Ông Đoàn Ngọc Hải lái ôtô riêng bắt 5 xe biển xanh đậu vỉa hè

(Ngày Nay) - Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) yêu cầu lãnh đạo phường ra xử lý khi thấy 5 ôtô biển xanh, trong đó có 2 xe của trung ương đậu trên vỉa hè - trước khách sạn 5 sao.
Xe biển xanh của trung ương bị quận 1 xử lý khi đậu trên vỉa hè.
Xe biển xanh của trung ương bị quận 1 xử lý khi đậu trên vỉa hè.

Trưa 31/3, ông Đoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch UBND quận 1 - lái ôtô riêng qua một số tuyến đường, kiểm tra tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Tại số 4 Tôn Đức Thắng, ông Hải thấy 5 xe biển xanh cùng 7 ôtô khác đậu hàng ngang trên vỉa hè, trước khách sạn 5 sao. Phó chủ tịch quận 1 gọi điện cho lãnh đạo phường Bến Nghé cùng lực lượng đến lập biên bản, yêu cầu tài xế mang xe vào bãi đỗ đúng quy định.

Ngoài 2 ôtô do trung ương quản lý, 3 xe biển xanh còn lại mang biển số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các tài xế cho biết "đậu xe trên vỉa hè chờ lãnh đạo họp trong khách sạn".

"Xe biển xanh vi phạm phải xử lý nghiêm, đơn vị Nhà nước không làm gương để lập lại kỷ cương thì nói ai được", ông Hải nói.

Đoàn liên ngành trật tự đô thị của quận 1 đang tạm dừng xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè để các phường tự làm, song ông Hải thường xuyên lái ôtô riêng đi kiểm tra. Khi thấy những trường hợp đậu xe trái phép, ông gọi điện cho lãnh đạo phường đến xử lý.

Về việc các tài xế cho rằng quận 1 không đủ chỗ đậu ôtô nên phải để xe trên vỉa hè, ông Hải khẳng định "thành phố có thể thiếu nhưng quận 1 không thiếu", bởi các hầm giữ xe của trung tâm thương mại, khách sạn, các bãi xe cấp tạm... thừa sức chứa.

Ông Đoàn Ngọc Hải lái ôtô riêng bắt 5 xe biển xanh đậu vỉa hè ảnh 1Cảnh sát lập biên bản xử phạt một xe biển xanh của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. 

Trước các ý kiến trái chiều về việc đập 2 bậc tam cấp rạp hát Công Nhân hôm 28/3, ông Đoàn Ngọc Hải khẳng định mình là đúng quy định.

"Nguyên thủy, rạp Công nhân chỉ có 3 bậc, sau này họ làm thêm 2 bậc nữa lấn ra vỉa hè. Xem các bản vẽ, cho lực lượng đo lộ giới xác định được phần vi phạm chiếm đến nửa mét nên tôi cho đập bỏ, trả lại hiện trạng ban đầu", ông Hải nói.

Ngoài việc xác định lộ giới, bản vẽ, lực lượng chức năng còn căn cứ vào hình ảnh chụp rạp hát ngày trước để xử lý. "Tôi làm đúng quy định, phía nhà hát cũng không có ý kiến gì. Trừ công trình nằm trong diện bảo tồn, các công trình lâu năm không thuộc diện này nếu lấn chiếm vỉa hè đều bị buộc tháo dỡ", ông Hải tái khẳng định.

Ngay sau khi bị cưỡng chế, đơn vị quản lý nhà hát đã cho láng nền, sửa sang lại để đảm bảo mỹ quan đô thị. Các bậc thềm bị đập cũng không gây ảnh hưởng đến người ra vào.

Nhà hát Công nhân trên đường Trần Hưng Đạo, được đại gia Nguyễn Văn Hảo xây dựng năm 1954-1960 với 1.200 chỗ ngồi. Đây là rạp hát đầu tiên và lớn nhất Sài Gòn, quy tụ những đoàn cải lương nổi tiếng thời đó như Năm Châu, Hương Mùa Thu, Hoa Sen...

Kế hoạch lập lại trật tự đô thị của quận 1 được khởi động ngay sau Tết. Với quyết tâm biến quận trung tâm thành "Singapore thu nhỏ", đoàn liên ngành đã phá bỏ nhiều công trình của cơ quan công quyền, xử phạt hàng loạt ôtô biển xanh... Động thái "mạnh tay" của quận 1 cũng gặp phải nhiều phản ứng của người dân, song ông Hải khẳng định xử lý đúng luật.

Hiện, tất cả các quận huyện ở TP HCM đều triển khai lực lượng chấn chỉnh lấn chiếm vỉa hè.

Nói trong cuộc họp kinh tế - xã hội quý 1, ngày 31/3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc sắp xếp lại trật tự vỉa hè thời gian qua được người dân thành phố đồng tình và đánh giá cao, đặc biệt là tại quận 1. Ông yêu cầu tất cả bí thư, chủ tịch cho đến trưởng công an quận huyện phải vào cuộc chứ không chỉ giao cho "anh phó chủ tịch" làm chuyện vỉa hè.

Theo Vnexpress
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.