Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên

Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên

Giữa tháng Năm, các bạn sinh viên K66 Quản Trị Dịch vụ Du lịch và Lữ Hành - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có buổi trải nghiệm hết sức ý nghĩa tại KymViet - một sáng kiến thành viên của Mạng lưới sáng kiến vì cộng đồng NICE (trực thuộc Trung tâm Thông tin UNESCO). Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nâng cao nhận thức vì cộng đồng dành cho đối tượng thanh thiếu niên của NICE Program thông qua giáo dục và trải nghiệm.

________________________

Các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, đang ngày càng dành nhiều sự quan tâm hơn tới các hoạt động xã hội, với mong muốn đóng góp một phần giúp xã hội phát triển tốt đẹp hơn, giúp những cộng đồng thiểu số có thể hòa nhập với cộng đồng. Dựa trên mong muốn này, nhóm các bạn sinh viên đến từ K66 Quản Trị Dịch vụ Du lịch và lữ hành của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đăng ký tham gia buổi trải nghiệm học ngôn ngữ ký hiệu và thăm xưởng thủ công tại KymViet.

KymViet là một trong những thành viên hoạt động năng nổ nhất trong Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng NICE Program, với ba cơ sở hoạt động tại Trung Văn, Võ Chí Công và Nguyễn Đình Thi. Khởi đầu là một phân xưởng sản xuất đồ thủ công từ 2013 của những người khuyết tật, một phần lợi nhuận của những sản phẩm bán ra được sử dụng để xây dựng không gian kết nối cộng đồng KymViet Space. Những vị khách khi ghé thăm nơi đây sẽ "mua" được những trải nghiệm đặc biệt như "lắng nghe" những câu chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu của người điếc và khiếm thính, được tiếp cận với văn hóa điếc, hay được tận mắt chứng kiến sự tỉ mỉ của những người thợ thủ công khuyết tật. Bằng cách này, cộng đồng có thể thay đổi nhận thức sai lệch về người khuyết tật thông qua trải nghiệm và cảm nhận không gượng ép.

Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên ảnh 1
Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên ảnh 2

Trước khi đến với KymViet, các bạn sinh viên vừa háo hức, vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Đây là lần đầu các bạn được tiếp xúc với cộng đồng người điếc. Khi đứng trước quầy gọi nước, các bạn đều ngại ngùng và lóng ngóng khi sử dụng các ngôn ngữ kí hiệu được in trên menu. Tuy nhiên, sau khi nhận được ánh mắt khích lệ của các bạn nhân viên, các sinh viên đã dần tự tin hơn và tỏ ra rất hào hứng với hình thức gọi đồ uống mới lạ này.

KymViet cũng khu trưng bày những sản phẩm thủ công do chính tay những người thợ thủ công khuyết tật tạo ra. Khu trưng bày này đã thu hút sự chú ý của nhóm bạn trẻ và nhận được rất nhiều lời tán dương cho sự tinh xảo, kỳ công của từng sản phẩm.

Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên ảnh 3
Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên ảnh 4

Ở thời điểm các bạn sinh viên đến thăm KymViet, nhân viên tại xưởng đang rất khẩn trương để hoàn thành công việc sản xuất việc may những chú Sao La đồng hành cùng SEA Games 31. Được tạo nên bởi 40 chi tiết khác nhau, Sao La của KymViet đòi hỏi sự cẩn thận và tập trung cao độ.

Ông Phạm Văn Hoài, chủ tịch hội đồng quản trị của KymViet đã trực tiếp chia sẻ với các bạn sinh viên về sự tận tâm của những người thợ: "Những chú Sao La này là linh vật chính thức của SEA Games 31 và đây là một sản phẩm đồng hành, được BTC SEA Games 31 cấp phép cho KymViet sản xuất với độc quyền thiết kế về mẫu. Vì khối lượng công việc lớn, các bạnnhân viên đã chủ động xin Ban Giám đốc đến sớm hơn một tiếng để có thể đẩy nhanh tiến độ". Các bạn sinh viên cũng được nghe giới thiệu về Sao La - linh vật của SEA Games 31. Qua đó, các bạn biết rằng Sao La là loài động vật vô cùng quý hiếm và chỉ còn lại một vài cá thể trong tự nhiên Việt Nam. Ông Hoài cho biết thêm:Đây là hoạt động bên lề, hưởng ứng ngày hội thể thao Đông Nam Á và chúng tôi cũng mong muốn truyền tải thông điệp bảo vệ động vật hoang dã nói chung và với loài Sao La - Kỳ Lân châu Á nói riêng".

Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên ảnh 5

Đại diện của KymViet cũng nhắn nhủ tới các bạn sinh viên cần rèn luyện để có nhiều sức khỏe. Bởi có sức khỏe, chúng ta mới có thể học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc.

Bạn Vi Thị Thùy Trang chia sẻ: "Mình đã từng nghe qua về những dự án tạo việc làm cho người khuyết tật trước khi tham gia trải nghiệm tại KymViet nhưng chưa bao giờ mình được trải nghiệm một cách trực tiếp như hôm nay. Khi đến KymViet, mình khá bất ngờ vì không gian tại đây được bài trí rất tỉ mỉ với những món đồ thủ công bắt mắt, thú vị. Đặc biệt hơn, những món đồ đó được tạo ra bởi sức lao động của các bạn khuyết tật, và đồ uống được pha chế bởi những bạn nhân viên điếc. Chất lượng dịch vụ tại KymViet không thua kém gì những không gian cafe khác, thậm chí mình còn cảm thấy KymViet có phần yên tĩnh và thoải mái hơn. Tất cả mọi người đều tập trung, nghiêm túc làm việc và hoàn thành tốt vị trí của mình".

Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên ảnh 6
Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên ảnh 7

Trong buổi trải nghiệm, các bạn sinh viên cũng lần đầu tiên được tiếp xúc và học ngôn ngữ ký hiệu. Cô Nguyễn Thị Đính, hiện là người phụ trách đội ngũ nhân viên pha chế của KymViet đã trực tiếp giảng dạy cho các học viên từ những điều cơ bản nhất. Các bạn đã được hướng dẫn cách sử dụng bảng chữ cái đặc biệt này để giới thiệu bản thân.

Cô Đính cũng rất nhiệt tình khi hướng dẫn các bạn cách nói ''cảm ơn'', ''bạn xinh lắm'' hay ''hạnh phúc'' bằng ngôn ngữ ký hiệu. Điều này đã khiến các bạn hào hứng và rất nhiệt tình học theo. Cô cũng hướng dẫn cho học viên cách thể hiện tình yêu theo một phong cách mới được tạo nên bởi những ngón tay.

Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên ảnh 8

Bạn Lục Thảo Mai đã chia sẻ cảm nhận của mình sau lớp học ngôn ngữ ký hiệu: "Ban đầu mình thấy rất khó để có thể làm theo kịp các động tác của cô. Bởi đây là lần đầu mình được tiếp xúc với ngôn ngữ đặc biệt này. Nhưng sau đó, với sự giúp đỡ nhiệt tình của cô Đính, mình có thể tự tin giới thiệu bản thân bằng ngôn ngữ ký hiệu được rồi".

Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên ảnh 9

Sau buổi trải nghiệm, nhiều sinh viên đã có những ấn tượng sâu sắc và bày tỏ mong muốn quay trở lại KymViet trong tương lai. Chứng kiến những nhân viên tại KymViet lao động với thái độ hăng say và vui vẻ cùng nghị lực phi thường, các bạn sinh viên đều tìm thấy được động lực để tự mình nỗ lực và hoàn thiện nhiều hơn.

Phạm Nguyễn Quang Minh, lớp trưởng K66 Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cảm thấy rất ngưỡng mộ những bạn nhân viên tại đây. "Việc không nghe nói dường như không trở thành rào cản của các bạn điếc, đặc biệt trong không gian của KymViet. Các bạn ấy có thể pha chế cà phê, và tạo ra những giá trị mà đôi khi người nghe nói bình thường cũng chưa làm được".

Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên ảnh 10

Minh cũng bày tỏ mong muốn góp phần lan tỏa những mô hình kinh doanh này với nhiều người hơn nữa. Các bạn sẽ có những hoạt động truyền thông và quảng bá cho sinh viên trong trường, chung tay đưa cái tên “KymViet” chạm đến thật nhiều người hơn nữa, "Mình tin rằng càng nhiều người biết đến những mô hình kinh doanh nhân văn như vậy, nhận thức của cộng đồng về những người khuyết tật sẽ có sự thay đổi."

Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 6,2 triệu người khuyết tật. Tuy vậy, suy nghĩ của cộng đồng về người khuyết tật vẫn còn nhiều tồn tại: người khuyết tật ăn bám, có quyền dựa dẫm vào gia đình, là người “gánh hạn” của gia đình. Đối với cộng đồng khuyết tật, những định kiến này thậm chí còn là rào cản nhiều hơn cả chính tình trạng khuyết tật của mình, bởi những quan điểm đó sẽ khiến họ tự ti trong giao tiếp xã hội, một số ngừng việc cố gắng sống hoà nhập và tự chủ dù vẫn còn khả năng lao động. Với xã hội, chúng ta có thể sẽ mất đi 6,2 triệu lao động có thể làm việc tại một số ngành nghề phù hợp với khả năng của họ.

Những sáng kiến như KymViet chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc cộng đồng khuyết tật đã và luôn có thể tạo ra được những giá trị quan trọng cho cuộc sống, gỡ bỏ những quan điểm sai lầm vẫn tồn tại bấy lâu. Sẽ cần có thêm nhiều buổi trải nghiệm nâng cao nhận thức tương tự dành cho đối tượng học sinh sinh viên, những chiến dịch lồng ghép yếu tố xã hội-nhân văn vào các chương trình giảng dạy, để cho những sáng kiến phát triển vì cộng đồng như KymViet không “bị bỏ lại phía sau”. Một sáng kiến quan trọng có thể đã bị bỏ dở vì thiếu nguồn lực – thứ mà cộng đồng có thể trao tặng, nhưng lại ở một nơi khác không được biết tới.

Để những dự án cộng đồng đến gần hơn với sinh viên ảnh 11

Chương trình “Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng” (NICE) ra đời với mục tiêu trở thành một nền tảng kết nối cho các sáng kiến. Trên nền tảng này, các sáng kiến xã hội có thể gặp nhau, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực. Họ cũng sẽ gặp được những tình nguyện viên, nhà tài trợ, hay một lực tác động thay đổi số phận.

Lần đầu tiên, một “Quỹ sáng kiến”, thay vì quỹ tài chính, sẽ được thành lập để đưa những điều tốt đẹp ra ánh sáng, trao quyền quyết định nâng đỡ cho xã hội.

Thương Huyền – Quỳnh Hoa

TIN LIÊN QUAN
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
(Ngày Nay) - Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
(Ngày Nay) - Apple đã nỗ lực tách biệt dòng iPhone thường và iPhone Pro để biện minh cho việc tăng giá của dòng Pro mà không làm giảm tiềm năng của dòng cơ bản. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai loại này có thể thay đổi vào cuối năm nay nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy tỷ lệ sinh ở Australia hiện thấp gần như ở mức kỷ lục, cho dù nước này đã áp dụng chính sách “tiền thưởng sinh con” từ cách đây 20 năm (2004) để khuyến khích người dân sinh con nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số. Các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, hệ thống y tế và bản sắc văn hóa của đất nước.
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi đang trở nên đáng báo động với các nước Zambia, Zimbabwe và Malawi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát nguy hiểm nhất ở châu lục trong ít nhất một thập kỷ này, nhất là trong bối cảnh kho dự trữ vaccine phòng tả toàn cầu đã cạn kiệt.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài và Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà tham gia buổi giao lưu, tọa đàm.
70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 16/4, tại Hà Nội, Thư viện Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức giao lưu, tọa đàm với chủ đề “70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên”.
Ảnh minh hoạ.
Xác thực trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư
(Ngày Nay) - Thông tin về triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, đến nay, trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 87,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.