Những người bỏ quê ra phố

(Ngày Nay) - Lúc nào lướt qua những khu chợ lao động ở Hà Nội, tôi cũng thấy đông đúc. Từ sáng sớm đến tối mịt, người ta ngồi chuyện phiếm, chơi tá lả hoặc ngủ lăn lóc vì không có việc làm. Dù các cơ quan chức năng thỉnh thoảng có đưa ra những con số lạc quan về tỉ lệ thất nghiệp giảm song những gương mặt quen thuộc tôi gặp vẫn cứ đứng đó, năm này qua năm khác…
Những người bỏ quê ra phố

Giấc mơ giữa lòng Thủ đô

Tôi gặp lão nông Hồng Nhân, quê Nghệ An, thành viên “gạo cội” ở chợ lao động Hoàng Quốc Việt – Bưởi cách đây tròn 3 năm. Hồi ấy, ông mới 60 tuổi mà người ta cứ nghĩ ông phải già hơn chục tuổi so với tuổi thật. Năm nay tuổi đã 63, ông Nhân vẫn đứng đó.

Đôi ba lần tình cờ đi qua dòng người thất nghiệp đứng ngồi ngổn ngang ở đầu đường Hoàng Quốc Việt, tôi vẫn bắt gặp gương mặt hốc hác quen thuộc, đôi mắt không buồn không vui. Ông lặng lẽ, ngơ ngác chờ bán sức lao động để kiếm miếng cơm manh áo. Ông Nhân là một trong những người thất nghiệp có tuổi đời và tuổi nghề lớn nhất với thâm niên hơn 10 năm bám trụ chợ lao động. Ông kể, mấy năm trước, mưa gió bão bùng khổ lắm, đứng chôn chân với chiếc áo mưa xéo xọ trong gió. Năm nay, khu chợ dành cho những người thất nghiệp đã có gầm cầu che chắn vì có đường cao tốc nối Cầu Giấy với cầu Nhật Tân bắc qua. Thế là, gần 50 số phận thất nghiệp ở chợ có… mái hiên.

Những người bỏ quê ra phố ảnh 1Từ sáng đến chiều muộn chưa được ai thuê mướn nhưng ông Nhân vẫn cười

Là trụ cột của gia đình 8 miệng ăn, ông Hồng Nhân phải bỏ quê ra Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Sáu đứa con ông thì 4 đứa ở quê với mẹ, hai đứa đỗ đại học ở Hà Nội thì ông lo. “Nông thôn làm gì có việc, vợ tôi làm ruộng ở nhà cũng phải tranh thủ làm thuê cuốc mướn. Tôi ở ngoài này làm phụ hồ, bốc vác. Hôm được vài ba trăm ngàn, hôm chẳng có gì, có khi đói cả tuần” – ông Nhân vừa rít điếu cày vừa cười. Từ sáng đến chiều muộn chưa được ai thuê mướn nhưng ông vẫn cười. Thất nghiệp quen rồi! Ông chỉ thèm có thú vui tao nhã nào đó để giết thời gian, giúp mọi người ở chợ lao động khuây khỏa lúc nhàn rỗi, chẳng hạn một cây đàn. “Nơi ấy, họ đang sống, cuộc sống yên bình, ai nghèo cũng có cây đàn chapi…” – ông lẩm nhẩm.


Đời con nối tiếp đời mẹ

Những số phận như ông Hồng Nhân ở khắp Hà Nội này không hiếm. Người lao động ở các miền quê đổ xô về Hà Nội - “miền đất hứa” vì người đông, nhu cầu lao động nhiều, kêu gì làm nấy. Ở lâu trong thất nghiệp nên người ta không có nhu cầu tìm việc, trở nên ù lì, thụ động. Ở những khu chợ lao động, không ít thanh niên khỏe mạnh, tuổi chừng 20-30 đứng chơi cả ngày. Họ nói cười, chơi tá lả, mệt thì ngủ ngon lành trên những chiếc chiếu rách tạm bợ.

Chị Minh Hường – một nữ công nhân một khu công nghiệp bị cho thôi việc vì luống tuổi, không đáp ứng được nhịp độ làm việc, vừa gia nhập chợ lao động Mai Dịch. Người ta ít gặp chị vì chị hay đội nón che mặt. Hễ ai cần tìm giúp việc nữ, chị mới lặng lẽ… hở mặt ra. Chị bảo, 3 tháng cuối năm mà việc ít lắm. Không có việc, thanh niên kiếm đủ cách để “moi tiền”. Có những người chơi tá lả giải khuây cũng kì kèo ăn tiền để giành từng đồng của nhau.

Chị đứng ở chợ lao động Mai Dịch, con trai chị đứng ở Phạm Văn Đồng. Cả hai đều là công nhân ở khu công nghiệp nhưng đột ngột bị thôi việc, cả gia sản là… sức lao động và hai bàn tay trắng. Hỏi tại sao chị không làm thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp, chị lắc đầu nói không biết. “Phận công nhân thì làm sao được trợ cấp hả cô? Hai mẹ con tôi vào Hà Nội kiếm tiền những ngày giáp Tết, sau phải kiếm con đường khác, nhiều cạm bẫy lắm” - chị Hường thở dài.

