Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu'

Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu'

Đem lại cho công chúng một trải nghiệm mới lạ và ấn tượng thông qua triển lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái Đất” trong khuôn khổ Festival Huế 2022, người sáng lập Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ tình yêu, niềm đam mê vô hạn dành cho hóa thạch và cổ sinh vật học.

______________________

Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu' ảnh 1

Kín tiếng và ít lộ diện trước truyền thông, trong cuộc trò chuyện với Tạp chí Ngày Nay, Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội Nguyễn Xuân Thắng tiết lộ anh đã “bén duyên” với hóa thạch cách đây nhiều năm, khi tìm được hai mẫu hóa thạch Ammonite từ Tây Nguyên. Tháng 7/2019 đánh dấu cột mốc trở thành “fossil hunter” - thợ săn hoá thạch (như anh tự nhận mình) của Thắng. Anh cùng một vài người bạn thực hiện chuyến đi vào Thừa Thiên Huế với mục đích tự khảo sát, tìm kiếm hóa thạch.

Chuyến đi đầu tiên rất khó khăn. Phạm vi tìm kiếm rộng đến cả trăm héc-ta. Hoá thạch không có vị trí tìm kiếm cụ thể. Đoàn tìm kiếm phải đi bộ cả chục ki-lô-mét dưới nắng nóng 40 độ của miền Trung.

Chuyến đi không chỉ mang đến nhiều trải nghiệm mà còn giúp đoàn thu thập được một số lượng lớn hóa thạch Bọ ba thùy (Trilobita - tồn tại cách đây 382 - 323 triệu năm). Kết quả ban đầu không chỉ tạo ra niềm vui mà với riêng Thắng, đó còn là động lực để bước tiếp với đam mê này.

Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu' ảnh 2

Anh tìm cách kết nối với những chuyên gia và người yêu thích Cổ sinh vật học trong nước, vừa để có thêm kiến thức, vừa nhận được sự hỗ trợ của trong quá trình thu thập mẫu vật hoá thạch. Chỉ cho đến khi con số hóa thạch lên đến hơn 10.000 mẫu sau 3 năm, Thắng mới quyết định bước vào “giai đoạn hai”, giới thiệu các hiện vật đến với công chúng.

Anh chia sẻ: Để tìm được hóa thạch ngoài những cơ sở dữ liệu về mặt khoa học còn phải có chữ duyên. Trong chuyến thực địa ở sông Nho Quế (Hà Giang) sau bảy ki-lô-mét đi bộ một mình tôi phát hiện ra một tảng đá chứa hoá thạch Ammonite vô cùng đẹp. Cái khó là tảng đá rất to và nặng cả trăm ki-lô-gam không thể đưa lên nếu không có máy cẩu. Đang loay hoay tìm phương án đưa mẫu vật về thì bỗng nhiên xuất hiện một chiếc xe cẩu chạy ngược chiều trong lúc xung quanh vốn là một con đèo rất ít người qua lại. Vài tiếng đồng hồ mới nhìn thấy một chiếc xe máy của đồng bào đi ngang qua nên việc xuất hiện chiếc xe cẩu lúc bấy giờ với tôi là điều kỳ diệu. Và mẫu hoá thạch đó đã được chở về Đồn Biên phòng Đồng Văn nơi chúng tôi lưu trú trong những chuyến thực địa tại đây.

Có thể nói ngay từ chuyến đi đầu tiên tôi đã bị thôi thúc bởi ý tưởng xây dựng một thiết chế văn hóa. Để thực hiện được điều đó chúng tôi đã trải qua rất nhiều chuyến thực địa thu thập mẫu vật. Từ vùng núi cao nguyên Hà Giang tìm kiếm Bọ ba thuỳ, Tay cuộn hay những loài cá cổ cách nay hàng trăm triệu năm đến những hang động mới ở Quài Nưa (Điện Biên) tìm hóa thạch Voi răng kiếm, Báo hoa mai, Heo vòi, Tê giác, Gấu trúc…Những phát hiện ấy cùng với các mẫu vật khác đã được tìm thấy của Bảo tàng là những hiện vật vô cùng quý giá đối với ngành cổ sinh hiện nay. Riêng đối với mẫu hoá thạch Gấu trúc, đây là phát hiện cho thấy trước đây loài Gấu trúc - một loài gấu vô cùng nổi tiếng trên thế giới, sở hữu riêng của đất nước Trung Quốc - đã từng sinh sống tại Việt Nam. Nhờ dấu vết hóa thạch, chúng ta mới có thêm hiểu biết thú vị đó.

