, cha mẹ không muốn công khai chuyện gia đình là các cháu chưa được hưởng chế độ gì vì là thế hệ thứ ba. Thay vì công khai khiến con bị trêu chọc, mọi người chú ý, điều mà các gia đình có thể giúp con một cuộc sống bình yên là giữ bí mật trong bóng tối. Tất cả những đứa trẻ nom bình thường, không bị sứt môi, hở hàm ếch, thừa ngón tay, thiểu năng trí tuệ hay tâm thần… mà phát bệnh “kín đáo” về xương khớp, tim… đều được gia đình giấu nguồn gốc là chất độc da cam.

Không may mắn như nhiều gia đình ở Hà Nội, cựu chiến binh Lại Hữu Phúc, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, Phú Thọ - hàng xóm của bà tôi không giấu được bệnh của cháu. Bà bảo, cả xóm ai cũng biết cháu gái ông bị nhiễm chất độc da cam. Ông không giấu được bệnh cho cháu gái vì nó bị dị tật hở hàm ếch. Chất độc da cam/dioxin ông Phúc bị nhiễm trong thời gian tham gia chiến trường đã cướp đi mạng sống của người con trai cả Lại Hữu Phước. Đứa cháu nội Quỳnh Trang vừa mồ côi cha, vừa bị dị tật hở hàm ếch được ông bà cưu mang, chăm sóc từ nhỏ. Trải qua 4 lần vá hàm ếch, 2 lần vá môi nhưng vì dị tật lớn nên đến giờ hàm ếch của Trang vẫn chưa xóa được.

Nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba: Ai cho em chế độ? ảnh 1Ông Phúc và cháu gái không may mắn bị nhiễm chất độc da cam

Nỗi đau chiến tranh vẫn cứ hiện hữu trên gương mặt cô bé. Cứ nghe có đoàn mổ hàm ếch ở đâu là ông bà lặn lội đưa Trang đến. Có những lần cháu xuất huyết tưởng chết nhưng hai ông bà vẫn cố. Đánh đổi gì ông bà cũng đánh đổi, nhưng nào có được. “Hồi mới đi học, cháu nó bị chúng bạn chê cười nhiều, ông bà thương lắm, giờ lâu thành quen. Nhưng sau này cháu  nó đi làm ra sao, còn lấy chồng nữa…” – ông Phúc thường thở dài khi nói chuyện với hàng xóm, láng giềng.

Dù công khai cháu gái là nạn nhân chất độc da cam, nhưng ông Phúc và cháu Trang vẫn chưa được hưởng bất cứ chế độ hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng. Đây cũng là tình trạng chung của hàng triệu đứa trẻ thế hệ thứ ba khác. Hiện, những chính sách hỗ trợ mới chỉ dừng ở nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ nhất (đời cha) và thế hệ thứ hai (đời con), đến thế hệ thứ ba (đời cháu) thì chưa được hưởng bất cứ chính sách hỗ trợ nào.

Từ năm 2000, Việt Nam bắt đầu có một chính sách riêng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và dần hình thành chính sách độc lập, cơ bản, hệ thống đối với nạn nhân da cam/dioxin, tập trung vào người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ (trước đó mọi sự quan tâm đều được lồng ghép trong các chính sách khác). Sau năm 2000, một loạt các chính sách khác ra đời và được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, nhưng rốt cuộc, cho đến nay, các gia đình nạn nhân có thế hệ thứ 3 chỉ được nhận gần 300.000 đồng/tháng hỗ trợ dựa theo mức suy giảm khả năng lao động, chưa được hưởng theo chính sách người có công như con đẻ.

Đợi chế độ đến bao giờ?

Hơn nửa thế kỷ qua, chất độc da cam/dioxin đã hành hạ biết bao thế hệ người Việt Nam. Cả nước đã ghi nhận di chứng chất độc da cam di truyền sang thế hệ thứ tư, số nạn nhân là con, cháu, chắt người bị nhiễm trong chiến tranh ở Việt Nam lên đến hàng triệu người. Nhưng những mong mỏi của biết bao gia đình nạn nhân chất độc da cam, nhất là những gia đình bị ảnh hưởng đến thế hệ thứ ba, thứ tư vẫn bị bỏ lửng.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin Việt Nam (VAVA) cho biết: Chất độc da cam/diôxin khiến 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba. Hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật, sống đời sống thực vật... “Theo thống kê của VAVA, hiện vẫn còn khoảng 100.000 trường hợp người tham gia kháng chiến chưa được hưởng các chính sách về nhiễm chất độc da cam do bị thất lạc giấy tờ, xác định cụ thể loại bệnh… Đặc biệt là thế hệ thứ 3, hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, nhưng đối tượng này chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng”.

Theo lý giải của một đại diện cơ quan chức năng, hiện chúng ta chưa có tiêu chí và chính sách nghiên cứu để xác định thế hệ cháu, chắt có phải bị phơi nhiễm hoặc liên đới tới chất độc da cam hay không. Việc xác định không đơn giản. Đối với chuyên ngành y, cơ sở để xác định bệnh do nhiễm chất độc hóa học chưa có, kể cả các nước trên thế giới. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, khi muốn xác định người đó bị nhiễm dioxin thì thực chất phải lấy máu, xét nghiệm được chất đó trong máu – chuyện đó không hề dễ dàng.

Nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba: Ai cho em chế độ? ảnh 2Quá nhiều vướng mắc khiến việc giải quyết chính sách cho thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam bị đẩy chậm (Ảnh minh họa Internet)

Hiện Viện Di truyền học đang nỗ lực nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tới thế hệ thứ 3, thứ 4. Theo nguyên tắc chung, khi chất độc đã tác động đến thế hệ thứ 2 thì theo logic có thể sẽ gây ra những biến dị cho các thế hệ tiếp theo. Thậm chí các biến dị này không theo quy luật ngày càng tăng dần, mà có khi thế hệ sau bị chìm xuống, đến một thế hệ nào đấy lại bùng ra. Một thế hệ khỏe mạnh, tuy nhiên đến đời con, cháu lại tái phát bệnh.

Trên thực tế, việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam còn nhiều hạn chế, bất cập về cả nội dung văn bản lẫn quá trình tổ chức thực hiện. Các chính sách mới chỉ giải quyết được một phần. Số hồ sơ tồn đọng còn nhiều, mức trợ cấp thấp, đời sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn rất nhiều khó khăn, nhất là những người bị bệnh nặng. Nhiều nạn nhân còn nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách. Sự phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan chuyên trách còn thiếu chặt chẽ. Việc thực hiện Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh người có công đang nảy sinh một số vướng mắc (giải mã đơn vị, mất giấy tờ, bệnh án...)… Quá nhiều vướng mắc khiến việc giải quyết chính sách cho thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam bị đẩy chậm, khất lần từ năm này qua năm khác.

Theo ông Nguyễn Văn Rinh, trong thời gian tới, VAVA tiếp tục kiến nghị các ngành chức năng hữu quan xem xét giải quyết các chế độ chính sách với người có công đã tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, đặc biệt là thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.