Những chiêu trộm cướp của kẻ gian dịp cuối năm

(Ngày Nay) - Chỉ trong 1-2 tháng trở lại đây, xảy ra những vụ án có tính chất “đầu trộm, đuôi cướp” (mục đích lấy trộm tài sản, khi bị phát hiện thì ra tay hạ sát chủ nhà). Tuy chỉ xảy ra rải rác ở các tỉnh, thành, nhưng các vụ án là tiếng chuông cảnh báo để mọi gia đình nâng cao cảnh giác những ngày cuối năm.
Những chiêu trộm cướp của kẻ gian dịp cuối năm

Nhà dân vào “tầm ngắm”

Cuối tháng 10/2016, một vụ trọng án đã xảy ra tại nhà ông Bùi Xuân Thường – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khiến vợ và con trai ông Thường tử vong. Nguyên nhân vụ trọng án bắt nguồn từ việc kẻ gian đột nhập lấy trộm tài sản, sau đó bị chủ nhà phát hiện nên đã ra tay hạ sát.

Kẻ sát nhân là Châu Minh Nhân (SN 1996, ngụ tỉnh Vĩnh Long). Trước khi xảy ra vụ án khoảng 1 tuần, đối tượng được công ty ở Quận 9 điều xuống huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để thiết kế, xây dựng sân cỏ nhân tạo cho gia đình ông Bùi Xuân Thường. Quá trình làm việc, Nhân để ý thấy nhà của ông Thường khá khang trang, bản thân Nhân đang túng thiếu nên nảy sinh ý định đột nhập vào nhà trộm tài sản để bán lấy tiền tiêu xài.

Theo lời khai, chiều 23/10, Nhân ăn cơm tối với gia đình ông Thường, được ông này cho mượn xe gắn máy chạy về TP.HCM. Đến sáng ngày 24/10, Nhân chạy xuống trả xe và lảng vảng xung quanh nhà ông Thường để quan sát tình hình nhằm thực hiện ý đồ trộm cắp.

Chờ thời cơ thuận lợi, khoảng 16 giờ chiều 24/10, Nhân lẻn vào nhà ông Thường. Khi Nhân đang lục lọi tài sản thì bị con út và vợ ông Thường phát hiện, lập tức, Nhân ra tay tại chỗ khiến 2 mẹ con ngã gục tại chỗ. Sau khi gây án, Nhân lột lấy nữ trang của vợ ông Thường, lấy ví tiền, xe gắn máy và chai rượu có trong nhà rồi lấy xe tẩu thoát.

Những chiêu trộm cướp của kẻ gian dịp cuối năm ảnh 1Kẻ sát nhân Châu Minh Nhân gây án tại nhà ông Thường

Trong quá trình sàng lọc, Công an đưa Nhân vào diện nghi vấn số 1. Sau đó, ban chuyên án xác định Nhân đón xe khách đi Vũng Tàu và trong đêm 25/10 quay lại TP.HCM. Đến sáng 26/10, gần 20 trinh sát của Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã “phục kích” sẵn ở một địa điểm trên đường Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp. Khi Nhân vừa xuất hiện, các trinh sát bí mật tiếp cận, khống chế nghi phạm.

Khám xét nơi ở của Nhân, cơ quan Công an thu giữ toàn bộ tài sản nghi can cướp được từ nhà ông Thường nhưng chưa kịp tiêu thụ. Ngoài ra Công an còn thu giữ 19 viên đạn của súng quân dụng và 1 con dao bấm. Hung thủ gây án trong vụ này chỉ mới 20 tuổi.

Trước đó, rạng sáng 24/9, do ảo giác của ma túy và nảy sinh ý định trộm cắp tài sản, Doãn Trung Dũng ở Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh trong một đêm đã lạnh lùng “xuống tay" sát hại cả 4 bà cháu trong cùng một gia đình, vốn có quan hệ họ hàng với mình. Hung thủ dã man cướp đi sinh mạng của cháu bé mới 3 tuổi và cụ già sức cùng lực kiệt.