Những trải nghiệm đáng nhớ trong mỗi chuyến đi đến với thiên nhiên khiến tôi thấy lũ trẻ thành phố hiện nay quá thiệt thòi. Các em dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử, bỏ qua những trải nghiệm với thiên nhiên.

Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu' ảnh 3
Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu' ảnh 4

Hồi tưởng về chuỗi ngày “ăn ngủ cùng hóa thạch”, Thắng miêu tả đó là chuyến đi của cả tiếng cười và những giọt mồ hôi. Đặc biệt, nhắc đến những giọt mồ hôi để thấy rằng việc gây dựng được không gian trưng bày giá trị hiện tại không chỉ là con đường trải hoa hồng mà còn rất vất vả và đầy rẫy hiểm nguy.

Sau giai đoạn thực địa tìm kiếm, thu thập mẫu vật là giai đoạn gia công chỉnh lý mẫu vật hoá thạch phục vụ trưng bày. Công việc này là sự kết hợp nhiều mặt giữa các yếu tố kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, khoa học và nghệ thuật cùng kiến thức và sự sáng tạo của người chỉnh lý. Người thực hiện gia công chỉnh lý phải nắm vững các kiến thức cơ bản về phân loại mẫu vật, đặc điểm thạch học, phân biệt được hoá thạch thuộc ngành cổ sinh nào trong phân loại cổ sinh vật học cũng như phân biệt các mẫu hoá thạch thuộc loại đá nào để áp dụng phương pháp thích hợp cho công tác gia công chỉnh lý mẫu nhằm tỉa, tách hoá thạch ra khỏi lớp đá gốc. Việc tách tỉa như vậy giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu sâu hơn về cấu trúc của sinh vật và tiến hành khôi phục lại hình ảnh của sinh vật đó trong diễn trình tiến hoá của sự sống.

Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu' ảnh 5

Có những lúc Thắng và nhân viên bảo tàng phải làm việc gấp 300% sức lực bản thân. Hành trình “săn hóa thạch” đã thay đổi nhiều điều trong đời sống cá nhân mỗi người. Trước đây Thắng là một điển hình cuộc sống của giới cổ cồn trắng. Việc sưu tầm mẫu vật khiến anh quen, rồi dần yêu cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, làm việc chân tay ở môi trường đất đá nhiều giờ liền ngoài trời.

Mỗi khi đến điểm khai quật mới đại diện cho Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội đều liên lạc, chia sẻ kỹ lưỡng với người dân địa phương về ý nghĩa công việc của đoàn. Ở Việt Nam nhiều người cho rằng hóa thạch là một thứ tài sản có giá trị lớn để mua bán, đổi chác nên không ít lần anh và các nhân viên bị chính quyền địa phương, cộng đồng hiểu lầm, gây khó dễ.

Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu' ảnh 6

“Nghe giải thích mọi người phần đa đều ủng hộ, người dân địa phương và cả lãnh đạo chính quyền sở tại. Mọi khó khăn chỉ càng củng cố mong muốn xây dựng một thiết chế bảo tàng trong tôi”, Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.

Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu' ảnh 7

Bên cạnh việc thu thập được số lượng lớn mẫu vật, mỗi hành trình đều để lại dư âm đặc biệt cho Thắng sau khi trở về. Đó là tình cảm, sự tương tác với người dân địa phương ở những nơi đoàn đến làm việc. Với anh, đến bất cứ vùng nào mà chỉ đem hóa thạch từ nơi đó đi, không giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận để biết nâng niu hơn những “thông điệp từ đất đá” thì chuyến đi không thể tính là thành công.

Anh chia sẻ, những buổi khảo sát, thực địa của bảo tàng đều thu hút sự quan tâm của dân địa phương. Không chỉ hỗ trợ đoàn về nơi ăn chốn ở, một số người còn nhiệt tình tham gia cùng tìm kiếm mẫu vật và giữ liên lạc lâu dài với Bảo tàng sau khi đoàn trở về. Khi xây nhà, làm nương nếu vô tình phát hiện ra hóa thạch, họ lại cất đi để tặng cho bảo tàng.

Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu' ảnh 8

“Hóa thạch đã biến tôi thành người thân của bà con đồng bào dân tộc. Mối quan hệ thân tình đến mức lần sau về lại bản tôi như được về với chính ngôi nhà của mình, thoải mái nghỉ ngơi ở đây sau một ngày ngày làm việc vất vả. Những chuyến đi không chỉ mang lại mẫu vật hoá thạch mà còn cho tôi khoảng thời gian quý báu tham gia vào đời sống của người dân trong vùng, ăn những bữa cơm đơn giản cùng họ, cùng họ nấu mật mía cho ngày Tết…”, anh nhớ lại.

Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu' ảnh 9

Ngược dòng thời gian cách đây hơn 100 năm, cổ sinh vật học là một trong những ngành khoa học được quan tâm tại nước ta. Rất nhiều học giả Pháp và châu Âu theo con đường khai thác thuộc địa đã sang Việt Nam nghiên cứu và công bố những phát hiện có giá trị về lĩnh vực cổ sinh vật học tại Việt Nam, phần nào hé mở diễn trình phát triển sự sống trên dải đất hình chữ S.

Là một ngành khoa học cơ bản, cổ sinh vật học hiện nay không nhận được sự quan tâm đúng mức. Các cơ sở giáo dục không còn chú trọng phát triển ngành học này, hệ quả là cánh cửa dành cho người học đang dần khép lại.

“Sinh viên tốt nghiệp ra trường khó tìm công việc phù hợp với ngành học mà vẫn đảm bảo thu nhập cho cuộc sống. Bên cạnh đó, các em có niềm yêu thích với ngành học nhưng chưa thực sự tâm huyết do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan”, anh Thắng nhận định.

Trả lời câu hỏi về việc huy động nguồn lực từ các nhà nghiên cứu, Nguyễn Xuân Thắng cho biết: “Các nhà khoa học trong lĩnh vực cổ sinh vốn là những người khó tính và vô cùng nghiêm túc trong công việc. Để nhận được sự hỗ trợ của những con người tuyệt vời đó chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Có những nhà khoa học chia sẻ rằng họ nhận lời làm việc với Bảo tàng vì nhìn thấy tình yêu và đam mê dành cho hoá thạch của đội ngũ ở đây, điều từ rất lâu nay họ đang tìm kiếm.

Giám đốc Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội: 'Hóa thạch với tôi là tình yêu' ảnh 10

Từ tin đến quý mến rồi đồng hành, các chuyên gia đầu ngành là yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của Bảo tàng theo đúng định hướng về mặt khoa học. Hội đồng cố vấn cho Bảo tàng đã được thành lập với những tên tuổi lớn trong ngành cổ sinh như GS.TS Tạ Hòa Phương, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, TS. Nguyễn Hữu Hùng, TS. Nghiêm Nhật Mai… Tất cả mẫu vật hoá thạch sưu tầm được đều đã được phân loại khoa học theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn các bảo tàng trên thế giới”.

Trong thời gian tới Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội cùng đội ngũ chuyên gia sẽ tiếp tục hành trình sưu tầm, mở rộng các hoạt động nghiên cứu, giao lưu, trưng bày, triển lãm hóa thạch. Cùng với đó là sự ra đời cuốn sách “Tuyệt chủng - Bí ẩn trong lịch sử Trái Đất”. Đây là cuốn sách tiếng Việt đầu tiên được xuất bản phân tích một cách tường tận về hiện tượng diệt vong của sinh giới với nội dung bản thảo là một món quà của GS.TSKH. Tống Duy Thanh và toàn bộ hình ảnh minh hoạ do hoạ sỹ và nhiếp ảnh gia của bảo tàng tổ chức thực hiện.

Những bảo tàng có sưu tập cổ sinh trên thế giới đã có mặt cách đây khoảng 200 năm. Tại Việt Nam, Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội hiện đang là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước được thành lập với sứ mệnh sưu tầm, gìn giữ cho hôm nay và mai sau một dạng tài nguyên thiên nhiên đặc biệt: những hóa thạch - dấu tích của sự sống từ hàng trăm triệu năm về trước. Với hơn 2.000 hiện vật tại triển lãm Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái Đất, công chúng được đắm chìm trong không gian đậm đặc hơi thở của lịch sử tự nhiên. Ở đó, các câu chuyện về nguồn gốc sinh giới trên Trái Đất, về sự ra đời, tiến hóa và diệt vong của những loài sinh vật từng có mặt trên hành tinh xinh đẹp hẳn sẽ đánh thức tình yêu và ham muốn khám phá về cổ sinh vật học nói riêng và thiên nhiên nói chung.

Bài: Nguyệt Linh

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.