Sao cha mẹ phải thúc con học?

(Ngày Nay) - Học sinh vất vả trước mỗi mùa thi đã đành, phụ huynh cùng con trải qua mùa thi cũng căng thẳng chẳng kém. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1.    Chị Nguyễn Thu Thủy – Thanh Xuân, Hà Nội:  Sợ nhất câu hỏi: “Mẹ ơi, nếu con không đủ điểm thì sao?”

Sao cha mẹ phải thúc con học? ảnh 1

Tôi có cậu con trai năm trước thi vào cấp 3. Thú thực con tôi học chỉ ở mức trung bình nên việc chọn trường cho con thi là cả một vấn đề. Con sắp chuyển cấp, áp lực “đè nặng” cả hai mẹ con.

Bắt đầu là việc chọn trường sao cho phù hợp với lực học của con, sau đó đến công cuộc “nhồi nhét” kiến thức và bồi dưỡng, giữ gìn sức khỏe cho kỳ thi. Con thì miệt mài ngày đêm với sách vở đến đờ cả người. Mẹ thì tá hỏa chạy ngược chạy xuôi chở con đi học, mua đồ về nấu bồi dưỡng sức khỏe. Nhịp sống hàng ngày của gia đình tôi gần như đảo lộn theo kỳ thi của con.

Ngoài việc chọn trường đăng ký cho con dự thi, tôi còn phải bỏ công nghiên cứu thêm một số trường dân lập để lập phương án 2 trong trường hợp con không đỗ trường công lập. Có những ngày suy nghĩ đủ mọi phương án vẫn thấy không ổn, tôi thức trắng đêm vì lo. Lo con không được vào trường tốt, lo tương lai của con bị ảnh hưởng. Tôi không lo mình xấu hổ mà chỉ lo con bị bạn bè chê cười, con xấu hổ vì không bằng các bạn… Càng nghĩ tôi càng phải cố gắng nhiều lần. Con thấp thỏm 1, mẹ thấp thỏm 10, nhưng tôi vẫn  thường bình tĩnh trấn an con vì cu cậu thi thoảng lại hỏi: “Nếu con không đủ điểm thì sao”? - Câu nói ấy khiến tôi thương con nhiều hơn. Cuối cùng thì mọi việc cũng ổn thỏa, con đỗ trường như mong muốn, tôi thở phào nhẹ nhõm. Nghĩ lại vẫn thấy “căng như dây đàn”.

2. Anh Nguyễn Kiên – Ba Đình, Hà Nội: Thương con, không thể đứng nhìn con thi trượt

Sao cha mẹ phải thúc con học? ảnh 2

Áp lực thi cử và học hành là chuyện muôn thủa. Ngày nay chuyện chạy đua vào các trường chuyên lớp chọn cũng như có học bạ đẹp, thành tích khủng không còn gì xa lạ nhất là ở những thành phố lớn. Con tôi cũng vậy, gia đình tôi không tránh khỏi được vòng xoay đó. Con học khá hơn một chút là gia đình hướng cho con vào các trường chuyên hoặc ít nhất là lớp chọn của trường, ai chẳng muốn vậy.

Cứ đến mùa thi, ngoài giờ lên lớp, nhà tôi lại chở con đến các trung tâm hoặc các địa chỉ luyện thi uy tín với một đống bài tập và kiến thức nâng cao. Nhiều lúc tôi thấy thương lũ trẻ ngày nay không có thời gian chơi vì lượng kiến thức ở trường khá lớn. Con bạn chỉ thi vào trường thường không có nghĩa là không có áp lực. Bố mẹ nào cũng có những nỗi lo riêng. Đó là nỗi lo làm sao con phải đỗ vào trường công, bắt con thành những chiến binh sỹ tử bởi nhiều phụ huynh mặc định suy nghĩ “Con mà không đỗ thì nhục mặt bố mẹ”. Đã thế, một số trường hợp các con còn phải đi học thêm các cô ở lớp để trau dồi kiến thức cơ bản. Năm nào cứ đến mùa thi của con là nhà tôi lại… mất ngủ, hoang mang. Thương con nên không thể đứng nhìn con thi trượt.