Xảy ra trước vụ thảm án tỉnh Quảng Ninh một tháng là vụ trọng án ở Hà Nội khiến một tân sinh viên đại học phải bỏ mạng. Cụ thể, rạng sáng ngày 27/8, đối tượng Chu Văn Trường (30 tuổi, quê ở Tuyên Quang) trèo lên cây trồng trước cửa nhà tại ngõ 165 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội và đột nhập vào bên trong ngôi nhà này. Bị anh Nguyễn Quang A (18 tuổi, tân sinh viên Đại học Bách khoa) phát hiện, Trường đã dùng dao lấy được trong nhà đâm chết Quang A.

Trộm chung cư cũng lắm “chiêu”

Theo khai nhận của đối tượng Phạm Bình Minh (SN 1982, ở Thanh Xuân, Hà Nội) mới bị CA Quận Cầu Giấy bắt giữ, Minh luôn chọn thời điểm tờ mờ sáng đến những khu chung cư ở khu vực Nam Trung Yên hoặc Trung Hòa, Hà Nội để trộm cắp tài sản. Minh khai, theo thói quen cũng như nhịp sinh học của con người, khoảng thời gian 4 - 6h sáng là lúc con người ta ngủ say nhất. Những người còn thức vào thời điểm đó thường là người già, người dậy tập thể dục hay có việc phải ra ngoài. Chọn đúng “thời điểm vàng” này, Minh đi bộ từ tầng cao nhất của tòa nhà xuống các tầng kế tiếp.

Hễ thấy cửa phòng nhà nào chủ nhà đi chợ, đi tập thể dục quên không khóa cửa, y lẻn vào nhà trộm cắp tài sản. Đôi khi, Minh còn lẻn cả vào phòng ngủ khi chủ nhân ngôi nhà vẫn say giấc nồng và thản nhiên trộm điện thoại, ví tiền.

Với môi trường sống khá khép kín, có khi giữa hai gia đình ở cùng tầng của chung cư sát vách nhau cũng chẳng biết nhau. Cảnh “đèn nhà ai nhà ấy rạng” giữa các hộ dân sống cùng một chung cư hay một tầng nhà là lý do khiến nguy cơ trộm cắp ở các chung cư trở nên phức tạp.

Trao đổi với PV An ninh Thủ đô, chỉ huy Đội CSHS CAQ Cầu Giấy đánh giá: Những đối tượng trộm cắp tài sản theo thủ đoạn này thường là các đối tượng thường xuyên ra vào chung cư để nắm được quy luật hoạt động của gia chủ, phát hiện sơ hở nhằm đột nhập trộm cắp tài sản. Khi đột nhập, để tránh phát hiện chúng thường ngụy trang bằng nhiều hình thức như đội tóc giả, thay đổi trang phục… để tránh bị nhận ra. Cách đột nhập phổ biến là chui qua các cửa thông gió của nhà vệ sinh vì đây là vị trí ít bị chú ý hoặc cạy phá cửa của những hộ gia đình đi làm vắng nhà.

Chỉ huy Đội CSHS CAQ Hoàng Mai cho biết thêm, các chung cư còn tiềm ẩn những vụ trộm cắp tài sản ở tầng hầm, bởi đây là nơi tập trung rất nhiều phương tiện của cư dân cũng như khách đến chung cư. Qua khảo sát, ở khu vực địa bàn quận Hoàng Mai có hàng chục tòa chung cư, nhưng không phải tầng hầm của tòa chung cư nào cũng được gắn hệ thống camera giám sát an ninh. Đồng thời, cũng không phải tất cả các tòa nhà đều có đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp. Trên thực tế ở địa bàn Hà Nội đã xảy ra rất nhiều vụ trộm cắp tài sản hoặc xe máy trong các tầng hầm. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng BKS giả gắn vào xe máy rồi đi vào tầng hầm gửi xe. Sau khi nhận vé xe, chúng nhanh chóng gỡ BKS giả gắn vào chiếc nào cảm thấy ưng ý rồi phá khóa, điều khiển ra ngoài trả vé. Bảo vệ chung cư chỉ nhìn vé đối chiếu với BKS mà không hề biết rằng chiếc xe chúng vào và khi ra là hoàn toàn khác nhau.