Những con số

Chỉ cần quan sát những khu chợ lao động Hà Nội chưa bao giờ giảm số lượng đã đủ thấy tình trạng thất nghiệp đáng báo động. Nhưng phải đọc những con số thống kê từ cơ quan chức năng mới thấy hết toàn cảnh bức tranh thất nghiệp đang diễn ra.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2016, tổng số người thất nghiệp ở Việt Nam là 1,12 triệu người, chiếm khoảng 2.23%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 - 24 tuổi) quý 1/2016 ước tính là 6.47%. Tỷ lệ thất nghiệp của người từ 25 tuổi trở lên là 1.27%. Thất nghiệp không “chừa” một ai, từ nông dân, công nhân đến sinh viên ra trường có bằng cử nhân, kỹ sư.

Những người bỏ quê ra phố ảnh 2

Rất nhiều phiên giao dịch việc làm được tổ chức nhưng người thất nghiệp vẫn khó tìm thấy việc làm

Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ đại học trở lên là 3.96% và số liệu này đặc biệt cao ở khu vực thành thị. Hầu hết đều ôm giấc mơ nhỏ: Có việc làm, sáng đi làm, tối trở về gia đình. Giấc mơ tưởng giản dị mà quá xa xỉ. Thất nghiệp là một vấn đề gây áp lực lớn đến sự phát triển nhưng việc giải quyết việc làm cho từng ấy con người thất nghiệp không đơn giản.

Nguồn nhân lực của nước ta dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật còn thấp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi có tỷ trọng người có việc làm chiếm tới gần 70% lao động của cả nước.
Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra hết sức vĩ mô như các giải pháp về cơ chế quản lý và thiết chế xã hội: xúc tiến xây dựng việc làm, chống thất nghiệp, xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động quốc gia, phát triển mạng lưới thị trường lao động sang các quốc gia khác…  Trong khi đó, hệ thống đào tạo dạy nghề đơn điệu, chương trình đào tạo nghề ít được cập nhật, gắn với thực tế, sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề lỏng lẻo... Một số chuyên gia nước ngoài còn thẳng thắn nhận định, đào tạo nghề ở Việt Nam chủ yếu học lý thuyết. Một thiếu nữ thôn quê kiên quyết không đi học nghề mà ra đứng chợ lao động vì: “Thời này ai còn đi học khâu vá, thêu thùa nữa, máy công nghiệp làm hết rồi” (!?).

Chừng nào chưa đổi mới và có hướng đi mới trong đào tạo nghề, thì chừng đó còn nhiều lao động nông thôn thất nghiệp bỏ quê ra thành phố. Chừng nào còn thất nghiệp, chừng đó còn nghèo và rất nhiều hệ lụy phát sinh…

Những điều cần biết về trợ cấp thất nghiệp:

Điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp:

Đối với những công nhân, người lao động bị nghỉ việc, muốn được hưởng trợ cấp thất nghiệp cần đáp ứng những điều kiện quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc chết.

Hồ sơ nộp xin bảo hiểm thất nghiệp:

Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định các giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

- Một bản sao Chứng minh nhân dân (xuất trình bản chính để đối chiếu)

- Bản sao có chứng thực hoặc bản chính hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, quyết định thôi việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo đúng pháp luật.

- Sổ bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp (Tờ chốt sổ BHXH số 01 và Bản ghi quá trình đóng BHXH, BHTN-mẫu 07/SBH).

- Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập. (Khoản 1, Điều 17, Nghị định 28/2015). Có thể đi ngay sau khi nghỉ việc hoặc trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

7 điểm tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội:

1, Điểm Yên Hòa (Trung tâm DVVL Hà Nội): 215 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

SĐT: 043.7822.806 (máy lẻ 101,139,305,306)

2, Điểm Bách Khoa (Trung tâm DVVL Hà Nội): E6B Ngõ 33, phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng.

SĐT: 043.869.1401 (máy lẻ 14,28,29)

3, Điểm Long Biên: Số 562 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, Long Biên.

SĐT: 043.674.0595

4, Điểm Sóc Sơn (TT Dạy nghề huyện Sóc Sơn): thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn.

SĐT : 042.2468.928

5, Điểm Đông Anh (Trường Trung cấp KTKT Bắc Thăng Long): thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh.

6, Điểm Hà Đông: Số 134 đường Thanh Bình, phường Mộ Lao, quận Hà Đông.

7, Điểm Sơn Tây (Trường Trung cấo nghề nấu ăn và nghiệp vụ khách sạn Hà Nội): phố Chùa Thông, phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây. SĐT : 043.3833.110

Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.