Cùng con “chạy xô” theo mùa thi, định hướng cho con vào các trường đối với những người làm cha mẹ như tôi không hề nhẹ nhàng, như lạc vào mê hồn trận.

3.    Chị Xuân Hương – Cầu Giấy – Hà Nội: Nhìn con gầy đi mà đau lòng vì… sự học

Sao cha mẹ phải thúc con học? ảnh 3

Trưa nắng như đổ lửa, nhìn cảnh các phụ huynh chen nhau đứng vào những mảng bóng râm mệt mỏi đợi chờ đón con, tôi lại nhớ cái cảnh đưa đón con mùa thi: Tranh thủ giờ nghỉ trưa ở công ty sấp ngửa đến trường đón con, về đến nhà ăn cơm vội vã không kịp nghỉ, mẹ con lại leo lên xe để kịp đến lớp học thêm đầu giờ chiều. Trên đường đi mẹ mồ hội túa ra, còn con cứ liên tục va đầu vào mũ bảo hiểm của mẹ vì ngủ gật, nhìn con mà xót xa. Tuổi thơ của bọn trẻ bây giờ là đường từ nhà tới trường và từ trường đến lớp học thêm. Đồ chơi là những cái cặp nặng trĩu trên lưng và những bài toán bài văn mà bố mẹ chúng toát mồ hôi cũng chưa chắc đã làm được.

Nhiều lúc tôi nghĩ, “mặc kệ đến đâu thì đến, chẳng học thêm học nếm gì nữa cho khổ” nhưng rồi lại lo con không theo kịp bạn bè, không đỗ trường này trường nọ. Càng đến ngày thi cử càng thấy thương con, học ngày học đêm, ăn vội vàng, ngủ không đủ giấc, con luôn lo lắng “mẹ ơi hình như con bị tẩu hoả nhập ma học không vào, học xong môn này quay lại môn kia lại thấy mình không thuộc gì”, tôi lại hoang mang sợ con stress. Không biết đến bao giờ ngành giáo dục mới thay đổi, để các con có được tuổi thơ với chơi chuyền, nhảy dây, lò cò , bắn bi...

4.Chị Diệu Trân – Ba Đình, Hà Nội: Không ai hiểu sức học của con bằng chính con

Sao cha mẹ phải thúc con học? ảnh 4

Năm nay, lứa học sinh “Dê vàng” 2003 thi vào lớp 10 tăng đột biến, tăng đến 22.000 học sinh mà số lượng trường lớp thì vẫn thế. Dù Sở GDDT đã quyết định tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh nhưng so với năm trước sẽ có một lượng lớn thí sinh không đỗ, sẽ phải học tại các trường Dân lập hoặc các Trung tâm GDTX. Để con thi đỗ vào một trường Công lập năm nay vẫn là một vấn đề nan giải. Là một phụ huynh có con thi vào 10 năm nay, tôi cũng bộn bề cảm xúc: lo lắng, áp lực, đôi lúc phân vân không biết chọn trường nào cho con để vừa đáp ứng được các tiêu chí như mình mong muốn: Trường tốt, gần nhà, phong trào tốt…vừa chắc chắn con đỗ được.

Tôi thực sự cảm thấy khá lo lắng vì con trai tôi lười học, cô giáo chủ nhiệm đồng thời dạy môn Văn xếp con vào loại lười “bền vững” và học có tính chất đối phó. Tuy vậy, tôi cũng hiểu mỗi con có một sở trường học các môn khác nhau và tính cách khác nhau. Không ai hiểu sức học của con bằng chính các con.

Phương châm của tôi là sức học con thế nào, con sẽ tự chọn trường theo sức học, đồng thời tham khảo tư vấn của cô giáo chủ nhiệm. Tôi cũng không quá kỳ vọng để gây áp lực cho con mà tôi chỉ động viên con có gắng học chăm hơn để có kiến thức vững vàng, nhưng vẫn phải chú trọng vấn đề ăn uống giấc ngủ để con có sức khỏe, tâm lý thoải mái bước vào kỳ thi một cách tự tin nhất. Thêm nữa, để cho con có sự va chạm và rèn luyện tâm lý trong phòng thi, tôi cũng cho con tham gia thi 1 - 2 trường chuyên. Tôi “bắt” con thi thêm để dạy con biết sức mình đến đâu, con sẽ thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.