Những chiêu trộm cướp của kẻ gian dịp cuối năm ảnh 2Tầng hầm để xe của chung cư là "địa bàn" mà nhiều kẻ trộm nhắm tới

Người dân phải chủ động phòng tránh

Nhưng vụ án đột nhập cướp của, giết người ngày càng nghiêm trọng, càng về cuối năm càng xảy ra với tần suất nhiều hơn. Nhiều chuyên gia an ninh cho rằng, người dân cần chủ động phòng ngừa để tránh thiệt hại về người và tài sản.

Phân tích về những thủ đoạn thường dùng của bọn trộm, cướp đột nhập, thiếu tá Lê Minh Hải (Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Phòng PC45 - Công an TP Hà Nội) cho biết: Trước khi gây án, chúng thường đến hiện trường để "tăm tia” địa hình. Khoảng thời gian từ 0 -5 giờ sáng thường được chọn để ra tay, vì đó là khoảng thời gian mọi người trong gia đình đã ngủ say.

Hướng đột nhập mà kẻ trộm hay “rình mò” thường là qua cửa sổ, cửa thông tầng, cửa lỗ thoáng, ô thông gió, trèo lên ban công, đột nhập từ cửa tum xuống (vì những cửa nội bộ này thường không kiên cố như cửa chính). Nhiều tên cướp lợi dụng cột điện, cây xanh gần nhà để leo lên và xâm nhập vào từ tầng thượng...

Hầu hết các vụ đột nhập, kẻ gian đều mang theo dao nhọn, dao bấm để cạy phá tủ và làm hung khí để phòng thân hoặc tấn công, khống chế chủ nhà khi bị phát hiện. Tâm lý của bọn tội phạm đột nhập rất sợ bị phát hiện, bắt giữ. Vì vậy, chúng trở nên rất manh động, sẵn sàng tấn công chủ nhà nếu kháng cự hoặc làm chúng cảm thấy nguy hiểm.

Việc chủ động phòng ngừa sẽ vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu thiệt hại trong các vụ trộm đột nhập. Do vậy, các hộ gia đình cần gia cố cửa nhà, kể cả cửa ban công, sân phơi cũng phải chắc chắn và đóng khoá cẩn thận; trước khi đi ngủ, cần kiểm tra kỹ các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng. Các hộ gia đình nên làm tường, rào kẽm gai ngăn chặn việc leo chuyền từ cây xanh, cột điện gần để đột nhập vào nhà; không nên để nhiều tiền mặt, tài sản quý ở trong nhà, nên chia nhỏ tiền và cất ở nhiều nơi. Nếu có, hãy để chúng ở những nơi ít ai ngờ tới nhất.

Cần thường xuyên chia sẻ với các thành viên trong nhà những kỹ năng đối phó với các tình huống trộm đột nhập; dạy cho trẻ khi bị đột nhập phải biết gọi điện báo hàng xóm, công an và người thân, dạy chúng cách mở khoá cửa để thoát hiểm. Phải lưu số điện thoại của người hàng xóm và công an địa phương.

Trong mọi tình huống, khi phát hiện gia đình bị trộm đột nhập, theo các chuyên gia an ninh, ưu tiên số 1 là phải bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của mọi người trong gia đình. Nên nhớ rằng, còn người còn của, đừng tự đặt mình vào gần hơn với nguy hiểm vì tiếc của, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Điều quan trọng nhất là phải cố gắng trấn tĩnh khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong đêm.

Tuyệt đối không nên manh động xông vào tấn công đối tượng để bắt giữ, khi chưa biết chúng có bao nhiêu tên, có những hung khí gì và đã chiếm giữ vị trí nào trong nhà. Khi đó cần khóa chặt cửa phòng ngủ, đánh thức người bên cạnh dậy và thông báo thật khẽ tình hình cho họ biết về mối nguy hiểm đang rình rập bên ngoài...

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
(Ngày Nay) - Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái như phát hành tín phiếu, sử dụng thêm kênh tín phiếu trên thị trường mở (OMO), điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng để ổn định thị trường trước đà tăng nóng của tỷ giá.
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.